Chung tay gây dựng lá chắn vì cộng đồng
Thật ý nghĩa khi trong công tác phòng, chống dịch bệnh có sự chung tay góp sức của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, văn nghệ sĩ và người dân trong cộng đồng. Đó chính là những nghĩa cử ấm tình người trong cơn đại dịch, như tạo thành lá chắn yêu thương bảo vệ cộng đồng.
Chung sức cùng cộng đồng
Những ngày này, câu chuyện nữ doanh nhân chân đất Trần Thị Bích Thủy (huyện Lạng Giang, Bắc Giang) ủng hộ 50 tấn gạo chống dịch nhận được nhiều lời ngợi ca. Ít ai nghĩ rằng người phụ nữ giản dị, cả đời đi chân đất này lại là giám đốc một công ty chuyên về sản xuất, vận tải, thương mại và xuất nhập khẩu.
Càng khâm phục hơn khi mới đây bà Thủy đã ủng hộ 50 tấn gạo (tương đương 600 triệu đồng) cho công tác phòng dịch. Số gạo này được mua từ nguồn trích lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp và được phân bổ về 2 cụm cách ly của tỉnh Bắc Giang, khu vực cách ly theo dõi sức khỏe tập trung của tỉnh Lạng Sơn và Bệnh viện Quân y 5 - Cục Hậu cần (Quân khu 3) ở TP Ninh Bình.
Cùng với nỗ lực của các cán bộ, nhân viên ngành y tế, Chính phủ, sức lan tỏa về ý thức và trách nhiệm với cộng đồng trong mùa dịch được bắt đầu từ những tấm lòng như thế.
Nhóm thiện nguyện tặng vật tư y tế phòng dịch cho Đồn biên phòng Y Tý, tỉnh Lào Cai. |
Thời dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất và kinh doanh đã phải cắt giảm tối đa chi phí trong vận hành bộ máy. Thế nhưng, các tập thể và cá nhân đó vẫn ưu tiên thực hiện trách nhiệm với cộng đồng. Người dân cảm thấy ấm lòng khi biết thông tin một tập đoàn lớn đã tặng 5 tỷ đồng hỗ trợ Bộ Y tế trong việc triển khai đồng bộ các biện pháp kiểm soát và ngăn chặn dịch. Sau đó, nhiều doanh nghiệp khác cũng đã đồng lòng chung sức chiến đấu với bệnh dịch.
Tính đến ngày 14/3, tổng số tiền mặt các doanh nghiệp ủng hộ đã lên đến 30 tỷ đồng. Ngày 16/3, Quỹ Phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã tiếp nhận thêm hàng chục tỉ đồng hỗ trợ từ các doanh nghiệp trên cả nước.
Không chỉ có tiền mặt mà những vật dụng cần thiết trong công tác chống dịch như khẩu trang y tế, nước rửa tay, cồn sát khuẩn, bộ đồ chống dịch, nhiệt kế, máy monitor theo dõi bệnh nhân cũng đã được nhiều doanh nghiệp trao tặng số lượng lớn cho các bệnh viện, khu cách ly. Đã 10 ngày qua, người dân ở khu vực cách ly phố Trúc Bạch nhận được nhiều sự ủng hộ của các cá nhân, doanh nghiệp. Lương thực, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu được chuyển đến hằng ngày giúp họ yên tâm hơn khi vẫn có đủ nhu yếu phẩm cần thiết để duy trì cuộc sống thường nhật.
Ngày 11/3, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã nhận 1 triệu ly sữa (tương tương 8 tỷ đồng) từ một doanh nghiệp để hỗ trợ cho những người đang bị cách ly, theo dõi vì dịch COVID-19. Cả những bộ kít phát hiện nhanh SARS-CoV-2 cũng được một doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu nhằm rút ngắn thời gian xét nghiệm, nhanh chóng ứng phó với dịch bệnh.
Không chỉ chung tay ứng phó với dịch bệnh trước mắt mà những nhiệm vụ lâu dài cũng được quan tâm khi một tập đoàn có tiềm lực kinh tế đã tài trợ khoảng 20 tỷ đồng cho 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19.
Không chỉ các doanh nghiệp mà cả người dân cũng góp sức mọi lúc mọi nơi. “Dịch bệnh là điều không ai muốn, qua cơn hoạn nạn mới thấu hiểu lòng nhau. Một miếng khi đói bằng một gói khi no, các bạn hãy nghĩ mình là công dân thành phố đáng sống này, mình yêu thành phố này, xin hãy đóng góp nhẹ nhàng như “cho đời chút ơn”. Đó là những lời tâm sự của ông Phạm Thanh - người chỉ nhận mình là “một người Đà Nẵng” như bao người dân khác ở quê ông.
