Có một thời hoa đỏ ngày xưa
Khán giả là những anh bộ đội Cụ Hồ sống vì lí tưởng cho nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và, có thể sau buổi chiều gặp gỡ với đoàn văn công thì sau trận đánh ấy các anh sẽ không còn. Máu cùng xương thịt của các anh sẽ hòa vào mảnh đất thân thương ấy và người nghệ sĩ - chiến sĩ đã thắp lên ngọn nến của niềm tin, tình yêu.
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những kỉ niệm ngày nào vẫn vẹn nguyên. Và, với họ đó là phần đời đẹp nhất, một thời hoa đỏ không thể nào quên...
Sống sao cho xứng đáng
Tôi sinh ra trong thời chiến tranh nên đi hát phục vụ chiến trường là chính. Năm 1967, khi tôi vừa tròn 15 tuổi thì nhận được lệnh vào Quảng Trị. Tuổi trẻ thấy bảo vào chiến trường là phấn chấn ghê lắm. Hồ hởi vác ba lô lên vai, lần đầu tiên được đi xa đến thế lại đi phục vụ các anh bộ đội ở miền trong nên trước hôm đi cứ thấp thỏm hồi hộp mãi. Rồi đến giờ khởi hành, biết bao kỷ niệm cái lần đầu tiên vượt Khu 4 ác liệt nhất.
Nhớ cái ngày vượt phà Bến Thủy, lúc đấy máy bay địch gầm rú trên bầu trời, bom rơi đạn trút, mình nhìn thấy những người chiến sĩ vừa mới nói chuyện với mình đây thôi mà đã trúng bom ngã xuống. Cơ thể các anh khi mất không còn lành lặn, hai hàng nước mắt mình cứ chảy ra, vừa thương các anh lại vừa sợ.
Nghệ sĩ nhân dân Thu Hiền. |
Đồng chí chính trị viên thấy vậy hỏi: “Đồng chí bị nao núng à?”. Mình cũng nhanh trí trả lời: “Dạ, không. Em nhớ mẹ”. Chứ nếu không thì bị quay ra ngay.
Sau mỗi lần bom trút xuống, máu chảy thấm đỏ cả đất, cảnh vật xơ xác tan hoang, những ngôi nhà bị bom dội trúng, cháy nham nhở, trong lúc tang thương lại nghe câu hò Nghệ Tĩnh của những ngư dân kéo vó bè trên sông nước vang lên. Tiếng hát vừa khoan thai, da diết, sâu lắng. Sau này tôi hát: “Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh” thành công được chính là nhớ về những tháng ngày này.
Những trận đánh ngày càng khốc liệt, con người đối mặt với cái chết trong gang tấc và cảm thấy sự sống như một sợi chỉ thật mong manh vô cùng. Còn nhớ ngày xa nhà vào phục vụ chiến trường lúc đấy tôi vừa làm mấy công việc cùng một lúc, từ y tá cứu thương, rồi làm đầu bếp mà mọi người thường hay gọi là: “anh nuôi”, vừa làm nghệ sĩ. Hồi mới vào chiến trường, tôi chưa hát mà ở trong đội kịch “Chim chèo bẻo”.
Những buổi văn nghệ, mình diễn kịch cho các anh xem. Có những ngày sau trận đánh phá của địch, các anh bị thương nhiều, khi dìu được các anh vào trong hang cũng là lúc bác sĩ phải mổ gấp. Số thương binh rất nhiều, không đủ thuốc tê nên nhiều ca phẫu thuật không có thuốc. Mình vừa giữ tay các anh ấy, vừa hát cho các anh nghe, nhưng rồi do mất máu quá nhiều, các anh cũng mất. Trong số họ, rất nhiều người lính trẻ, trẻ lắm. Và, ngay cả đến giờ mình vẫn không quên những khuôn mặt đó.
Có chiến tranh là có mất mát. Những người lính của cả hai bên chiến tuyến đều chôn mình lại ở mảnh đất đạn bom khói lửa dữ dội ấy. Ngày ở Cửa Việt, sau khi địch rút hết đi, kéo lên những cái xác của lính Mỹ, lính VNCH vẫn còn quấn trong dây dù. Rồi những trận đánh vào Ái Tử, chúng tôi lấy những dây điện tết lại gửi ra Bắc làm quà. Chuyện vui buồn thì nhiều lắm.
Những kỉ niệm đã xa rồi nhưng nó luôn trong tâm khảm, trong suy nghĩ của mình. Cuộc chiến khốc liệt ấy đã cướp đi bao nhiêu đồng chí, đồng đội, bao nhiêu con người hi sinh vì Tổ quốc. Mình may mắn sống sót vậy thì mình phải sống sao cho xứng đáng.
