Chuyện về một hậu duệ của học giả Nguyễn Văn Vĩnh

Thứ Hai, 04/02/2008, 14:00
Thế chấp cả ngôi nhà mình đang ở với ngân hàng để vay tiền... làm một bộ phim tài liệu về ông nội Nguyễn Văn Vĩnh và gia tộc mình chỉ với mong muốn giáo dục con cháu không quên cội nguồn...

Dù chỉ để "lưu hành nội bộ" nhưng bộ phim đã được làm rất công phu bởi nhóm làm phim đã đi khắp trong Nam ngoài Bắc, sang cả Lào và Pháp để tìm tư liệu... Con người độc đáo ấy là anh Nguyễn Lân Bình, một công chức ở Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn - Bộ Ngoại giao, cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh...

Từ nỗi ám ảnh quá khứ

Tôi quen anh Lân Bình rất tình cờ. Đó là năm 2002, tôi gặp anh để lấy tư liệu viết bài về cha anh, ông Nguyễn Dực, người có công rất lớn trong việc xây dựng Đài Tiếng nói Việt Nam.

Trước năm 1945, ông Dực là chủ cửa hiệu Nguyễn Dực Radio ở 43 Hàng Bài, một cửa hiệu nổi tiếng khắp miền Bắc chuyên bán và sửa chữa thiết bị âm thanh. Do có cảm tình và thường ủng hộ Việt Minh nên khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ông Dực đã tình nguyện mang toàn bộ máy móc của mình để chính quyền cách mạng thành lập đài phát thanh.

Ngày 25/8/1945, ông là người đầu tiên đọc trước micro câu “Đây là Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam. Phát thanh từ Hà Nội, trên làn sóng điện 41 mét”. Đó là thời khắc đánh dấu sự ra đời của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Ngày 2/9/1945, ông Dực cũng là người trực tiếp thiết kế và phụ trách toàn bộ hệ thống âm thanh để Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình trước quốc dân đồng bào.

Nhưng điều khiến tôi bất ngờ, anh Bình chính là cháu nội học giả Nguyễn Văn Vĩnh, ông Dực là con giáp út của cụ Vĩnh. Cho tới bây giờ, dù vẫn còn những quan điểm khác nhau về nhân thân của Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), nhưng có một điều không thể phủ nhận: Nguyễn Văn Vĩnh là một trong những người có công lớn trong việc truyền bá chữ quốc ngữ ở Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

Dù không phải là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, nhưng Nguyễn Văn Vĩnh, với tư cách là một nhà báo, dịch giả đã nỗ lực tuyên truyền để chữ quốc ngữ được sử dụng rộng rãi trong xã hội. Ông đã có câu nổi tiếng: "Nước Nam ta mai sau này, hay hay dở cũng ở chữ quốc ngữ".

Trong cuộc đời mấy chục năm làm báo của mình, Nguyễn Văn Vĩnh đã dịch rất nhiều tác phẩm văn học, triết học, như “Kim Vân Kiều” (dịch từ chữ Nôm sang chữ quốc ngữ, rồi dịch từ chữ quốc ngữ sang Pháp văn); rồi “Triết học yếu lược”; “Thơ ngụ ngôn” của La Fontaine; “Ba chàng ngự lâm pháo thủ" (24 cuốn) của Alexandre Dumas; "Những người khốn khổ” của Victor Hugo; “Miếng da lừa” của O.Balzac... sang chữ quốc ngữ, vừa để phổ biến chữ quốc ngữ, đồng thời mở ra một cửa sổ giúp cho nhiều người tiếp cận văn học, văn hóa thế giới...

Từng làm chủ nhà in và những tờ báo nổi tiếng nhất Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX bằng cả tiếng Việt (Đông Dương tạp chí, Trung Bắc tân văn) và tiếng Pháp (L'Annam nouveau - An Nam mới)... nhưng do không chịu khuất phục người Pháp (2 lần từ chối Bắc đẩu bội tinh) mà Nguyễn Văn Vĩnh đã bị chính quyền o ép tới mức phải phá sản.

