Cô gái vàng Bùi Thị Thu Thảo: Thành công từ điểm tựa gia đình

Thứ Hai, 17/09/2018, 16:10
Cao 1,62m, vóc người mảnh dẻ, làn da rám nắng, ánh mắt rạng ngời và nụ cười tươi tắn, cô gái vàng Việt Nam Bùi Thị Thu Thảo đã bước lên bục vinh quang để nhận chiến thắng trong niềm vui vô bờ của người thân, bạn bè và người hâm mộ.

Thảo đã giành được huy chương Vàng thứ hai cho thể thao nước nhà tại Asiad 2018 với thành tích nhảy xa 6,55m. Ít ai ngờ rằng sau tấm huy chương là cả một nghị lực vượt khó phi thường và ở đó có cả niềm đam mê, hăng say đầy nhiệt huyết và sự khiêm tốn. Ngay cả đến giờ Thảo vẫn nhỏ nhẹ nói: “Em quyết giành huy chương vàng tại Asiad 2018 để tặng chồng”.

Nghị lực của cô gái quê lụa

Tham gia Asiad 2018 lần này có không ít những gương mặt đại diện tiêu biểu cho thể thao nước nhà được kì vọng như Thạch Kim Tuấn  (cử tạ), Lê Thanh Tùng (thể dục dụng cụ), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi ) nhưng họ đều lần lượt để tuột mất cơ hội. Trong lúc “nước sôi lửa bỏng” có sự sốt ruột không hề nhẹ thì ngày 23-8, khi đó một bộ môn không mấy ngờ đến - rowing, bơi thuyền hạng nhẹ của bốn cô gái đến từ đất cảng Hải Phòng đã làm nên kì tích tại Pelembang, Indonesia.

Bùi Thị Thu Thảo giành lá cờ chiến thắng với tấm Huy chương Vàng Asiad 2018.

Các ngày sau đó, tại sân chơi Asiad, “cơn khát vàng” không hề giảm nhiệt vì chúng ta chỉ có huy chương bạc và đồng. Phải đợi đến ngày 27 – 8, cô gái  quê lụa Bùi Thị Thu Thảo mới gặt hái được tấm huy chương vàng thứ hai cho Việt Nam và đó cũng là tấm huy chương vàng đầu tiên của môn Điền kinh với thành tích đáng khâm phục nhảy xa 6,55m.

Trên đường băng Jakata, Thu Thảo đã có cú vượt nhảy xa ngoạn mục bỏ qua đối thủ của mình là vận động viên nước chủ nhà với thành tích 6,45m. Ngay trong giây phút chiến thắng, cô đã ôm chầm lấy huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hiếu. Và cánh phóng viên ảnh đã bắt được khoảnh khắc tuyệt đẹp của hai thầy trò khi làm nên kì tích tại đấu trường Asiad 2018.

Ít ai biết rằng, trước khi là huấn luyện viên bộ môn nhảy xa cho Thảo ở Trung tâm Huấn luyện thể thao Quốc gia Hà Nội, Hiếu và Thảo cùng tham gia và trưởng thành từ tổ tập luyện tại Trung tâm Thể dục thể thao huyện Thạch Thất - Hà Tây (cũ), nơi mà phong trào thể dục thể thao phát triển sâu rộng.

Hiếu sinh năm 1987, vào tổ tập luyện môn nhảy xa trước Thảo 5 năm, Thảo sinh năm 1992 vào sau. Hiếu kể chuyện cả hai anh em có chung một người thầy là Nguyễn Trọng Hổ, ông rất chăm lo cho các học sinh của mình và sớm nhìn ra tài năng tiềm ẩn như mầm cây mới nhú trong mỗi học trò. Sau này khi thầy Hổ chuyển sang cương vị mới, Nguyễn Mạnh Hiếu tiếp quản vị trí huấn luyện viên thay thầy chăm lo hướng dẫn Thảo bộ môn nhảy xa mà hai anh em theo đuổi từ tấm bé.

Trong mắt người huấn luyện viên trẻ, Thảo là một cô gái giàu nghị lực, rất nhiệt huyết với công việc, sống hoà đồng với mọi người và đặc biệt tốt tính. Hiếu kể: Hiện nay ở trong tổ nhảy xa của Thảo có 11 người, em nhỏ nhất 15 tuổi, Thảo là vận động viên thuộc diện lớn tuổi trong tổ nhưng rất ân cần chỉ bảo cho các em.

Để đạt được thành tích ngày hôm nay, Thảo đã phải trải qua những tháng ngày cơ cực, và không ít khó khăn, vì có giai đoạn bố Thảo ốm nặng, ông bị đau viêm các khớp đi lại khó khăn từ nhiều năm nay.

Có thời kì đang tập luyện giai đoạn nước rút thì  bố bị bệnh tật hành hạ, Thảo thương bố nên vừa tập vừa tranh thủ xin nghỉ học để về chăm sóc bố. Với những buổi tập nhẹ, thì có thể nghỉ được nhưng có những buổi tập quan trọng mà nghỉ thì rất ảnh hưởng đến việc học nên có giai đoạn thật sự căng thẳng, hai anh em lại phải ngồi bàn bạc để cùng nhau đưa ra một lịch trình phù hợp nhất.

