Đắng cay đời nghệ sĩ xiếc

Thứ Năm, 14/06/2018, 16:41
Không đình đám như nhiều môn nghệ thuật khác, nghệ thuật xiếc có đặc thù riêng và đòi hỏi độ chính xác đến tuyệt đối. Chỉ một sự cố nhỏ có thể trả giá đắt bằng sức khỏe hay tính mạng. Trên thế giới và Việt Nam đã không ít nghệ sĩ mất mạng vì môn nghệ thuật đặc thù này. Và không ít người mất đi sức khỏe, vĩnh viễn không thể trở lại ánh đèn sân khấu.


Ám ảnh mang tên “Tử thần”

Trung tuần tháng 3 năm nay, nghệ sĩ xiếc Yann Arnaud (38 tuổi) người Canada của đoàn xiếc nổi tiếng thế giới Cirque du Soleil và nghệ sĩ xiếc người Nga Anton Martynov (33 tuổi) đã tử vong khi cả hai đang có màn trình diễn đẹp mắt với tiết mục đu dây trên sân khấu lớn trước hàng nghìn khán giả thì bị mất thăng bằng và rơi xuống. Cả hai nam nghệ sĩ với hai quốc tịch khác nhau, họ trình diễn ở hai quốc gia khác nhau.

Vụ tai nạn nghề nghiệp thương tâm, đột ngột này khiến khán giả quá bàng hoàng, kinh hãi. Cả hai nghệ sĩ đều được đánh giá cao về sự dày dạn kinh nghiệm chuyên môn nhưng rốt cuộc họ vẫn không thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “Tử thần”.

Xiếc quả là một môn nghệ thuật khiến khán giả “đau tim” và đòi hỏi người nghệ sĩ như một người hùng, sẵn sàng “húc đầu vào đá” và không sợ chết.

Những câu chuyện thương tâm không còn là hi hữu mà hiển hiện hằng ngày, hàng giờ trong đời sống thường nhật của người diễn viên xiếc khi theo đuổi niềm đam mê nghệ thuật của mình. Họ, những “người hùng nhiều khi phải trả giá đắt, nhẹ thì chỉ dăm bảy mũi khâu hoặc rạn xương, chệch khớp, gãy tay, gãy chân, nếu không may nặng thì bị tàn phế vĩnh viễn. Và hơn nữa là cái chết.

Hai nghệ sĩ nổi tiếng thế giới mất đi sự sống khi họ đang ở trên đỉnh cao của sự nghiệp khiến tôi liên tưởng đến một câu chuyện có thật ở Việt Nam. Một nữ nghệ sĩ xiếc thú đã mất vì tai nạn nghề nghiệp cách đây hơn 20 năm. Tôi biết câu chuyện này qua ngòi bút của một nhà văn nổi tiếng, ông viết sau một lần đi thực tế ở tỉnh phía Nam và nó đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Nhẫn bên tượng cha mình là nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển đặt trong khuôn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Chuyện kể về một nữ nghệ sĩ xiếc thú, chị là solist của đoàn xiếc Tây Ninh, tiết mục của chị bao giờ cũng gây thót tim cho khán giả vì những pha tung hứng, cảnh đùa nghịch táo bạo giữa chị và con hổ dữ tợn, dũng mãnh. Chị và con hổ đã quá quen thuộc gương mặt, mùi của nhau, họ vẫn thường ôm, hít hà hơi thở của nhau. Cả ngày luyện tập cùng con hổ rồi đến tối chị lại biểu diễn với hổ, đêm về dù đã xối nước ào ào dưới vòi hoa sen  thì vẫn chẳng ăn thua, người chị vẫn còn mùi... hổ.

Nhiều đêm nằm cạnh chồng, chị đang sung sướng lâng lâng hạnh phúc dịu ngọt, anh vòng tay qua ôm vợ, áp khuôn mặt mình vào mái tóc bồng bềnh của vợ thì bất chợt khựng lại. Anh ngửi thấy mùi hôi của hổ trên người chị, nó ngấm sâu vào mái tóc chị, điều đấy làm cho anh khó chịu. Bất giác anh buông chị ra, lặng lẽ nằm bất động.

Còn chị, những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. Đêm thứ nhất. Đêm thứ hai. Đêm thứ ba đều diễn ra như vậy. Họ cứ như hai con người ở hai đầu của quả địa cầu. Gần đấy mà xa cách vô cùng. Một đêm nọ, sau khi chia tay với con hổ ở sân khấu, chị trở về nhà và trở nên khác thường. Chị vào phòng tắm mở van nước chảy trên cơ thể hồi lâu rồi lên giường nằm với chồng như mọi khi. Nhưng lần này chồng chị như một chú hổ, anh ôm chị ngấu nghiến như một con hổ đã bị bỏ đói cả năm. Có điều gì lạ không?! Có đấy!

