Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Kun-hee: “Hãy thay đổi tất cả, trừ vợ và con”

Thứ Tư, 08/01/2014, 15:20

Mới đây, tác giả Ji Pyeong Gil đã cho ra mắt cuốn sách “Lee Kun-hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung”, khắc họa chân dung và những thăng trầm trong cuộc đời của vị chủ tịch một trong những tập đoàn hàng đầu thế giới hiện nay. Công bằng mà nói, Lee Kun-hee là người có công lớn nhất trong việc thúc đẩy Samsung trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc. Và vị chủ tịch khiến mọi nhân viên dưới quyền bất ngờ khi tuyên bố: “Thay đổi tất cả, trừ vợ và con”.

Ông bắt đầu cứu Samsung bằng cách... không đến công ty. Làm việc tại nhà, không nghe điện thoại, không tiếp khách, Lee buộc các cấp dưới phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm.

Thế nhưng, tiền bạc nhanh chóng biến máu đào thành nước lã. Như một lẽ thường, song hành với tiền bạc thì sự tranh giành lợi ích giữa các thành viên gia tộc âm ỉ từ lâu đang bùng lên tới đỉnh điểm trở thành mối hận thù. Lee Kun-hee liên tiếp vướng vào các vụ kiện chống lại chính anh chị em của ông tại tòa, liên quan tới chuyện chia tài sản. Và chuyện này được dự đoán sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới cả con đường phát triển của Tập đoàn Samsung, thậm chí còn gây tác động không nhỏ đến cả nền kinh tế Hàn Quốc.

Vực dậy cả tập đoàn

Là con trai thứ ba trong gia đình có ba người con trai, từ khi sinh ra, Lee Kun-hee vốn không được định trước sẽ trở thành lãnh đạo của cả Tập đoàn Samsung khi cha ông qua đời. Nhưng định mệnh đã xui khiến hai người anh trai làm mất niềm tin của cha ông và Lee Kun-hee đột nhiên được lựa chọn trở thành người thừa kế. Cũng từ đây những trang mới trong cuộc đời ông bắt đầu mở ra.

Năm 1987, ông Lee chính thức tiếp quản Samsung, đối mặt với thực trạng các sản phẩm chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nước và bị "lép vế" khi xuất khẩu sang một số thị trường khó tính hơn như châu Âu hay Mỹ bởi chất lượng thấp dù giá thành rẻ mạt. Ông còn phải đối mặt với "căn bệnh Samsung", vốn ám chỉ sự lãng phí, thiếu kế hoạch và thiếu triệt để trong hoạt động của tập đoàn.

Lee Kun-hee vô cùng sửng sốt trước nội dung các báo cáo về những góc khuất của tập đoàn, trong đó phải nhắc tới việc Samsung từng không phân biệt nổi vi mô (micro) và vĩ mô (macro). Và nếu tình trạng này không sớm được khắc phục, Samsung chắc chắn sẽ sụp đổ nhanh chóng.

Các bản báo cáo này cùng với một vài vụ việc phát sinh đã gây ra cú sốc lớn cho Chủ tịch Lee Kun-hee. Một trong số đó là sự kiện "dao cạo máy giặt", vụ bê bối lớn về quy trình sản xuất máy giặt kém chất lượng của Samsung.

Tiếp đó, tháng 1/1993, Lee Kun-hee đã bàng hoàng đến tái mặt khi cùng một số giám đốc phụ trách ngành điện tử của Samsung tiến hành chuyến thị sát tại một khu bán đồ điện tử ở trung tâm thành phố Los Angeles. Tại vị trí trung tâm của khu thương mại này trưng bày rất nhiều sản phẩm của các thương hiệu lớn, nhưng riêng các sản phẩm của Samsung lại bị xếp vào xó xỉnh một cách không thương tiếc. Như vậy đã đủ để Lee Kun-hee thấy được vị trí của Samsung thực sự yếu kém trên thị trường, và ông quyết tâm không để tình trạng này kéo dài lâu hơn nữa.

Lee Kun-hee bắt đầu thực hiện một loạt những cải cách thay đổi. Ông khởi động chiến dịch "tân trang" cách thức làm việc của Samsung bằng quyết định... không đến công ty. Làm việc tại nhà ở ngoại ô Seoul, kiên quyết không nghe điện thoại và tiếp khách, Lee Kun-hee muốn buộc các quản lý cấp dưới phải tự ra quyết định và chịu trách nhiệm trước các quyết định đó.

Ông cũng nổi tiếng với câu nói: "Các anh hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con", khi quyết tâm thay đổi phong cách điều hành, làm việc và kinh doanh của Samsung. Lee Kun-hee đã giải thích cặn kẽ về tầm nhìn chiến lược mà Samsung cần phải tiến tới. Đặc biệt, những cuộc họp thuyết trình về triển vọng mới của Samsung của Chủ tịch Lee theo thống kê kéo dài tổng cộng 800 giờ đồng hồ, thường bắt đầu vào 20 giờ và kết thúc vào 2 giờ sáng ngày hôm sau.

