"Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"...

Thứ Ba, 20/10/2020, 22:00
Có châm ngôn nói rằng, trong cuộc sống, nếu có thước đo nào chính xác về con người hơn là qua điều anh ta làm, thì đó là qua điều anh ta cho đi. Có một người phụ nữ với gương mặt đẹp, nụ cười luôn trên môi, luôn mang lại cho người đối diện cảm giác ấm áp, sẻ chia.

Chị cũng nguyện sẽ dành cả cuộc đời để đi làm từ thiện, kêu gọi những người cùng chí hướng dành thời gian, tâm sức mang những niềm vui nhỏ tới những người có hoàn cảnh khó khăn, những số phận bi thương, đưa một bàn tay nâng họ dậy, kéo họ lên, cho họ một việc làm để họ có thể tự kiếm tiền bằng sức lao động, lo bản thân và gia đình.

Chị là nữ doanh nhân Nguyễn Kim Thúy, một người phụ nữ mạnh mẽ nhưng đầy ân cần, tự tin nhưng đầy trắc ẩn. Chị đã tâm niệm cả một đời hướng theo chánh pháp, trao đi những tâm đức, thiện nguyện và mong cầu sự an lành cho cuộc đời.

Chị Kim Thúy tặng quà tết trung thu cùng các cháu thiếu nhi.

Nguyễn Kim Thúy sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, là con gái của anh hùng lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Gia Thảo, Tổng Giám đốc Xí nghiệp Giày da Hải Phòng, một doanh nhân khá nổi tiếng từ những năm 80 của thế kỷ XX, lãnh đạo xí nghiệp thuộc loại lớn nhất của ngành giày da ở miền Bắc thời đó, chuyên gia công cho Tiệp Khắc.

Cuối thập niên 80, do ảnh hưởng từ khách quan, xí nghiệp giày da Hải Phòng phải đóng cửa do không còn đơn đặt hàng từ Tiệp Khắc. Ông Nguyễn Gia Thảo với tinh thần năng động, sáng tạo không chịu khoanh tay trước tình cảnh khó khăn, đã tận dụng cơ hội Nhà nước chủ trương thu hút đầu tư nước ngoài, tìm được đối tác Đài Loan, Trung Quốc để thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh.

Khoảng đầu năm 1990, ông Nguyễn Gia Thảo đến gặp Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác và đầu tư (SCCI) để xin hợp tác với Đài Loan, Trung Quốc. Nhờ hợp tác có kết quả nên xí nghiệp của ông Thảo không những đã vượt qua được giai đoạn khó khăn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động với mức thu nhập hàng tháng ổn định mà còn tích lũy được vốn, đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng.

Chị Thúy kể lại, chị là một người con được cha tin tưởng, sống gần cha và những chú bác cùng thế hệ cha mình, chị đã ảnh hưởng từ họ tính thương người và mong muốn làm việc thiện. Chị vẫn còn nhớ, từ khi bắt đầu khôi phục được sản xuất của xí nghiệp, ông đã chăm lo đời sống của người lao động, trợ giúp những gia đình gặp khó khăn, có việc hiếu hỷ, tham gia hoạt động từ thiện ở địa phương và ở các tỉnh khác bằng những khoản tiền hoặc hàng hóa tiêu dùng cá nhân, vật liệu xây dựng.

Khi ông qua đời ở tuổi 70, dòng người đến viếng ông đứng dọc dài theo con phố để tỏ lòng biết ơn và tiễn đưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Chị Nguyễn Kim Thúy kế tục sự nghiệp của ông Nguyễn Gia Thảo - người cha thân yêu của mình gây dựng nên thương hiệu mới - Tập đoàn Đỉnh Vàng sản xuất giày dép, va ly và túi xách, có nhà máy tại Hải Phòng và một số tỉnh phía Nam, tạo việc làm cho hơn 30.000 lao động, trong đó có 80% là nữ.

Lễ khởi công xây cầu Từ Tâm miễn phí tại Mỏ Cày, Bến Tre.

Chị Thúy là người mộ đạo, tin vào thuyết nhân quả “ở hiền gặp lành”, thường xuyên tham gia các tổ chức xã hội hoạt động từ thiện để giúp đỡ những công nhân, người lao động đang gặp khó khăn.

