Chi phí thụ tinh trong ống nghiệm giảm: Điều may mắn cho người hiếm muộn

Thứ Năm, 26/09/2013, 14:30

Đã hơn 30 năm trôi qua, kể từ khi em bé đầu tiên trên thế giới chào đời nhờ vào phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đến nay, đã có khoảng 5 triệu trẻ được sinh ra bằng cách này, trong đó tại Việt Nam là gần 10 nghìn em. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng từ 5 đến 6 nghìn ca thụ tinh trong ống nghiệm - khoảng 3 nghìn ca được thực hiện tại TP HCM, còn lại là ở một số các bệnh viện khác trong cả nước.

Thoạt đầu, chi phí cho một ca IVF rất đắt. Tại Mỹ, giá của nó là 5 nghìn USD. Tại Anh là 3.500 bảng. Tại Bỉ là 3 nghìn euro còn tại Việt Nam, ca IVF đầu tiên là cả trăm triệu đồng. Hiện tại, nó vào khoảng 30 đến 35 triệu nếu thực hiện ở bệnh viện công, còn nếu làm ở bệnh viện tư, nó dao động từ 40 đến 60 triệu, chưa tính đến các khoản khác như thuốc men, chế độ ăn uống, kiểm tra thai kỳ...

Sở dĩ kỹ thuật IVF đắt như vậy là vì để thành lập một đơn vị chuyên khoa với các thiết bị phục vụ cho việc thụ tinh nhân tạo, phải tốn từ 1 đến 3 triệu euro, trong đó riêng lồng ấp đã là 60 nghìn euro. Sau khi bơm tinh trùng vào trứng, phôi được cho vào lồng ấp chứa khí carbon dioxide khoảng 2 ngày trước khi cấy vào tử cung người mẹ. Điều rắc rối là ít nhất 1 lần 1 ngày, bác sĩ phải lấy đĩa chứa phôi ra khỏi lồng ấp, đưa vào kính hiển vi để theo dõi sự phát triển của phôi rồi sau đó đưa trở lại lồng ấp, dẫn đến nhiệt độ phôi có thể giảm xuống, độ PH có thể thay đổi. Thực tế cho thấy nhiều phôi bị hỏng khi qua công đoạn này.

Tuy nhiên, hiện nay, rắc rối này đã được giải quyết và ngoạn mục hơn cả là chi phí của một ca IVF chỉ còn khoảng 200 euro, nghĩa là 5 triệu đồng Việt Nam nhờ vào kỹ thuật "IVF mới", do một nhóm bác sĩ ở Bỉ, thuộc Viện Kỹ thuật thụ tinh nhân tạo Genk, đứng đầu là giáo sư - tiến sĩ Willem Ombelet, chuyên khoa Sản phụ tại Bệnh viện St.Jans, giảng viên bộ môn y học sinh sản tại Đại học Limburg, Bỉ, phát minh. Đây được cho là một bước tiến rất đáng kể - nhất là với những cặp vợ chồng hiếm muộn ở các nước đang phát triển và những nước nghèo.

Một trong những lý do khiến tiến sĩ Ombelet và các cộng sự thực hiện dự án này là nhằm mục đích có được một phương pháp thụ tinh nhân tạo an toàn, đơn giản hơn và rẻ tiền hơn cho những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng lại không đủ khả năng về tài chính để làm IVF theo cách truyền thống. Ông cho biết: "Tại Bỉ hiện nay, mua sắm thiết bị để làm IVF phải tốn từ 1 triệu đến 3 triệu euro. Giá đó quá cao so với nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Á. Vì vậy chúng tôi nghiên cứu làm sao có thể thiết lập được những phòng IVF với giá chỉ bằng 1/10 giá tại châu Âu".

Theo tiến sĩ Ombelet, quá trình làm "IVF mới" vẫn giống như cách làm truyền thống. Bác sĩ lấy trứng, tiêm tinh trùng nhưng thay vì cho vào lồng ấp, họ cho vào trong một hệ thống gồm hai cái ống, nối với nhau bằng những ống nhỏ hơn, có thể tháo lắp dễ dàng và môi trường thì hoàn toàn giống như trong lồng ấp. Ống thứ nhất được dùng để sản xuất khí carbon dioxide bằng những hóa chất rẻ tiền như acid citric và bicarbonate rồi đưa vào ống thứ hai. Trứng sau khi thụ tinh, sẽ được bơm vào ống. Việc theo dõi sự phát triển của phôi được thực hiện bằng hệ thống kính hiển vi nhìn qua thành ống với thời gian rất ngắn chứ không phải lấy ra ngoài như khi sử dụng lồng ấp.

