Có một người mù… dạy võ

Thứ Sáu, 27/11/2015, 14:25
Người xưa có câu “giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”, với anh Nguyễn Kim Hoàng, hiện ở số 29 phố Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội, 5 năm qua, mỗi ngày sống là một ngày chiến đấu để vượt lên bị kịch của số phận, không những thế anh đã làm được một việc khó tin nhưng có thật: mở lớp dạy võ miễn phí cho những người sáng mắt…

1. Sân thi đấu thể thao tại Trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội vào một buổi chiều giữa tháng 11, không khó để tìm thấy Hoàng và lớp học của anh bởi chỉ cần hỏi "lớp võ thầy Hoàng" thì ai cũng biết ông thầy dạy võ cao lớn, có giọng nói đanh thép đầy uy lực nhưng… bị mù. Lớp học của anh có hơn 20 võ sinh đang xếp hàng ngay ngắn, chăm chú nhìn những động tác mà Hoàng đang thị phạm. Nếu mới nhìn, chẳng thể hình dung được ông thầy đang thị phạm cho các học trò từng động tác kia lại không còn đôi mắt.

Anh Hoàng đang dạy cho võ sinh.

Khi sinh ra, Hoàng hoàn toàn khỏe mạnh. Năm 7 tuổi, Hoàng được bố mẹ cho theo học các lớp võ cổ truyền ở quận và sớm bộc lộ năng khiếu. Vì thế sau hơn 7 năm tập luyện, anh đã được giao đứng lớp huấn luyện các võ sinh tại Võ đường Thanh Lê. Sau khi tốt nghiệp khoa Công nghệ Thông tin - Đại học Mở Hà Nội, ngoài công việc chính, Hoàng vẫn tham gia dạy võ cho sinh viên, học sinh. Cũng từ công việc này mà anh gặp chị Hà Tố Lan. Cuối năm 2005, hai người chính thức nên duyên vợ chồng. Một năm sau, trong ngôi nhà bé nhỏ đầy ắp tiếng cười có sự góp mặt của thành viên bé nhỏ, hạnh phúc chực vỡ òa.

Nhưng, trong cuộc đời mỗi con người thường có những ngã rẽ, với Hoàng cái ngã rẽ bất hạnh ấy là một ngày của năm 2010 khi anh đi khám bệnh, bác sĩ thông báo anh bị suy thận nặng. Dù đã chạy chữa khắp nơi, nhưng biến chứng của bệnh suy thận đã khiến đôi mắt anh mờ dần. Từ ngày Hoàng bị bệnh, cuộc sống gia đình anh vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi chỉ dựa vào nguồn thu từ việc buôn bán của chị Lan, khoản lương hưu của bố Hoàng dùng để chi trả phí sinh hoạt và các đợt chạy thận. Gia đình vì thế càng trở nên túng bấn.

Những ngày tháng giam mình trong căn phòng chỉ vài mét vuông, Hoàng sợ có người tới thăm, sợ những tiếng sụt sùi, sợ cả lời động viên, sợ sự thương hại, và trong cơn thất vọng đến cùng cực khi nghĩ mình từ người trụ cột trong gia đình với vợ trẻ, con thơ, bố mẹ già, giờ đây bỗng chốc trở thành gánh nặng, đã có lúc Hoàng nghĩ đến cái chết.

Trong những ngày tháng cùng cực nhất ấy, chính người thân, học trò, những người yêu quý Hoàng đã vực anh khỏi giường bệnh, động viên anh không đầu hàng số phận. Và Hoàng quyết định phải sống để giúp vợ con bằng quyết định trở lại với công việc dạy võ mà anh đã gắn bó bao năm.

2. Nhắc lại chuyện cũ, Hoàng kể ngày nghe anh nói quyết định sẽ mở lớp dạy võ, người thân, bạn bè dù đều động viên anh nhưng ai cũng lo vì đó là công việc vất vả và… không dành cho người mù.

Lớp võ của anh Hoàng tại Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.

Lo thì lo vậy nhưng nghe tâm tư của "thầy", học trò cũ của anh mỗi người mỗi việc, tổ chức chiêu sinh, liên hệ với các sân mà Hoàng từng mở lớp để thuê địa điểm tổ chức lớp học, mua các dụng cụ phục vụ việc học, đồng phục võ sinh… người góp công, người góp của. 

Ngày 19-3-2010, Hoàng quay trở lại dạy võ với 7 võ sinh đều là sinh viên các trường đại học. 7 võ sinh ấy, mỗi người một trường, đứa nhặt được tờ rơi, đứa đọc được thông báo ở bảng tin trường, có em lại quen anh chị khóa trước từng học lớp Hoàng… đứa tò mò không biết thầy dạy thế nào, đứa lại muốn "mục sở thị" ông thầy có tiếng một thời. Tuy nhiên, lớn hơn cả là vì tình yêu võ thuật và nghị lực vượt qua hoàn cảnh của người thầy giáo mù đã đưa từng võ sinh tới với lớp học đặc biệt này.

