Nhà báo Phương Vũ, con trai nhà văn Tô Hoài:

“Chúng tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho cuộc chia ly này”

Thứ Ba, 15/07/2014, 12:35

“Đối với tôi, ông là một người thầy lớn, một người cha khiến chúng tôi tự hào. Ông là người chẳng bao giờ áp đặt cho con cái mà chỉ định hướng cho con những điều tốt nhất để con lựa chọn. Sự ra đi của ông đã để lại một khoảng trống vô cùng lớn trong ngôi nhà thân yêu cũng như trong cuộc đời của mỗi chúng tôi…” - Anh Phương Vũ, con trai của nhà văn Tô Hoài chia sẻ với phóng viên Chuyên đề ANTG.

Căn nhà số 21 Đoàn Nhữ Hài nưng nức mùi khói hương và những giọt nước mắt tiễn đưa. Bà Nguyễn Thị Cúc, người vợ đã gắn bó cùng nhà văn Tô Hoài trong suốt cả cuộc đời, ngồi lặng lẽ bên chiếc ghế nhỏ đối diện với bàn thờ ông, đôi mắt đỏ au, những giọt nước mắt ngậm ngùi, chắt chiu trên gương mặt đã phủ đầy thời gian.

Bà khóc không thành tiếng, run run giọng kể: "Hôm thứ bảy tôi nói với ông (nhà văn Tô Hoài) là tôi về quê một chút ông nhé, quê ngay gần đây mà, rồi tôi lên. Tôi vừa lên đến nơi thì đứa cháu bảo, ông phải vào viện cấp cứu. Tôi hoảng quá, bảo nó chở vào thăm ông. Nó bảo ông không sao. Tôi vẫn nghĩ ông vào viện như mọi lần rồi về. Một lúc sau có điện thoại, nó chở tôi đến bệnh viện thì ông đã đi rồi. Tôi sờ trán ông, thấy lạnh teo. Ông tệ thế chứ, bỏ người ta đi chẳng cho người ta gặp phút nào…". Giọng nói của bà như nghẹn lại.

Bà cứ ngồi như vậy trên chiếc ghế gỗ, phía sau là những tấm ảnh gia đình, những tấm ảnh ông bà chụp cùng nhau trong những dịp kỷ niệm, bà ngồi kể về ông, tiếp đón những người họ hàng đến thăm hỏi không hề mệt mỏi. Người phụ nữ Hà Thành đẹp nổi tiếng, người đã bén duyên với nhà văn Tô Hoài và đi trọn với ông cả cuộc đời, để lại phía sau tất cả những lùm xùm, những nỗi vui buồn hờn ghen vì người chồng hào hoa, một tay chăm bẵm gia đình, con cái để ông rong ruổi với số phận những trang viết của mình.

Anh Phương Vũ, người con trai út của nhà văn Tô Hoài trầm tĩnh hơn, những giọt nước mắt của anh lặn vào trong, đôi khi nghẹn lại, chỉ rơm rớm nơi khóe mắt đủ để anh biểu lộ niềm tiếc thương vô hạn tới người cha yêu thương của mình. Những ngày này, từng giờ khắc của anh đều dành để lo cho hậu sự của nhà văn Tô Hoài. Ông ra đi quá nhanh, nhanh ngoài sức tưởng tượng của gia đình. Những thực phẩm anh mua để nấu cháo cho cha anh vẫn vẹn nguyên trong bếp, cả chiếc áo ông thường mặc vẫn treo trên móc áo.

Anh bảo: "Ông có tiêu chuẩn ở nghĩa trang Mai Dịch, nhưng khi còn sống, ông bảo tìm chỗ nào để sau này có thể đặt mộ của bà cạnh bên, ông mới an lòng. Vậy là cả nhà thống nhất đưa ông về nghĩa trang Thanh Tước. Thực sự trong thâm tâm tôi đến bây giờ vẫn chưa hết bàng hoàng, vì tôi không nghĩ đến chuyện ông ra đi nhanh đến vậy. Mấy tháng nay, tôi xin nghỉ làm việc ở báo Người Hà Nội để ở nhà chăm sóc ông. Hôm chủ nhật, tôi thấy đường ăn xông của ông có chút máu nên lo ngại, mặc dù ông vẫn hoàn toàn tỉnh táo, nên đưa ông vào Bệnh viện Việt Xô cấp cứu, xét nghiệm máu thấy lượng cali trong máu cao đến mức độ báo động.

