Đám tang nhộn hơn đám cưới
- Người đàn ông mất tích bí ẩn sau đám tang
- Đám cưới thành đám tang
- ‘Tính sổ’ ở đám tang, một người chết
Người già, người bệnh, trẻ em không nghỉ ngơi được; người đi làm mất ngủ, uể oải đến cơ quan, xí nghiệp vì cả đêm thức trắng. Những màn múa may, xiếc, thuê người đồng tính hát, hay nhậu nhẹt, hò hét mới xuất hiện tại các đám ma trong thời gian gần đây. Một "tân tục" được xem như "quái đản" trong việc tổ chức ma chay, trong khi TP Hồ Chí Minh đang tập trung phấn đấu trở thành một đô thị văn minh…
"Nghĩa tử là nghĩa tận", đối với người sống trong các đô thị thì câu này càng có ý nghĩa hơn. Đất chật người đông, một gia đình có thành viên nằm xuống, những gia đình sống xung quanh sẵn sàng chia sẻ mất mát cùng bằng việc sẵn sàng cho gởi đồ ở nhà mình, không khó chịu khi rạp dựng bít lối đi, sẵn sàng đi đường vòng để tránh đám tang...
Nhưng dường như, đám ma ngày nay không còn là cảnh khóc thương bi ai, tiếc thương cho người đã khuất mà thay vào đó là những hình ảnh diễn trò vui, tạp kỹ, tưng bừng còn hơn đám cưới. Sự kệch cỡm này không những làm mất đi tính trang nghiêm trong phong tục, tập quán của người Việt mà nó còn gây phiền hà cho những người xung quanh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nếp sống văn minh đô thị.
Dân sống tại một con đường trong khu dân cư Bình Phú, phường 10, quận 6 mấy hôm nay dường như mất ngủ bởi một đám tang của một người đàn ông vừa mất. Rạp dựng choáng hết mặt tiền của 4-5 căn nhà, người trong các căn nhà gần đám ma dường như "bó chân" khi muốn dắt xe đi ra ngoài.
Những trò lố gây ảnh hưởng đến người khác tại các đám tang cần phải điều chỉnh để hợp với thuần phong mỹ tục. |
Ban ngày thì không sao, vì mọi người đều đi làm. Nhưng tối về, mọi người đều chịu sự tra tấn bởi tiếng nhạc phát ra từ cặp loa mở hết công suất. Nghe tiếng nhạc từ xa, người ta sẽ không nghĩ đó là đám tang mà sẽ nghỉ là một cái hội chợ - lô tô kiểu ngày xưa. Do chưa "được ngày" để động quan nên đám tang kéo dài 5 ngày. Đêm nào người dân ở đây cũng chịu tra tấn lỗ tai đến quá nửa khuya.
Nhất là đêm cuối, 3 giờ sáng người dân nơi này không thể nào chợp mắt bởi màn biểu diễn ảo thuật, tiếng hò hét cụng ly, tiếng reo hò cỗ vũ cho màn biểu diễn của những nghệ sĩ "cây nhà lá vườn". Từ những bài ca sến sẩm như Đồi thông hai mộ, Đêm cuối, Ba nén hương trầm... cho đến những bản nhạc trẻ như Vọng cổ teen, Em của ngày hôm qua…, rồi lại đến những trích đoạn cải lương, những bài vọng cổ nghe nặng mùi đau thương.
Ba giờ sáng tiếng nhạc chát chúa từ 2 chiếc loa mở hết công suất khiến ai cũng ngán ngẩm. Đến 5 giờ sáng, tiếng... trống đánh inh ỏi, diễn trích đoạn tuồng có nội dung là người con ra chiến trận, cha già ở nhà qua đời nên gấp rút chạy về gặp cha lần cuối.
Diễn viên mặc nhung bào tuồng tích tung tẩy trước quan tài rồi bắt gia quyến quỳ lạy theo nhịp bài hát khiến nhiều người chứng kiến thấy như trò lố chứ không thấy được vẻ đau thương của những người mất người thân. Chả biết người mất có nghe và thấu được lòng thành của con cái hay không, chỉ khổ cho những người sống cạnh đám ma, sáng ra mắt thâm quầng vì thiếu ngủ, người già trẻ em mệt mỏi vì không thể chợp mắt. Câu đầu tiên mọi người hỏi nhau là: "Sao lâu đưa tang vậy?".
Quan niệm của người miền Nam, đám tang phải được tổ chức ồn ào, vui vẻ như thế để mong người thân của mình yên tâm ra đi, sớm siêu thoát; không bị nước mắt, không khí buồn thảm của gia đình, người thân làm lưu luyến cõi trần. Nhạc lễ, từ xưa đã là một phần không thể thiếu của việc tang tế ở vùng đất Nam Bộ.
Trong cuốn Nói về miền Nam, Cá tính miền Nam, Thuần phong mỹ tục Việt Nam, nhà văn Sơn Nam có viết, ở Nam Bộ thời xưa, những gia đình khá giả thường rước kép hát, ban nhạc đờn ca tài tử về diễn trong đám tang: "Đầu hôm cử nhạc buồn, giữa khuya, để đánh thức mọi người cho bớt buồn ngủ gục, chơi nhạc vui, nhưng không lố lăng".
Quan niệm là vậy nhưng trò lố ngày một càng nặng, trong đó có việc gia chủ thuê người đồng tính về hát đám ma với những trò kệch cỡm, lố lăng trước quan tài người chết thì thật khó chấp nhận. Những màn múa lửa, mặc bikini hở hang trước quan tài chỉ khiến những người chứng kiến thấy sự thô tục, chỉ có con nít và đám thanh niên choai choai là thích thú vì được rửa mắt với hình ảnh lạ. Nhiều đám tang mà người viết được chứng kiến cứ như một vũ trường, quán bar di động. Các nhóm thanh niên hò hét, nhảy múa theo các vũ công nói giọng ẻo lả khiến nhiều người đớn đau dùm cho người đã khuất.
Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa Thể Thao Du Lịch trong việc quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang lễ thì tại điểm đ, điều 10, có nêu rõ: Không cử nhạc tang trước 6 giờ sáng và sau 22 giờ đêm. Âm thanh đảm bảo không vượt quá độ ồn cho phép theo tiêu chuẩn Việt Nam thực hiện tại bản tiêu chuẩn Việt Nam ban hành.
Trường hợp người qua đời theo một tôn giáo hoặc là đồng bào dân tộc thiểu số, trong lễ tang được sử dụng nhạc tang của tôn giáo hoặc của dân tộc thiểu số đó, không sử dụng các nhạc khúc không phù hợp trong lễ tang… Đã có qui định nhưng chắc vì là cảnh tang gia bối rối, người dân, chính quyền cũng đành tặc lưỡi cho qua, nếu tang chủ có vi phạm.
Càng xa trung tâm thành phố thì tình trạng người dân bị tra tấn vì âm thanh của đám ma càng thường xuyên xảy ra. Để thực hiện nếp sống văn minh đô thị thì những hình ảnh như thế này cần phải được xóa bỏ. Khi người nhà đến làm giấy khai tử cho người thân, cán bộ cấp giấy nên nhắc nhở, vận động thân nhân những người đã mất thực hiện tốt qui định của pháp luật, giảm dần một tục lệ đang thành hủ tục.