Ông Thanh tha thiết kêu gọi các doanh nghiệp và doanh nhân Đà Nẵng hãy đóng góp tấm lòng xây dựng Quỹ “Vì một thành phố đáng sống” để hỗ trợ cho các cơ sở y tế, trung tâm cách ly tại thành phố Đà Nẵng. Nói là làm, ông Thanh đã bỏ tiền túi ra ủng hộ 100 triệu đồng để góp phần đẩy lùi dịch bệnh.
Cho đến thời điểm này, công cuộc chống dịch đã và đang nhận được sự ủng hộ ngày càng nhiều hơn, mạnh hơn từ cộng đồng. Việc một tập đoàn bỏ ra số tiền lớn để tài trợ 3 dự án nghiên cứu ứng phó nhanh với dịch COVID-19 không dừng lại ở việc hỗ trợ trước mắt mà còn là sự đầu tư lâu dài mang tín chiến lược, giúp Việt Nam có thể dự liệu và chủ động ứng phó với dịch bệnh.
Tinh thần đẹp lan tỏa Vbiz
Do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều live show dừng tổ chức, thị trường biểu diễn ảm đạm, các ca sĩ vì thế vuột mất nhiều show diễn. Tuy nhiên, trái với không khí âm nhạc trầm buồn đó là tinh thần sôi nổi đồng hành cùng công cuộc phòng chống dịch của các nghệ sĩ.
Ca sĩ Erik, Nhạc sĩ Khắc Hưng và ca sĩ Min - bộ ba tạo nên thành công của ca khúc chống dịch “Ghen cô Vy”. |
Với việc cùng 2 người bạn tài trợ thiết bị máy móc để thiết lập 3 phòng điều trị cách ly áp lực âm tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Quảng Ninh (chi phí khoảng 650 triệu đồng/phòng), Hà Anh Tuấn là nghệ sĩ đầu tiên công bố đóng góp để phòng chống dịch COVID-19.
Ca sĩ này xem đây là việc mình phải làm và quan trọng là có cơ hội được đóng góp sức mình vào công cuộc chống dịch của đất nước. Với anh, lúc thuận lợi hay khó khăn, việc được sống, trải nghiệm và chia sẻ cùng cộng đồng và quê hương là một vinh dự.
Nghệ sĩ Tùng Dương và Phạm Thùy Dung cũng đứng ra kêu gọi quyên góp được hơn 1 tỷ đồng, bao gồm tiền mặt và giá trị hiện vật trong chương trình chung tay với cộng đồng phòng chống dịch COVID-19. Cuối ngày 15/3, tổng số tiền và hiện vật mà nam ca sĩ nhận được là gần 1,1 tỷ đồng. Nam ca sĩ chia sẻ: “Thật hạnh phúc vì nhận được sẻ chia của những người bạn, trong lúc này thì số tiền và vật dụng quyên góp trị giá nhỏ tới lớn của từng cá nhân đều có ý nghĩa rất lớn”.
Hồ Ngọc Hà, Chi Pu, Tóc Tiên... cũng là những ca sĩ đang có những hành động thiết thực góp sức vào cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc, PGS. Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho rằng, đừng nghĩ thế hệ trẻ chỉ biết hưởng thụ và xa rời đời sống xã hội. Ngược lại, người trẻ luôn nhạy cảm và có trách nhiệm trước những biến cố của dân tộc. Các nghệ sĩ trẻ được công chúng yêu mến, những việc làm của họ có độ lan tỏa, sức ảnh hưởng để nhân lên những hành động có ích cho cộng đồng.
Do vậy những lời kêu gọi chung tay quyên góp luôn nhận được sự hưởng ứng tích cực. Điều đó làm chúng ta tin tưởng và kì vọng ở những nghệ sĩ trẻ. Không chỉ đóng góp về vật chất, nghệ sĩ còn tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho cộng đồng thông qua những dự án âm nhạc.
“Cùng rửa tay xoa xoa xoa đều/ Hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng/ Và hạn chế đi ra nơi đông người" - những ca từ giản dị, dễ hiểu và chân thực cùng giai điệu vui nhộn của ca khúc “Ghen cô Vy” đã trở thành hiện tượng quốc tế thời điểm này.
