“Cởi trói” cho phim nhà nước đặt hàng

Chủ Nhật, 25/04/2021, 13:36
Từ trước đến nay, chúng ta vẫn mặc định phim nhà nước đặt hàng là độc quyền” của các hãng phim nhà nước và chỉ làm về những đề tài lịch sử, chiến tranh, dân tộc... Những mặc định đó đã “trói” phim nhà nước đặt hàng vào bế tắc. Câu chuyện về những bộ phim tiền tỷ do nhà nước đặt hàng sau khi chiếu vài buổi rồi đắp chiếu vẫn làm đau đầu các nhà quản lý và gây bức xúc dư luận.


Vậy bài toán cho phim nhà nước đặt hàng không lãng phí ngân sách sẽ được “giải” trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) như thế nào?

Những “định kiến” về phim nhà nước đặt hàng

Sau nhiều năm gián đoạn do những hiệu quả không tốt từ phim Nhà nước đặt hàng mang lại, năm 2018-2019 dòng phim này lại xuất hiện với một số tác phẩm được sản xuất: “Thạch Thảo”, “Nơi ta không thuộc về”, “Hợp đồng bán mình”... Các phim ra rạp khá lặng lẽ, chất lượng chưa cao, không thuyết phục người xem.

Phim nhà nước tài trợ vẫn chỉ quẩn quanh, không lối thoát với những bộ phim cũ kỹ, đề tài hạn hẹp, vốn dĩ mặc định “độc quyền” cho các hãng phim nhà nước.

Nhìn lại lịch sử, những bộ phim được Nhà nước đầu tư đều trong tình trạng thất thu tại phòng vé, phim âm thầm sản xuất rồi âm thầm ra rạp và về xếp kho. Có thể kể đến một loạt phim như “Sống cùng lịch sử”, “Đam mê”, “Tâm hồn mẹ”... Cách đây không lâu, bộ phim “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy với vốn đầu tư 16 tỷ từ ngân sách nhà nước nhưng ra rạp chỉ thu được 500 triệu đồng, dù bộ phim được truyền thông khéo léo và bài bản trên các phương tiện truyền thông. 

Mấu chốt vẫn là chất lượng của các bộ phim được Nhà nước tài trợ còn thấp, nếu không nói là quá thấp. Phim Nhà nước tài trợ vẫn chỉ quẩn quanh với những bộ phim cũ kỹ, đề tài hạn hẹp, vốn dĩ mặc định “độc quyền” cho các hãng phim nhà nước. Vì thế, đã đến lúc cần thay đổi tư duy về dòng phim này hay nói cách khách phim Nhà nước đặt hàng cần phải tự “cởi trói” mình để vươn tới một nền điện ảnh phát triển hơn.

Đạo diễn Đào Bá Sơn chia sẻ: Điện ảnh rất cần các quỹ tài trợ, đặc biệt từ Nhà nước vì đó là một cuộc chơi tốn kém nhưng Nhà nước cần có sự lựa chọn sáng suốt. Phải kiểm soát được hiệu quả của đồng tiền mình bỏ ra để có những tác phẩm giá trị. Có những phim Nhà nước đầu tư nhưng đồng tiền phải đi qua nhiều khâu, đến tay nhà sản xuất còn rất thấp, làm sao phim không “suy dinh dưỡng”. 

Phim “Hợp đồng bán mình” đổi mới về đề tài nhưng chất lượng chưa cao.

Tâm thế làm cho xong để thanh lý hợp đồng là có thật, họ lại không chú trọng khâu quảng bá, đưa phim đến với khán giả. Vì thế, nhiều năm nay, phim Nhà nước đặt hàng vẫn là bài toán đau đầu. Phim Nhà nước đặt hàng cần sự đầu tư kỹ lưỡng hơn trong khâu chọn kịch bản và người làm để có thể phát huy được giá trị của nó”.

