Có một dàn nhạc Nga rất đặc biệt

Thứ Sáu, 13/12/2019, 09:34
Sau gần một tuần lưu lại Việt Nam, 2 đêm biểu diễn tại Hà Nội và Hạ Long, Quảng Ninh, Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga chính thức tạm biệt Việt Nam trong sự luyến tiếc của đông đảo người hâm mộ, đặc biệt là những người yêu mến nước Nga, những du học sinh người Việt, từng học tập và sinh sống tại Liên bang Nga hiện nay, Liên Xô trước đây.

Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga thuộc lực lượng quân sự nội bộ của chính phủ, hoạt động độc lập với quân đội, do Tổng thống Nga Vladimir Putin trực tiếp điều hành. Được coi là dàn nhạc kiểu mẫu, kết hợp giữa giao hưởng và điện tử là mẫu hình hoạt động hiếm thấy trên thế giới, sang Việt Nam biểu diễn theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. 

Đây cũng là một trong số ít dàn nhạc lớn đến Việt Nam biểu diễn, thu hút nhiều sự chú ý ngay từ khi chưa chính thức “đặt chân” đến Việt Nam.

Như chia sẻ của PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam thì sự hiện diện của dàn nhạc là minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp và lâu bền của nhân dân hai nước, sau nhiều thăng trầm, nhiều biến động tưởng chừng “vật đổi sao dời”. Truyền thống hữu nghị ấy đã ăn sâu vào hoạt động văn hóa nghệ thuật và chuyến đi của dàn nhạc đến Việt Nam là kết quả của một quá trình hợp tác, quá trình cùng nhau lao động sáng tạo lâu dài từ giữa thế kỷ 20.

Nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ biểu diễn cùng dàn nhạc Nga.

Cũng theo PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, giao lưu âm nhạc giữa Việt Nam và Nga đã có truyền thống hữu nghị, lâu đời. Từ những năm 60 của thế kỷ 20, những cán bộ đầu tiên của Việt Nam được gửi sang để đào tạo tại Liên Xô cũ.

Học viện Âm nhạc Quốc gia Moscow mang tên Nhạc viện Tchaikovsky là cái nôi đào tạo ra rất nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ nổi tiếng, có đóng góp lớn cho nền âm nhạc Việt Nam như NSND Trọng Bằng, Trần Quý, Đỗ Nhuận, Đàm Linh, Đình Tấn, Tạ Bôn, Bích Ngọc... Trong đó, NSND Đặng Thái Sơn được coi là một trong những nghệ sĩ piano đỉnh cao của thế giới.

Trong thập niên 70, Việt Nam cũng đã cử một đoàn khoảng 10 nhạc sĩ sang Nhạc viện Tchaikovsky học Khoa Chỉ huy. Các nhạc sĩ này hiện nay đã thành danh, đã hoặc đang đảm nhận những vị trí trong Đoàn Nghi lễ của quân đội.

Vì vậy, chương trình biểu diễn của Dàn nhạc Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga không chỉ là một cuộc biểu diễn đơn thuần là còn là mong muốn được tri ân những thế hệ người thầy đào tạo nghệ sĩ Việt Nam, là sự kiện tôn vinh truyền thống hữu nghị, truyền thống giao lưu âm nhạc đã nảy nở và kết hợp chặt chẽ trong những năm tháng đã qua.

Nghệ sĩ Kukhta Oleg Valerievich.

Với những cựu du học sinh, những người Việt từng sinh sống và học tập tại Liên bang Nga, trong đó có nhiều người đã, đang gắn bó với hoạt động âm nhạc Việt Nam, những tình cảm tốt đẹp của những năm tháng ấy chưa bao giờ phai mờ trong ký ức.

2 đêm biểu diễn chính tại Hà Nội (đêm 6-12) và Hạ Long, Quảng Ninh (đêm 8-12) giống như những chuyến tàu đưa họ ngược về quá khứ, trở về những tháng ngày miệt mài học tập trong tình cảm đùm bọc, nồng ấm của những người bạn Nga, nhớ về khoảng trời đầy kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, với những sớm mùa đông giá lạnh, tuyết phủ trắng xóa, nghe Quốc thiều Nga vang lên là vùng dậy, chuẩn bị thật nhanh để lao sang lớp học, chọn những vị trí tốt nhất để tranh thủ rèn luyện...