Điều này thì tôi biết vì ông mới ra viện hai tuần, thời gian qua ở nhà chúng tôi cũng đã điều trị bệnh này cho ông. Bác sĩ đề nghị chuyển sang phòng hồi sức cấp cứu. Khoảng 15 phút sau mạch đập thấp quá. Bác sĩ chỉ định tiêm cho ông. Nhưng tiêm xong thì ông bị co giật và ông đi. Thực sự cả gia đình tôi đều xác định rằng, ông đã có tuổi rồi, lại cũng mang trong mình nhiều căn bệnh của tuổi già và việc ra đi là sớm muộn, thế nhưng sự ra đi này quá đột ngột, chúng tôi chưa chuẩn bị tinh thần cho cuộc chia ly này".

Anh Vũ kể rằng, gần đây, dù không nói được nhiều, nhưng cha anh vẫn quan tâm đến thế sự, đến tình hình Biển Đông, chuyện văn chương, tác phẩm... Anh vừa phối hợp với Phương Nam Book in cho ông bộ tuyển tập sách Tô Hoài gồm 50 cuốn, bộ sách được in từ những bản thảo cũ, mới, có những cuốn lần đầu tiên xuất bản từ những tập bản thảo đã có 40 năm trước của ông. Bản viết tay giấy mực đã nhòe, đã mờ hết chữ, phải đoán, có những trang phải viết lại rồi đọc cho ông nghe và ông duyệt mới được sử dụng. Anh Vũ bảo, điều khiến anh nể phục ông là dù mang trong mình nhiều bệnh như tiểu đường, u tiền liệt tuyến, suy thận phải chạy thận lọc máu nhưng ông vẫn cực kỳ minh mẫn, nhớ những chuyện cách đây 70 năm về trước.

Cho đến nay, bản thảo của ông còn có hàng chồng, chủ yếu là những trang bản thảo viết tay, ghi chép từ những chuyến đi chứ chưa thành tác phẩm trọn vẹn, nhưng cứ nhắc đến tác phẩm nào là ông nhớ như in tác phẩm đó. Tôi hỏi anh Vũ, gần gũi với ông nhiều, anh có bao giờ thử lý giải vì sao nhà văn Tô Hoài đi nhiều, làm nhiều chức vụ như Phó tổng thư kí Hội Nhà văn Việt Nam, rồi Chủ tịch Hội Văn nghệ Hà Nội nhưng ông vẫn có bề dày tác phẩm đáng nể?

Anh chia sẻ: Tôi là người được đi theo ông nhiều, đi từ nhỏ đến lớn, tôi nhận thấy rằng, ông là người rất coi trọng văn hóa đọc và ghi chép. Bất cứ đi đâu, ở đâu mọi lúc, mọi nơi ông cũng có thể đọc và ghi chép. Tôi nhớ có lần tôi đi theo ông sang Bungaria, buổi sáng hai cha con ăn sáng uống cà phê, trò chuyện được một lúc thì ông ngồi đọc sách, ông không còn quan tâm đến thằng con trước mặt nữa, hỏi gì thì cụ trả lời thôi. Ông hay ghi chép, ghi từng chi tiết mà ông đọc được, nhớ được hay nghĩ ra được. Tốc độ viết từ ý tưởng nhận biết đến việc chuyển tải trên giấy của ông cực kì nhanh. Chính vì thế ông có nhiều sách. Với ông, mọi câu chuyện của đời sống, mọi chuyến đi đều có thể là chi tiết của một cuốn sách nào đó.