Khi niềm tin đơm hoa kết trái
Trưởng thành trong Đoàn Ca múa Trung ương, NSND Chu Thúy Quỳnh đã đi dọc ngang khắp các vùng của đất nước suốt những năm tháng chiến tranh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Bà nhớ, mỗi năm cứ đến độ tết đến là bà lại cùng các bạn và anh chị trong đoàn múa vào diễn ở bên này sông Bến Hải. Cầu Hiền Lương bắc qua dòng sông Bến Hải, tại thôn Hiền Lương, xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Trong những năm mưa bom đạn trút ác liệt nhất, bà cùng đoàn văn công đã đi biểu diễn cho các anh bộ đội, du kích, dân quân, tự vệ và đồng bào ta ở các chiến tuyến ác liệt nhất như Đồng Hới, Quảng Bình, Quảng Trị… Đó là lần biểu diễn trên sân khấu chỉ là một gò đất nổi hay một bãi đất bằng. Có những lúc đang biểu diễn thì máy bay dịch đến dội bom, cả đoàn dừng lại rồi đến khi chúng rút đi, các nghệ sĩ lại tưng bừng ca múa.
Các nghệ sỹ của đoàn văn công cũng hiểu rằng những người lính giữa trùng trùng bom rơi đạn trút, sinh mệnh có thể bị cướp đi bất cứ lúc nào. Có thể giờ khắc này đây các anh đang vui cười xem biểu diễn nghệ thuật nhưng ngày mai ra trận chiến, các anh sẽ vĩnh viễn nằm lại mảnh đất kiên cường bất khuất thấm đẫm máu và hoa. Người nghệ sĩ cũng mang một sứ mệnh cao cả đó là mang đến những niềm vui qua lời ca, tiếng hát, điệu múa để cho các anh trước khi vào trận tuyến nở những nụ cười tươi đẹp nhất.
Trong cuộc đời của người nghệ sĩ múa, có nhiều cái tết đáng nhớ, nhưng có lẽ tết của những năm tháng chiến tranh luôn lưu dấu trong bà từng kỉ niệm không bao giờ phai mờ. Chu Thúy Quỳnh ở bên này sông Bến Hải múa, đồng bào ta ở bờ bên kia, trong vùng địch hậu đứng nhìn sang bên này. Các bác, các mẹ, các cô cầm nón nâng cao trên đầu để quạt, thật ra là để vẫy chào đoàn văn công.
Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải. |
Trong cuộc kháng chiến trường kì của dân tộc, những ngày lên đường đi biểu diễn, cánh chim đầu đàn của ngành múa Việt Nam còn khắc khoải khôn nguôi hình ảnh NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng, vừa là người thầy, người anh, người bạn đời của mình. Họ đã cùng nhau biểu diễn suốt trong những năm tháng chiến tranh.
Bồi hồi nhớ về những tháng ngày đó, bà chia sẻ: “Cả một chặng đường dài địch đánh phá ác liệt, công việc của chúng tôi là múa hát phục vụ bộ đội, nhân dân của các vùng miền. Tại những điểm nóng, các anh đang trực chiến thì chúng tôi biểu diễn tại chỗ cho các anh xem. Không chỉ có những anh bộ đội mà ngay cả những cô dân quân còn rất trẻ vừa cấy lúa, vừa trực chiến. Chúng tôi diễn bất kì ở nơi nào đi qua và trong mọi hoàn cảnh. Thương nhất là những thương binh, trong khi các anh bị băng, bị hành hạ bởi cơn đau từ vết thương hay những trận sốt rét rừng... chúng tôi đến tận nơi các anh nằm rồi hát, múa cho các anh xem.
Các anh cảm động khóc và chúng tôi, những người nghệ sĩ cũng khóc theo. Nước mắt của tình thương mến, yêu thương tràn ngập và thầm mong rằng chiến tranh sẽ mau chóng qua đi. Những tháng năm đó với tôi không bao giờ phai mờ và ngay cả đến ngày hôm nay, tất cả những hình ảnh đó vẫn sống động hiện ra trước mắt như mới ngày hôm qua”.
Đặt chân đến những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến, tận mắt thấy người lính đối diện với chiến tranh không hề nao núng và sợ hãi, sự quả cảm, quyết tâm và tinh thần lạc quan yêu đời của người lính trẻ đã khiến NSƯT Nguyễn Mạnh Hùng sáng tác ra tác phẩm: “Gặp gỡ bên mâm pháo” và “Vợ chồng dân quân bên khẩu súng trường” ngay trong lần đi thực tế tại chiến trường.
Tác phẩm được đánh giá cao và vợ chồng nghệ sĩ múa Chu Thuý Quỳnh - Nguyễn Mạnh Hùng đã cùng nhau mang những tác phẩm này biểu diễn tại nhiều đơn vị bộ đội và được chào đón nhiệt liệt. Vì vậy, đối với bà, chiến tranh không chỉ có chết chóc mà ngay cả trong máu và hoa đó vẫn có những nụ cười hạnh phúc của niềm tin, tình yêu đơm hoa kết trái ngay trên xa mạc tưởng như khô cằn. Tinh thần lạc quan, nụ cười của những người lính trước bước khi vào trận chiến mang đến cảm hứng sáng tác cho người nghệ sĩ và phần đời tươi đẹp đó đã theo bà mãi những năm tháng sau này.