Để chiều chồng, chị đã dùng một loại nước hoa, nó đặc biệt đến độ khử tất cả mùi tanh của hổ, chỉ lưu trên thân thể người đàn bà một mùi thơm nồng nàn của hương liệu.

Sáng hôm sau, như mọi khi, chị đến đoàn xiếc và vào phòng huấn luyện, nơi có con hổ. Khi cánh cửa sắt mở lên, chị vào trong lồng rồi khóa cửa lại cẩn thận, chị tiến đến phía con hổ chuẩn bị vuốt ve nó, nhưng không, lần này nó đứng dựng lên, khuôn mặt hổ vô cùng khủng khiếp và giận dữ, mắt nó vằn lên, mồm nó ngoác ra nhe những cặp răng nhọn hoắt. Nó lao về phía chị cắn xé tàn bạo. Đến khi người ta mở được cửa lồng hổ thì chị đã chết. Cái chết vô cùng thương tâm, đau đớn.

Tin dữ được báo về gia đình, anh chạy vội lên đoàn xiếc. Tại đây anh được lãnh đạo đoàn xiếc cho biết vợ anh đã không tuân thủ đúng quy định của một người nghệ sĩ xiếc thú, nhất là thuần chủng loài hổ đầy bản năng này thì người nghệ sĩ tuyệt đối không được dùng nước hoa. Chúng ngửi thấy khác mùi mọi khi và nước hoa làm cho con vật bị kích động bản năng, sẵn sàng tấn công.

Lãnh đạo đoàn xiếc rất ngạc nhiên vì một nghệ sĩ xiếc tài năng như chị phải hiểu rõ điều này hơn bất cứ ai, vậy mà biết nguy hiểm chị vẫn dùng nước hoa, tại sao lại vậy? Câu hỏi của lãnh đạo đoàn xiếc, anh đã có câu trả lời. Chỉ vì để chiều anh, chị đã đánh đổi, đã hi sinh cả mạng sống của mình. Anh ôm lấy xác vợ trong tận cùng của tuyệt vọng.

Dấn thân với nghề

Câu chuyện về người nghệ sĩ xiếc bị mất mạng ở Việt Nam xảy ra hi hữu nhưng những tai nạn nghề nghiệp thì nhiều vô số. Ngô Tuyết Hoàn là một nữ nghệ sĩ xiếc nhào lộn thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam. Nhà Hoàn nằm tít tắp trong căn ngõ nhỏ của khu tập thể xiếc đằng sau rạp xiếc Trung ương trên con phố Trần Nhân Tông, Hà Nội. Ngôi nhà khoảng 15m vuông được Liên đoàn xiếc phân cho hai vợ chồng Hoàn và Tài đều là những người đã gắn bó với đoàn xiếc từ lâu.

Nữ nghệ sĩ Ngô Tuyết Hoàn trong buổi biểu diễn tiết mục đu dây.

Căn nhà nhỏ được Tài cơi nới thêm cái nóc cho đủ rộng để thở. Quê Hoàn ở Hòa Bình, một tỉnh miền núi phía Bắc, gia đình không có ai theo nghề xiếc nhưng Hoàn lại có đam mê với môn nghệ thuật này ngay từ ngày còn thơ bé.

Năm 11 tuổi, Hoàn vào học tại trường Nghệ thuật xiếc Việt Nam, năm 16 tuổi là lúc Hoàn tốt nghiệp ra trường vào làm diễn viên xiếc tại Liên đoàn xiếc Việt Nam. Từ ngày đó đến nay đã ngót nghét 25 năm. 25 năm với biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn và thăng trầm trong nghề. Trong căn phòng nhỏ chăng đầy những bằng khen, giấy khen về thành tích đã đạt được của Hoàn.

Hoàn là một người phụ nữ có nhan sắc thanh tú và tình yêu nảy nở với Tài khi cả hai làm việc chung dưới một mái nhà là Liên đoàn xiếc Việt Nam. Họ yêu nhau rồi làm lễ cưới vào năm 2013. Vừa hưởng cuộc sống vợ chồng hạnh phúc được 3 tháng thì một tai nạn ập đến với Hoàn khi cô đang tập một bài tập và không may bị trượt ngã. Cú ngã đã khiến Hoàn phải ngồi trên xe lăn từ ngày đó cho đến nay.

Hồi mới xảy ra tai nạn, Tài đưa Hoàn đi chạy chữa khắp các bệnh viện lớn trong thành phố. Từ Tây y rồi chuyển sang Đông y, bao nhiêu thứ thuốc hay các biện pháp trị liệu khác, Tài cũng để cho vợ mình thử qua. Nhưng những ngày dài nằm viện cũng không đem lại kết quả như mong muốn, bác sĩ lắc đầu còn Hoàn thì gần như bất động với đôi chân bị liệt không thể tự di chuyển. Suốt những năm đầu sau sự cố tai nạn của Hoàn, Tài phải chăm sóc vợ từ bữa ăn giấc ngủ và mọi vệ sinh cá nhân của Hoàn đều phải nhờ hết vào chồng.

