Chuyện những ngư phủ trọn đời bám biển

Thứ Tư, 25/03/2015, 21:15
"Đời ông nội, rồi đến đời ba tui, đời tui và con tui đều gắng với nghề đi biển. Biển đã nuôi sống gia đình, vợ con, ngấm vào máu thịt rồi. Nghề này cực nhọc, gian khổ nhưng ra biển cũng có nhiều niềm vui lắm. Tự hào nhất là ra đấy thấy yêu Tổ quốc mình lắm" - ngư phủ Lương Văn Tài hồ hởi.

1. Làng chài Phước Tỉnh những ngày này nhộn nhịp trên bến dưới thuyền, tiếng cười nói giòn tan vào lòng biển. Các tàu cá tất bật chuẩn bị đá lạnh, dầu, nhớt, thực phẩm, nước ngọt… cho chuyến ra khơi đầu năm mới. Cầu cảng bên này ngư dân xúc đá cho xuống tàu, cuối cầu cảng bên kia một nhóm thanh niên khiêng cá từ ghe lên bờ bán cho đầu nậu, một số ghe cá khác bơm dầu, nhận rau quả, không khí tưng bừng, hối hả, tất cả sẵn sàng rẽ sóng vươn khơi.

Sau ngày Rằm tháng Giêng, hàng nghìn ghe cào, ghe câu mực ở các làng chài Phước Tỉnh, Phước Hải, Bến Đá, Bến Đình (Bà Rịa - Vũng Tàu) đồng loạt giong buồm ra khơi. Đây là chuyến "xông biển" đầu năm hứa hẹn mọi điều thuận buồm xuôi gió. Tất cả ra khơi với tinh thần: Biển của ta, ta khai thác giữ gìn…

Sau những ngày đón Tết vui xuân ở quê nhà xứ Nghệ, chàng ngư phủ có nước da đen trùi trũi, phàm như sóng Dương Văn Nhàn nói sang sảng: "Mặc dù ở quê em vẫn còn hương vị ngày Tết nhưng chơi dài cũng chán. Nghề đi biển cực nhọc, hiểm nguy mà hễ vào đến bờ lại nôn nao nhớ biển. Đành rằng, đi biển có tiền nhưng không phải kiếm dễ dàng, bao nhiêu mồ hôi hòa cùng muối, lắm lúc em cảm tưởng như biển ngày càng mặn thêm".

Theo kinh nghiệm các ngư dân, biển những ngày này bắt đầu vào mùa lặng sóng, cá di chuyển nhiều, rất thuận lợi. Bao giờ cũng vậy, chuyến đi biển đầu năm sẽ hên cho cả năm.

37 tuổi, Nhàn vào nghề biển tính đến nay đã 8 năm. Nhàn chẳng nhớ đã bao lần đi biển, nhưng 8 năm Nhàn mới về quê đón Tết với bố mẹ một lần. Niềm vui nhất của các ngư phủ như Nhàn là sau 30 ngày lênh đênh trên biển trở về đất liền với những khoang cá đầy ắp.

"Vì cuộc sống mưu sinh và tương lai vợ con nên đành chấp nhận, chứ cái nghề này vậy thôi mà bạc lắm, bỏ mạng lúc nào không hay. Tám năm làm bạn với  biển đảo, biển đã ngấm vào máu thịt em rồi" - Nhàn bộc bạch.

Đầu xuân chưa chắc cá đã nhiều, phải tùy từng vùng, từng thời điểm và còn phụ thuộc vào vận may nữa.

Theo những ngư dân dày dạn biển khơi, cứ đổi mùa là cá "ăn chụm" (tập trung) theo đàn ở vùng biển trũng lặng sóng. Nếu độ tháng 8 tháng 9, một đợt đi 20 đến 25 ngày về, trừ tiền ứng trước mỗi người còn chừng 8 đến 10 triệu. Với chuyến đi biển đầu năm có thể thu nhập gấp đôi.

Sau ngày Tết, ngư dân đi biển rất sung sức. Sức khỏe vừa tốt hơn, tinh thần cũng phấn khởi hơn. Họ háo hức bởi nỗi nhớ biển sau những ngày nghỉ dài ở đất liền, cũng có người mong mỏi ra khơi vì kế sinh nhai.

