Chuyện hậu trường những bộ phim về Bác Hồ

Thứ Hai, 18/05/2015, 18:00
Sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tấm gương sáng và tư tưởng của Người đã trở thành một đề tài lớn trong mọi lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó có điện ảnh. Nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh và NSND Bùi Bài Bình về quá trình làm phim và thể hiện hình tượng Hồ Chủ tịch.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Tôi làm phim về Bác với tất cả lòng tôn kính"

- Thưa đạo diễn Đặng Nhật Minh, phim "Hà Nội - Mùa đông năm 46" là một bộ phim hay về Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông có thể chia sẻ về mối duyên  với ông khi thực hiện bộ phim này?

- Năm 1983, tại Liên hoan Phim quốc tế Mátxcơva tôi được xem bộ phim Ghandhi của điện ảnh Ấn Độ. Đây là một phim đồ sộ nói về cuộc đời của Thánh Ghandi. Đạo diễn người Anh Richard Attenborough được mời làm đạo diễn và đích thân bà Thủ tướng Ấn Độ Indira Ghandi trực tiếp chỉ đạo việc sản xuất phim này. Bộ phim đã làm tôi xúc động vô cùng.

Tôi nhận ra rằng giữa Ghandi và Hồ Chí Minh có những điểm tương đồng nào đó, phải chăng đó là lòng yêu nước, lòng nhân ái, vị tha xuất phát từ bản chất hiếu hòa của người phương Đông.

Tôi đọc báo kể rằng năm 1957 khi dẫn đầu phái đoàn Việt Nam sang Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khóc trước mộ Ghandi. Tôi nhận ra con người Hồ Chí Minh có một Ghandi trong đó.

Sau này có dịp ra nước ngoài nhiều, tôi nhận ra rằng còn có rất nhiều người ở nước ngoài tuy phục Việt Nam đã đánh thắng hai đế quốc Pháp - Mỹ, nhưng cho rằng người Việt Nam hiếu chiến, thích giải quyết mọi công việc bằng vũ lực.

Họ không biết rằng trong lịch sử cận đại của Việt Nam có một giai đoạn mà người Việt Nam không muốn có chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi công việc với người Pháp để giành độc lập bằng thương lượng. Đó chính là giai đoạn cuối năm 1946, một giai đoạn còn ít người nước ngoài biết đến.

Từ đấy, ý nghĩ làm một bộ phim về Hồ Chí Minh giai đoạn 1946 hình thành dần trong tôi, nung nấu trong tôi suốt những năm dài. Tôi bắt tay vào viết kịch bản cuối năm 1988.

Đầu năm 1989, tôi mời thêm nhà thơ kiêm biên kịch Hoàng Nhuận Cầm viết chung, vì Hoàng Nhuận Cầm là con trai nhạc sĩ Hoàng Giác - một nghệ sĩ sống vào giai đoạn lịch sử đó, mang đầy chất hào hoa của đất Hà thành. Đến cuối năm 1989 thì kịch bản hoàn thành.

- Vai Bác Hồ đã được nghệ sĩ Tiến Hợi thể hiện thành công trong phim "Hà Nội - Mùa đông năm 46". Như vậy có thể thấy rằng, để có một bộ phim thành công, ngoài kịch bản, đạo diễn thì diễn viên cũng góp phần không nhỏ, thưa đạo diễn?

- Thực ra ban đầu, diễn viên mà tôi quyết định chọn là một cán bộ làm ở Đài truyền hình. Anh có vầng trán cao (không cần phải hóa trang nhiều), phong thái đĩnh đạc. Hóa trang thử thấy giống. Nhưng đến ngày bắt đầu quay thì đêm trước anh ra hiệu cắt tóc. Nhìn cái đầu cắt cao vống lên hai bên thái dương và sau gáy, tôi không còn nhận ra nhân vật của mình nữa. Hóa trang Phan Đình Sáu lôi ra một bộ tóc giả đã được chuẩn bị sẵn, trùm lên. Tôi thất vọng đến tột độ. Tôi quyết định dừng lại thay người khác. Tôi nghĩ đến Tiến Hợi.

