Chuyện về NSƯT Thanh Tú

Thứ Bảy, 30/08/2014, 10:50

Hôm Rằm tháng Bảy, NSND Hoàng Cúc thông báo: “Nghệ sĩ năng đi chùa nhất, chị biết có chị Thanh Tú? Chị Tú nói sắp vào ở hẳn luôn trong chùa rồi. Bây giờ cuộc sống của chị ấy gắn liền với chốn thiền môn”. Có lẽ nào?! NSƯT Thanh Tú, người diễn viên với nhan sắc lộng lẫy và sắc sảo thuở nào, từng là solist của sân khấu Nhà hát Kịch Hà Nội, một trong những gương mặt được yêu mến nhất trong điện ảnh Việt Nam đến cuối đời, đã bỏ lại tất cả để đến với cửa Phật?...

Tôi gặp chị vào buổi chiều sau cơn mưa nhỏ, tại nhà riêng 4 tầng ở con phố sầm uất vào ra tấp nập bởi những quán cà phê san sát. Ồn ào và nhốn nháo phố phường không làm khuấy đảo không gian riêng tư của chị vì căn nhà nằm sâu trong ngõ. Dù đã bước vào tuổi 70 nhưng trông chị còn trẻ lắm so với tuổi. Trên khuôn mặt vẫn còn phảng phất lưu giữ nét xuân sắc của một thời. Đặc biệt là đôi mắt. Nó thật đặc biệt vừa như một biển hồ đầy, sóng sánh, lung linh, đa tình lại man mác buồn.

Khi điện thoại, chị bảo chuyện đời chị kể nhiều rồi, chẳng còn gì mà kể nữa, nhưng khi nói đến Phật, đến chùa, chị như mang một trạng thái khác, đầy hưng phấn. Và rồi tôi gặp chị. Ngay từ khi bước chân vào nhà chị, trò chuyện đến khi tôi ra về thì câu chuyện đều xoay quanh chuyện nhà chùa. Như có một sức mạnh, một niềm tin vô bến bờ, chị càng nói, càng say sưa, tôi đã nhận ra, khi xưa có một Thanh Tú và niềm đam mê rừng rực trong các vai diễn. Thì giờ đây, trước mắt tôi là một Thanh Tú cũng vẫn đam mê cháy bỏng, nồng nàn, say đắm không kém khi tin vào Phật pháp, vào chốn thiền môn.

Tôi hỏi: “Em nghe nói chị đi tu…”. Chị nói: “Chị sẽ đi tu em ạ”. Chị có duyên với cửa Phật từ 26 năm về trước. Ngày đó, sau một biến cố, chị tìm niềm vui ở chốn thiền môn và những bài kinh Phật. Đến giờ chị thuộc làu làu nhiều quyển kinh. Chị biết ngày hôm nào thì nên đọc quyển kinh gì. Chị giảng cho tôi về đạo hạnh. Chị kể những truyền thuyết và sự tích về đạo Phật. Chị đọc cho tôi nghe một đoạn kinh rồi say sưa phân tích các dòng tu. Cứ như thế tôi cứ bị hút mãi vào câu chuyện của chị.

Trong một tích tắc nào đó, tôi bất giác nghĩ đến những nghệ sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và cả nước ngoài họ lấy niềm tin vào Phật pháp. Ví dụ như điện ảnh Trung Quốc có cố diễn viên điện ảnh Trần Hiểu Húc vai Lâm Đại Ngọc trong phim “Hồng Lâu Mộng”, những năm cuối đời Hiểu Húc xuống tóc và đi tu. Ở Việt Nam cũng có nhiều nghệ sĩ coi nhà chùa như ngôi nhà thứ hai của mình, trong đó có cả những diễn viên còn rất trẻ, hay khi đã ở tuổi trung niên. Nhiều nghệ sĩ ăn chay trường. Nhưng bỏ lại tất cả để đến với thiền môn như Thanh Tú thì chưa có ai. Chị đã có hàng tháng trời ròng rã ở nhà chùa. Chị quen biết, trò chuyện với rất nhiều nhà sư. Đôi chân của chị đã đi hầu khắp các ngôi chùa ở mọi miền đất nước. Chị thích những ngôi chùa ở trên núi cao như Tam Đảo, các ngôi chùa ở Yên Tử. 

Trong ánh mắt xa xăm đó, quá khứ lại hiện về. Từ thời con gái, đang là diễn viên nổi tiếng tưng bừng trên phim trường, cuộc sống nghệ sĩ ở trên đỉnh cao của danh vọng, lúc đó nhạc sĩ Hồng Đăng trầm ngâm nhìn chị nói: “Tú ơi!, lạ nhỉ! Theo anh, thì lẽ ra em phải theo nghề dạy học và đi tu thì mới đúng số của em chứ”. Lời nhạc sĩ Hồng Đăng nói lúc đấy, chị chỉ nghĩ đó là một câu chuyện đùa, dạy học và đi tu là những thứ quá xa vời, đang là một nghệ sĩ đầy mộng mơ, lãng mạn, không liên quan gì đến dạy học và đi tu. Các vai diễn cứ tưng bừng nối tiếp nhau. Vậy mà, thời gian thấm thoát trôi đi. Đúng là sau này chị trở thành một nhà giáo thực thụ. Chị dạy diễn xuất cho các trường nghệ thuật. Chị dạy nghệ thuật làm đẹp cho hội phụ nữ. Chị dạy thẩm mỹ… Còn việc đi tu, cứ như một cánh cửa ngỏ nào đâu nghĩ đến.

Nghệ sĩ Thanh Tú bây giờ.

