Chuyện “trả lễ” có một không hai của con gái Tổng đốc Vi Văn Định

Thứ Tư, 12/04/2017, 09:40
Trong gian trưng bày tầng 2 của Bảo tàng tư nhân Nguyễn Văn Huyên, con trai ông, GS-TS Nguyễn Văn Huy dành riêng một tầng để giới thiệu về lễ cưới của cha mẹ mình: GS Nguyễn Văn Huyên, nhà sử học, nhà dân tộc học, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam (trong thời gian dài nhất là 29 năm, từ năm 1946 đến 1975) và nữ bác sĩ Vi Kim Ngọc, con gái yêu của Tổng đốc Vi Văn Định.

Điều đặc biệt là trong căn phòng nhỏ ấm áp ấy, âm thanh ngân lên là những tình khúc của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, những ca khúc tiền chiến bất hủ đã sống trong lòng người yêu nhạc  như "Bóng chiều xưa", "Kiếp hoa", "Ngọc lan", "Đêm ngắn tình dài", "Ước hẹn chiều thu", "Thuyền mơ"... Lý do GS.TS Nguyễn Văn Huy sử dụng nền nhạc ấy, bắt nguồn từ một câu chuyện xưa đầy ám ảnh đối với cuộc đời mẹ ông, người đẹp Vi Kim Ngọc.

Theo dòng hồi tưởng, GS.TS Nguyễn Văn Huy kể lại câu chuyện của cha mẹ ông, một câu chuyện tình yêu, cuộc sống đầy thi vị, như một sự sắp đặt của định mệnh, để bây giờ, sau nhiều tháng năm làm việc và cống hiến, đại gia đình ông có một bảo tàng đủ tầm để mời khách trong nước, quốc tế đến tham quan. Một câu chuyện hoàn hảo của một gia đình nhưng lại mang trong mình cả chặng đường phát triển chung của lịch sử dân tộc.

Bà Nguyễn Kim Nữ Hạnh, con gái cả của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên kể lại: Mẹ tôi rất tự hào về sự tiến bộ của ông bà ngoại và ý chí vùng lên của chính mình để trai gái được phép tìm hiểu trước khi thành hôn. Trong bốn chị em gái, bác Vi Kim Thành (1901-1987) lấy chồng là người họ Bế ở tình Cao Bằng, chồng bác mất sớm nên ông ngoại đã xin về, sau gả cho bác Dương Thiệu Chinh, cháu nội cụ Dương Khuê, Khâm sai triều Nguyễn. Bác Kim Yến, ông lại gả cho gia đình cụ Án Nghệ (Án sát tỉnh Nghệ An).

Bà Vi Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên trong lễ cưới.

Cụ Án thì đã mất, nhà chỉ còn bà chồng (tức cụ Án bà), mẹ chồng (tức bà Huyện) và chồng là bác Phan Hữu Cương (con trai một). Về làm dâu trong cảnh nhà như vậy, bác Kim Yến đã phải vất vả không những về thân phận làm dâu mà còn vất vả cả đường kiếm kế sinh nhai. Chỉ còn lại mẹ tôi và cô Kim Phú (1918-1987) ở với bà ngoại. Theo lệ gia đình chị đi lấy chồng thì em gái liền sau đó cùng mẹ học cai quản việc nội trợ gia đình, Mẹ tôi bắt đầu cùng bà ngoại tập lo toàn tề gia nội trợ.

Mẹ tôi thường nhắc nhiều về sự "tự lựa chọn người chồng ý tưởng", vì thế mẹ tôi hoàn toàn tôn trọng sự lựa chọn cho các con. Mẹ tôi kể rằng, hồi 13 tuổi, ông tôi đã nhận gả mẹ cho một người họ Dương, sau này là nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, tác giả của rất nhiều bản nhạc tiền chiến nổi tiếng. Sau năm 16 tuổi thì mẹ tôi biết chuyện, mẹ tôi nhất đình đòi ông tôi phải sêu trả ba năm. Tục lệ xưa khi đã nhận lời, hằng năm nhà trai biếu tết chờ con gái đến tuổi lấy chồng. Nếu phá bỏ phải trả lễ. Đó gọi là "sêu trả".

Sở dĩ mẹ tôi có lòng quyết tâm giành quyền quyết định hạnh phúc cuộc đời mình, không chấp nhận "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy" là do thấy bà ngoại chịu cảnh năm thê bảy thiếp thật đau khổ... Khi tôi chưa đầy 2 tuổi thì bà ngoại mất (1939). Cả nhà đều quy lỗi cho ông ngoại vì ông mê một bà thiếp quá lộng quyền, nên bà ngoại đã bỏ đi Hà Đông về thăm bác Kim Thành. 

Trên đường về quê Lạng Sơn, bà đi ngựa bị ngã chấn thương sọ não và mất. Mẹ tôi thường kể về bà ngoại là người cần cù, chịu khó, quanh năm ngồi may áo, khâu giày cho tất cả mọi người trong nhà. "Bà chỉ muốn mọi người đều sung sướng... mẹ nhớ từng trang sách bà dạy cho mẹ đọc là những bài học của luân lý, đạo làm người. Thế mà bà phải chịu cảnh bất công!".