Chị Thúy rong ruổi suốt những năm tháng cuộc đời trên những cung đường từ thiện, người phụ nữ nhỏ bé và nhanh nhẹn này đã dành nhiều năm tháng qua để đóng góp một phần không nhỏ giúp cho những người nghèo khổ vươn lên trong cuộc sống, giúp những người có hoàn cảnh bất hạnh được trở lại với cuộc đời, xây nhà tình nghĩa, xây trường học cho trẻ em vùng sâu vùng xa, giúp đỡ người dân vùng bị thiệt hại do bão lụt, hỗ trợ vốn cho các gia đình khó khăn, tặng quà cho các nạn nhân chất độc màu da cam...

Chị thay mặt Tập đoàn Đỉnh Vàng tổ chức lễ trao tặng và bàn giao 4 ngôi nhà tình nghĩa tặng các gia đình: ông Hoàng Văn Thanh, bà Nguyễn Thị Mừng, ông Nguyễn Văn Lớn và ông Lương Văn Vị ở huyện Văn Yên (tỉnh Yên Bái). Chị Thúy cũng đại diện cho nhóm từ thiện Từ Tâm cùng nhóm Sen Từ Tâm lớp 12A1 (1982-1985) trường Ngô Quyền, Hải Phòng về ấp Đất Mới, xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh, thành phố Cần Thơ để làm lễ khánh thành cây cầu Từ Tâm 08. Đây là cây cầu từ thiện thứ 8 do nhóm Từ Tâm vận động và tài trợ cho dân nghèo các tỉnh miền Tây phục vụ đi lại cho hơn 1.000 người dân; các cây cầu trước đó được xây tại Đồng Tháp, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre...

Chị cũng thường xuyên tổ chức chương trình từ thiện tại các bệnh viện như Bệnh viên Tâm thần Hải Phòng, Hội Chữ thập đỏ Thiện Giao là nơi nuôi dưỡng các cháu con các cựu chiến binh bị ảnh hưởng của chất độc da cam, thăm và tặng quà các cụ già tại trung tâm bảo trợ cụ già cô đơn không nơi nương tựa, các cháu thiếu nhi tại Làng trẻ mồ côi Hoa Phượng...

Đặc biệt, có trường hợp em Trần Thanh Phương bị tàn tật do nhiễm chất độc da cam tại xã Mỹ Hiệp Sơn, huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang được doanh nhân Nguyễn Kim Thúy nhận hỗ trợ nuôi đến hết đời.

Chị Kim Thúy thăm hỏi, động viên công nhân xưởng may.

Doanh nhân Nguyễn Kim Thúy tâm sự: "Là một người phụ nữ Việt Nam, tôi hiểu câu ca dao "Bầu ơi, thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn" từ tấm bé, thuở còn trong vòng nôi của mẹ. Và tôi càng thấm thía điều này khi trưởng thành, lập nghiệp và chịu bao nhiêu thăng trầm trong cuộc sống, để có một ngày hôm nay, tôi lại được quay trở lại cuộc đời để giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm và bất hạnh, để biết ơn cuộc đời như câu hát "Sống trên đời sống cần có một tấm lòng".

Trong cuộc đời, mỗi người đều có một số phận khác nhau, tôi là người có những may mắn hơn những người khác, có được một công việc để đam mê, có được một con đường để đi và nỗ lực làm việc thật tốt để mỗi ngày qua đều có ý nghĩa. Tôi trộm nghĩ rằng, mỗi người chúng ta có ý thức sống thật tốt, làm nhiều việc thiện, việc có ích cho xã hội thì xã hội của chúng ta sẽ ngày càng trở nên tốt đẹp hơn.

Chị Nguyễn Kim Thúy cùng công ty của mình, đang tạo việc làm cho 30.000 công nhân lao động, xuất khẩu để mang tên Việt Nam sánh với các cường quốc năm châu từ thương hiệu của mình. Trải qua trên 25 năm xây dựng và phát triển, chị cho rằng, có được điều này là do nền tảng gia đình cùng sự năng động của chị và người chồng yêu thương.

Chị kể lại: Cha chị là một người con trai phố cổ Hà Nội. Tuổi thơ ông đã phải chứng kiến những tháng năm sóng gió của đất nước. Năm 1946, giống như bao gia đình Hà Nội yêu nước khác, gia đình ông đã tản cư ra vùng kháng chiến ở Phú Thọ, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Những tháng ngày sống ở vùng kháng chiến đã tôi luyện lòng dũng cảm và ý chí quyết tâm góp phần giải phóng đất nước.