Giữa năm 1935, với lý do Nguyễn Văn Vĩnh bị vỡ nợ, chính quyền đã tịch thu toàn bộ tài sản của ông đem bán đấu giá. Tuy vậy, số tiền bán đấu giá vẫn chưa đủ.

Lúc đó, người Pháp đưa ra 3 lựa chọn cho Nguyễn Văn Vĩnh: nếu vào Huế làm Thượng thư, sẽ được trả lại toàn bộ tài sản như cũ; hoặc phải ngồi tù ở Hỏa Lò, dù chỉ một ngày; hoặc biệt xứ sang Lào dưới danh nghĩa đi tìm vàng để trả nợ. Và ông đã lựa chọn đi Lào.

Tiếng là đi tìm vàng, nhưng suốt thời gian ở Lào, Nguyễn Văn Vĩnh đã dành để viết thiên phóng sự dài kỳ "Một tháng với những người đi tìm vàng" đăng trên báo L'Annam nouveau.

Khi thiên phóng sự này còn dở dang thì tháng 5/1936, ông đột ngột qua đời trong chiếc thuyền độc mộc trên sông Sê Pôn, một cái chết cho tới bây giờ vẫn còn là bí ẩn.

Trong 15 người con của ông Vĩnh, có những người rất tài hoa, trong đó có thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, người đã "đóng đinh" vào lịch sử văn học Việt Nam với bài thơ bất hủ “Em đi Chùa Hương"; là Nguyễn Phùng, một luật sư nổi tiếng ở Pháp, đã được chính quyền thành phố Mongpelier chọn đặt tên đường; là nhà thơ Nguyễn Giang, người được ghi tên trong từ điển văn học Việt Nam...

Nhưng cùng với những biến cố của lịch sử, đại gia đình ấy đã ly tán mỗi người một nơi và cũng có những người con của ông Vĩnh gặp phải hoàn cảnh không may mắn...

Sau này, khi đã thân thiết, trong những câu chuyện về gia đình mình, anh Bình thường nói với tôi về kho tư liệu các tác phẩm của cụ Vĩnh mà anh đang lưu giữ. Kho tư liệu này do cha anh và các bác, các chú đã lưu giữ, trao lại.

Anh cũng không giấu sự ân hận bởi suốt một thời gian dài, anh hầu như không hiểu biết gì lịch sử gia đình. Thời đi học, anh chỉ biết ông nội mình từng là một ông chủ lớn, nhưng sau này đã bị phá sản, thế thôi.

Hết phổ thông, sau mấy năm học nghề ở nước ngoài, tới năm 1971 về nước, nhập ngũ, làm lính Trường Sơn cho đến 1979 mới ra quân. Sau này, khi đã làm ở Cơ quan Ngoại giao Đoàn, nỗi lo cơm áo và nhiều mối quan tâm đời thường đã lấy hết thời gian nên hầu như anh không ngó ngàng tới kho tư liệu cũ mà gia tộc vẫn cất giữ.

Mãi tới năm 1986, trong một lần hai cha con nói chuyện về gia đình, dòng tộc, anh Bình mới hỏi cha mình về nơi đặt mộ ông nội. Rồi anh nhờ người chú ruột đưa về quê ở xã Phượng Dực (Phú Xuyên, Hà Tây). "Không bao giờ tôi quên được cái buổi chiều đông rét buốt ấy; hai chú cháu đứng lặng bên nấm mộ ông nội chỉ là một đống đất nhỏ cỏ mọc um tùm. Trở về, tôi quyết định phải xây mộ cho ông”.

Anh Lân Bình, đạo diễn Trần Văn Thủy và giáo sư sử học Trịnh Văn Thảo tại Đại học Aix Provence, Pháp.

--PageBreak--

"Cắm" nhà lấy tiền... làm phim

Sau lần ấy, khi giở lại kho tư liệu mà cha đã cất giữ, anh Bình mới giật mình vì sự nghiệp của ông nội quá lớn. Vậy mà phần đông con cháu sau này đều không hiểu đầy đủ hoặc biết rất ít về ông. Vì thế anh đã nghĩ tới chuyện làm một cuốn sách về gia tộc, đặc biệt là sự nghiệp báo chí, văn học, dịch thuật của cụ Vĩnh.