Đi theo tiếng gọi của trái tim, cuối cùng bà Vi Kim Ngọc cũng đã tìm được người bạn đời để trao trọn trái tim mình. Trong nhật ký, bà từng khao khát: "Năm 1935 lúc em còn là thiếu nữ, nhiều thanh niên mong muốn kết duyên chân trần, Nhưng em thờ ơ, ai cũng từ chối. Em đợi chàng trai xứng đáng có đức có tài, có thủy, có chung với em. Em ước có chàng Hoàng Phủ Thiếu Hoa và em sẽ là Mạnh Lệ Quân. Như thế là trai tài gái sắc mới xứng. Đôi ta thích bộ tiểu thuyết Mạnh Lệ Quân nên em lúc nào cũng hình dung đôi ta vương tình duyên mà bị đày xuống trần... 

Có anh bạn đưa ảnh cho em xem, ca tụng anh Nguyễn Văn Huyên là tiến sĩ văn khoa, lại có bằng cử nhân luật. Khi đó anh còn đang học tại Paris. Em nghe cũng thoảng qua chẳng nghĩ đến. Khi anh từ Paris về nước, bạn anh đưa anh xuống Thái Bình thăm nhà. Mẹ cha mời dự bữa cơm trưa. Em cùng anh đôi ta biết nhau từ đó...

Chụp ảnh lưu niệm trong đám cưới của bà Kim Ngọc và ông Nguyễn Văn Huyên.

Em lại đi chơi cùng cha mẹ vào Huế, đi khắp miền Trung, vào Sài Gòn, lên cả Lục tỉnh. Rồi sang Cao Miên biết cả Hoàng gia. Rồi sang Thái... Nhớ những buổi chiêu đãi quốc tế họ trầm trồ khen em là giai nhân. Ngồi xe lửa có chàng trai người Thái cũng xin em cho chụp tấm hình. Tấm hình đó khi về em đã tặng anh! Anh còn nhớ không? Bức hình em, anh vẫn giữ mãi khi đến ngày chống Pháp, khi tản cư phải để lại Hà Nội. Sau này em cứ tiếc mãi bức ảnh ấy vì anh bảo: em có đôi mắt làm anh yêu say đắm... Đôi ta gặp nhau ở Huế, nơi lễ Nam Giao. Em lại quên không từ biệt anh. Khi lên xe, cha đưa anh Toại (ông Phan Kế Toại là chồng bà Nguyễn Thị Mão, nữ giáo viên dạy toán đầu tiên của Hà Nội, bà là chị gái của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên).

Bà Nữ Hạnh kể: Sau chuyến du lịch dài này trở về với Thái Bình, ông bà ngoại tôi mấy lần nhận được điện từ Hà Nội gửi tới xin cầu hôn. Mẹ tôi kể rằng, mãi đến khi mẹ tôi nhận được thư cha tôi trực tiếp viết cho ông ngoại và "gửi lời thăm em, người đáng yêu nhất" thì mẹ tôi mới bằng lòng để bên nhà trai xuống Thái Bình cầu hôn.

Kể từ ngày 12-4-1936 đến ngày 19-10-1975 (ngày Giáo sư Nguyễn Văn Huyên qua đời), họ đã sống hạnh phúc bên nhau 39 năm, có với nhau 4 người con, ba gái, một trai đều là những người thành đạt.

Trong bức thư gửi về cho bà Kim Ngọc tại Hội nghị Fontainebleau (Pháp) năm 1946, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên đã viết: "Huyên ra đi cũng thừa thấy là làm thiệt thòi cho vợ và các con nhiều. Song như Ngọc nói, đây là dịp để Huyên thay mặt cho nhà mà đền nợ nước. Huyên cũng như bao nhiêu anh em sinh trưởng trong một nước nô lệ từ ngày hiểu biết đến nay ngoài hai chục năm thở vắn than dài, cố sức sửa mình để thoát khỏi vòng áp chế.

Ông bà và bốn người con.

Ngọc cũng cảm thấy là trong 10 năm hai ta sống với nhau hoàn toàn trong cảnh tạm bợ mà thôi. Ngọc thấy Huyên không thiết gì ngoài cái tình thân mật trong gia đình, còn danh lợi thì dửng dưng, không ham muốn, có thì dùng không bao giờ tự đi kiếm. Mà Ngọc là người sinh trưởng trong một gia đình hào phú cũng có trí cao thượng không bo bo giữ cái lợi tức thời nên cũng trợ giúp Huyên tìm đường thoát ly khỏi cái vòng nô lệ. Vả chúng ta đã thường bàn với nhau là những năm này là những năm tuyệt vời tốt đẹp trong đời chúng ta.

