Chuyện chưa kể về bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn trong Công viên Thống Nhất

Thứ Tư, 19/05/2021, 17:45
Hơn 10 năm nay, tại Công viên Thống Nhất (Hà Nội), trên hòn đảo cũng mang tên Thống Nhất, nối với bờ hồ là cây cầu xi măng uốn cong, tọa lạc bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn bắt tay nhau. Đây là món quà của Đảng bộ và nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tặng Đảng bộ và nhân dân Thủ đô nhân Đại lễ Kỷ niệm Thăng Long-Hà Nội tròn 1000 năm tuổi (1010 - 2010).


Sáng tác tượng Bác với tất cả tâm huyết

Họa sĩ Lâm Quang Nới - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tác giả có thiết kế đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác tượng Bác Hồ - Bác Tôn do Thành ủy và UBND TP Hồ Chí Minh phát động, nhớ lại: "Hồi đó, trong không khí sôi nổi chuẩn bị đón chào Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, không chỉ ở TP Hồ Chí Minh mà ở khắp các tỉnh thành miền Nam, tôi rất phấn chấn. Biết tin Bộ Chính trị đồng ý cho TP Hồ Chí Minh phát động cuộc thi thiết kế mẫu tượng Bác Hồ - Bác Tôn, tôi càng háo hức, muốn đóng góp một chút sức lực vào sự kiện trọng đại của cả nước".

Tượng Bác Hồ - Bác Tôn đặt trên đảo Thống Nhất trong Công viên Thống Nhất.

Là họa sĩ đã thiết kế nhiều tượng chân dung Bác Hồ từ hồi còn ở R (chiến khu thời chiến tranh chống Mỹ), ông Nới cùng các họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia cuộc thi, được ra Hà Nội tham quan nơi Bác Hồ sống và làm việc, một số nơi Người đến thăm. Để các họa sĩ có thêm nhiều cảm xúc và nhận thức đầy đủ hơn về tình cảm của Bác Hồ với miền Nam ruột thịt, Ban Tổ chức cuộc thi còn đưa đoàn nghệ sỹ ra Hà Nội tham quan một lần nữa. Đoàn được vào Lăng viếng Bác với một đặc ân: dừng lại trước linh cữu Người 20 phút, thay vì thường lệ mỗi người đi qua linh cữu chỉ vỏn vẹn 3 phút.

Sau chuyến tham quan trở về, ông Nới bắt tay ngay vào dựng phác thảo. Yêu cầu của cuộc thi là thể hiện bức tượng Bác Hồ bắt tay chúc mừng Bác Tôn được bầu giữ chức Phó Chủ tịch nước tại Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II (năm 1960). Mọi người đã từng biết bức ảnh hai vị lãnh tụ bắt tay và ôm nhau thắm thiết trước sự chứng kiến của các đại biểu Quốc hội. Đối với tác phẩm tượng, không cho phép người họa sĩ "chụp" lại bức ảnh đó, mà phải sáng tạo đầy đủ thần thái, ý nghĩa hành động của đối tượng biểu hiện, từ dáng đứng, ánh nhìn đến cử chỉ bắt tay thân mật và ấm tình yêu thương, tin tưởng của hai vị lãnh tụ kính mến.

Họa sĩ Nới tâm sự: "Với tôi, điều khó nhất ở hai đôi bàn tay". Qua nhiều trăn trở, họa sĩ quyết định thể hiện bàn tay phải của Bác Hồ và Bác Tôn xiết chặt, ấm áp; bàn tay trái Bác Hồ úp, ở vị trí trên, bày tỏ lòng tin tưởng, trao gửi đến Bác Tôn; bàn tay trái Bác Tôn ngửa, ở vị trí thấp hơn, bày tỏ sự đón nhận lòng tin và trao gửi từ Bác Hồ. Phác thảo này, sau khi thể hiện ở chiều cao 1,8 mét (thay vì 1,2 mét theo thông lệ) đã thuyết phục Ban giám khảo cuộc thi, được chọn là một trong ba phác thảo vào vòng chung khảo (trên tổng số 30 phác thảo tham gia cuộc thi).