Những kỷ niệm không phai
Người phụ nữ sinh ra ở miền quê quan họ, chị được biết đến ngoài sở hữu giọng hát ngọt ngào, truyền cảm, còn là nhân vật nguyên mẫu của bài thơ “Người ơi, người ở” của nhà thơ Phạm Tiến Duật. Cũng như bao nhiêu nghệ sĩ sinh cùng thời bấy giờ, nghệ sĩ Lệ Ngải theo đoàn văn công vào chiến trường từ khi còn rất trẻ.
Cuộc gặp gỡ vô tình không định trước tại lán trại bộ đội với nhà thơ nổi tiếng đã mang đến cho nhà thơ cảm hứng sáng tác và bài thơ: “Người ơi, người ở” được in trong Tạp chí Văn nghệ ngay sau cuộc gặp gỡ hai tháng sau giữa nhà thơ và cô gái đoàn văn công quan họ.
Đó là năm 1970, đang ở đoàn văn công thì thấy mọi người xôn xao bảo Ty Văn hóa gửi giấy xuống đoàn cử người đi phục vụ bộ đội chiến trường miền Nam. Lệ Ngải thắc thỏm lắm, vì bố chị lúc đấy là trưởng đoàn, ông có quyền quyết định ai được đi. Ngày mong chờ cũng đã đến, cô bé Lệ Ngải cùng 13 cán bộ văn công của các đoàn khác khăn gói lên đường. Chuyến đi lúc đấy cô bé chỉ mang theo có 3 bộ quần áo và đôi dép lê.
Không quen thổ nhưỡng, Lệ Ngải đùng đùng sốt cao. Các anh bộ đội trêu: “Sốt này có nắm lá rừng chua ăn vào là khỏi liền”. Mà quả thật, được các anh cho ăn lá chua của rừng mà khỏi lúc nào không hay. Các anh bảo: “Trả ơn các anh bằng cách gì nào?”. Rồi các anh bảo: “Thôi, cô bé hát đi”.
Lệ Ngải lúc đấy còn e dè lắm, đang viêm họng, lại vừa mới sốt cao nhưng nhờ sự động viên khích lệ của các anh, cô bé cũng mạnh dạn hát. Các anh đứng xung quanh cô bé reo hò cổ vũ. Lệ Ngải lúc đấy quên luôn việc mình vừa mới ốm sốt, hát liền tù tì cả chục bài liền.
Nghệ sĩ nhân dân Chu Thúy Quỳnh. |
Có những anh bộ đội xa nhà đã lâu, có anh thì 3 năm, 5 năm hay lâu hơn nữa, nỗi nhớ quê nhà trào dâng khi nghe cô bé hát, mắt đỏ hoe. Trong những người nghe có một người thanh niên trẻ dáng vẻ thư sinh cầm tay Lệ Ngại nói: “Ngay tối nay anh sẽ có bài thơ viết riêng tặng em. Sáng mai anh sẽ mang qua chỗ em”.
Không ngờ ngay buổi chiều hôm đó, đoàn văn công nhận được lệnh phải lên đường đi lên Tây Nguyên. Lệ Ngải không kịp chào những người lính trẻ và chàng thanh niên nói viết tặng mình bài thơ. Mãi sau này Lệ Ngải mới biết người thanh niên trẻ cầm tay mình hôm đó là nhà thơ Phạm Tiến Duật.
Đoàn văn công lên đường nhưng rừng thiêng nước độc, cả đoàn 14 người thì đến 9 người bị cơn sốt rét rừng hành hạ. Mỗi người ốm sốt như vậy lại phải để người ấy lại nơi nào đoàn đi qua mà có binh trạm bộ đội. Cứ như vậy rơi rớt dần, trên xe lúc đó chỉ còn 5 người. Không còn nhân lực dự kiến như ban đầu, đoàn không đủ người để biểu diễn, đoàn không vào Pleiku như dự định mà cho xe chạy ra Quảng Bình, Quảng Trị, phục vụ bộ đội đang làm nhiệm vụ ở đây.
Ra Hà Nội, chỉ còn lại có 5 người. Sau khi về đoàn văn công Bắc Ninh, trong một dịp Lệ Ngải gặp nhà thơ Trần Ninh Hồ, ông nói: “Tiến Duật viết bài thơ “Người ơi, người ở” tặng em in trong Tạp chí Văn nghệ quân đội đấy.”
Phải mãi sau ngày giải phóng đất nước, cũng trong một lần tình cờ nhà thơ Đồng Đức Bốn gặp Nghệ sĩ ưu tú Lệ Ngải, ông bảo ông vẫn đang giữ quyển Tạp chí Văn nghệ quân đội hồi đó. Đón nhận quyển tạp chí, Lệ Ngải rưng rưng xúc động. Bài thơ như một kỉ niệm không bao giờ phai của người con gái văn công trong cuộc kháng chiến trường kì gian khổ ấy.