Có một nền kinh tế…vỉa hè

Chủ Nhật, 20/03/2016, 15:35
Tại cuộc họp giữa Thành ủy TPHCM và Bộ Giao thông vận tải cuối tháng 2 vừa qua, ông Đinh La Thăng - Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo quyết liệt trong việc chấm dứt cho thuê để trả lại vỉa hè thông thoáng. Chỉ đạo của tân Bí thư đã "giải cứu" nhiều đoạn vỉa hè đang bị lấn chiếm tràn lan.

Tại các phường, quận, từng địa phương đang thực hiện "tổng tấn công" để trả lại vỉa hè cho người đi bộ, lập lại trật tự cho một đô thị văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Ý kiến của người mưu sinh từ vỉa hè

Vỉa hè tại TPHCM vốn là một thứ "đặc sản" của vùng đất phương Nam. Đó là nơi hàng nghìn lao động nhập cư kiếm sống mỗi ngày với những gánh hàng rong, chợ xổm cho đến các quán ăn dã chiến dành cho người thu nhập thấp. Đó là nơi nhiều cửa hàng, công ty đặt làm bãi xe cho khách đến giao dịch, mua bán hàng hóa.

Dọc hai bên đường Nguyễn Trãi (Q.5), Lê Văn Sỹ (Q. Tân Bình)… đêm đến vỉa hè trở thành thiên đường mua sắm từ nhà ra phố. Ban ngày trên vỉa hè có nhiều gánh hàng rong tụ tập về, nhác thấy bóng dáng cơ quan chức năng là họ co giò chạy. Thường thì chính quyền phường đưa tổ trật tự đô thị xuống đẩy đuổi thì họ dạt sang phường lân cận và ngược lại.

Đa số những người bán hàng rong là từ Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam…vào TP buôn thúng bán bưng. Hằng ngày, họ lấy hàng dưới chân cầu ông Lãnh (Q.1) rồi đi khắp nơi để bán. Khuôn mặt nhễ nhại mồ hôi dưới trưa hè nắng gắt tại giao lộ Pasteur - Lý Tự Trọng, Q.1), chị Trần Thị Thanh (50 tuổi, quê Bình Định, bán bánh tráng trộn, trứng cút cho khách, chủ yếu là lớp khách hàng nhỏ tuổi chia sẻ: "Mấy ngày nay, những người buôn bán hàng rong như tụi tui khổ lắm, liên tục bị cơ quan chức năng đẩy đuổi, xử phạt. Nhưng không làm nghề này thì biết làm nghề gì? Ở quê đất chật người đông, các con tui còn nhỏ lắm. Chính quyền nên lập ra những khu buôn bán đàng hoàng để tụi tui không phải khổ sở như hiện nay nữa".

Ý kiến của chị Thanh cũng là nỗi lòng của nhiều người xa xứ, sinh sống bằng nghề bán hàng rong, bán hoặc phụ tại quán ăn trên các vỉa hè tại thành phố hiện nay. Họ mong muốn lắm một chỗ buôn bán nhưng không biết tìm đâu ra. Có thể nói, vỉa hè đã trở thành một nét văn hóa không thể thiếu của người dân thành phố.

Người bán hàng rong đang bị đẩy đuổi.

Từ lâu, vỉa hè tại một số tuyến đường đã  trở nên bát nháo vào buổi chiều khi các quán nhậu mọc lên như "đại dịch" sau mưa. Khi người dân Việt Nam đang giữ "thứ hạng cao" trên thế giới về tiêu thụ trên 3,4 tỷ lít bia một năm thì các quán xá, nhà hàng mọc lên đã góp phần vào vấn nạn đó. Vỉa hè trở thành bãi giữ xe dã chiến khổng lồ, bên cạnh đó là bàn ghế và các "đệ tử lưu linh" tràn ra khắp chốn. Chủ quán thì chỉ cần đóng thuế, thu lợi, người đi đường thì không có cách nào khác là tràn xuống lòng đường, tạo nên ùn tắc giao thông nhất là những giờ cao điểm.