Những ngày đầu trở lại với công việc đã ăn sâu vào máu thịt nhưng lại không dễ như anh tưởng.

Ngay một việc đơn giản nhất là đi từ nhà tới lớp Hoàng cũng không thể tự mình làm được mà thường học trò sẽ tới đưa đón đến sân rồi về nhà. Thấy bất tiện, anh tập đi xe bus. Việc làm quen với xe bus với anh có chút khó khăn; ban đầu phải nhờ mọi người xung quanh chỉ số xe và tự dò đường bằng gậy để đến được nơi mình cần, không phải làm phiền tới người khác.

Chưa hết, cánh tay trái anh gắn lỗ động tĩnh mạch (nơi máu được lấy ra để chạy thận nhân tạo và sau đó quay trở lại) có nguy cơ bị vỡ dẫn tới mất máu bởi những động tác mạnh trong võ thuật. Ngoài ra, các biến chứng do chạy thận nhân tạo thường xuyên xảy ra như hạ huyết áp, chuột rút cơ bắp, thiếu máu… thường làm anh "bối rối" trước những bài học cần truyền đạt.

Khó khăn vẫn không dừng lại ở đó, khác với trước đây, Hoàng có thể đánh giá năng lực của học sinh trong quá trình luyện tập. Còn bây giờ, anh không thể xem từng học trò luyện tập như thế nào, động tác này đã đúng hay chưa, mũi chân nghiêng đã đủ để tạo lực và tránh thương tích chưa?…. Những câu hỏi cứ làm khó anh khi đôi tai, sự phán đoán không đủ để anh đi đến kết luận. Và lúc này, những trợ giảng là võ sinh đã từng theo học trong lớp võ trước đây của Hoàng giúp anh làm việc đó…

Cứ thế, từ một lớp học 7 người lúc anh mới bắt đầu quay trở lại dạy cho tới nay vẫn chiêu sinh mỗi khóa từ 20 tới 50 người. Hiện tại anh đang giảng dạy 3 câu lạc bộ võ thuật Pencatsiklat và võ Cổ truyền ở Đại học Ngoại ngữ, công viên Bách Thảo, và Trường THPT Trương Định. Điều đáng nói là các lớp này đều không thu bất cứ loại phí nào.

Cuối các tháng có buổi thi đấu giữa các học viên để tăng cường tính thực tế, cọ xát. Hình thức thi đấu đối kháng do trọng tài chuyên nghiệp làm chủ. Việc dạy học của Hoàng có sự giúp sức của các trợ giảng từ các học trò chuyên và không chuyên do anh đào tạo. Thực hiện các bài giảng do anh thị phạm đảm bảo chất lượng, độ chính xác của từng động tác, chiêu thức.

Mặc dù sức khỏe ngày càng kém đi, các giác quan bị hạn chế, anh đã suy nghĩ rất nhiều về việc dạy học. Với Hoàng, việc dạy võ không chỉ giúp anh có niềm vui sống để chiến đấu với bệnh tật mà còn giúp anh thấy mình còn có ích cho đời. Vì thế, anh luôn dạy các học trò rằng tập võ không chỉ là một môn thể thao rèn luyện sức khỏe mà còn là một môn học giúp bản thân người học rèn luyện tâm tính, sử dụng sức mạnh của mình đúng mục đích; khả năng kiên cường và nghị lực trong cuộc sống, đánh không sợ thua, ngã không sợ đau.

Nhắc tới người thầy đặc biệt của mình, em Nguyễn Thị Liên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội, kể rằng thầy thường đặt biệt danh cho các võ sinh trong lớp, lắng nghe và đưa ra lời khuyên cho học sinh. "Thầy không chỉ dạy võ mà dạy chúng tôi bài học sống, kết nối từng học viên như anh em trong gia đình".

Nhắc tới Hoàng, ông Nguyễn Thành Lê, nguyên Phó tổng Thư ký Hội Võ thuật Hà Nội bảo rằng: "Khi con người ta có niềm say mê, lúc đó, họ sẽ dám dấn thân, lặn lội, vượt qua khó khăn bằng bất cứ giá nào để thực hiện cho kì được niềm đam mê đó. Đó chính là những điều tôi rút ra được từ chính cuộc sống của Hoàng".

Nghe tôi hỏi những dự định tương lai, Hoàng bảo điều nuối tiếc nhất đối với anh khi mất đi đôi mắt đó là không thể tận mắt ghi lại những bước đi trưởng thành của cô con gái nhỏ, không thể chỉ cho con những điều mới lạ xung quanh. "Nhưng tôi sẽ dạy con bằng chính câu chuyện cuộc đời mình, đai đen âu cũng là một đai trắng do nỗ lực không ngừng nghỉ mà nên".

Hoàng Thương
.
.