Chương trình nghệ thuật “Âm vang chiến công”: Tri ân những người con của đất nước

Thứ Hai, 20/08/2018, 12:38
Vào 20 giờ ngày 18-8, chương trình nghệ thuật "Âm vang chiến công" diễn ra tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) được truyền hình trực tiếp trên VTV2 và tiếp sóng trên kênh Truyền hình Công an nhân dân.

Chương trình "Âm vang chiến công" là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Công an nhân dân nhằm chào mừng kỉ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, 73 năm ngày truyền thống của Lực lượng Công an nhân dân và Quốc khánh 2-9, tri ân công lao to lớn của các anh hùng - liệt sĩ, những người có công với đất nước.

Đây cũng là dịp tri ân các thế hệ chiến sĩ Công an trong các thời kỳ, tiếp nối truyền thống "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ người trồng cây" của những thế hệ đi sau đối với những người đi trước.

Chương trình khai mạc với tốp ca múa 40 cháu thiếu nhi với ca khúc "Bay cao tiếng hát ước mơ". Hai phần của đêm nhạc hoành tráng và chuyên nghiệp diễn ra trên sân khấu hứa hẹn một đêm nghệ thuật đậm đà và cuốn hút.

Đêm nhạc “Âm vang chiến công” Lần thứ nhất đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng khán giả.

Mở đầu chương trình là "Ký ức một thời hoa lửa" với những ca khúc hào hùng của một thời như "Mười chín tháng Tám", "Người Hà Nội", “Biết ơn chị Võ Thị Sáu", "Chiều biên giới", "Đất nước tình yêu", "Tình đất" với sự thể hiện của các ca sĩ nổi tiếng như ca sĩ Quốc Hưng, Trọng Tấn, Lan Anh, Tân Nhàn, Phương Thảo... Phần hai của chương trình là "Bài ca chiến thắng" với các ca khúc "Chúng con canh giấc ngủ cho người", "Một đời người, một rừng cây", "Lá cờ", "Trở về", "Giữ cho cuộc sống bình yên", "Việt Nam ơi!" và kết thúc là ca khúc quen thuộc của nhạc sĩ Phạm Tuyên "Từ một ngã tư đường phố" với tiếng hát của những ca sĩ trẻ  như Tạ Quang Thắng, Thu Thủy (Giải nhất Sao Mai nhạc nhẹ năm 2017)...

Tổng đạo diễn chương trình, Nghệ sĩ Quốc Hưng chia sẻ: Đây là lần thứ 2 anh được mời làm Tổng đạo diễn chương trình "Âm vang chiến công", một chương trình ngợi ca công lao to lớn của Đảng,  Bác Hồ, của bao thế hệ hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, của người chiến sĩ Công an nhân dân với những thành quả vẻ vang mà họ đã cống hiến cho đất nước, cho xã hội. Thực sự để chương trình vừa mang dấu ấn của Lực lượng Công an nhân dân, vừa đi vào lòng khán giả là một việc không dễ. Trong quá trình thực hiện, anh đã làm rất nhiều kịch bản khác nhau nhưng sau đó chọn lựa dần rồi đi đến kịch bản cuối cùng.

Chương trình vẫn mang tựa đề "Âm vang chiến công" như là một chủ đề xuyên suốt cùng cất cao tiếng hát ngợi ca Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, người chiến sĩ Công an nhân dân. Năm nay chương trình với 14 tác phẩm được dàn dựng rất công phu và hoành tráng. Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân tham gia biểu diễn từ múa, hát hợp xướng đến tốp ca nam nữ.

Nghệ sĩ Quốc Hưng - Tổng đạo diễn chương trình.

Điều này có ý nghĩa rất lớn vì bản thân những diễn viên trong Đoàn Nghệ thuật Công an nhân dân là những chiến sĩ Công an và họ hiểu được sự linh thiêng của đêm nhạc và góp phần làm nên tinh thần 19-8 quật khởi. Ngoài ra năm nay chương trình cũng chú ý đầu tư về mặt hình ảnh các ca sĩ trẻ và chuyên nghiệp nên sẽ có được sự uyển chuyển, mềm mại và mang dấu ấn của một đêm nghệ thuật đặc sắc và ý nghĩa.