Đồng quan điểm về vấn đề này, đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh cho rằng: “Phim Nhà nước đặt hàng phải được lựa chọn kỹ ngay từ khâu kịch bản, không giới hạn phim nhà nước hay tư nhân miễn là có kịch bản hay. Hình như những người duyệt kinh phí và các nhà làm phim không mấy quan tâm đến đầu ra của phim, trong khi đó là yếu tố cực kỳ quan trọng của một tác phẩm. Có thể chúng ta không hướng tới đại chúng nhưng bộ phim được Nhà nước đặt hàng phải đảm bảo các giá trị về nội dung và nghệ thuật, được khán giả chấp nhận, dù chỉ là khán giả “hẹp”.

 Làm gì để “cởi trói” cho phim nhà nước đặt hàng?

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết, Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) có nhiều quy định mới đối với dòng phim Nhà nước đặt hàng.

Đầu tiên, đó là quy định đấu thầu phim Nhà nước đặt hàng dự kiến sẽ được xóa bỏ trong Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Theo Luật Điện ảnh năm 2006 và sửa đổi năm 2009, với phim Nhà nước đặt hàng, nhà sản xuất phim được chọn theo Luật Đấu thầu. Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này vẫn chưa được áp dụng. Nhiều năm qua, vẫn chưa có thông tư hướng dẫn đấu thầu, đặt hàng sản xuất phim. Vì thế, ông Vi Kiến Thành cho hay, Ban soạn thảo Dự Luật Điện ảnh mới không đưa ra hướng dẫn đấu thầu mà theo hình thức đặt hàng.

“Trong sáng tạo nghệ thuật không thể chỉ căn cứ vào giả rẻ để chấp nhận một đơn vị đầu tư được, sáng tạo mà dựa vào giá rẻ không kiểm soát được, đặc biệt là chất lượng nghệ thuật. Quy định đấu thầu phim Nhà nước đầu tư từng được đặt ra, mà một trong những mục đích là tạo được sự bình đẳng cho hãng phim nhà nước và tư nhân tiếp cận dự án phim nhà nước đặt hàng. Dù luật cũ không “đóng” với hãng phim tư nhân, tuy nhiên, như một luật bất thành văn, nhiều năm qua, hầu hết những dự án phim sử dụng ngân sách nhà nước được giao “nguyên” cho hãng phim nhà nước (đã được cổ phần hóa). Luật Điện ảnh mới sửa đổi không ưu ái mà tạo bình đẳng hoàn toàn giữa các hãng, Nhà nước và tư nhân. Sắp tới chúng tôi sẽ tính chuyện hợp tác với các hãng phim tư nhân”, ông Thành nói.

Phim “Mỹ nhân” của đạo diễn Đinh Thái Thụy vắng khách khi ra rạp.

Hiện nay mỗi năm, Nhà nước đầu tư kinh phí tối đa cho phim truyện điện ảnh từ 10-15 tỷ đồng/1 phim, đó là một nguồn lực không nhỏ đối với một nền điện ảnh còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Vì thế, việc sử dụng nguồn lực này hiệu quả là một đòi hỏi tất yếu.

Vấn đề thứ 2 được “cởi trói” cho phim Nhà nước đặt hàng là mảng đề tài. Trong Dự luật Điện ảnh (sửa đổi) đang được đăng tải trên website của Chính phủ và Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, có thay đổi về đề tài. Theo ông Vi Kiến Thành: “Luật (cũ) chỉ quy định Nhà nước đặt hàng phim có đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, thiếu nhi, văn hóa dân tộc nên sau này cứ nhăm nhăm triển khai từ khâu thẩm định đến sản xuất xem có phải thuộc 4 đề tài được nêu trong luật không. Chẳng hạn như bây giờ, muốn làm bộ phim về COVID-19 thì sao? Lâu nay ngành điện ảnh tự “trói mình”. Cho nên, dự luật mới đã bỏ điểm này, mà chỉ là sản xuất phim theo đề tài Nhà nước yêu cầu trong từng thời kỳ”.