Hình ảnh cả ngàn khán giả xem chương trình lặng lẽ đứng dậy, lặng yên, lắng nghe như thành kính tưởng niệm những người lính ngã xuống khi dàn nhạc và những nghệ sĩ biểu diễn tác phẩm “Đàn sếu” (thơ: Rasul Gamzatop, nhạc: Yan Frenkel) có lẽ là những khoảnh khắc khó quên nhất với bất kỳ ai tham dự chương trình.

Hình ảnh hàng triệu người lính ngã xuống trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô cũ từ gần 80 năm trước nhưng không nằm yên trong lòng đất mẹ mà hóa thành muôn vạn sếu trắng bay giữa trời xa, cùng với giai điệu da diết của “Đàn sếu” khiến không ít khán giả thổn thức.

Mạch cảm xúc ấy được nối tiếp bằng giọng ca đẹp, đầy nội lực của ca sĩ Lan Anh với “Miền xa thẳm”, một sáng tác của nhạc sĩ Đức Trịnh về những người lính Việt Nam đã hi sinh trong các cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc, cho đất nước.

Thời khắc “lão tướng” - NSND Quang Thọ bất chợt chuyển giọng giữa tiết mục hát “Tổ quốc gọi tên mình” (thơ: Phan Quế Mai, nhạc: Đinh Trung Cẩn) là một bất ngờ khác dành cho người xem, kể cả người Việt, những người đã rất quen thuộc với ca khúc này. Giọng ngâm trầm hùng của người nghệ sĩ lão luyện như lời hiệu triệu, như lời nhắc nhở: “Tổ quốc của tôi, Tổ quốc của tôi/ Mấy ngàn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Ngọn đuốc hòa bình, bao người đã ngã/ Máu của người nhuộm mặn sóng Biển Đông...”.

Âm nhạc cùng với những tương đồng lịch sử, tinh thần yêu chuộng hòa bình nhưng bất khuất, sẵn sàng hiến dâng tất cả cho tổ quốc của những con người tưởng chừng cách xa nhau cả vòng trái đất xích lại gần nhau, gắn kết, bất chấp khoảng cách của không gian, thời gian...

Thực tế, để chuyến lưu diễn của Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga được tổ chức một cách chu toàn nhất trong phạm vi có thể thì ngoài tấm lòng, tình cảm, sự ưu ái của các lãnh đạo và các nghệ sĩ - chiến sĩ trong dàn nhạc còn có sự chung tay góp sức rất lớn của các cựu du học sinh Nga. Các cựu học sinh du học tại Nga cũng là một trong những lý do khiến ban tổ chức chọn Hạ Long, Quảng Ninh làm điểm tổ chức biểu diễn thứ hai của dàn nhạc trong chuyến đi đến Việt Nam lần này.

Một số hình ảnh về đêm biểu diễn đầu tiên của Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga tại Hà Nội.

Bởi lẽ, bên cạnh việc đáp ứng về cơ sở hạ tầng, là di sản thiên nhiên thế giới với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng thì đây là một trong những địa phương tập trung du học sinh tại Nga trở về nước sinh sống, làm việc nhiều nhất. Sự xuất hiện của dàn nhạc được mong chờ nhiều nhất, không chỉ là đêm biểu diễn đơn thuần mà còn là dịp để bày tỏ tấm thịnh tình, sự tri ân đối với những người bạn cũ.

Trao đổi nhanh với chúng tôi khi chương trình tạm khép lại, ca sĩ Kukhta Oleg Valerievich cho biết, anh đã vô cùng ngạc nhiên và xúc động trước những tình cảm yêu mến mà đất nước, nhân dân Việt Nam dành cho các nghệ sĩ trong dàn nhạc nói riêng, với đất nước Nga, con người Nga nói chung.