Ca sĩ Phương Thảo, người sẽ hát hai ca khúc "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" (sáng tác: Nguyễn Đức Toàn) và "Một đời người, một rừng cây" (sáng tác: Trần Long Ẩn) chia sẻ: Chị rất hạnh phúc khi được mời hát hai ca khúc trong chương trình nghệ thuật truyền thống của Lực lượng Công an nhân dân. Dù đã hát nhiều lần rồi, nhưng dư âm thì khác nhau hoàn toàn. Hát để thể hiện những tình cảm của mình dành cho khán giả, cho ca khúc và ngược lại, để cảm nhận tình cảm của khán giả dành cho mình.

Thực ra mấy ngày vừa rồi, trong quá trình hát bài "Biết ơn chị Võ Thị Sáu" tôi đã tìm đọc những cuốn sách viết về chị để hiểu hơn về tấm gương anh hùng của chị, một nữ Công an, người con gái đất đỏ sinh năm 1933, hi sinh năm 1952, tuổi đời còn quá trẻ.

Ca sĩ Phương Thảo.

Cuốn sách về chị đã viết rằng: Ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu hiên ngang trước họng súng của quân thù làm chúng phải run sợ, khiếp đảm, nhắm mắt bóp cò giết hại chị. Với thành tích xuất sắc trong chiến đấu, dũng cảm kiên cường trong lao tù, ngày 2-8-1993, đồng chí Võ Thị Sáu đã được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Đối với Phương Thảo, đó là một cách chị nuôi dưỡng nguồn cảm xúc đích thực để có thể thể hiện trọn vẹn nhất những lời ca ca ngợi người nữ anh hùng mà đến bây giờ, vẫn còn trong tâm trí người ở lại: "Mùa hoa lê ki ma nở ở quê ta miền đất đỏ/ Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê ki ma nở/ Đời sau vẫn còn nhắc nhở/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho đời sau/ Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng cả cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước/ Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lùi”...

Ca sĩ trẻ Thu Thủy, người đoạt giải nhất Sao Mai 2017  khi được hỏi đã chia sẻ: "Tôi đã tham gia nhiều chương trình ca nhạc, nhưng lần này, tôi háo hức chờ đợi và cũng đầy lo lắng khi tham gia một chương trình lớn như thế này, không chỉ mang ý nghĩa chính trị mà những ca khúc trong chương trình cũng là một thử thách đối với những ca sĩ trẻ như chúng tôi. Các ca khúc đã được ghi dấu trong lòng khán giả nhiều thế hệ, chúng tôi phải thể hiện như thế nào để vừa hay, vừa khác biệt mà vẫn mang âm hưởng hào hùng là cả một sự nỗ lực và dày công tập luyện.

Ca sĩ Thu Thủy.

Trong chương trình này, tôi hát ca khúc "Việt Nam ơi!", một ca khúc với những ca từ xúc động và tự hào: "Bước giữa nắng tràn, đường phố nơi tôi ở, từ thơ bé, đã quen/ Giữa đất nước này, niềm tin luôn căng tràn/ Đừng lo lắng, cười lên/ Và gió, qua tán cây, hòa trong tiếng trẻ thơ đùa vui cười/ Và nắng, trên lá reo, ngày xanh tươi sáng Việt Nam ơi/ Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa, về nơi nhà cao xe giăng phố/ Hòa một niềm tin reo ca/ Từ nơi đảo xa mênh mông sóng, về nơi đồi cao bay mây trắng/ Một vòng tay nối tròn Việt Nam/ Bao la đất trời, quê hương xanh ngời, xòe tay đón nắng mai cười trong mắt/ Bao nhiêu con người, chung tay xây đời, niềm tin nơi một Việt Nam sáng tươi. Việt Nam hỡi, Việt Nam ơi, tự hào hát mãi lên Việt Nam ơi”.

Nhạc sĩ, ca sĩ Tạ Quang Thắng, người nổi tiếng trong giới trẻ với các ca khúc ghi dấu ấn cũng tham gia chương trình "Âm vang chiến công" và anh khẳng định, chắc chắn anh sẽ nuôi dưỡng cảm xúc và thăng hoa cùng lời ca để được mang một phần nhỏ sức trẻ của mình để tri ân những người lính, những người chiến sĩ đã hy sinh và cống hiến cả cuộc đời mình cho độc lập tự do của dân tộc và bình yên cuộc sống.

