“Cuộc chiến” chống tiền giả toàn cầu
Làm tiền giả - Một nghề không phải bây giờ mới có
Từ khi tiền giấy chưa ra đời, đã có nạn làm tiền giả kim loại. Phương thức làm giả chủ yếu là trộn một số kim loại rẻ tiền vào những đồng tiền vàng hoặc đồng tiền bạc. Ngoài ra còn có một cách nữa là khéo léo cắt xén cạnh của những đồng tiền vàng hoặc bạc, làm giảm trọng lượng theo quy định của đồng tiền.
Các quốc gia thời cổ đại đều trừng phạt hết sức nghiêm khắc đối với những kẻ làm tiền giả. Năm 1162, Vua Cao Tông thuộc thời nhà Tống nước Trung Hoa xưa, đã xử phạt cực hình đối với những kẻ làm tiền giả và khen thưởng người có công trình báo. Năm 1690, một đôi nam nữ cắt bớt cạnh mép của những đồng tiền bạc, người đàn ông đã bị treo cổ, còn người phụ nữ bị thiêu chết.
Ở Mỹ, trên những tờ giấy bạc phát hành thời kỳ Franklin làm Tổng thống, có in dòng chữ: "Kẻ nào làm giả sẽ bị tử hình". Sở dĩ phải phạt nặng như vậy bởi làm tiền giả chẳng những là phạm trọng tội đối với quốc gia mà còn là sự "tuyên chiến" với nhà cầm quyền.
Trong thời chiến tranh cận đại và hiện đại, việc in và lưu hành tiền giả là một trong những chiến lược quan trọng để đánh bại đối phương mà không cần tới súng đạn. Thời kỳ nội chiến ở Mỹ, chính phủ phương Bắc cũng đã áp dụng thủ đoạn "chiến tranh tiền giả" với chính phủ phương Nam.
Năm 1926, những tin tức về việc Hungaria làm tiền giả lan truyền khắp thế giới. Cảnh sát Hà Lan đã bắt được nhiều người tiêu thụ tiền giả. Theo điều tra lô tiền giả đó in tại Hungaria lên tới 10 triệu frăng.
Trong Thế chiến II, để phá hoại nền kinh tế của Anh và Mỹ, phát xít Hitler đã in hàng trăm triệu bảng Anh giả và đôla giả.
Tiền giả hoành hành khắp thế giới
Nền kinh tế suy thoái khiến người dân Mỹ ngày càng đau đầu vì tình trạng tiền giả. Thời gian gần đây, Cục Đặc nhiệm Mỹ - Cơ quan chuyên trách chống nạn tiền giả cho biết, những đồng đôla giả xuất hiện trên thị trường hiện nay nhiều hơn 5 năm vừa qua.
Một quan chức của Phân cục Đặc nhiệm bang Tennesse cho biết thêm: nhiệm vụ chủ yếu của Phân cục trong thời gian này là đấu tranh chống tội phạm về tiền giả, dường như ngày nào cơ quan cũng nhận được những đồng đôla giả do ngân hàng và siêu thị đưa tới.
Tiền giả - Nỗi lo của mọi quốc gia. |
Một quan chức của bang cho rằng, do kinh tế suy thoái và tình trạng thất nghiệp gia tăng, nên việc in, mua bán và lưu hành tiền giả không chỉ là việc làm phạm pháp của những tên tội phạm mà có thể cả một số người dân do thiếu hiểu biết cũng tham gia.
Theo các phương tiện truyền thông Thái Lan, năm 2008 tại quốc gia này nạn tiền giả tăng nhiều, việc mua bán tiền giả diễn ra rộng rãi. Tiền giả chủ yếu là giấy bạc có mệnh giá 1.000 baht, rất khó nhận biết bởi kỹ thuật in rất tinh xảo. Nhiều cửa hàng đã từ chối nhận tiền có mệnh giá 1.000 baht khi bán hàng.
Nạn tiền giả cũng đã gây nhiều khó khăn cho Ấn Độ. Cục Tình báo và Ngân hàng Trung ương nước này đã tuyên bố: hiện nay trong toàn quốc đã lưu thông rất nhiều đồng rupi giả, trị giá khoảng 510 tỉ USD, tức là 1/4 số tiền đang lưu thông là tiền giả.
Báo chí Ấn Độ cho rằng, những đồng tiền rupi giả đó được in tại Pakistan, là một phần trong chương trình làm đảo lộn nền kinh tế của Ấn Độ. Tuy nhiên Pakistan đã phủ nhận cáo buộc này.
Đồng euro vẫn được xem là "miễn dịch" với nạn tiền giả, nhưng theo số liệu công bố của Ngân hàng Trung ương liên minh châu Âu, 6 tháng đầu năm 2008 đã phát hiện 325.000 tờ euro giả, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước đạt mức kỷ lục từ năm 2003 đến nay.
Các nước đều ra tay
Cơ quan Cảnh sát quốc tế cho rằng, đồng tiền của mỗi quốc gia cứ từ 5 đến 7 năm nên thay đổi bởi trong thời gian đó, bọn làm tiền giả có thể làm theo những bí mật của tờ tiền. Mỹ là quốc gia đã làm như vậy. Năm 2004, đồng tiền 50 USD đã in theo thiết kế mới, trên mặt tờ giấy bạc chân dung Tổng thống Lincon đã tăng thêm màu xanh ở bên ngoài thay cho khung viền hình bầu dục trước đây.
Thời kỳ đầu cải tổ ở Nga, đồng rúp ít được nhân dân tín nhiệm, việc trao đổi mua bán trong một số trường hợp đã dùng đồng đôla, nhưng nhân dân lại không nhận biết được đồng tiền này nên đã có nhiều đôla giả. Chính phủ Nga một mặt ra lệnh cấm sử dụng đồng đôla, một mặt áp dụng kỹ thuật mới tiên tiến hơn để in đồng rúp mới đẹp hơn, khó làm giả hơn.
Australia là quốc gia đi đầu trong việc cho ra đời những tờ giấy bạc, có mệnh giá nhỏ, bằng giấy polymer. Tuy nhiên bọn làm tiền giả ở châu lục này đã dùng hóa chất "rửa sạch" những tờ tiền đó và in lại thành loại tiền có mệnh giá lớn hơn. Vì thế rất khó nhận ra thật giả.
Euro ở một quốc gia trong Liên minh châu Âu, nên các quốc gia trong liên minh sử dụng đồng tiền chung rất khó kiểm tra phát hiện giả hay thật; đó là sơ hở để bọn xấu lợi dụng. Năm 2004, Cảnh sát Pháp đã phát hiện 1,8 triệu tiền euro giả, trong đó đa số là những tờ giấy bạc có mệnh giá 10 và 20 euro.
Tây Ban Nha cũng đã phát hiện 2,5 triệu tiền euro giả. Năm 2007, Quốc hội Pháp đã thông qua Luật Chống tiền giả, trong đó quy định một số điều luật nhằm tấn công các tổ chức và cá nhân in tiền giả