Trong khi người huấn luyện viên trẻ kể chuyện về Thảo, thì cô gái vàng của điền kinh Việt Nam đang tập bài chạy cùng với những vận động viên trong tổ mình. Thảo bên ngoài nhỏ nhắn hơn ở trên hình, nước da rám nắng, tóc cột cao, mặc chiếc áo màu đỏ tươi, quần lửng đen bó sát và đi đôi giày đỏ. Con người Thảo toát lên vẻ nhanh nhẹn nhưng giản dị. Sau buổi tập, Thảo hẹn gặp tôi trò chuyện dưới bóng của một bụi tre to toả bóng mát ở trung tâm và những dòng kí ức lần lượt hiện về.

“Hạt giống đỏ” từ phong trào thể thao địa phương

Chẳng biết có phải sinh vào năm Nhâm Thân, cầm tinh con khỉ nên ngay từ thủa nhỏ, cô bé Thảo đã thích leo trèo và nghịch ngợm những trò chơi của phái mạnh như đá cầu, chạy nhảy… Là con út trong gia đình có ba người con, trên Thảo còn hai anh trai, hiện nay một anh đã lấy vợ ra ở riêng, một anh vẫn chưa lập gia đình và đang sống cùng bố mẹ. Thảo mới lấy chồng được 3 năm nay, nhà chồng cách nhà ngoại chừng dăm cây số.

Bùi Thị Thu Thảo và chồng.

Ngày còn bé, Thảo vẫn thường cùng hai anh của mình đi ra cánh đồng hoa cỏ ngắm nhìn bầu trời xanh vời vợi và đám mây lơ lửng trôi trên bầu trời, cô bé đã thầm ước “giá như mình biết bay”. Không có đôi cánh để tung bay khắp nơi cùng chốn như những chú chim thì cô bé chạy nhảy nô đùa ở khoảng sân rộng lớn trước hiên nhà và cánh đồng của xã.

Ngày ấy, ở quê thi thoảng xảy ra vụ trẻ con bị đuối nước. Làng quê vùng đồng bằng Bắc Bộ nhiều ao chuôm, sông ngòi, bọn trẻ không may trượt chân xuống ao hay đi tắm sông mà vào vùng nước xoáy dễ bị tử thần cuốn đi.

Xung quanh nhà Thảo có đến ba cái ao, những cánh bèo tây nổi lềnh bềnh nhìn xa như một tấm thảm sắc tím pha lẫn với sắc xanh dịu nhẹ, thi thoảng những con cá ngoi lên mặt nước rồi lại quẫy đuôi chìm xuống. Lúc đó cô bé Thảo chỉ mới 4 tuổi, người bé xíu, bị bố “vứt” xuống ao để cho cô bé tập bơi. Thảo kể: Cứ thấy con chìm là ông lại vớt lên, vài lần uống no nước như thế là biết bơi. Bắt đầu từ ao nông. Trong năm, cô bé bơi suốt từ tháng tư đầu hè cho đến cuối thu, chỉ khi có đợt gió mùa đông bắc cô bé mới ngừng bơi vì tiết trời đã trở rét.  

Năm Thảo học lớp 8 tại Trường Trung học Cơ sở Đồng Thái, thầy xuống từng lớp hỏi: “Có bạn nào biết bơi không để thầy ghi danh sách thi cấp huyện?”. Các bạn giới thiệu Thảo. Đến ngày thi, Thảo được thầy cô đưa đi và các bạn trong trường tới cổ vũ. Có mấy xã thi với nhau, và lần này là bơi qua một con sông cái, Thảo đã vượt qua các vận động viên bơi lội ở xã khác để về nhất.

Sau khi giành chiến thắng thì các bác ở trong ban tổ chức lên trao phần thưởng là 20.000 đồng tiền mặt. Số tiền tuy nhỏ nhưng chiến thắng là nguồn động viên rất lớn cho cô bé có năng khiếu thể thao. Thảo không ngờ sau lần đó, mình đã trở thành “hạt giống đỏ” của huyện lọt vào tầm ngắm của các thầy khi đi tìm nguồn đào tạo tài năng trẻ cho tỉnh.

Ngoài bơi, Thảo còn có thành tích đá cầu và giành được nhiều giải thưởng về cho nhà trường. Ngày học cấp II, giờ thể dục bao giờ Thảo cũng có thành tích vượt trội hơn các bạn. Năm đang học lớp tám thì có mấy cô chú trên huyện đến nhà chơi đặt vấn đề với cha mẹ Thảo rằng tỉnh Hà Tây  (cũ) đang muốn gọi Thảo lên để cho vào đội tuyển của tỉnh, có nghĩa là Thảo sẽ học ở trên tỉnh để con đường và sự nghiệp thể thao được chuyên sâu hơn. Cô chú còn nói với bố mẹ Thảo, lên trên tỉnh việc ăn học đã được nhà nước chu cấp toàn phần và ngoài ra hàng tháng còn có lương, không kể nếu được rèn luyện tốt thì sẽ có thành tích làm mát mặt gia đình dòng họ.