Nghiên cứu của nhóm tiến sĩ Ombelet bắt đầu từ năm 2012 với các phụ nữ ở độ tuổi dưới 36 và có ít nhất 8 tế bào trứng sẵn sàng thực hiện thụ tinh nhân tạo. Kết quả cho thấy tỷ lệ thành công cũng tương đương như cách làm truyền thống sử dụng lồng ấp. Tỷ lệ thụ thai là 34,8%, tỷ lệ mang thai đến khi sinh là 30,4%, chỉ có một ca sẩy thai sau 8 tuần. Tính đến ngày 31/5/2013, đã có 12 trẻ được sinh ra theo cách bình thường nhờ kỹ thuật IVF mới mà không phải chịu sinh mổ.

Cũng như phương pháp IVF truyền thống, sự thành công của kỹ thuật nuôi phôi trong ống phụ thuộc vào chất lượng của trứng. Tiến sĩ Ombelet cho biết: "Chúng tôi lấy 10 trứng và chỉ cho thụ tinh 1 hoặc 2 trứng. Số còn lại để dành. Nhưng ở các nước đang phát triển, các bác sĩ thường lấy 2, 3 hoặc 5 trứng rồi chọn ra trứng tốt nhất vì có thể họ không có đủ điều kiện để bảo quản. Nói về chất lượng, phương pháp sử dụng ống thay vì lồng ấp của chúng tôi đã cho thấy nó rất hiệu quả. Phôi phát triển tốt không kém gì so với cách làm IVF thông thường".

Với kỹ thuật IVF truyền thống, mỗi ngày phôi phải lấy ra khỏi lồng ấp để theo dõi sự phát triển.

Với những kết quả khả quan này, các nhà khoa học Bỉ đang chuẩn bị để đưa kỹ thuật IVF mới vào áp dụng cho các nước nghèo và các nước đang phát triển. Nó bao gồm việc xây dựng một phòng làm IVF đơn giản, không có lồng ấp và các thiết bị đắt tiền khác, và sẽ hoàn thành vào cuối năm nay. Theo tiến sĩ Ombelet, thậm chí nó có thể xây dựng ngay trong… nhà bếp mà không cần đến máy lọc khí hoặc máy điều hòa nhiệt độ. Việc thụ tinh nhân tạo sẽ được tiến hành ngay tại đó để chứng minh nó hoàn toàn có thể áp dụng trong các điều kiện thiếu thốn. Tiếp theo, nước Bỉ sẽ tiếp nhận các bác sĩ từ các nước nghèo và các nước đang phát triển đến để tập huấn miễn phí.

Tiến sĩ Ombelet nói: "Chi phí cho một phòng làm IVF theo kỹ thuật mới chỉ khoảng 100 nghìn euro, và 1 ca IVF là khoảng 200 euro. Nếu một phụ nữ ở Bỉ muốn làm IVF thì phải trả khoảng 3.000 euro mỗt lần, nhưng do bảo hiểm y tế thanh toán. Và họ có thể làm từ 6 đến 10 lần. Nhưng ở các nước nghèo, 3.000 euro có khi là cả một gia tài. Vì thế, hạ thấp xuống còn 200 euro - khoảng 5 triệu đồng Việt Nam - là mục tiêu hàng đầu của chúng tôi".

Ngay sau khi những thông tin về nghiên cứu này được công bố vào tháng 7 vừa qua tại một hội nghị về thụ tinh nhân tạo, tổ chức ở London, Anh, đã có những bác sĩ sản khoa ở một số nước hoan nghênh kết quả nghiên cứu trên. Tờ USA Today ngày 23-8 trích lời một bác sĩ ở Ai Cập cho biết, tại Ai Cập, phụ nữ vẫn phải chịu áp lực rất lớn về khả năng có con. Vì thế, nếu kỹ thuật IVF mới được áp dụng rộng rãi thì đó sẽ là một điều được tất cả các cặp vợ chồng hiếm muộn trông đợi.

Ngay tại Anh, nơi chi phí làm IVF với một cặp vợ chồng có thể lên tới hơn 3.500 bảng Anh, các bác sĩ cũng đang thúc giục chính phủ cho phép thực hiện kỹ thuật này. Ở Nam Phi, Uganda, Kenya, Somali…, nhiều bác sĩ sản khoa đang nóng lòng chờ đến ngày Viện Nghiên cứu sinh sản Genk thông báo về việc tập huấn kỹ thuật IVF mới.

Tại Việt Nam, nhiều bác sĩ chuyên ngành thụ tinh nhân tạo cũng rất phấn khởi trước thông tin này. Một bác sĩ hiện đang công tác tại Bệnh viện Hùng Vương, cho biết: "So với mặt bằng chung, thì giá của một ca IVF thực hiện tại TP HCM cũng như nhiều nơi khác trong nước vẫn còn khá cao và không phải bệnh viện nào cũng làm được. Vì thế, nếu kỹ thuật IVF mới được chuyển giao, những cặp vợ chồng hiếm muộn nhưng nghèo, sẽ có quyền hy vọng"

Hòa Cao (tổng hợp)
.
.