Chưa hết, Lee đã dành hai tháng mỗi năm đi khắp các chi nhánh của Samsung trên thế giới, từ London đến Osaka để trực tiếp truyền đạt khát vọng thay đổi đến từng lãnh đạo dưới quyền. 350 giờ thuyết giảng của Lee trong hai tháng ấy sau khi được ghi chép chiếm hết 8.500 trang giấy.

Riêng năm 1993, ông mang theo đội ngũ 1.800 người bao gồm các nhân viên và nhiều lãnh đạo của Samsung đi tới các "cứ điểm" chính của tập đoàn trên toàn thế giới như Los Angeles, Tokyo, Frankfurt, Osaka hay London. Ông muốn "khai nhãn" cho cấp dưới thấy rằng thế giới đã thay đổi ra sao và Samsung đang ở đâu trên vũ đài quốc tế.

Những chính sách thay đổi nổi tiếng

Ông đưa ra tuyên bố kinh doanh mới của Samsung với mục đích: Hãy bỏ qua số lượng để tập trung cho chất lượng - một phát pháo hiệu mở ra cuộc đại cách mạng đổi mới toàn bộ tổ chức Samsung. Có thể nói, tuyên bố này chính là hồi chuông cảnh tỉnh những con người Samsung đang tự hài lòng với hiện tại, yên phận với vị trí số 1 của Samsung tại thị trường Hàn Quốc và dương dương tự đắc chẳng khác nào "ếch ngồi đáy giếng".

Trong 5 năm từ 1994 đến 1999, Lee Kun-hee triển khai chương trình "gieo hạt giống" của Samsung cho kế hoạch đánh chiếm thị trường thế giới. Mỗi năm, Samsung chọn ra 400 người trẻ tuổi có ít nhất 3 năm kinh nghiệm, nhét vào tay họ một nắm tiền và tung đội ngũ này ra nước ngoài trong một năm, mặc cho họ đi đâu, làm gì thì tùy. Ông Lee hy vọng đội ngũ hạt giống này có thể trở về với hiểu biết và kinh nghiệm sâu sắc về thị trường bản địa mà họ tới "nằm vùng", trở thành chủ lực cho chính sách "tập đoàn toàn cầu, thấu hiểu địa phương" của Samsung.

Lee Kun-hee liên tiếp vướng vào kiện tụng với anh trai, chị gái và nhiều cá nhân khác.

Trong số những thay đổi nổi tiếng, Lee Kun-hee từng đưa ra "quy tắc 7.4" rất nổi tiếng: Đi làm 7 giờ sáng và ra về lúc 4 giờ chiều. Mục đích lớn nhất của ông chính là cho nhân viên về sớm để có thời gian đầu tư, phát triển chính bản thân mình. Phát triển từ cá nhân sẽ làm nên phát triển của toàn thể công ty.

Chưa hết, ông còn cho in sách về các chính sách mới của tập đoàn, gọi đó là "thánh kinh của Samsung". Với những công nhân đọc viết không thông thạo còn được nhận một phiên bản vẽ theo phong cách... truyện tranh nhằm diễn giải dễ hiểu các gạch đầu dòng quan trọng của các chính sách mới.--PageBreak--

Lee Kun-hee còn biến Samsung thành một trường học khổng lồ đào tạo đội ngũ quản lý cấp cao cả trong và ngoài nước. Khi các học viên thực tập ở nước ngoài, Lee cấm họ không được di chuyển bằng máy bay mà phải sử dụng các phương tiện đường bộ như ôtô, tàu, xe bus để cảm nhận rõ ràng hơn văn hóa nước sở tại. Đến tận bây giờ, các trung tâm phát triển nhân lực của Samsung đóng ở Hàn Quốc vẫn tiếp nhận khoảng 50.000 học viên mỗi năm. Công cuộc "luyện quân" của Samsung kéo dài suốt nhiều thập niên đến bây giờ vẫn không hề có dấu hiệu "lão suy".

Cách ông dùng tiền để vực dậy Samsung có thể khiến mọi người ngỡ ngàng. Lee Kun-hee đã từng mạnh tay chi 100 triệu USD để nghe giảng 68 ngày ở Nhật, trong khi doanh thu của Samsung trong cả năm đó là 38 tỉ USD với lợi nhuận là 300 triệu USD. Nghĩa là trong năm đó, ông đã dùng 1/3 lợi nhuận vào việc nghiên cứu phát triển tập đoàn.

Ông không tiếc tiền khi theo học các chuyên gia, đôi khi còn phải vay tiền để học. Ông muốn biến kiến thức mà các chuyên gia tích lũy cả chục năm thành của riêng. Khi đã quen với các chuyên gia, ông cũng biết được các mối quan hệ của họ và vô tình có thể gia nhập vào hàng ngũ của những chuyên gia giỏi.