Trước đây tôi đã có thử nhưng không giống (Hợi chỉ giống Hồ Chủ tịch trên sân khấu với bộ tóc giả thôi). Có người cho biết Tiến Hợi đang theo Đoàn kịch Hà Nội vào TP HCM biểu diễn. Tôi yêu cầu chủ nhiệm cứ liên lạc thử. May sao đúng lúc Tiến Hợi đã ra Hà Nội. Tôi đưa Hợi về nhà lấy băng dính màu da người cắt cắt, dán dán, từ từ mở rộng trán của Hợi ra xem có giống không. Tôi vui mừng nhận ra rằng nếu cạo bớt tóc phía trước, vén trán của Hợi lên thì rất giống. Tôi gọi hóa trang đến yêu cầu gọt tóc đúng chỗ tôi đã dán băng dính.

Hôm quay cảnh đầu tiên có Hợi trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi tôi hô tắt máy, bỗng có tiếng vỗ tay rào rào. Tôi quay lại, thấy tất cả anh em trong đoàn phim ai nấy đều hân hoan. Thì ra cả đoàn phim đều hồi hộp theo dõi việc chọn người đóng vai Bác Hồ. Đó là những tràng vỗ tay đầu tiên dành cho bộ phim. Nó làm tôi thấy vững tâm.

Đúng là số trời đã định: vai Hồ Chủ tịch phải do Tiến Hợi đảm nhiệm. Không thể có ai khác. Càng làm phim tôi càng nghiệm ra rằng ngoài sự nỗ lực của bản thân còn có sự trợ giúp huyền bí của ông trời nữa. Trời cho thì được mà trời đã không cho thì đành chịu, mà tôi thì được ông trời phù hộ cho nhiều lắm trên bước đường sáng tác của mình.

- Khi thực hiện bộ phim “Hà Nội - Mùa đông năm 46” mọi thứ còn khá sơ khai, nhưng ở phim cũng có những đại cảnh hoành tráng, ông có thể chia sẻ kỷ niệm đáng nhớ về những ngày tháng làm đạo diễn bộ phim này?

- Tôi chưa bao giờ làm những đại cảnh và cũng không bao giờ ôm mộng làm Bônđasúc của Việt Nam (Bônđasúc là một đạo diễn nổi tiếng Liên Xô, đạo diễn phim “Chiến tranh và hòa bình”). Bởi vậy sắp quay những cảnh đông người là tôi run lắm.

Đêm quay cảnh đánh nhau ở Bắc Bộ Phủ, khi thấy lính Tây, lính ta, xe tăng, xe bọc thép, súng ống, bao cát bày la liệt trước mắt, tôi đâm hoảng hồn. Tôi bèn cố trấn tĩnh, mời Chủ nhiệm Nha và Phó đạo diễn Nhuệ Giang lại để bàn bạc.

Tôi ngồi xuống vỉa hè vẽ sơ đồ trên giấy chỗ bố trí xe tăng, xe bọc thép và vị trí đặt những quả nổ, giao cho Chủ nhiệm Nha chỉ huy. Rồi quay sang Nhuệ Giang, Phó đạo diễn của tôi, nói: "Còn bây giờ chú là bên địch, chỉ huy lính Tây; cháu là bên ta, chỉ huy bộ đội mình. Chú cháu mình đánh nhau. Quay cảnh gì trước, cảnh gì sau chú sẽ bàn với hai quay phim (cảnh này chúng tôi quay hai máy). Cứ thế mà làm".

Chúng tôi quần nhau suốt một đêm, đánh vật với từng cảnh quay. Đại bác, xe tăng làm vỡ 75 tấm cửa kính của tòa nhà Bắc Bộ Phủ. Các quả nổ làm tanh bành cả sân trước và tầng dưới của tòa nhà. Đêm quay cảnh đánh nhau ở tầng hai Bệnh viện K (nơi làm giả tầng hai Bắc Bộ Phủ) cũng vậy. Thật là một đêm hãi hùng.

Các bác sĩ, y tá xông lên mắng Chủ nhiệm Nha: Các anh là đồ dã man. Bệnh nhân vừa mới mổ xong nằm không yên với các anh. Các anh định giết người à? Chúng tôi cũng đành trơ mặt ra cố mà quay cho xong (để đến sáng, giám đốc bệnh viện chắc sẽ đuổi thẳng chúng tôi một cách không thương tiếc). Sau đêm đó tôi thề rằng sẽ không bao giờ làm phim hoành tráng nữa.

Một cảnh trong phim “Hà Nội - Mùa đông năm 46” của đạo diễn Đặng Nhật Minh.