Thế mà, như một định mệnh, như một cơ duyên trong lúc cô đơn nhất chị tìm đến với đạo Phật. Tìm hiểu và chiêm nghiệm về đạo Phật. Chị biết rằng, cuộc đời này luôn có luật nhân quả. Kiếp này, đời này mình bị gánh những quả nghiệp này là do kiếp trước mình đã làm sai cái gì đó. Trả hết những cái nạn này xong là cuộc đời mình sẽ nhẹ nhàng. Từ ngày tụng kinh, niệm Phật chị thấy mình bớt nóng nảy đi rất nhiều. Chị là người ham hiểu biết, ưa tìm tòi, chị đọc và chiêm nghiệm những ý tứ sâu xa để tìm ra nguồn gốc của sự khổ đau, được - mất, của cuộc đời, vì thế chị nhìn cuộc đời cũng bình thản, bao dung hơn.

Năm 2006, thời điểm diễn viên Lê Vân ra quyển tự truyện “Lê Vân yêu và sống”, ở đâu, bất cứ chỗ nào người ta cũng bình luận rôm rả về cuốn sách được cho là quá táo bạo ấy. Trong cuốn sách có nhắc đến đạo diễn Phạm Kỳ Nam, người chồng đầu tiên của chị. Thanh Tú đã lên tiếng nói thay cho lời của người đã khuất. Ông Phạm Kỳ Nam đã ra người thiên cổ, ông không thể về để thanh minh hay giải thích, thì chị không thể không lên tiếng nhưng chị nói với thái độ điềm nhiên, bình tĩnh. Tính chị thẳng và chân thành.

Đúng là ông trời cũng không cho ai hết cái gì bao giờ, thế nên cũng đừng vì vậy mà tham lam quá, từ lâu chị nghĩ vậy. Ông trời đã hào phóng ban cho chị nhan sắc, một vẻ đẹp rực rỡ và quyến rũ. Thế thì đổi lại đường tình duyên truân chuyên cũng đúng thôi? Hai lần khoác áo cô dâu, hai lần làm lẽ của hai đạo diễn nổi tiếng. Nhưng rồi, cả hai cuộc hôn nhân đều đúng một con giáp thì chia tay. Hai lần đò ấy để lại cho chị hai người con, một trai, một gái.

Trong bước đường sự nghiệp, chị là một diễn viên đắt giá, một gương mặt nổi trội khó bề thay thế. Cả trên sân khấu lẫn điện ảnh chị đều gặt hái thành công. Đó là những thước phim vàng, những vai diễn để đời nằm lòng trong trí nhớ của khán giả. Chị được số đông công chúng cả nước hâm mộ. Vậy mà qua bao nhiêu đợt xét tặng giải thưởng, chị vẫn cứ mãi là NSƯT. Những thế hệ đàn em sau này, kể cả lớp con cháu đều bước lên NSND cả rồi, chị cứ vẫn mãi ở đấy. Hình như người ta bỏ quên chị (?!). Nhưng công chúng khán giả thì không. Người ta vẫn cứ mãi nhớ đến chị, người phụ nữ sinh ra để dành cho nghiệp diễn, cho điện ảnh.

“Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”, cụ Nguyễn Du khi xưa đã thật chí lý. Con người mà, nhất lại mang trái tim đa sầu, đa cảm của nghệ sĩ đích thực. Chị buồn chứ, nhưng rồi chị mỉm cười với số phận.

Từ cái thời bom đạn dội xuống khi xưa cái thời mà chị đóng vai mẹ của em bé Hà Nội trong phim “Em bé Hà Nội” ấy. Với một người nghệ sĩ, không có phần thưởng nào cao quý và danh giá hơn là được sống trong lòng khán giả. Chị nghĩ thế và cuộc sống bình yên trôi trong suy nghĩ giản dị ấy.

Chị bảo người có Phật trong tâm thì ở đâu lúc nào cũng tu được chứ đâu cứ  phải đến chùa. Chị tụng kinh ở nhà và không có thói quen như nhiều người là lên chùa vào ngày Rằm hay mồng Một. Những ngày ấy, chốn chùa rất đông. Chị lại thích không khí thanh bình yên ả, chị ngại chốn đông người. Trong câu chuyện của chúng tôi, chị say sưa nói về cõi niết bàn, về địa ngục, về vũ trụ bao la, thần bí, mầu nhiệm. Những ai khi sống ở kiếp người làm điều thiện đến lúc mất sẽ được về cõi niết bàn, an phương cực lạc, hoặc được luân hồi đầu thai trở lại kiếp người. Những kẻ gian tà, độc ác, khi chết sẽ bị đày xuống âm ti địa phủ. Chị bảo, chị tin vào “đức năng thắng số”, vậy thì sống ở kiếp người hãy cố gắng mà tu. Chị được giác ngộ thế, và vì thế trong ánh mắt chị luôn sáng lên một niềm tin.

Chị bảo sống ở trên đời nên bố thí và không nên sát sinh. Thỉnh thoảng chị lại phóng sinh cho những con cá, con ốc, con chim. Đôi lần nhìn thấy những con cá tươi rói được bán và chỉ mấy giờ sau con cá sẽ được người ta bắc lên chảo lửa, chị sốt sắng mua rồi trả lại chúng cho thiên nhiên. Chị thuộc làu những bài kinh phóng sinh, chị trả lại những con vật về môi trường sinh thái tự nhiên của chúng, nhờ vậy mà con vật đó được hóa kiếp tốt hơn. Nói về luật nhân quả báo ứng của đạo Phật, chị bảo chị tin vào định mệnh vào duyên số. Chị bảo làm việc ác sẽ bị báo ứng ngay, chứ nào phải đợi đến kiếp sau?!

Trần Mỹ Hiền
.
.