Khó tránh kiện tụng vì quá giàu

Hết mình vì sự tồn vong của Samsung, nhưng Lee Kun-hee đâu ngờ rằng mâu thuẫn tiền bạc đang âm thầm cháy trong chính gia đình. Dư luận Hàn Quốc từng đặc biệt chú ý theo dõi việc ông Lee bị anh cả là Lee Maeng-hee kiện lên tòa án, đòi trả 17 triệu cổ phiếu (tương đương 714 tỉ won) trong hai công ty của người em Lee. Chưa hết, người chị Lee Sook-hee cũng kiện đòi chia tài sản mà bà có quyền được hưởng thừa kế, bao gồm gần 3 triệu cổ phiếu (200 tỉ won) từ Công ty Samsung Life Insurance của Lee.

Được biết, Samsung Life Insurance là công ty bảo hiểm nhân thọ lớn của Hàn Quốc và là công ty thành viên của Tập đoàn Samsung. "Giậu đổ bìm leo", vụ kiện thứ ba đã được đệ lên tòa bởi một số thân nhân khác, trong đó có con của người anh trai thứ hai (đã qua đời năm 1991) của ông Lee Kun-hee đòi một phần nhỏ cổ phần của Samsung Life. Bởi thế chỉ trong vòng hơn một tháng năm 2012, người giàu nhất Hàn Quốc liên tục nhận được 3 trát kiện đòi chia tài sản.

Lý do mà cả hai người anh chị em của Chủ tịch Lee đưa ra là họ có quyền thừa hưởng một phần tài sản thừa kế từ người cha Lee Byung-chull đã sáng lập ra Tập đoàn Samsung vào năm 1938. Theo hai người thì sự nhập nhèm của Lee Kun-hee bắt nguồn từ một lượng cổ phiếu  thuộc quyền sở hữu của ông Lee Byung-chull trước đây được đứng dưới tên đi mượn người khác. Năm 1987, khi ông Lee Byung-chull qua đời, Lee Kun-hee lên nắm quyền  đã bí mật chuyển số cổ phiếu này với giá trị 3,8 tỉ USD sang sở hữu của ông. Khi lục soát tài sản, cơ quan chức năng phát hiện ra số cổ phiếu này nằm trong quỹ đen của ông.

Theo bà Lee Sook-hee: "Đáng lẽ ra Chủ tịch Lee Kun-hee phải thông báo cho toàn bộ anh, chị em chúng tôi biết về số cổ phiếu này. Đằng này, ông lại giấu nhẹm và tìm cách sang tên hợp pháp để sở hữu toàn bộ. Điều này là không thể chấp nhận được".

Đây không phải lần đầu Lee Kun-hee dính dáng vào kiện tụng. Tháng 10/2005, một phiên tòa ở Seoul đã quy kết ba con gái của Lee Kun-hee đã bí mật mua trái phiếu công ty thấp hơn giá trị thường. Vụ việc trên xảy ra, bắt đầu từ năm 1996, đem lại 93 triệu USD cho gia đình ông Lee.

Chưa hết, ông tiếp tục bị điều tra tội bí mật tài trợ cho các ứng viên tổng thống trong mùa bầu cử 1997. Samsung cũng từng bị Mỹ quy kết tội kinh doanh gian lận và bị phạt 300 triệu USD. Đỉnh điểm là năm 2008, Lee Kun-hee bị kết tội trốn thuế và án tù 3 năm. Song năm 2009, ông được Tổng thống Hàn Quốc ký lệnh ân xá và năm 2010, ông trở lại cương vị Chủ tịch Samsung.

Với những vụ kiện liên quan tới thừa kế, ngay trong phản ứng đầu tiên, ông Lee đã khẳng định vấn đề thừa kế đã được giải quyết từ lâu và sẽ "không nhả ra lấy một xu". Theo ông, đây không phải một cuộc ganh đua công bằng và các anh, chị ông quá tham lam bởi "miếng bánh" Samsung giờ đã quá lớn. Theo giới phân tích, tuyên bố của Lee cho thấy sự dịch chuyển của ông từ chỗ phòng thủ sang hướng tấn công. Ông đã chỉ định một cố vấn cùng Samsung lập một đội chuyên gia pháp lý gồm 6 luật sư nổi tiếng nhằm giúp ông xử lý vụ kiện.

Một vài người cũng cho rằng, những tuyên bố mạnh của ông Lee về kiện tụng là nhằm tránh việc bị đẩy vào thế phòng thủ bị động và lấy lại danh dự. Ngoài ra, Lee Kun-hee phải lấy lại thế chủ động còn bởi ông lo ngại kết cục của vụ kiện có thể ảnh hưởng tới cấu trúc lãnh đạo của Samsung. Rõ ràng, các đơn kiện liên quan tới cổ phiếu của một số công ty con nòng cốt trong tập đoàn. Việc mất đi cổ phiếu sẽ cản trở Lee Kun-hee trong việc trao lại quyền lãnh đạo cho con trai. Đó là điều ông không bao giờ mong muốn…

Trần Quân - Việt Dũng - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.