Chẳng hạn, trong một chuyến đi nước ngoài khác, vào buổi sáng tôi với ông đến một nông trang chơi, tôi chỉ nhớ được mang máng, đến chiều khi đang làm việc này việc kia tôi đã thấy ông ghi chép thành một tập các câu chuyện ở nông trang buổi sáng. Lúc nào ông cũng làm việc được. Ông đi họp ngồi trên bàn chủ tịch, vừa lắng nghe cuộc họp vừa viết về những chuyện dở dang trong cuốn sách của ông. Nhiều cuốn sách của ông đã hoàn thành trong tình trạng ấy là bình thường. Ông nói quan trọng nhất từ khi cầm bút viết văn ông đã xác định đã là một nghề, mà đã là nghề thì phải theo đuổi, nhất là nghề cầm bút, điều thứ hai ông nói, văn chương văn học thơ ca hay báo chí cũng thế, cái quan trọng là đọc và viết song hành, kể cả bỏ đi.

Danh họa Nguyễn Sáng vẽ nhà văn Tô Hoài năm 1964.

Đến những ngày cuối cùng ông vẫn dành ra thời gian để đọc và viết, theo đúng nghĩa là những thứ lăng nhăng, như điều ông từng tâm niệm: "Tôi nghĩ người ta sống phải có một cái nghề nhất định. Ai cũng phải có nghề có nghiệp. Viết lách cũng là một nghề như bao nghề khác, chả phải cái gì thiêng liêng ghê gớm. Cốt là anh phải tinh thông và chăm chỉ. Viết là khó, là nặng nhọc. Trong khi đi chơi không khó. Đi ngủ càng dễ chịu. Trong ba cái đó thì ai chẳng thích đi chơi và đi ngủ. Tôi cũng thế. Nhưng vì đã xác định là làm nghề nên phải rèn luyện hàng ngày. Ngày nào cũng ngồi vào bàn, dù bài hay bài dở thì tôi vẫn cứ viết. Hầu như lúc nào tôi cũng ở trạng thái viết, viết đủ thứ thượng vàng hạ cám", nếu không chuyên cần mà chỉ chờ vào điều "chẳng may" hoặc "bất chợt" có một bài văn, bài thơ, truyện ngắn nào đó thì không bao giờ thành công được.

Nhà văn Tô Hoài từng khẳng định, với ông ngoài viết văn vì niềm đam mê và một phần cơ bản là vì tiền nhuận bút, nếu ông không viết "Vợ chồng A Phủ" thì đến nay làm gì có căn nhà ở Đoàn Nhữ Hài. Căn nhà này được mua bằng nhuận bút của truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ". Thời kỳ ấy, ông cùng bộ đội và nhân dân bước vào chiến dịch Tây Bắc, giải phóng tỉnh Sơn La, Lai Châu và Hoàng Liên Sơn (cũ). Ông kể lại rằng, bước đường hình thành câu chuyện cùng với nhân vật, tư tưởng nhân vật song hành với chiến dịch cho đến khi kết thúc thắng lợi thì ông cũng viết xong. Có nghĩa là câu chuyện "Vợ chồng A Phủ" đã xây dựng được bằng mắt thấy tai nghe và cảm nghĩ về những con người và sự việc ấy trong cuộc chiến đấu giải phóng quê hương của các dân tộc thiểu số anh em ở biên giới Tây Bắc.

Nhà văn Tô Hoài cũng khẳng định rằng, sở dĩ ông viết thành công "Vợ chồng A Phủ" là do trong những năm tháng ấy, ông đã từng sống cùng những khó khăn gian khổ với các dân tộc anh em, có những khó khăn tưởng không vượt qua được. Phải có tấm lòng thiết tha và công phu lắm thì ông mới cầm bút viết "Vợ chồng A phủ".

Cũng chính nhà văn Tô Hoài đã chuyển thể "Vợ chồng A Phủ" thành kịch bản điện ảnh (đạo diễn Mai Lộc, Hoàng Thái), với hai diễn viên chính: Trần Phương (A Phủ) và Đức Hoàn (Mỵ). Lấy bối cảnh vùng Tà, Nghĩa Lộ, Yên Bái trước cách mạng, nhà văn Tô Hoài từng quay lại vùng Tà Xùa, Hồng Ngài, Nghĩa Lộ cùng đoàn làm phim "Vợ chồng A Phủ". Cũng chính ông đã viết ca từ cho "Bài ca trên núi" để nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm nhạc phim "Vợ chồng A Phủ"), là một trong những ca khúc đầu tiên trong nhạc phim của điện ảnh Việt Nam. "Ơ... Đầu trời có sao chiều sao sớm/ Đầu núi kia có ớ ơ... hai người/ Dù đi cùng trời dù đi khắp núi/ (Ơ... Rừng chiều có tiếng khèn ai đó/ Khèn hát lên những lời mong chờ/ Đường đi về rừng đường đi xuống núi)/ Trời chỉ có sao sớm sao chiều/ Núi chỉ có hai người, hai người yêu nhau...".