Nhiều con đường tại TP Hồ Chí Minh đã trở thành phố nhậu "bất đắc dĩ" như vỉa hè đường Phan Xích Long (P.2, P.7, Q. Phú Nhuận), Pasteur (Q.3), dọc bờ kè Hoàng Sa (P. Tân Định, Q.1)…

Đi tìm giải pháp

Ông Huỳnh Văn Lùng - Phó chủ tịch UBND P5 (Q. Phú Nhuận) cho biết, trước đây, kế hoạch xây dựng 16 tuyến đường văn minh đô thị (VMĐT) tại TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2013 - 2015 được Ban chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa của TP Hồ Chí Minh tổ chức triển khai từ ngày 18-10-2013. Trên địa bàn phường này có tuyến đường Phan Đăng Lưu đi qua. Tuy nhiên, nhiều vỉa hè đã bị "biến dạng" vì buôn bán lấn chiếm.

Sau chỉ đạo của Bí thư Thành ủy về chấm dứt kinh doanh trên vỉa hè, UBND Q. Phú Nhuận đã triển khai cuộc họp với lãnh đạo từng phường trên địa bàn nhằm quyết liệt xóa sổ nạn lấn chiếm vỉa hè trên các tuyến đường chính của quận này như: Phan Đình Phùng, Phan Xích Long, Nguyễn Văn Trỗi, Hoàng Văn Thụ… Chính quyền từng phường sẽ mời các hộ dân buôn bán trên vỉa hè làm cam kết không lấn chiếm, nếu sai phạm sau ba ngày sẽ bị xử lý.

Riêng tại P5, trên trục đường Phan Đăng Lưu có khoảng 35 hộ kinh doanh trên vỉa hè, 12 hộ thường xuyên lấn chiếm. Theo ông Lùng, ngày 3-3-2015, chính quyền P5 sẽ mời các hộ dân này đến trụ sở để viết cam kết, nhằm lập lại trật tự trên vỉa hè.

Ông Nguyễn Khoa Nguyên - Chủ tịch UBND P10 (Q.3) nói, địa bàn này không có con đường nào thuộc diện kiểu mẫu. Tình trạng lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh rất hiếm. Chính quyền phường rất đồng thuận với ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy. Một cán bộ ban tuyên giáo của quận ủy Q3 cho rằng, địa phương nào cũng muốn có vỉa hè thông thoáng, khang trang nhưng TP Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung thường không có quy hoạch về vỉa hè.

Lẽ ra, vỉa hè phải có quy hoạch hai mét, 1,5 mét để đậu xe máy, 0,5 mét còn lại dành cho người đi bộ. Với chủ trương vừa qua của Thành ủy, cần lắm sự vào cuộc đồng bộ của từng chính quyền phường, quận, huyện, xã; phải vận động người dân không kinh doanh trên vỉa hè.

Là địa bàn có đường Phạm Ngọc Thạch và khu vực hồ Con Rùa sầm uất, P6 Q3 có đặc thù là nhiều quán xá, gồm cả quán cà phê và quán nhậu, người dân qua lại đông nên tình trạng hàng rong, buôn bán lấn chiếm vỉa hè thường xuyên xảy ra. Ông Lê Minh Đạt - Chủ tịch UBND P6Q3 cho biết, chính quyền phường đã kết hợp với đội trật tự đô thị ra quân, kiểm tra, xử phạt hành chính nhiều trường hợp vi phạm; người dân vi phạm còn phải viết cam kết.

Ông Lê Minh Đạt - Chủ tịch UBND P6 Q3.

Thiếu tá Trương Anh Tài - Phó trưởng CAP6Q3 chia sẻ, lực lượng CAP thường xuyên kết hợp với bảo vệ dân phố, huy động cả công chức của UBND P6, kết hợp với tổ thanh tra đô thị của Q3 để thường xuyên ra quân chấn chỉnh tình trạng đậu, đỗ xe trái phép, lấn chiếm vỉa hè. Hiện phường này không có tình trạng cho thuê vỉa hè. Chính vì địa bàn rộng gồm 25 tuyến đường, có nhiều lãnh sự quán, lực lượng lại mỏng nên anh em phải cố sức. Riêng P6Q3 có một đồng chí Phó Trưởng công an phường phụ trách vấn đề đô thị.

