Cuộc gặp gỡ xúc động của người lính cứu hỏa

Thứ Sáu, 07/08/2020, 08:27
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2015-2020 của Công an tỉnh Hòa Bình vừa qua có một cuộc gặp gỡ vô cùng xúc động. Đó là cuộc gặp của một gia đình thoát chết trong đám cháy cách đây tròn 2 năm với ân nhân cứu mạng - một người lính cứu hỏa.

Người lính ấy đã nhiều lần đối mặt với hiểm nguy, khó khăn không khuất phục, nay rưng rưng nhận bó hoa từ lòng biết ơn chân thành.

Phút giây hạnh phúc

Đêm 31-7-2018 tại số nhà 90, phường Tân Thịnh, TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình xảy ra vụ hỏa hoạn nghiêm trọng. Sau khi nhận được tin báo cháy từ cơ sở, Trung tá Đỗ Thành Đạt, Đội trưởng Đội chữa cháy và cứu hộ cứu nạn, Công an tỉnh Hòa Bình chỉ huy 2 xe chữa cháy và 10 chiến sĩ tới hiện trường. Sau khi quan sát hiện trường, anh nhận thấy ngọn lửa rất lớn bao phủ toàn bộ ngôi nhà và cháy lan sang khu vực xung quanh.

Sau khi quan sát đám cháy, Trung tá Đạt đã chia thành 2 tổ công tác, vừa chỉ huy phun nước dập tắt đám cháy, vừa ngăn chặn cháy lan, cháy lớn. Anh phối hợp với chính quyền và người dân nắm tình hình người mắc kẹt phía trong ngôi nhà.

Sau khi được thông báo, có 3 người, trong đó có 1 em nhỏ 5 tháng tuổi bị mắc kẹt, anh yêu cầu triển khai phương án giải cứu ngay. Lực lượng cứu hộ đặc nhiệm được trang bị áo chống cháy, phòng độc phá khóa cửa, lùng sục các ngóc ngách trong ngôi nhà để tìm nạn nhân.

Trung tá Đạt nhớ lại: Chúng tôi phát hiện hai vợ chồng và người con trai bất tỉnh trong nhà vệ sinh. Cháu bé nằm phía dưới, người mẹ ôm lấy cháu bé, người cha ôm lấy người mẹ. Sau hơn 2 giờ tích cực chữa cháy, đám cháy được dập tắt hoàn toàn, các nạn nhân được đưa đến bệnh viện và qua cơn nguy kịch. Cảm kích trước hành động dũng cảm của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy, ông Nguyễn Phúc Hào đã gửi thư cảm ơn đến Giám đốc Công an tỉnh và Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn.

Trung tá Đỗ Thành Đạt được tôn vinh tại Hội nghị.

Câu chuyện sẽ không có gì để nói nhiều nếu như không có cuộc gặp gỡ tình cờ đầy xúc động sau gần 2 năm. Ám ảnh bởi vụ cháy lớn, gia đình ông Hào đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Hầu hết hàng xóm quanh khu vực đều không biết gia đình ông hiện tại ở đâu. Cũng vào thời điểm này, Công an tỉnh Hòa Bình tổ chức biểu dương điển hình tiên tiến phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2015-2020, trong đó có phần giao lưu với Trung tá Đỗ Thành Đạt. Ban tổ chức đã quyết định dành sự bất ngờ cho các đại biểu dự hội nghị và cho chính Trung tá Đạt.

Sau nhiều ngày tìm kiếm, ban tổ chức đã liên hệ được với ông Nguyễn Phúc Hào và mời ông tham gia chương trình. Phần giao lưu với Trung tá Đỗ Thành Đạt đã diễn ra cuộc hội ngộ vô cùng xúc động với nạn nhân mà anh đã cứu trước đây. Ông Hào cho biết: “Nếu không có người lính cứu hỏa quả cảm, mưu trí thì không biết kết cục sẽ ra sao. Tôi vô cùng cảm kích và gửi lời cảm ơn từ đáy lòng đến công lao của các chiến sĩ phòng cháy chữa cháy. Sau khi nhận được đề nghị từ ban tổ chức, ông Hào đã đưa con trai và người cháu nội đến tri ân các chiến sĩ cứu hỏa.

Trong không khí xúc động, ông Hào và con cháu đã ôm lấy Trung tá Đạt nghẹn nghào. Cuộc gặp gỡ đã gây xúc động cho các đại biểu dự hội nghị. Với Trung tá Đỗ Thành Đạt và đồng đội, đây là giây phút không thể nào quên, là động lực để các anh tiếp tục phấn đấu vì cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. 

Nỗi lòng người lính

Chúng tôi đến thăm Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn Công an tỉnh Hòa Bình giữa cái nắng như thiêu đốt của những ngày hè oi ả. Sức nóng hầm hập từ khoảng sân bê tông khiến các chiến sĩ mồ hôi nhễ nhại, ướt đầm vai áo. Trung tá Đỗ Thành Đạt khuôn mặt đen sạm hướng dẫn anh em luyện tập các phương án chữa cháy. Anh cho biết, đây là đợt huấn luyện định kỳ kéo dài 1 tháng. Mặc dù thời tiết vô vùng nắng nóng, oi bức, song các chiến sĩ chấp hành nghiêm túc mệnh lệnh của chỉ huy. “Chỉ có làm tốt công tác huấn luyện, trang bị các kỹ năng xử lý các tình huống thì khi đó mới tổ chức chữa cháy hiệu quả”.