Ca khúc "Lá cờ" được Tạ Quang Thắng thể hiện là một ca khúc được giới trẻ yêu thích trong những năm qua: "Tôi lớn lên khi đất nước không còn chia Bắc-Nam/ Chẳng biết chiến tranh là gì, chỉ được nghe trong những câu chuyện của cha/ Tôi lớn lên khi tháng tháng không còn lo phiếu tem/ Không biết bobo là gì, chỉ còn lại trong những ký ức của mẹ/ Chuyện của cha tôi/ Là những giấc mơ dở dang/ Là xếp bút nghiên, chiến đấu vì một màu cờ đỏ tươi thấm máu bao người/ Chuyện của mẹ tôi/ Là cất tiếng ca cho đời/ Là đến những nơi xa xôi với những con người cài ngôi sao vàng trên mũ/ Một thời chiến đấu cha tôi anh hùng/ Một thời gian khó mẹ tôi đảm đang/ Vẫn giữ nụ cười và tiếng hát át tiếng bom/ Để rồi nay bước trên con đường đời/ Dù bao gian khó, chông gai đời tôi/ đứng dưới bóng cờ, là con tim ngân lên tiếng ca: "Đoàn quân Việt Nam đi...".

Thiếu tướng, Tổng Biên tập  Phạm Văn Miên, người đã khởi xướng chương trình "Âm vang chiến công" đã chia sẻ: Trong không khí hào hùng cả nước thi đua sôi nổi thiết thực kỷ niệm 73 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2-9; kỷ niệm 73 năm ngày truyền thống của lực lượng Công an nhân dân; được sự đồng ý của Đảng ủy Công an Trung ương và lãnh đạo Bộ Công an; Báo Công an nhân dân cùng Truyền hình Công an nhân dân phối hợp với Công ty Greenbrand Việt Nam long trọng tổ chức Chương trình nghệ thuật với chủ đề: “Âm vang chiến công”.

Chương trình nhằm ca ngợi chiến thắng vĩ đại của toàn dân tộc trong cuộc Cách mạng tháng Tám gắn liền với công lao to lớn của Đảng, của Bác Hồ, trong đó có đóng góp to lớn và hết sức quan trọng của lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời thông qua các ca khúc cách mạng, ôn lại truyền thống 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân; tôn vinh hình ảnh người chiến sĩ công an dũng cảm, mưu trí, hết lòng tận tụy vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân.

Chương trình nhằm ca ngợi phẩm chất cách mạng và truyền thống vẻ vang của Công an nhân dân và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, góp phần xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Đặc biệt trong chương trình, Ban tổ chức sẽ trao một số phần quà (mỗi suất trị giá 05 triệu đồng) dành cho những cá nhân có thành tích tiêu biểu trong xây dựng lực lượng Công an nhân dân, đấu tranh phòng, chống tội phạm và tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc".

Chương trình "Âm vang chiến công", đúng như tên gọi, đã vang vọng dấu ấn không chỉ đối với những người ngồi trong khán phòng, mà chắc chắn, đối với cả một thế hệ tiếp nối để làm nên những chiến công, vang danh và thầm lặng ngay trong thời bình, thời kỳ dựng xây và bảo vệ tổ quốc... Sân khấu của đêm nghệ thuật và tri ân tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Số 8 Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) đầy âm hưởng hùng tráng của những chiến công và đầy dư ba của những sắc màu âm nhạc.

Những khúc ca vang lên kể về một thời đạn bom đã xa nhưng vẫn đọng lại trong ký ức của rất nhiều người lính đã tóc bạc da mồi và những người trẻ tuổi đã được tiếp thêm động lực để học tập, làm việc, cống hiến. Ở đó, những thế hệ được kết nối, những chiến công được tiếp nối giữa những người lính đã đi qua chiến tranh, chiến đấu dũng cảm và những người lính trẻ, thế hệ sinh ra để giữ gìn, bảo vệ thành quả của cha ông, vì sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân...

Thiên Kim
.
.