"Đầu xuôi đuôi lọt", HS Lâm Quang Nới bắt tay vào thi công bức tượng. Trải qua nhiều khâu công việc phức tạp của ba công đoạn: nặn bằng đất sét, đắp thạch cao và làm khuôn, tiến tới đúc đồng và hoàn thiện, họa sĩ nhận được sự đồng cảm, hỗ trợ và đồng sáng tạo của cả ba kíp thợ với lòng nhiệt thành và gửi gắm tình cảm sâu sắc vào tác phẩm vô cùng ý nghĩa, để đạt giá trị nghệ thuật cao.

Ở Hà Nội, KTS Lê Quang Tiến - Hội viên Hội Kiến trúc sư Việt Nam, được trao nhiệm vụ thiết kế và thi công việc lắp đặt bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn tại Công viên Thống Nhất.

Là một trong những công trình đầu tiên ra đời dưới chế độ XHCN, công trình cải tạo hồ Bảy Mẫu đã thu hút hàng vạn lượt ngày công tình nguyện của cán bộ, công nhân, viên chức, các lực lượng vũ trang, thanh niên học sinh, sinh viên Hà Nội trong phong trào "Ngày chủ nhật lao động XHCN". Từ một khu vực đầm lầy ô nhiễm ở phía nam thành phố, thuộc địa dư của ba làng Thể Giao, Vân Hồ và Thiền Quang, một công viên lớn dần dần hiện lên với cảnh đẹp chưa từng thấy trước đó.

Những người tham gia xây dựng công trình đều khắc sâu trong lòng mình lời Bác Hồ: "Miền Nam ruột thịt luôn trong trái tim tôi", "Mỗi người hãy làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt", "Tết trồng cây là trồng cây cho cả miền Nam". Tình cảm của Bác là niềm khát vọng giải phóng hoàn toàn miền Nam và tiến tới thống nhất nước nhà. Khát vọng của Bác là khát vọng của 30 triệu trái tim đồng bào cả nước, là tiếng gọi của non sông. Khát vọng thống nhất truyền từ Bác tới mỗi người dân và được biến thành hành động cụ thể.

Từ trái qua phải: KTS Lê Quang Tiến, Họa sĩ Đặng Công Ngoãn, Lâm Quang Nới và Lê  Quang Đạt trong lễ khánh thành tượng đài.

Ông cho biết, lãnh đạo Thành phố Hà Nội quyết định chọn đảo Thống Nhất để đặt bức tượng quý, bởi cảnh quan Công viên Thống Nhất phù hợp hơn bất kỳ vị trí nào trong thành phố. Nơi đây là công viên tổng hợp cấp thành phố, có hồ rộng, có nhiều cây xanh, các loài hoa luân phiên nở suốt bốn mùa, nhân dân Thủ đô và khách tham quan thường xuyên tới; nơi đây cũng thường tổ chức các sự kiện có quy mô lớn.

Hơn nữa, Công viên Thống Nhất là một trong những công trình được khởi công xây dựng (năm 1957), ba năm sau ngày Giải phóng Thủ đô (10-10-1954), cùng với thời điểm khởi công xây dựng Đường Thanh Niên, các cơ sở sản xuất công nghiệp, như Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, Nhà máy Diêm Thống Nhất, Nhà máy Xe đạp Thống Nhất và một số khu nhà ở tập thể dành cho người lao động. Công viên Thống Nhất là công trình phúc lợi công cộng đầu tiên của thời kỳ miền Bắc xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH.

Đặc biệt, ngày 11-1-1960, mừng Xuân Canh Tý và mừng Đảng 30 năm tuổi, Bác Hồ là người đầu tiên thực hiện phong trào "Tết trồng cây" do chính Người phát động, bằng việc trồng cây đa tại công trình cải tạo khu vực hồ Bảy Mẫu thành công viên. Cây đa Bác trồng cách đây hơn 60 năm, từ một nhánh nay sum suê toả bóng mát cả một khoảng không gian rộng.