Ý định như vậy nhưng phải tới năm 2005, anh mới quyết định nhờ nhà thơ Trần Hòa Bình, nhà văn Văn Giá và nhà báo Yên Ba làm giúp. Nhưng rồi vì nhiều lý do mà cuốn sách ấy bây giờ vẫn chưa hoàn thành.

Giữa năm 2006, anh Bình bất ngờ nói với tôi rằng, anh quyết định sẽ làm một bộ phim tài liệu về sự nghiệp của cụ Vĩnh và những người bác nổi tiếng của mình.

Nghe vậy, cả tôi và những người bạn của anh đều choáng bởi làm phim là chuyện không dễ; làm thế nào để với những tư liệu "chết" mà dựng thành phim về chân dung một con người và cả một đại gia đình có quá nhiều người tài hoa và nổi tiếng như vậy? Đấy là chưa nói tới vấn đề rất quan trọng là tiền lấy đâu ra vài trăm triệu chỉ làm một bộ phim "lưu hành nội bộ"?

Sau nhiều lần lựa chọn, cuối cùng như một sự sắp đặt của số phận, đạo diễn Trần Văn Thủy đồng ý làm biên kịch và đạo diễn với một điều kiện là... miễn phí tiền công.

Cho tới một ngày giữa tháng 6/2007, anh Bình gọi điện cho tôi mời đến nhà anh xem phim thì tôi mới dám tin rằng bộ phim đã được hoàn thành. Buổi chiếu ra mắt bộ phim có tên "Mạn đàm về người man di hiện đại" ấy chỉ có những bạn bè thân thiết của gia đình.

Và điều khiến tôi bất ngờ là bộ phim tài liệu dài 4 tập với thời lượng hơn 200 phút lại hấp dẫn tới phút cuối cùng. Với một đống tư liệu "chết", nhưng nhóm làm phim (đạo diễn Trần Văn Thủy, anh Lân Bình và một quay phim) đã làm rất công phu.

Họ không chỉ đi gặp rất nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học, con cháu của cụ Vĩnh ở trong nước; mà còn đi khắp 6 thành phố ở Pháp để sưu tầm tài liệu; rồi lặn lội sang Lào theo hành trình "Một tháng với những người đi tìm vàng" mà cụ Vĩnh đã đi năm 1936 từ Hà Nội sang Sê Pôn.

Với cách làm theo kiểu kể chuyện, qua lời kể của các con, cháu và những nhận xét, đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, văn học, báo chí, bộ phim đã dựng lên thân thế, sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh và cả những người con tài hoa của cụ...

Bây giờ, bộ phim đã được chiếu tới hơn 20 lần, những người được mời xem ngoài con cháu trong họ còn có khá đông nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu sử học quan tâm tới Nguyễn Văn Vĩnh, nhưng khi nhận xét về bộ phim này thì đều khen là hay.

Không những thế, tháng 12/2007, biết Nguyễn Lân Bình làm xong bộ phim, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam mời anh mang phim vào chiếu cho lãnh đạo tất cả các sở, ban, ngành trong tỉnh xem như một bộ phim nghiên cứu. Và mọi người đều có chung nhận xét là bộ phim đã vượt ra khỏi một phim tư liệu gia đình.

Tôi đã xem những lời nhận xét đầy cảm động của Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Nam Nguyễn Như Chính sau khi xem phim rằng: “Thật xúc động lòng người, bộ phim đã dùng hình ảnh để chứng minh cho những ai còn mơ hồ về cụ do thiếu thông tin vì không có điều kiện tìm hiểu. Tôi đã rơi lệ khi xem hết bộ phim...".

Giờ đây, khi tâm nguyện đã hoàn thành, nhắc lại hành trình suốt 1 năm làm phim, anh Bình bảo rằng nhiều lúc cũng không dám nghĩ mọi chuyện lại trở thành hiện thực, bởi khi bắt tay vào làm phim, cũng cảm thấy hoang mang khi có quá nhiều việc phải làm. Để có hơn 200 phút phim ấy, nhóm làm phim đã quay tới 1.500 phút ở Hà Tây, Hà Nội, Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, TP HCM, Lào và 6 thành phố ở Pháp.