Gặp nhau trong chuyến biển đầu năm, sẽ có vô vàn những câu chuyện được kể. Đêm về giữa biển cả mênh mông mùa lặng sóng luôn làm ngư phủ có nhiều tâm trạng nhất. Nhàn cho biết: "Thuyền viên trên tàu đến từ nhiều vùng quê khác nhau, mỗi người một hoàn cảnh. Ở ngoài biển thì buồn cho nên chúng em hay tâm sự cho nhau nghe, chẳng giấu nhau điều gì cả".

Cùng giong buồm ra khơi ngày 20 tháng Giêng, ghe cá VT-5861 năm nay có  thêm chàng trai Lê Hải Triều (29 tuổi, quê Thanh Hóa). Hải Triều từng có thâm niên 11 năm bám biển. Ngần ấy thời gian dầm mình giữa biển khơi, Hải Triều nhớ vanh vách tổng cộng có 39 chuyến "làm bạn với hà bá".

Hơn 11 năm "ăn sóng nói gió", lăn lộn với biển, tiếng nói của Triều giờ đã lơ lớ nửa Thanh Hóa, nửa Vũng Tàu. Triều thật thà chia sẻ: "Em đi biển từ bé, bây giờ không bỏ được. Nghề này cực nhọc lắm, nhưng bù lại cũng có tiền nên thanh niên như bọn em ham. Càng đi biển, mới hiểu được tình yêu với nghề, tiền thu lại cũng khá. Em đã mua được mảnh đất ở Phước Hải cũng từ tiền đi biển, cái xe máy này cũng vậy".

Triều chỉ vào chiếc xe máy cáu cạnh mới tậu về trước Tết. Khi nào đi biển, Triều để xe ở nhà cho người yêu đi. Cuối năm nay Triều tính cưới vợ, là người ở Vũng Tàu luôn. Bố mẹ hai bên đã đồng ý.

Mỗi nghề có một cái khổ riêng, nhưng nghề ngư phủ ngoài cái khổ còn là cái xui rủi có thể đến bất cứ lúc nào. Lấy được đồng tiền từ biển phải vắt kiệt sức, nhưng không phải chuyến ra khơi nào cũng bội thu. Có khi 30 ngày trên biển, trở về tay trắng.

Ở làng chài Phước Tỉnh này biết bao thanh niên đã bỏ mạng ngoài biển. Những nấm mồ gió vẫn lạc lõng đâu đó mà chưa thể tìm về gia đình được.

Làng chài Phước Tỉnh sầm uất nhờ nghề đi biển.

2. Vượt qua eo biển Lăng Cô (huyện Long Điền tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đi dọc làng chài Phước Hải, chúng tôi dễ dàng nhìn thấy có nhiều ngôi miếu nhỏ ven đường lúc nào cũng khói nhang nghi ngút.

Theo người dân nơi đây, đó là những ngôi mộ vô danh cúng cho các linh hồn ngư phủ chẳng may bị bỏ mạng trong những lần ghe tàu của họ gặp nạn giữa đại dương.

Không ai muốn những ngôi mộ vô chủ ngày càng mọc thêm nhiều ở ven đường này, nhưng thiên tai bất thường sao lường hết được. Những ngư phủ ở đây vẫn ngày đêm bám biển, vẫn giong buồm vươn khơi, chẳng mảy may đoái hoài rủi ro phía trước.

Ông Nguyễn Đăng Danh, chủ tàu cá VT-1972 trọng tải gần trăm tấn chuyên đánh bắt xa bờ ở làng chài Phước Hải kể lại vụ tai nạn suýt chết cách đây một năm.

Ngày 1/1/2014, tàu của ông chở 5 thuyền viên cùng 4 khoang cá đầy ắp hành trình từ biển Nam Côn Đảo về đất liền thì bất thần bị tàu hàng đâm bên mạn phải.

Giữa đêm tối bịt bùng sóng nước, ông và 5 thuyền viên vật lộn với sóng gió chờ tàu đến cứu. Bây giờ nghĩ lại đêm tai nạn ấy, ông Danh vẫn thấy bàng hoàng. Lúc đó ông đang ngủ, bỗng bị hất tung ra ngoài, mở mắt ra thấy quanh mình toàn nước.