Trong chiến lược phát triển Thủ đô Hà Nội tầm nhìn đến năm 2030 và 2045, Đảng bộ và chính quyền thành phố cũng xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Theo đó, hệ thống công viên, vườn hoa sẽ được quan tâm đầu tư mạnh cả về số lượng, quy mô và trang bị hiện đại, xứng với tiềm năng và tầm vóc của Thủ đô ngàn năm văn hiến…

Từ Thủ đô Hà Nội, KTS Lê Quang Tiến thường xuyên liên hệ với HS Lâm Quang Nới, theo dõi tiến độ thi công bức tượng tại Thủ Đức. Ông nắm chắc các thông số bức tượng và từ đó lên thiết kế, kế hoạch thi công dựng tượng. Xét thấy cây cầu nối từ bờ sang đảo Thống Nhất không đảm bảo cho việc việc vận chuyển bức tượng đồng liền khối nặng hàng chục tấn, ông xin phép đắp con đường bằng đất.

Ngày đáng nhớ

Rạng sáng 21-7-2010, chuyến tàu hỏa đặc biệt, chỉ dành riêng chở bức tượng đồng Bác Hồ - Bác Tôn về đến ga Giáp Bát. Công việc tháo dỡ và chuyển bức tượng vào địa điểm tập kết hoàn thành mỹ mãn như dự kiến, sau khoảng bốn tiếng. Đúng 7 giờ sáng, lệnh thi công phát ra và đến 9 giờ 47 phút, công việc dựng tượng hoàn thành trong niềm hân hoan vô bờ bến. Cả nhóm thi công ai cũng thở phào nhẹ nhõm, bởi trong quá trình thi công không một phút lơ là, không một sơ sảy đáng tiếc. Mọi người nói với nhau: "Chúng mình hoàn thành công việc là nhờ sự phù hộ của Bác".

Họa sĩ Lâm Quang Nới (phải) và KTS Lê Quang Tiến tại xưởng làm tượng ở Thủ Đức.

Về phong thuỷ, sau khi chọn được địa điểm phù hợp về mọi mặt, bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn đặt trên trục chính của Công viên Thống Nhất theo hướng Bắc-Nam, từ cổng phía đường Trần Nhân Tông đến cây đa Bác Hồ nhìn về phía trường Đại học Bách khoa. Các khu vực vườn hoa, cây của ba miền Bắc-Trung-Nam, đảo Thống Nhất, bán đảo dừa và cây đa Bác trồng đều được phân bố trên trục này.

KTS Tiến nhấn mạnh hai điểm, thứ nhất đây là bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng được đặt ngoài trời đầu tiên ở Hà Nội; thứ hai, kể từ khi ra lò và ghép các "thớt", trên đường vận chuyển từ TP Hồ Chí Minh ra Hà Nội (bằng chuyến tàu hoả riêng) và tới nơi tập kết, đến công đoạn dựng, bức tượng liền một khối.

Điều này khác với việc thi công nhiều bức tượng đã có. Từ họa sĩ thiết kế và đúc tượng đến kiến trúc sư thi công dựng tượng đều chọn con số 9 làm thông số kỹ thuật: chiều cao của tượng (5,4 mét), chiều cao đế tượng (1,8 mét) để có tổng chiều cao toàn khối cũng là 9 (7,2 mét), đường kính vòng tròn cỏ là 18 mét với 108 viên đá ốp viền quanh. Thời gian dựng xong tượng đúng 9 giờ 47 phút ngày 21-7.

Giờ đây, với những người có dịp đến Công viên Thống Nhất, ngoài việc được hưởng bóng mát từ cây đa Bác Hồ trồng năm 1960, còn có cơ hội thưởng ngoạn vẻ đẹp của bức tượng Bác Hồ - Bác Tôn với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc…

Cao Ngọc Thắng
.
.