Chỉ riêng chuyện lo tiền làm phim cũng là chuyện không đơn giản. Có được đồng nào anh đổ vào làm phim hết; nhiều người trong dòng họ cũng quyên góp người 1 triệu, người 2 triệu để phụ giúp, nhưng cũng không thấm tháp gì.

Vì thế sau khi ghi được một số cảnh ở quê và Hà Nội, anh quyết định phải vào TP HCM quay cảnh đường phố Nguyễn Văn Vĩnh, phỏng vấn một số nhà nghiên cứu văn hóa, sử học, văn nghệ sĩ.

Quyết thế nhưng lúc này trong túi anh chỉ còn vẻn vẹn... hơn chục triệu đồng. Vậy là trong một tuần, ông “giám đốc sản xuất” phải đôn đáo đi... vay tiền. Bởi để tổ chức được một chuyến đi cho 5 người trong 10 ngày, phải có ít nhất 50 triệu, vì riêng tiền thuê chiếc camera Betacam Digital phải chi tới 1,5 triệu đồng/ngày, chưa kể thù lao cho quay phim, rồi chi phí mua vé máy bay, tiền ăn, ở, đi lại và đủ thứ chi phí khác...

Sau chuyến đi TP HCM, chuyến đi miền Trung và sang Lào cũng vậy, đoàn 10 người đi 10 ngày cũng ngốn hết cả trăm triệu đồng.

Nhưng tốn kém nhất là chuyến đi Pháp. Ban đầu, đạo diễn Trần Văn Thủy bàn chỉ quay từ tư liệu trong nước thôi vì nếu đi sẽ rất tốn tiền, bởi chỉ riêng vé máy bay khứ hồi Hà Nội - Paris đã là 20 triệu đồng/người. Nhưng nếu như vậy thì chỉ là "cưỡi ngựa xem hoa" bởi ai cũng biết muốn tìm tư liệu về Việt Nam thời Pháp thuộc thì phải vào được kho lưu trữ ở Pháp mới đầy đủ.

Vậy là, anh Bình quyết định mang... sổ đỏ căn nhà đang ở ra ngân hàng thế chấp. Đó là quyết định khó khăn nhất trong đời. Dù khi nghe anh nói sẽ phải thế chấp nhà, vợ và cô con gái lớn đều đồng ý nhưng anh vẫn thấy sự hoang mang của vợ con, bởi lo vay rồi thì lấy tiền đâu ra mà trả?

Song, đã ở cái thế không thể lùi, vậy là sổ đỏ được mang đi “gửi” ngân hàng. Với số tiền vay được ấy, “đoàn làm phim” đã có hành trình nửa tháng ở Pháp và ghi hình ở 6 thành phố là những nơi có liên quan tới sự nghiệp của cụ Nguyễn Văn Vĩnh và người con trai là luật sư Nguyễn Phùng.

Khi xem lại bộ phim, mới thấy quả thực nếu thiếu đi những trường đoạn quay ở Sê Pôn và 6 thành phố ở Pháp (đặc biệt là vào được Trung tâm Lưu trữ Hải ngoại Quốc gia Pháp sưu tầm được rất nhiều tư liệu), gặp khá nhiều nhân vật thì chắc chắn bộ phim sẽ không thành, hoặc có cố làm thì chất lượng cũng bị hạn chế.

Bây giờ, dù món nợ "cắm" nhà còn chưa trả hết nhưng những ngày này, ông "giám đốc sản xuất" Nguyễn Lân Bình lại đang tất tả ngược xuôi... kiếm tiền làm hậu kỳ cho bộ phim được dịch sang tiếng Pháp để giúp cho các hậu duệ của cụ Vĩnh đang sống ở hải ngoại không nói được tiếng Việt cũng sẽ hiểu được cội nguồn của mình.

Và mỗi lần gặp nhau, vẫn thấy anh hồ hởi bởi anh bảo rằng: "Nhờ có bộ phim mà cháu, chắt của cụ Vĩnh đã hiểu rõ về gia tộc. Vì thế dù có phải kéo cày trả nợ hết đời, nhưng tâm nguyện của tôi đã thành hiện thực, đó mới là điều quan trọng"

Nguyễn Thiêm
.
.