Chuyện đời cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn
- Xúc động tang lễ cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn
- Những hình ảnh lần đầu được công bố về cung nữ cuối cùng triều Nguyễn vừa qua đời
- Cung nữ cuối cùng của triều Nguyễn qua đời ở tuổi 102
8 tuổi vào cung làm cung nữ
Phủ Kiên Thái Vương được xây dựng bên cạnh cung An Định, sát bờ sông An Cựu, TP Huế vốn trước đây là vương phủ và nay là phủ thờ của Kiên Thái Vương Nguyễn Phúc Hồng Cai, con trai thứ 26 của Vua Thiệu Trị. Theo sử sách, Kiên Thái Vương là cha ruột ba vị hoàng đế liên tiếp của triều Nguyễn, là Kiến Phúc, Hàm Nghi và Đồng Khánh. Trong ba vị vua, Hoàng đế Đồng Khánh tại vị ngai vàng từ năm 1885 đến 1889 cho đến khi mất vì bệnh. Còn Vua Kiến Phúc lên ngôi vua được 8 tháng, đến năm 1884, ông qua đời lúc vừa 15 tuổi. Sau khi lên ngôi, Vua Hàm Nghi ra chiếu phát động phong trào Cần Vương chống Pháp, đến năm 1888 thì bị bắt và đưa đi an trí tại Algérie và qua đời tại đây vào năm 1943.
Bà Lê Thị Dinh lúc còn sống. |
Bà Lê Thị Dinh, là cháu ngoại của Quận Công Ưng Quyến (em trai của 3 Vua Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh). Suốt hàng chục năm qua, bà và con cháu sống trong ngôi nhà nhỏ nằm ngay trong khuôn viên phủ Kiên Thái Vương để chăm lo hương khói, thờ tự các vị vua triều Nguyễn. Ban đầu, bàn thờ ở phủ Kiên Thái Vương thờ tự 4 vị vua Đồng Khánh, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Khải Định. Đến năm 1997, phủ thờ thêm Vua Bảo Đại sau khi ông qua đời.
Ông Nguyễn Như Trị (sinh năm 1943), con trai bà Dinh cho biết, bà Lê Thị Dinh sinh vào ngày 1-1-1920 (năm Tân Dậu) tại làng Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Năm lên 8 tuổi, lúc đang học tại trường Đồng Khánh, bà Dinh được gọi vào cung phục vụ cho Đức Thánh Cung (tức Khôn Nguyên Hoàng thái hậu, vợ vua Đồng Khánh). Đến năm 1935, Đức Thánh Cung qua đời, lúc ấy bà Dinh tròn 15 tuổi được chuyển sang hầu hạ cho Đức Từ Cung (tức Đoan Huy Hoàng thái hậu, vợ Vua Khải Định, mẹ của Vua Bảo Đại). Trong 4 cung nữ hầu hạ Đức Từ Cung, bà Dinh có nhiệm vụ trang điểm cho Đoan Huy Hoàng thái hậu và được Hoàng thái hậu tin tưởng, giao làm thêm những công việc quan trọng khác. Mỗi tháng, bà Dinh được trả 6 đồng tiền lương có thể mua được 600 lon gạo.
Sau Cách mạng tháng 8-1945, bà Dinh theo Đức Từ Cung về ở tại cung An Định và chăm lo cho Đức Từ Cung đến lúc bà mất vào năm 1980. Sau khi Đức Từ Cung mất, bà Dinh chuyển về ở hẳn tại phủ Kiên Thái Vương để cùng các con thờ tự, chăm lo hương khói cho 5 vị vua triều Nguyễn. Chồng bà Dinh là ông Nguyễn Như Đào, từng là người lái xe cho Vua Bảo Đại. Chính những ngày phục vụ Vua Bảo Đại, ông Đào được Đức Từ Cung đứng ra mai mối với bà Lê Thị Dinh. Năm 1940, đám cưới của ông Đào, bà Dinh được tổ chức ở ngoại thành.
Ông Nguyễn Như Trị (góc trái, con trai bà Lê Thị Dinh) kể về tấm lòng hiếu thuận của mẹ mình |
Đám cưới của một cung nữ và một lái xe cho vua được tổ chức đơn sơ như bao đám cưới khác cùng thời. Tuy nhiên, khi làm nghi thức lại mặt, vợ chồng ông Đào, bà Dinh được vào cung bái lạy nhà vua và được Vua Bảo Đại tặng quà mừng cưới. Những ngày mới cưới, vợ chồng bà Dinh chung sống ở một căn nhà thuộc phường Thuận Hòa. Ngày ngày, bà Dinh vào cung phục vụ Đức Từ Cung đến tối muộn mới về, còn ông Đào tiếp tục hành trình cùng những chuyến xe chở Vua Bảo Đại. Hai vợ chồng sinh hạ được 2 người con trai kháu khỉnh.
Sau lễ thoái vị, trao ấn kiếm cho cách mạng vào ngày 30-8-1945, Cựu hoàng Bảo Đại trở thành cố vấn Vĩnh Thụy của Chính phủ lâm thời lên đường ra Hà Nội nhận nhiệm vụ mới. Ông Đào lúc này không theo Cựu hoàng nữa mà ở lại cung An Định lái xe chở Nam Phương hoàng hậu (vợ vua Bảo Đại vừa thoái vị) đi vận động ủng hộ Tuần lễ vàng. Được một thời gian ngắn, ông tham gia hoạt động làm tự vệ thanh niên rồi ban bình dân học vụ.