Anh không ngờ, người Việt Nam lại yêu âm nhạc, yêu nhạc Nga, thuộc nhạc Nga, hiểu về văn hóa, đất nước Nga nhiều như thế. Đất nước Việt Nam tươi đẹp, con người Việt Nam hồn hậu, mến khách sẽ là những kỷ niệm thật đẹp, những câu chuyện thật vui mà anh mong chờ được chia sẻ với tất cả bạn bè, người thân, đồng đội và nhân dân trong nước sau chuyến biểu diễn đặc biệt này.

Trung tá, Azat Azat Shahmuha-metov, chỉ huy chính dàn nhạc giao hưởng của Dàn nhạc Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga, cũng cho hay, trước đây, ông đã từng nghe, từng tìm hiểu khá nhiều về Việt Nam, kể cả âm nhạc Việt Nam. Nhưng, tấm lòng, tình cảm mà đất nước, nhân dân Việt Nam dành cho các nghệ sĩ những ngày qua luôn khiến ông bất ngờ. Để chuẩn bị cho chuyến đi lần này, ông và các nghệ sĩ đã có thời gian trao đổi với các nghệ sĩ, với Hội Nhạc sĩ Việt Nam một thời gian khá lâu trước đó.

Để biểu diễn thật tốt Quốc thiều Việt Nam, những tác ẩm âm nhạc Việt Nam trong chương trình, các nghệ sĩ của Dàn nhạc đã tập luyện khá kỹ ở trong nước. Tuy nhiên, với các nghệ sĩ Việt Nam, ông khá nhạc nhiên và thán phục, không chỉ bởi kỹ thuật thanh nhạc, bởi sự chân tình, mến khách mà còn bởi cách làm việc vô cùng chuyên nghiệp.

Dù chỉ có duy nhất một buổi tập chung với dàn nhạc trước khi lên sân khấu biểu diễn chính thức, dù vướng rào cản ngôn ngữ nhưng nghệ sĩ hai nước đã có sự phối hợp ăn ý ngoài mong đợi.

Trung tá, Azat Azat Shahmuha-metov cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi thời gian lưu lại Việt Nam quá ngắn, chưa có nhiều thời gian đi tham quan, khám phá văn hóa, đất nước con người Việt Nam nhiều hơn.

Ông hy vọng, sau chuyến đi này, Dàn nhạc sẽ tiếp tục có cơ hội trở lại biểu diễn nhiều hơn nữa, không chỉ để giao lưu, tìm hiểu mà còn là cơ hội để cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà đất nước, nhân dân Việt Nam đã dành cho các nghệ sĩ, cho đất nước, nhân dân Nga.

Dàn nhạc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga được thành lập năm 1956, từ một đội nhạc nghi lễ mang tên Dzerzhinsky. Ngày 11-10-1971, theo Quyết định số 282 của Bộ Nội vụ Liên Xô, Dàn nhạc được mang tên Dàn nhạc kiểu mẫu Bộ Nội vụ Liên Xô. Năm 2016, dàn nhạc được đổi tên thành Dàn nhạc kiểu mẫu của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Liên bang Nga.

Dàn nhạc bao gồm Dàn nhạc giao hưởng kết hợp với Dàn nhạc kèn hơi. Các hoạt động của Dàn nhạc rất phong phú và đa dạng, tập trung chủ yếu vào khán giả quân đội. Tuy nhiên, dàn nhạc biểu diễn thành công ở nhiều phòng hòa nhạc và địa điểm hòa nhạc khác nhau trong và ngoài nước, tham gia tích cực vào các sự kiện chính trị xã hội quan trọng, tiến hành nhiều buổi hòa nhạc, tuyên truyền giáo dục âm nhạc cho lực lượng quân sự và công chúng.

Dàn nhạc sang thăm và biểu diễn tại Việt Nam từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 12 theo lời mời của Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Đây là sự kiện hưởng ứng năm Hữu nghị chéo Việt - Nga, Nga - Việt và là sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Ngoài 2 đêm biểu diễn chính tại Hà Nội và Hạ Long, Quảng Ninh, dàn nhạc còn có một số hoạt động giao lưu và tham quan các danh lam thắng cảnh Việt Nam.

Nhân dịp dàn nhạc sang Việt Nam biểu diễn, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đã trao tặng dàn nhạc bộ đàn đá, nhạc cụ đã được UNESCO xếp vào danh sách các nhạc cụ trong Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên.

Minh Hà
.
.