Trong thực tế, các tình huống khác xa các phương án huấn luyện; khó khăn, nguy hiểm, vất vả tiềm ẩn là thách thức không nhỏ đối với mỗi người lính cứu hộ, cứu nạn. Điển hình như sự cố sập hầm than xảy ra tại xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình cách đây gần 5 năm. Khu vực hầm than nằm ở vị trí khá hiểm trở, sâu trong núi. Đây vốn là mỏ than lộ thiên, người dân địa phương đã tự ý khai thác, đào bới khiến nền đất bị yếu, nguy cơ sạt lở rất cao. Mặc dù được chính quyền cảnh báo, song một số người dân vẫn tự ý khai thác, bất chấp nguy hiểm.

Đến ngày 18-11-2015, do khai thác không đảm bảo an toàn, toàn bộ hầm than đổ sập khiến 3 công nhân bị mắc kẹt phía trong. Đây là sự cố đặc biệt nghiêm trọng lần đầu xảy ra trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Sự cố xảy ra tại độ sâu 700 mét so với cửa hầm, hầm lò chỉ cao khoảng 2 mét và rộng 1,5 mét. Càng vào sâu, độ cao của đường hầm càng thấp lại, ngoằn ngoèo và không có bản đồ đường hầm. Nhiệm vụ đặt ra với các chiến sĩ cứu hộ, cứu nạn rất nặng nề.

Trung tá Đỗ Thành Đạt trực tiếp chỉ huy tổ công tác vào Lỗ Sơn để triển khai phương án giải cứu nạn nhân. Địa hình xảy ra sự cố vô cùng hiểm trở, việc triển khai lực lượng gặp rất nhiều khó khăn. Sau khi quan sát thực tế, trung tá Đạt đề xuất lãnh đạo Công an tỉnh tiến hành di chuyển đất đá trong hầm ra, vừa kết hợp gia cố, chằng chéo hầm để tránh bị sập. Huy động tổng hợp các lực lượng bộ đội, dân quân địa phương, quần chúng nhân dân tham gia giải cứu nạn nhân.

Lực lượng cứu hộ gồm nhiều đơn vị phối hợp trắng đêm thay phiên nhau chui vào hầm để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn. Do hầm hẹp, các thiết bị hỗ trợ, máy móc, phương tiện không vào được nên lực lượng cứu hộ phải dùng tay di chuyển từng bao đất đá từ hầm sâu đến 700m. Thiếu ánh sáng, thiếu không khí nhưng vì nhiệm vụ, tất cả đều cố gắng vượt qua khó khăn để thực hiện mệnh lệnh của trái tim, bằng mọi cách cứu người nhanh nhất, cho dù đó chỉ là hy vọng mong manh.

Các chiến sĩ đều vô cùng mệt mỏi, thậm chí kiệt sức vì áp lực công việc quá lớn. Quần áo lem luốc, mặt nhợt nhạt, mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Quá trình làm nhiệm vụ, một số chiến sĩ bị thương được các y, bác sĩ sơ cứu tại hiện trường. Trung tá Đạt vừa tích cực chỉ huy cứu hộ, vừa động viên, khích lệ tinh thần đồng đội. Hình ảnh công nhân còn mắc kẹt phía trong hầm, sự sống như “ngọn đèn trước gió” là động lực để các anh nỗ lực, cố gắng hơn nữa. Sau hơn 100 giờ liên tục cứu hộ cứu nạn, lực lượng tham gia cứu hộ tìm thấy các nạn nhân và đưa ra ngoài nhưng họ không còn sống. Tìm được nạn nhân nhưng những người cứu nạn nặng trĩu nỗi buồn.

Trung tá Đỗ Thành Đạt nhớ lại: “Khi hoàn thành nhiệm vụ trở về, đồng đội bình an tôi mới thở phào. Bởi công việc cứu nạn này rất nguy hiểm, nền địa chất hầm lò phức tạp, chủ yếu là đất đã bị ngấm nước mưa nhiều. Lúc đó chỉ mong sao kết thúc công việc thật nhanh để trở về gia đình, có một bữa ăn ấm cúng bên người thân, ngủ một giấc sâu để quên đi mệt mỏi. Sáng mai thức dậy tiếp tục công việc”.

Trong cuộc chiến chống giặc lửa, cứu hộ cứu nạn, nhiều đồng đội của anh bị thương, thậm chí hy sinh để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Đó là Thượng sĩ, liệt sĩ Nguyễn Quý Dương; là Thượng úy, thương binh Nguyễn Tiến Hùng, là nhiều đồng đội của anh không còn lành lặn, cơ thể mang nhiều thương tích. Giọt máu đào của những chiến sĩ ấy đã hòa với màu cờ truyền thống của cảnh sát phòng cháy chữa cháy Hòa Bình, giúp lực lượng lớn mạnh hơn, đủ sức đảm đương mọi nhiệm vụ được giao.

Như Hùng
.
.