Năm 1946, ông theo cách mạng tập kết ra Bắc cho đến ngày đất nước hòa bình. Sau năm 1975, ông Đào đưa thêm người vợ khác cùng con trở về Huế. Dù tức giận nhưng bà Dinh vẫn sống lặng lẽ một mình nuôi 2 con trai và coi sóc, hương khói cho các vua tại phủ Kiên Thái Vương. Sau này, bà xây dựng một căn nhà nhỏ nằm ngay phía sau phủ để tiện sinh hoạt, trông giữ phủ, còn gia đình ông Đào sống riêng tại khu tập thể Xã Tắc, TP Huế.
Nhân chứng của triều đại phong kiến cuối cùng
Người nhà bà Dinh cho biết, dù ở tuổi xưa nay hiếm nhưng lúc còn sống, bà Dinh rất minh mẫn, thường tiếp xúc và ngồi trò chuyện thân thiện với mọi người. Do sống từ nhỏ trong hoàng cung và là người hầu cận các bậc tôn quý của vương triều nên bà am hiểu các lễ nghi, sinh hoạt, trang phục, trang điểm, ẩm thực của cung đình triều Nguyễn. Bà là nhân chứng lịch sử chứng kiến triều đại phong kiến cuối cùng Việt Nam.
Bà Dinh lúc làm cung nữ triều Nguyễn. |
Những năm trước, khi bà Dinh còn khỏe mạnh, bà luôn sẵn sàng cung cấp thông tin, giúp đỡ các nhà nghiên cứu và các phóng viên báo chí muốn tìm hiểu về thông tin của đời sống cung đình ngày xưa. Nhiều thông tin, tư liệu về nếp sống cung đình triều Nguyễn được bà Dinh cung cấp để phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nghiên cứu phục dựng các lễ nghi, bảo tồn đúng với truyền thống văn hóa cung đình. Nhiều đoàn làm phim, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước muốn tìm hiểu về ẩm thực, phục chế trang phục, cách ăn mặc của cung tần mỹ nữ, vua quan triều Nguyễn cũng tìm đến bà Dinh và đều được bà nhiệt tình giúp đỡ.
TS. Lê Thị An Hòa, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, bà Lê Thị Dinh là người hầu hạ Đức Từ Cung nên có nhiều thông tin về đời sống sinh hoạt trong hoàng cung. Khi nghiên cứu về triều Nguyễn, chúng tôi đã phỏng vấn và nhận được sự giúp đỡ tích cực của bà, qua đó có thêm những thông tin hay về trang phục, cách trang điểm, sinh hoạt trong cung. Năm 2012, trước khi thực hiện trùng tu di tích Tả Trà, thuộc cung Diên Thọ (Đại Nội Huế), cán bộ Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng từng có buổi phỏng vấn, tham khảo thông tin từ bà Lê Thị Dinh để đối chiếu các tư liệu, góp phần cho việc xây dựng phương án trùng tu được chuẩn xác hơn.
Bà Lê Thị Dinh thời còn trẻ cùng 2 con trai; Trong đó người con đầu bên trái đã mất, bên phải là ông Nguyễn Như Trị. |
Đặc biệt hơn, bà Lê Thị Dinh còn giữ mối liên hệ gắn bó với gia đình của Thứ phi Bùi Mộng Điệp cùng công chúa Nguyễn Phúc Phương Thảo, con gái Vua Bảo Đại tại Pháp. Khi còn sống, mỗi lần về nước, bà Thứ phi Mộng Điệp và vợ chồng công chúa Phương Thảo luôn ghé đến thăm gia đình bà Dinh. Công chúa Phương Thảo còn thường xuyên đóng góp tiền bạc để tu sửa phủ thờ và lăng mộ cho các vua.
Vào dịp mừng thọ 100 tuổi của bà Lê Thị Dinh, ngày 7-1-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ký thiếp mừng thọ bà 100 tuổi (tính theo dương lịch). Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi lời chúc với nội dung "Chúc Cụ luôn mạnh khỏe, gia đình hạnh phúc, tiếp tục động viên con cháu vun đắp gia đình, giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Cách đây không lâu, bà Dinh yếu dần và gần đây, trong dịp lễ húy kỵ Vua Bảo Đại, bà bị ngã dẫn đến sức khỏe giảm sút. Ngày 21-2 (mùng 10 tháng Giêng), bà Dinh trút hơi thở cuối cùng tại phủ Kiên Thái Vương trong niềm thương tiếc của con cháu, người thân, dòng tộc. Bà Dinh hưởng thọ 102 tuổi. Đến những ngày cuối của cuộc đời, bà vẫn một lòng hướng về tổ tiên và trước lúc lâm chung, bà còn căn dặn con cháu trong gia đình tiếp tục coi sóc, chăm lo hương khói cho tổ tiên, dòng tộc tại phủ Kiên Thái Vương.
Ngay khi bà qua đời, theo nguyện vọng của gia đình, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hỗ trợ, giúp đỡ gia đình bà tổ chức tang lễ theo phong tục truyền thống của địa phương. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, chương trình tang lễ của bà Dinh do gia đình định liệu. Trong những ngày qua, chính quyền tỉnh Thừa Thiên-Huế, lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Huế, Trung tâm BTDT Cố đô Huế và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể đã đến viếng, chia buồn cùng người thân, gia đình bà Dinh. Lễ an táng bà Lê Thị Dinh sẽ được tổ chức vào sáng 28-2 (17 tháng Giêng) tại Nghĩa trang nhân dân phía Nam TP Huế.