Không chỉ thể hiện thành công ca khúc “Ghen cô Vy”, ca sĩ Min còn đóng góp 10.000 chiếc khẩu trang và 500 chai nước rửa tay cho Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để hỗ trợ các y bác sĩ và bệnh nhân bảo vệ bản thân trong mùa dịch. Giọng ca "Ghen cô Vy" còn kêu gọi mọi người giữ gìn sức khỏe, cùng nhau chung tay vượt qua đại dịch.
Để lá chắn thêm vững chắc
Để phát huy sức mạnh tập thể thì câu chuyện “của cho và cách cho” cũng đáng để mỗi người chúng ta phải suy ngẫm. Nhiều người băn khoăn rằng họ muốn ủng hộ cộng đồng chống dịch COVID-19 nhưng do kinh phí có hạn nên họ không biết ủng hộ bằng cách nào.
Lực lượng chức năng cung cấp thực phẩm miễn phí cho người dân tại khu cách ly ngõ 165 Cầu Giấy. |
Về vấn đề này, anh Trung Lê - Trưởng Câu lạc bộ Sẻ chia sự sống Hà Nội cho rằng mọi hình thức hỗ trợ đều đáng quý trong thời điểm này. Tùy theo khả năng, điều kiện đều có thể đóng góp thiết thực vào việc chống dịch, mỗi hành động nhỏ đều mang ý nghĩa lớn lao.
Chẳng hạn một nhà thuốc trở thành cơ sở phát khẩu trang, nước muối và cồn sát khuẩn miễn phí cho người dân. Hay một hiệu thuốc bán khẩu trang y tế với giá gốc và phân phối đều khẩu trang cho người dân khi chỉ bán tối đa mỗi người 1 hộp. Việc làm của họ thực sự là một hình ảnh đẹp, đậm tình người, đặt lợi ích cộng đồng lên trên lợi nhuận. Đó cũng là cách để cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.
Một công ty sản xuất sữa tại Việt Nam không chỉ tặng sữa cho các y bác sĩ, cán bộ và người bị cách ly trong nước mà còn tương trợ sữa cho các bệnh nhân và y bác sĩ tại tâm dịch Vũ Hán. Đó là sự cụ thể hóa tinh thần hữu nghị quốc tế lan tỏa trong cộng đồng, xã hội. Gần đây có doanh nghiệp đã tặng 100.000 khẩu trang cho 33 trung tâm y tế thuộc 7 tỉnh biên giới phía Bắc.
Nhưng ở quy mô nhỏ hơn, kinh phí ít hơn, chúng ta vẫn có thể lên thăm các đơn vị bộ đội biên phòng ở biên giới Việt - Trung. Những ngày này, họ phải lập các chốt sát biên giới để sàng lọc và cách ly người nghi nhiễm bệnh. Với họ, chiếc khẩu trang, găng tay, nước rửa tay, những hộp thuốc dù số lượng ít ỏi thôi cũng trở nên quý giá và thiết thực trong thời điểm này.
Để lá chắn thêm vững chắc thì việc quản lý, điều phối và sử dụng nguồn hàng, nguồn tiền được tài trợ nhất thiết phải công khai, minh bạch và hiệu quả. Những dự án vì cộng đồng luôn phải đặt vấn đề trách nhiệm đi đôi với chất lượng. Phải xây dựng quy chế kiểm tra giám sát và có cơ quan giám sát dự án đó. Có như vậy thì mới tiếp tục huy động được mọi nguồn lực của xã hội, khơi dậy được tinh thần tương thân tương ái từ cộng đồng.
“Sức mạnh dân tộc được nhân lên” Công cuộc chống dịch đang vô cùng khó khăn. Nhưng cũng chính ở mặt trận nóng bỏng này lại thu hút được nhiều nguồn lực của xã hội để đẩy lùi bệnh tật. Bàn luận về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc cho rằng, phong trào đóng góp cả về vật chất và tinh thần xuất phát từ sự đoàn kết toàn dân. Trước những biến cố của dân tộc, thì ý chí quật cường, tinh thần đồng nhất lại trỗi dậy mạnh mẽ. Việc phải đối phó với dịch bệnh COVID-19 vừa là thách thức, vừa là cơ hội để người với người xích lại gần nhau, thêm tin cậy và gắn bó. Những ngày này, sức mạnh dân tộc được nhân lên và thể hiện rõ nét ý chí chiến thắng dịch bệnh. |