Năm 1951 cậu bé 15 tuổi Nguyễn Gia Thảo tham gia Thiếu sinh quân ở Sơn La, một năm sau đó đơn vị hành quân sang nước bạn Lào chiến đấu, do còn nhỏ nên Nguyễn Gia Thảo được gửi về địa phương, tiếp tục sống tại vùng kháng chiến cùng gia đình. Năm 1955 hòa bình lập lại, Nguyễn Gia Thảo cùng gia đình trở về Hà Nội, bắt đầu từ đây, Nguyễn Gia Thảo đến với nghề làm giày. Sau khi học nghề giầy, Nguyễn Gia Thảo đã từng vào làm việc tại Xưởng quân nhu Gia Lâm, Hợp tác xã Cộng Lực, Nhà máy giầy Thụy Khuê.

Với sự ham học hỏi và tinh thần sáng tạo không ngừng nên không lâu sau (năm 1960), Nguyễn Gia Thảo đã đạt được tay thợ giầy bậc 5/7. Cũng vào thời gian này chàng thanh niên trẻ Nguyễn Gia Thảo nghe tin ở Hải Phòng có nhà máy da giày xuất khẩu do Chính phủ Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng. Hải Phòng là thành phố có lợi thế cảng biển, giàu truyền thống ngành nghề, là nơi ngành giầy có điều kiện phát triển. Niềm đam mê nghề nghiệp đã dẫn dắt người con của đất Thăng Long ngàn năm văn hiến chọn đúng nơi để phát huy tốt tay nghề và phấn đấu trưởng thành.

Chị Kim Thúy cùng các phật tử phóng sinh cầu bình an.

Tháng 8-1960 Nguyễn Gia Thảo xin vào làm việc tại Xí nghiệp Da giày Hải Phòng (tiền thân của Công ty Da giày Hải Phòng), dường như cả sự nghiệp của ông đã gắn bó với nơi đây. Vốn là một con người ham học hỏi, chăm chỉ rèn luyện tay nghề, luôn hết mình vì công việc, vì tập thể, năm 1964 ông đã vinh dự được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Từ một công nhân trực tiếp sản xuất ông đã phấn đấu trưởng thành và được và được cấp trên tin tưởng giao phó các chức vụ: Tổ phó, tổ trưởng sản xuất, Bí thư Đoàn thanh niên - phó ngành, Bí thư chi bộ Đảng - trưởng ngành sản xuất, Phó quản đốc, Đảng ủy viên - Quản đốc phân xưởng, thường vụ Đảng ủy - Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Xí nghiệp (tháng 1-1984) và sự phấn đấu không mệt mỏi đã đưa ông đến một vinh dự và đồng thời một trách nhiệm nặng nề, tháng 12-1992 Nguyễn Gia Thảo nhận nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy - Tổng Giám đốc Công ty Da giày Hải Phòng.

Nói về người cha yêu thương, chị Thúy xúc động với những gì ông đã làm được cho ngành da giày cũng như sự ảnh hưởng lớn tính nhân văn của ông đối với người con gái và con rể trong quan điểm sống nhân ái ở cuộc đời. Chị Thúy vẫn bảo rằng, "một cánh én nhỏ chẳng làm nên mùa xuân", làm từ thiện là việc đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của tất cả mọi người vì bên cạnh chúng ta còn rất nhiều người sống trong hoàn cảnh khó khăn, còn nhiều cảnh ngộ éo le, bi đát.

Dù một hay hai cá nhân có điều kiện đến mấy cũng không thể tự giải quyết được mà cần sự đồng lòng của toàn xã hội để "góp gió thành bão" lan tỏa yêu thương. Mỗi người với một viên gạch thì với nhiều người chúng ta sẽ có được bức tường lớn vì một đất nước Việt Nam vững mạnh, đoàn kết. Chị cho rằng, quan trọng không phải chúng ta cho đi bao nhiêu, mà là chúng ta dành bao nhiêu sự yêu thương để cho đi, đó là châm ngôn mà cả cuộc đời, chị Kim Thúy và gia đình đã tâm niệm. Bởi như cụ Nguyễn Du từng viết: "Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"...

Thiên Kim
.
.