Việc làm công tác tư tưởng cho bố mẹ Thảo không khó khăn gì vì hoàn cảnh gia đình kinh tế eo hẹp, nay được nhà nước nuôi ăn học nên cha mẹ cũng mừng. Nhưng với Thảo thì lại khác, đang tuổi ăn tuổi chơi nay lại phải tuân thủ trong môi trường kỉ luật và tập luyện nên có lúc cô bé chỉ muốn về nhà. Nhưng bố chính là người đã động viên, khuyên bảo Thảo chuyên tâm rèn luyện và theo đuổi con đường thể thao vinh quang nhưng cũng đầy chông gai. Một lần đỉnh điểm nhất là bố Thảo bị bệnh nặng, cả gia đình phải dồn tiền chạy chữa cho ông nên kinh tế ngày càng eo hẹp.

Thảo giấu gia đình bỏ đội tuyển đi làm phụ hồ, chừng hơn một tháng thì bố gọi điện bắt về. Ông  bảo: “Con mà không về học lại thì bố suy nghĩ mà ốm nặng thêm”. Thảo thương cha quá, vội bỏ việc phụ hồ về nhà, vừa nhìn thấy cha, tự nhiên hai hàng nước mắt tuôn rơi. Cha và mẹ ôn tồn động viên con gái. Sau lần ấy, Thảo không còn có ý định bỏ đội tuyển trên tỉnh nữa và cũng chỉ thời gian ngắn sau thì cô được cử xuống học ở Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội  

Lời hẹn “vàng” bên nồi bánh chưng

Thảo nhớ lại cách đây bốn năm tại đấu trường Asiad 2014, cô đã để tuột mất tấm huy chương vàng, chỉ giành huy chương Bạc. Sự việc ấy đã làm Thảo buồn và suy nghĩ rất nhiều. Một năm sau năm 2015, Thảo bước lên xe hoa với người bạn đời cùng quê. Sau đó Thảo đặt quyết tâm nhất định phải giành chiến thắng tại Asiad 2018.

Cô gái vàng Việt Nam Bùi Thị Thu Thảo và HLV Nguyễn Mạnh Hiếu.

Tiến sĩ Dương Đức Thuỷ - Trưởng bộ môn Điền kinh Việt Nam – Bộ  Văn hoá - Thể thao & Du lịch kể: Hôm Thảo thi đấu mọi người đều hồi hộp và thậm chí là thót tim vì ngay khi ở vòng thi năm lượt đầu Thảo đều dẫn trên đối thủ của mình. Mọi người lo sợ rằng liệu lịch sử có lặp lại nữa hay không vì ở Asiad 2014, Thảo cũng qua năm lần nhảy xa đều dẫn trên nhưng đến lần cuối cùng thì lại bị đối thủ của mình vượt lên, đó là VĐV Maria Natalia Londa của Indonesia, với cú nhảy xa xuất thần 6,55m, còn Thảo với thành tích 6,44m giành Huy chương Bạc. Nhưng rồi tất cả đã vỡ òa khi Thảo đã giành chiến thắng ngoạn mục với thành tích 6,55m còn Maria Natalia Londa chỉ đạt 6,45m.

Thảo tâm sự tuy đã lấy chồng được ba năm nhưng do tính chất công việc nên có khi cả tháng mới về thăm chồng được vài ngày. Nhưng những lúc như thế tình cảm vợ chồng lại đậm đà thắm thiết và lúc nào cũng có cảm giác như mới yêu. Năm vừa qua, Thảo mới biết tự tay gói bánh chưng và luộc bánh cùng chồng, cũng là do chồng bày cho cách gói thế nào để cho cái bánh vuông vắn. Ngồi trông nồi bánh chưng bên bếp lửa bập bùng, Thảo dựa đầu vào vai chồng nhỏ nhẹ: “Năm nay thi Asiad em nhất định phải giành bằng được tấm huy chương vàng về để tặng anh”. Không ngờ lời nói đêm hôm đó đã trở thành hiện thực.

Sau những ngày tập luyện ở đội tuyển quốc gia, vào chiều thứ bẩy và chủ nhật được nghỉ, Thảo lại lên xe buýt về quê sum họp với chồng và sang nhà thăm bố mẹ đẻ. Tại ngôi nhà xưa của Thảo, giờ mẹ cô đã trồng mấy chục gốc bưởi quả sai trĩu trịt. Quanh nhà vẫn còn đó ba cái ao gắn với tuổi thơ êm đềm và người cha cần mẫn dạy con gái tập bơi.

Nhiều năm nay sức khoẻ suy giảm, ông đi lại khó khăn nhưng kỉ niệm đó vẫn mãi lưu giữ trong lòng cô con gái. Con đường đất năm xưa giờ đã thành đường bê tông, và ngày vui chiến thắng từ Asiad về đến nhà tấp nập mọi người đến thăm hỏi, ngợi khen. Thảo thấy lâng lâng, có phải do gió đầu thu mát rượi hay do trong lòng Thảo đang hân hoan, phơi phới?!

Trần Mỹ Hiền
.
.