Có thể nhận thấy, một trong những mảng đề tài mà nhà văn Tô Hoài gắn bó, đấy chính là mảnh đất Hà thành nơi ông sinh ra và lớn lên. Ngay cả khi là Chủ tịch hội Nhà văn Hà Nội, rồi Tổng biên tập Báo Người Hà Nội, nhà văn Tô Hoài vẫn được bầu làm tổ trưởng khu phố của hai nơi ông sống là làng Nghĩa Đô và phố Đoàn Nhữ Hài. Ông là người gần gũi, hòa đồng với tất cả mọi người. Có lẽ, bởi gần gũi với đời sống, tường tận những ngóc ngách của cuộc đời nên những trang văn của nhà văn Tô Hoài đã cuốn người đọc vào những điều mà khi đọc ông, người ta mới cảm nhận được.

Ông là người trân trọng những ký ức và quá khứ đã đi qua. Khi đặt tên cho các con, cũng là tên những địa danh ông đã đi qua và gắn bó: tên ba người con gái Đan Hà, Đan Thanh, Sông Thao là tên của những địa danh ở Phú Thọ. Cũng như cái bút danh Tô Hoài của ông cũng là từ ghép của quê bố ông ở Thanh Oai, Hà Đông (cũ), quê mẹ làng Nghĩa Đô, bên bờ Tô Lịch, thuộc phủ Hoài Đức. Ông lấy bút danh Tô Hoài cũng là bởi vậy (Tô là sông Tô, Hoài là phủ Hoài Đức). Ông từng kể lại rằng, nhà nghèo nên ông chỉ học hết tiểu học, rồi tự học Quốc văn, Pháp văn.

Nghề viết văn, với ông, như một năng khiếu thiên phú, ông lại là người được đi nhiều, giỏi quan sát và hành văn, nên tác phẩm của ông phần lớn đươc thai nghén trong các chuyến đi đó: "Thuở đầu đời, 13 tuổi, tôi làm thơ viết truyện ngắn, truyện cổ tích, kiểu như Ông giàu bà giàu viết về vùng Kẻ Bưởi, in trên Tiểu thuyết thứ bảy. Năm 16, 17 tuổi viết Dế Mèn. Tôi cùng sáng tác với Nhà xuất bản Tân Dân 93 Hàng Bông, rồi nhà Truyền Bá, thuộc Tân Dân, cứ một, hai tuần in một truyện. 16, 17 tuổi viết Dế Mèn, được in ngay. Lúc đó, Tân Dân có các cây bút in thường xuyên, như: Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Công Hoan, họ giới thiệu tôi với ông Vũ Đình Long chủ nhà xuất bản. Lúc đầu, tôi chỉ viết đến đoạn Dế Mèn, Dế Trũi ra đi, sau bán chạy quá, ông Long bảo viết thêm, tôi viết tiếp cho đủ phiêu lưu ký".

Sự ra đời của "Dế mèn phiêu lưu ký" đã trở thành một cuốn sách "kinh điển" của nhiều thế hệ tuổi thơ nước Việt. Có lẽ, ít ai không nhớ về một khung cảnh đậm chất thiên nhiên và nuôi dưỡng tình yêu thương thông qua hình tượng của loài vật mà bằng một vốn ngôn ngữ dung dị, nhẹ nhàng, gần gũi đời sống mà nhà văn Tô Hoài đã mang lại.

Dù nhà văn Tô Hoài đã đi về nơi thiên cổ, nhưng nói như nhà thơ Hồng Thanh Quang, đối với một nhà văn lớn, cái chết là điểm khởi đầu của hành trình đi vào sự bất tử…

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.