Một vấn đề mấu chốt là hiện nay, phim Nhà nước đặt hàng thiếu kịch bản hay. Vì thế, Cục Điện ảnh tổ chức cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020”. Cuộc thi này góp một phần, dù chưa lớn, vào nguồn kịch bản tốt để giới thiệu cho nhà sản xuất và cả Nhà nước đặt hàng, tạo được “ngân hàng” kịch bản, trong đó phục vụ cho những dự án phim do Nhà nước đặt hàng. Ngoài ra, ông Thành cho biết, hội đồng duyệt phim sẽ được thay mới trong năm tới bởi hiện nay nhiều thành viên của hội đồng này không chỉ “chịu áp lực quá lớn”, mà còn chưa thực sự “mở” với cách thức sản xuất phim mới. Thành viên của hội đồng sắp tới sẽ được “trẻ hóa” và cởi mở hơn.

Đạo diễn Phan Đăng Di bày tỏ quan điểm ủng hộ những đổi mới về tư duy của phim Nhà nước đặt hàng. “Chúng ta cần thay đổi thói quen tư duy phim Nhà nước hay phim tư nhân mà nhìn rộng ra, vì sự phát triển văn hóa của đất nước. Ở các nước phát triển, họ cũng có quỹ đầu tư cho phim nhưng người ta hướng tới những tác giả mới, những giọng nói mới trong điện ảnh, đó là thế hệ kế cận cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Ở Pháp vẫn có những bộ phim được nhà nước tài trợ không đình đám khi ra rạp nhưng họ hướng tới việc ủng hộ các tác phẩm đầu tay để khuyến khích những người trẻ. Chúng ta phải xác định mục tiêu phát triển của nền điện ảnh trong từng thời kỳ là gì. Nếu mong muốn đi đường xa, tạo ra thế hệ làm phim có tiếng nói quan trọng, định hình hình ảnh điện ảnh Việt Nam trên trường quốc tế thì không thể thiếu được chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chúng tôi mong chờ và luôn nghĩ rằng, nếu có sự tính toán kỹ càng hơn về việc đầu tư vào tài năng trẻ cộng với một chính sách bài bản thì chắc chắn chúng ta sẽ có vị thế tốt trong nền điện ảnh  thế giới. Nếu không nền điện ảnh của chúng ta cứ tụt hậu và nằm ở vũng trũng của khu vực, trong khi ai cũng hiểu, điện ảnh là bộ mặt văn hóa của một quốc gia, chúng ta cần có những quyết sách đúng đắn hơn để thúc đẩy điện ảnh phát triển. Đúng là cần một sự lột xác về tư duy”, đạo diễn Phan Đăng Di nói.

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là cuộc hợp tác thành công giữa phim nhà nước đặt hàng và tư nhân.

Theo đạo diễn, NSND Thanh Vân, điện ảnh không chỉ dựa vào nguồn lực nhà nước mà cần khuyến khích các thành phần kinh tế, sự vào cuộc chung tay của xã hội, đầu tư cho những dự án lớn. “Chúng ta không nên mặc định, phim Nhà nước tài trợ chỉ dùng tiền tài trợ của nhà nước vì kinh phí hạn hẹp trong khi một bộ phim cần nguồn đầu tư khá lớn. Chúng ta có thể huy động các nguồn lực khác nhau cho một dự án. Nên chăng, có hình thức tài trợ từng khâu, như kịch bản, sản xuất, trang phục, hậu kỳ, đặc biệt là khâu quảng bá phim... Rõ ràng, cuộc bắt tay giữa Nhà nước và tư nhân trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” khá thành công, tại sao chúng ta không phát huy hình thức này. Nên cởi mở huy động nhiều nguồn lực để giúp nền điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa”.

Bảo Linh
.
.