- “Hà Nội - Mùa đông năm 46” đã đoạt nhiều giải thưởng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XII tổ chức ở Huế (tháng 4-1999), bộ phim đã đoạt giải Bông Sen Bạc, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cùng một loạt giải cá nhân như: Giải Đạo diễn, Giải Quay phim, Giải Họa sĩ, Giải Âm nhạc. Đó là những giải thưởng lớn mà bất cứ đạo diễn nào cũng mong muốn. Đó hẳn là một động lực lớn để cho ông làm tiếp rất nhiều bộ phim thành công sau này?

- Thực ra, phim "Hà Nội - Mùa đông năm 46" đáng lẽ ra đã không bao giờ có mặt trên cõi đời này, vì đã bị loại ra từ vòng đầu tiên vào cuối năm 1993, khi tôi tham dự một cuộc thi viết kịch bản phim truyện do Cục Điện ảnh phát động.

Tình cờ một lần gặp Bộ trưởng Trần Hoàn trong hành lang Quốc hội, tôi có hỏi ông: Kịch bản "Hà Nội - Mùa đông 46" tôi viết đã lâu, nó không được giải trong cuộc thi, nhưng liệu Bộ có duyệt cho làm phim không?

Ông Trần Hoàn nói: “Để tôi đọc đã. Ông Bộ trưởng này là đồng hương Trị Thiên - Huế với tôi. Ông là người chứng kiến giây phút cuối cùng của cha tôi, bác sĩ Đặng Văn Ngữ ở Trường Sơn (ông có viết một bi hồi ký cảm động về những ngày cùng cha tôi trên đường vào chiến khu Trị Thiên”).

Sau khi đọc xong kịch bản ông đã ký quyết định cho phim “Hà Nội - Mùa đông 46” được đưa vào sản xuất. Đó là vào tháng 2/1996, khi mùa đông đã sắp qua. Những gì xảy ra trong những ngày cuối năm 1946 đó, chính là số phận của đất nước. Nó chi phối số phận của tất cả mọi người Việt Nam, trong đó có gia đình tôi.

Quả thật nếu ngày đó ở bên Nhật, cha tôi không tình cờ đọc được lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh để rồi từ bỏ tất cả công việc nghiên cứu khoa học, trở về nước tham gia kháng chiến thì cuộc đời tôi bây giờ đã đi theo một hướng khác. Chắc chắn tôi sẽ là một Việt kiều sống và làm việc ở Nhật (cha tôi trước đó đã làm giấy tờ để đưa mấy mẹ con tôi sang Nhật). Bởi vậy việc làm phim này đối với tôi do sự thôi thúc của bản thân hơn là xuất phát từ việc làm  phim phục vụ những nhiệm vụ chính trị.

Diễn viên Bùi Bài Bình: "Vào vai Bác Hồ là một thử thách lớn"

Thành công với nhiều vai diễn điện ảnh và truyền hình, đặc biệt là những vai phản diện thời gian gần đây như Trưởng thôn trong phim "Hương đất" (Đạo diễn Quốc Trọng), Tòng trong "Ma làng", Khuếnh trong "Gió làng Kình" (Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần)… Những tưởng Bùi Bài Bình thực sự "an phận" với vẻ đáng ghét của khán giả thì mới đây, anh bất ngờ được đạo diễn Vương Đức mời vào vai Bác Hồ trong phim điện ảnh "Nhà tiên tri".

- Đã có nhiều nghệ sĩ vinh dự được chọn vào vai Bác Hồ trên cả màn ảnh và sân khấu. Áp lực lớn nhất của cá nhân anh khi nhận vai Bác Hồ là gì?

- Đây là một bộ phim điện ảnh về Hồ Chí Minh, là một vai diễn lớn và được nhiều người kỳ vọng sau những thành công của nhiều nhân vật đã vào vai Bác Hồ, nên tôi thực sự cũng có những áp lực nhất định. Sau khi nhận lời đạo diễn, tôi đi tìm tài liệu về Hồ Chí Minh đọc, xem những bộ phim tài liệu về Người, tự học tiếng Pháp, tiếng Trung để nhập vai cho có hồn.

Thời điểm năm 1947 tại Việt Bắc, Bác cao 1m69 nhưng nặng có 49 kg, còn tôi, 56 kg, chính vì thế, tôi đã phải giảm đi khoảng 6kg trong vòng 2 tháng. Tôi cho rằng, cái quan trọng nhất không phải là cử chỉ, điệu bộ, cách đi đứng, nói chuyện của Bác, vì điều đó, một diễn viên như tôi có thể bắt chước được, cái quan trọng là thần thái toát lên từ nhân vật, dư âm đọng lại đối với người xem sau khi bộ phim kết thúc...