Biết tàu bị đâm, ông Danh hô hoán mọi người tự ứng cứu. Vụ tai nạn ấy làm ông gãy một chân. Mặc dù bị tật, nhưng ông Danh vẫn muốn quay lại biển.

Phần vì yêu nghề, phần vì cuộc sống mưu sinh nên dù gặp nạn họ vẫn không có ý định từ bỏ ngư trường. Ngư dân Trần Văn Hạnh, một trong 5 thuyền viên của ông chủ tàu cá Nguyễn Đăng Danh khẳng định: "Không ra biển đánh cá thì buồn lắm, dù nhiều lần gặp nạn suýt chết nhưng tôi không ngại chi hết, sẽ vẫn ra khơi".

Còn với ngư dân Mai Văn Tưởng - người đã có 15 năm gắn bó nơi đầu sóng ngọn gió thì biển đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

Tưởng sinh ra và lớn lên trên biển, giờ bỏ nghề đánh cá thì không biết làm gì cả. Biển lấy đi nhiều thứ nhưng cũng đã nuôi lớn nhiều thế hệ người con Phước Hải, nên dù có mất mát, đau thương, họ cũng không quay lưng với biển.

Đối với những thuyền lớn, mỗi chuyến đi biển có thể kéo dài hai tháng trời. Hàng chục con người sinh hoạt tạm bợ trên một không gian chật chội.

Ngày cật lực kéo lưới, cào cá dưới cái nắng cháy da, đêm câu mực giữa không gian đen kịt. Một mình một mủng nhỏ nhoi giữa đại dương mênh mông, cảm giác cô đơn đến rợn người. Chỉ một cơn sóng lừng bất ngờ cũng nuốt trọn cái mủng nhỏ nhoi, dìm tất cả vào lòng biển.

3. Để có tiền sau mỗi chuyến biển, những ngư phủ phải dãi nắng dầm sương, lênh lênh trên biển trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ, phải chắt bóp từng ca nước ngọt.

Thời gian cho một chuyến đi đối với ghe cào là 35 ngày, ghe câu  mực là 90 ngày. Với chiếc ghe có trọng tải 450 tấn và 10 ngư phủ chưa tính tài công (chủ ghe), thì dù chuẩn bị nước ngọt nhiều vẫn chỉ đủ để nấu cơm và uống. Có khi ba tháng không đánh răng, ba tháng không soi gương, chỉ tắm nước biển thôi. Ai nấy đen như... cục than, râu ria tua tủa và đều có mùi "nước hoa" đặc trưng.

"Mùi nước hoa" ấy chính là mùi dầu gió. Hầu như anh em đi biển ai cũng trang bị cho mình một lọ dầu gió xanh, luôn giắt bên mình, không phải bôi mà để khử mùi mực. Ăn cơm mà không có lọ dầu bên cạnh là khó nuốt lắm. Ngư phủ Lương Văn Tài cười hềnh hệch: "Cậu nào có người yêu khi vào bờ phải tắm vài chục lần mới dám hẹn gặp".

Tiền lương sau 90 ngày đi biển mỗi ngư phủ được khoảng 8 đến 10 triệu đồng. Chuyến biển đầu năm thông thường được nhiều hơn, chừng 12 triệu. Tính theo hệ số là 4-6. Nghĩa là trừ chi phí đi rồi thì chủ tàu lấy 6 phần, còn 4 phần chia đều cho ngư phủ.

Sớm ngày 22 tháng Giêng, hàng trăm nghe câu mực, ghe cào ở cảng Bến Đình (phường 7, TP  Vũng Tàu), hàng trăm ghe lưới ở xã Phước Tỉnh (huyện Long Điền) xuất phát đi chuyến biển đầu năm mới. Dẫu biết phía trước bao gian khổ, khó khăn và không đoán được rủi ro, song tất cả có chung một niềm vui sẽ đem về khoang cá đầy sau những ngày lênh đênh trên biển.

"Đời ông nội, rồi đến đời ba tui, đời tui và con tui đều gắng với nghề đi biển. Biển đã nuôi sống gia đình, vợ con, ngấm vào máu thịt rồi. Nghề này cực nhọc, gian khổ nhưng ra biển cũng có nhiều niềm vui lắm. Tự hào nhất là ra đấy thấy yêu Tổ quốc mình lắm" - ông Tài hồ hởi.

Ngọc Thiện - Tuấn Cường
.
.