Ngọc cũng nghĩ thế với Huyên từ khi chúng ta mới đắp cái tổ chim con ở gần ga Hàng Cỏ. Nữ Hạnh sinh ra ở đó trong một bầu không khí mịt mù. Khi Bích Hà ra đời thì chúng ta đã thấy một tia sáng ló lên ở phương Đông. Vì thế mà Hà mới tên là Bích Hà, một vùng ánh sáng đỏ khi mặt trời mới hé trong cảnh bình minh. Nên khi sinh được Nữ Hiếu là nghĩ đến trước ta mà cũng nghĩ đến sau ta nữa đó.

Khi xảy ra việc Nhật đuổi Pháp ở nước ta thì chúng ta mới thấy cảnh bình minh năm xưa mới mất hẳn. Chúng ta xoa tay nhảy vào vòng mà hy vọng. Huy ra đời trong một buổi tuy cái nguy đầy rẫy nhưng ánh sáng huy hoàng đã bắt đầu bao phủ cả một góc trời Nam. Nhưng chúng ta muốn ánh sáng ấy đầy hạnh phúc và hòa bình trong thế hệ tương lai này nên chú Huy mới gọi là Văn Huy. Bố là Văn Huyên một ánh sáng nhẹ nhàng, mẹ là Kim Ngọc một vật quý không vết, con Văn Huy phải tiến một bước dài trong các nguồn hạnh phúc của các chị lớn...".

GS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, chia sẻ: "Vì cha mẹ tôi có một cuộc sống tự lập nên họ không bao giờ áp đặt tương lai cho con cái mà luôn để cho các con tự lựa chọn điều mình thích. Ông chỉ khuyên chúng tôi độc lập suy nghĩ, làm việc gì cũng phải đào thật sâu thì mới có niềm say mê, từ đó mới thành quả có ích cho mình và cho xã hội. Tấm gương của cha mẹ đều giúp chị em chúng tôi hình thành nhân cách".

Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên qua đời khi sang Đức làm phẫu thuật. 58 ngày sau khi ông mất, bà Ngọc viết di chúc dặn dò con cháu chuyện mai sau: "Mẹ muốn sống cùng các con thiếu cha còn mẹ, nhưng các con thương yêu của mẹ ơi! Sống làm sao mãi... Nhưng cha mẹ vĩnh biệt các con chỉ về thể xác, còn linh hồn vẫn sống mãi với các con, các cháu... Các con hãy theo gương của cha mẹ để sống, để khi từ giã cõi đời bể khổ này, không có điều gì ân hận cả... Tấm gương người cha kính yêu là mẫu mực của một con người: Nhân, Lễ, Nghĩa, Trí, Tín. Những lời tuy cổ xưa nhưng mẹ nghĩ con người có nhân cách phải thực hiện đạo đức đó thì tất nhiên bản thân tự mình trọng mình, đồng thời, người ta cũng tôn trọng phẩm cách con người có đạo đức".

Ngoài di chúc, bà cũng đã để lại nhiều cuốn nhật ký ghi lại những giai đoạn quan trọng của cuộc đời mình. Một người con gái "lá ngọc cành vàng" nhưng đã cùng gia đình tham gia kháng chiến 9 năm trường kỳ, ở trong bà cũng lưu giữ lại các tài liệu khi làm kỹ thuật viên bộ môn Ký sinh trùng (Đại học Y Hà Nội), trực tiếp được giáo sư Đặng Văn Ngữ đào tạo, hướng dẫn thực hành về ký sinh trùng, đặc biệt là thực hành về muỗi. Bà cũng trực tiếp giảng dạy cho nhiều thế hệ sinh viên, các cán bộ mới vào làm việc tại bộ môn Ký sinh trùng.

Những năm tháng nghỉ hưu bà đã tìm đến hội họa. Bà vẽ nhiều tranh tĩnh vật với vẻ đẹp giản dị, tinh tế. Năm 1974, bà đã có triển lãm tranh ở Bảo tàng Mỹ thuật. Những nỗ lực của bà trong hội họa đã được giới chuyên môn công nhận, bà trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Ông đồ Vũ Đình Liên, một người bạn thân thiết của gia đình bà rất thích những bức tranh của bà Kim Ngọc. Ông đã có thơ rằng: "Màu tươi trên quả chín/ Vị ngọt trong miệng người/ Không chỉ say sắc rượu/ Mà còn mê tình người".

Bà Vi Kim Ngọc cũng là người đã có công lưu giữ toàn bộ thư từ, tài liệu, sách, kỷ vật... của Giáo sư Nguyễn Văn Huyên. Các kỷ vật trên hiện tại đều được tập hợp, trưng bày tại Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên. Giáo sư Nguyễn Văn Huy kể: "Mẹ chăm chút từng kỷ vật của bố. Bà muốn giữ lại mọi thứ để con cháu biết và hiểu về bố, về ông mình. Hơn 400 hiện vật trong bảo tàng không chỉ kể lại câu chuyện của hai người mà còn kể về gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và cả những thời kỳ lịch sử của đất nước"...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.