Sau những vai diễn được ghi nhận thì tôi tự nhủ rằng, đây là cơ hội và vinh dự lớn trong nghiệp diễn của mình. Rất may là cho đến nay, khi bộ phim đóng máy, khi Cục Điện ảnh và Bộ Văn hóa tổng duyệt, nhiều người khen tôi diễn tốt, đạt yêu cầu hơn cả mức mong đợi.

- Một nhà biên kịch đã nói vui rằng, sau vai diễn Bác Hồ, Bùi Bài Bình khó có thể trở lại được một ông Khuếnh, ông Tòng... như trong các phim truyền hình trước đây anh đã vào vai. Theo anh, điều này có đúng không?

- Mọi người nói thế là vì, sau gần một năm nghiên cứu về Bác Hồ, lại gần một năm rong ruổi cùng đoàn làm phim đến những nơi Bác đã từng sống, làm việc… Từ đó, tôi dường như ít rượu bia, ít ăn nhậu hơn, sống "chậm" lại hơn.

Ban đầu, mọi người nói rằng tôi hay đóng vai gian, đểu, lại uống rượu bia như uống nước, khó có thể vào vai Bác được, nhưng rồi, như thể Bác phù hộ độ trì ấy, mọi việc đều suôn sẻ. Chẳng hạn, Cụ Hồ khi đi đứng, hay ngồi đều thẳng lưng, tôi thì ngược lại, lưng tôi lúc nào cũng như bị còng xuống, vì thế, tập được ngồi thẳng lưng như Người là cả một sự cố gắng.

Rồi không chỉ thế, tôi phải đi làm lại nguyên cả bộ răng cho phẳng để phù hợp với vai diễn, vì răng của tôi nguyên bản thì khấp khểnh lắm (cười).

Tôi nhớ, thời điểm sang Nga quay, mùa đông ở Nga lạnh -150, tôi đã chảy cả máu mũi, mặt tê tái, diễn được 15 phút lại phải chạy vào xe ôtô. Vai diễn Bác Hồ hóa trang rất kỹ nên thường tôi phải dậy từ 5h sáng để hóa trang.

Diễn vào mùa lạnh còn đỡ, chứ vào mùa hè thì khổ lắm, mọi thứ cứ nóng ran, tan chảy, hóa trang được vài chục phút, diễn thử, rồi đến khi diễn chính thức thì đồ hóa trang bị mồ hôi rịn vào rụng hết, lại phải làm lại.

Có kỷ niệm đáng nhớ là hôm chúng tôi quay ở nhà thờ Đổ (Ba Vì, Hà Nội). Hôm ấy thời tiết rất khó chịu. Mây mù, mưa bụi mù mịt, thời tiết ảm đạm lắm. Tôi phải quay cảnh cưỡi ngựa đến gặp một nhà báo Pháp. Con ngựa này tôi đã tập cưỡi hàng ngày và đã quen thuộc. Không hiểu sao, hôm ấy nó bỗng trở chứng. Tôi nhảy lên ngựa 2 lần, chú ngựa đều đi dặt dẹo, ý chừng muốn hất tôi xuống. Đạo diễn động viên thử cưỡi thêm một lần nữa xem sao. Lần thứ 3, tôi vừa nhảy lên, con ngựa bèn dựng luôn 2 chân trước lên, hất mạnh tôi văng xuống. Một nửa dưới con ngựa đè xuống người tôi…

Lúc ấy, mọi người kể, tôi đã ngừng thở trong vài phút. Mặt mũi tím tái. Khi mọi người khiêng tôi vào nhà thờ, đạo diễn sợ xanh mặt, nhiều người trong đoàn phim còn khóc. Ngay hôm ấy, đạo diễn Vương Đức đưa tôi về Hà Nội chụp chiếu nhưng may là tôi hoàn toàn bình thường, không việc gì. Có lẽ, chúng tôi đã được Cụ Hồ phù hộ, chứ với sức nặng của chú ngựa và cái cơ thể của tôi thì… chuyện gì cũng có thể xảy ra (cười).

- Xin cảm ơn đạo diễn Đặng Nhật Minh và diễn viên Bùi Bài Bình!

Trần Hoàng Thiên Kim (thực hiện)
.
.