Cuộc thi ảnh với chủ đề “Vì bình yên cuộc sống”

Thứ Hai, 31/10/2016, 15:45
Chiều ngày 25 tháng 10, tiết trời vào thu dịu mát, tại trụ sở của Báo CAND 92 Nguyễn Du, Hà Nội diễn ra lễ trao giải cuộc thi ảnh với chủ đề "Vì bình yên cuộc sống". Đây là một trong số những hoạt động ý nghĩa nhân kỷ niệm 70 năm ngày Báo CAND phát hành số đầu tiên (1-11-1946 / 1-11-2016).

Tuy lần đầu tiên tổ chức nhưng chỉ qua 4 tháng phát động  (từ 10-5 đến 10-9), Ban Tổ chức đã nhận được con số không hề nhỏ, 8.376 tác phẩm của gần 500 tác giả là các nghệ sĩ nhiếp ảnh, phóng viên, cán bộ chiến sĩ đang công tác tại các cơ quan trong lực lượng CAND, các cơ quan báo chí cùng các tay máy chuyên và không chuyên trong toàn quốc tham gia.

Tác phẩm đoạt giải nhất "Những trái tim dũng cảm".

Với đề tài hay, nên nhiều bức ảnh của các tác giả đã thực sự gây được ấn tượng mạnh với Ban giám khảo và các khán giả.

Người xem rưng rưng vì cảm động trước bức ảnh mang đầy tính nhân văn với hình ảnh hai chiến sĩ trẻ của lực lượng cảnh sát PCCC, mặt mũi lấm lem vì khói lửa nhưng khuôn mặt vẫn ánh lên sự quả cảm phi thường trên tay bế em bé nhỏ được bọc trong chăn để đến nơi an toàn.

Bức ảnh này của Nguyễn Tiến Anh Tuấn (PV Báo Điện tử Zing.VN) đã chớp được khoảnh khắc thời sự vào tối ngày 11 tháng 10 năm 2015, lực lượng PCCC đã dốc sức trong suốt nhiều giờ để giải cứu hàng trăm người dân đang mắc kẹt trong đám lửa bao trùm chung cư CT4, Xa La, Hà Đông, Hà Nội. Có chiến sĩ cảnh sát PCCC đã liên tục leo bộ tòa nhà 35 tầng nhiều lần, cứu được hơn 50 người, trong đó chủ yếu là người già và trẻ nhỏ…

Các đại biểu tham quan Không gian trưng bày 85 bức ảnh lọt vào vòng chung khảo.

Cuộc thi ảnh với chủ đề "Vì bình yên cuộc sống" với những hình ảnh phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều bức ảnh gây xúc động cho người xem. Đó là khi tay máy đã chớp lấp những khoảnh khắc hạnh phúc của sản phụ và hai người chiến sĩ trẻ.

Bức ảnh có tên là "Niềm vui của hai "Cảnh sát bà đỡ" của tác giả Phạm Thuần Thư. Đấy là trong đêm giông 22 - 6 - 2015, Thiếu úy Nguyễn Văn Tiệp và Thượng sỹ Đoàn Thanh Tùng thuộc Đội Cảnh sát hình sự Công an huyện Quốc Oai (Hà Nội), trên đường tuần tra phát hiện chị Hoàng Thị Phương trên đường đến bệnh viện sinh nở. Trường hợp khẩn cấp, hai chiến sĩ đã tự tay đỡ đẻ cho chị thành công.

Hay bức ảnh Đoàn viên thanh niên CATP Hà Nội thăm và tặng quà các cháu bị bệnh tan máu bẩm sinh tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương của tác giả Trịnh Đình Thắng cũng khiến người xem dừng chân ngẫm ngợi.

Trao giải nhất cho Tác giả Nguyễn Tiến Anh Tuấn.

Bức ảnh cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh An Giang cùng nhân dân ra sức gia cố đê trong đợt bão lịch sử 2011 ở huyện Châu Phú của tác giả Vũ Tiến Tầm thể hiện tình đoàn kết tương thân tương ái giữa quân và dân.

Thể loại phong phú nhưng cuối cùng Ban giám khảo đã buộc phải chọn ra 17 tấm ảnh xuất sắc nhất để trao: 1 giải nhất, 2 giải nhì, 4 giải ba và 10 giải khuyến khích. 17 tác phẩm ảnh được Ban giám khảo đánh giá là có chất lượng tốt, không những mang đặc trưng của ảnh báo chí hiện đại mà còn giàu tính nghệ thuật, đậm tính nhân văn.

Ông Bùi Hỏa Tiễn, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh VN, Trưởng BGK cho hay, với số lượng hơn 8.000 ảnh dự thi, đã thể hiện sự quan tâm và sức hấp dẫn của cuộc thi đối với các tác giả. Và đặc biệt chủ đề này lại nằm trong nội dung phản ánh về một lực lượng mang có tính chất khép kín cao. Đây cũng là một cái khó cho các tác giả.

Nhưng với hơn 8.000 bức ảnh dự thi đã thể hiện sự quan tâm rất lớn của Ban tổ chức, của Công an các địa phương, của các cán bộ chiến sĩ trong ngành và đặc biệt là của những người cầm máy. Bởi vì họ có lăn lộn với lực lượng, kể cả trong những tình huống khẩn mật như đánh án, cứu hộ thì mới có thể phản ánh một cách chân thật được. Hơn 8.000 bức ảnh thể hiện rất đa dạng hoạt động của lực lượng Công an Nhân dân trên cả nước.

Ông Tiễn cho hay, Ban giám khảo đã phải cân nhắc rất nhiều để chọn ra được 85 bức ảnh đẹp, tiêu biểu với tiêu chí quan trọng nhất là chất lượng. Và trong 17 giải thì Ban tổ chức luôn đề cao tính hiện thực, là những bức ảnh phản ánh sự kiện thực trong chiến đấu, trong cứu hộ cứu nạn, giúp dân chống lũ, chạy lũ...

Đặc biệt BGK rất ấn tượng với hình ảnh người chiến sĩ cùng với dân trong những hoạt động chống thiên tai, bảo vệ an ninh. Hơn 8.000 bức ảnh  đều có hình ảnh tốt phản ánh đa dạng, phong phú những hoạt động  của các cán bộ chiến sĩ trong lực lượng CAND. Nhiều bức ảnh không chỉ mang nội dung hoạt động của ngành mà trong cách thể hiện từ ánh sáng đến bố cục lại có sức hấp dẫn, bắt mắt.

Và nếu nhìn bức ảnh mà không có yếu tố nghệ thuật thì bức ảnh sẽ bị khô cứng, ngược lại nếu yếu tố nghệ thuật lại thể hiện tư duy của tác giả thì sẽ làm bừng lên ý nghĩa của bức ảnh gây xúc động mạnh cho khán giả.

Mỹ Trân
.
.