Tại khu vực bờ kè giáp ranh giữa P. Tân Định, P.2 (Q. Phú Nhuận) và P.3 (Q. Bình Thạnh), nạn lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để giữ xe, buôn bán vốn là vấn đề nhức nhối bấy lâu nay. Tối đến, đây biến thành phố nhậu, đã tồn tại cả chục năm qua. Nhân viên các quán nhậu tràn xuống đường, nhảy bổ ra để chụp, giựt khách, khiến ai cũng hoảng sợ.

Thiếu tá Trương Anh Tài - phó trưởng CA P6 Q3.

Ông Lê Tiến Sĩ, quận ủy viên, bí thư kiêm chủ tịch UBND P. Tân Định (Q.1) cho biết, địa phương đang gặp một số khó khăn khi xử lý đối với một số quán nhậu thường xuyên chiếm dụng lòng lề đường kinh doanh và kinh doanh quá giờ quy định.

Đừng như bắt cóc bỏ đĩa

Hiện nay, các cơ sở nói trên đều là các công ty, doanh nghiệp nên việc xử lý đình chỉ kinh doanh hoặc thu hồi giấy phép không thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Các hộ kinh doanh ngành nghề ăn uống nói trên không thuộc ngành nghề danh mục bị cấm và không thuộc trường hợp phải bị thu hồi giấy phép. Hiện nay chưa có quy định và chế tài để xử lý cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống quá giờ quy định nên phần nào làm ảnh hưởng đến trật tự công cộng chung.

Cơ quan chức năng của P. Tân Định, Q.1 ra quân lập lại trật tự vỉa hè đường Trần Nhật Duật.

UBND phường kiến nghị: Trung ương nên có quy định cụ thể một số điều kiện về kinh doanh dịch vụ ăn uống (có phục vụ thức uống có cồn) trong đó chi tiết về giờ giấc phục vụ, điều kiện mặt bằng, điều kiện đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông cho khách. Chính phủ nên tăng cường đánh thuế về thức uống có cồn và quy định mức đánh thuế thông qua nồng độ cồn trong sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất bia rượu. Cả hệ thống chính trị phải vào cuộc để tăng cường tuyên truyền vận động nhân dân, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang về tác hại bia rượu. Hiện phường này có hẳn báo cáo ngày lên Q1 do một phó chủ tịch phường phụ trách đô thị kinh tế đảm nhiệm.

Trung tá Nguyễn Thanh Thảo - Phó trưởng CAP2, Q. Phú Nhuận cho biết, phường này rất mạnh mẽ trong việc xóa sổ tình trạng lấn chiếm vỉa hè, buôn bán dọc theo khu vực bờ kè. Vì các quán xá "cướp đường" đều đăng ký doanh nghiệp nên mức phát về lấn chiếm vỉa hè sẽ gấp đôi so với cá nhân (5 triệu đồng một trường hợp). Đó là chế tài đủ mạnh để trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - Phó ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TP Hồ Chí Minh cho biết, 24 quận huyện ở TP Hồ Chí Minh đăng ký 159 tuyến đường kiểu mẫu từ năm 2012. Sau bốn năm, chỉ có 4 tuyến đường là: Trần Phú (quận 5), đường Hiền Vương, Chế Lan Viên (quận Tân Phú) và đường Nguyễn Kiệm (quận Gò Vấp) là đạt 100% các tiêu chí của tuyến đường kiểu mẫu.

Lực lượng chức năng đang giải phóng vỉa hè.

Theo chúng tôi, vấn nạn lấn chiếm vỉa hè đã xảy ra từ lâu. Đã đến lúc, các cấp chính quyền cơ sở phải quyết liệt xóa sổ. Tuy nhiên, cũng cần quy hoạch lại các khu vực buôn bán để đưa người bán hàng rong tập trung về một chỗ, đảm bảo cuộc sống cho họ hơn là đẩy đuổi, không khéo sa vào tình trạng như "bắt cóc bỏ dĩa".

Hà Tiên – Tuệ Lâm
.
.