Đây không phải là lần tai nạn nghề nghiệp đầu tiên và duy nhất của Hoàn. Trên cánh tay Hoàn còn vết khâu dài do một lần tập bị thương. Lần khác trong dịp sang nước bạn biểu diễn trên sân khấu, một sự cố về kỹ thuật đã xảy ra, Hoàn bị chệch hàm và phải đưa về nước để phẫu thuật. Không ai nghĩ rằng trên khuôn mặt xinh đẹp và thanh tú nhường ấy đã có lần phải bắt ốc, nẹp vít. Sự việc đấy khiến cho Hoàn phải nghỉ trình diễn rất lâu để cơ thể dần thích nghi và bình phục. Tưởng rằng sau những tai nạn nghề nghiệp ấy, Hoàn sẽ rẽ sang con đường khác nhưng cô vẫn muốn gắn bó sống chết với môn nghệ thuật mà mình rất say mê này.

Nhưng, tiếc thay, sự cố chệch hàm không phải là tai nạn cuối cùng, Hoàn bị giáng đòn khác kinh hoàng hơn, liệt hoàn toàn hai chân. Với một người bình thường, liệt chân đã là một sự khủng khiếp nhưng với một nghệ sĩ xiếc nhào lộn trên không như Hoàn thì cú tai nạn như một đòn chí mạng đã kết thúc đời nghệ sĩ.

Đã 5 năm phải ngồi trên xe lăn, nhưng Hoàn không bỏ cuộc. Lãnh đạo Liên đoàn xiếc Việt Nam cũng tạo điều kiện cho Hoàn nên sau đó Hoàn trở lại làm công tác giảng dạy cho các học viên trẻ. Trong khuôn viên Liên đoàn xiếc Việt Nam và khu tập thể xiếc ngay bên cạnh đấy từ lâu đã quen thuộc với hình ảnh ngày ngày cô giáo thân hình nhỏ nhắn, mong manh ngồi trên xe lăn tự di chuyển đến Đoàn để giảng dạy.

Tiếp xúc với những gương mặt trẻ đầy đam mê và khát vọng là động lực giúp Hoàn quên đi những cơn đau hành hạ vào những ngày trái gió trở trời. Tuy không còn trực tiếp lên sân khấu biểu diễn nhưng bằng kinh nghiệm qua nhiều năm công tác và tình yêu bất tận với nghề, hằng ngày Hoàn vẫn đang truyền lửa cho các bạn trẻ học tập và công tác tại Liên đoàn xiếc Việt Nam.

Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Nhẫn trong giờ luyện tập với chú khỉ tinh nghịch.

Với những người yêu quý môn nghệ thuật xiếc thú thì không ai xa lạ gì khi nhắc đến tên của Nghệ sĩ ưu tú Tạ Duy Nhẫn, con trai của cố Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển, người đặt viên gạch đầu tiên cho nền nghệ thuật xiếc Việt Nam. Sinh thời, Nghệ sĩ nhân dân Tạ Duy Hiển hết sức yêu mến và say mê bộ môn nghệ thuật xiếc.

Ngày đó, nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đến xem đoàn nghệ thuật của người Pháp biểu diễn, ông ngỏ ý muốn mua một con ngựa nhưng ông chủ người Pháp giọng khinh mạn nói: “Cả nước An Nam này gom tiền cũng không mua nổi một con ngựa”.

Câu nói chạm vào lòng tự ái nghề nghiệp và lòng tự tôn dân tộc sâu sắc, sau đó bằng nỗ lực của mình, nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đã trở thành người đầu tiên thành lập ra gánh xiếc do người Việt Nam tổ chức. Sau này, ông giữ những cương vị nòng cốt như trưởng Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương (tiền thân của Liên đoàn xiếc Việt Nam ngày nay).

Vốn biết xiếc là một nghề đòi hỏi tính kiên trì, nhẫn nại, nỗ lực cao nên nghệ sĩ Tạ Duy Hiển đã đặt tên cho con trai mình là Tạ Duy Nhẫn, hy vọng con trai sau này sẽ kế nghiệp mình có tính nhẫn nại để theo nghề.

Đúng như mong muốn, nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn cả một đời gắn bó với nghệ thuật xiếc thú và có nhiều thành tích đáng nể trong lĩnh vực này. Ông yêu thương những con thú... như những người bạn thân thiết. Ông kể, mình phải yêu quý những con vật như người thân ruột thịt của mình để chúng cảm nhận được tình yêu ấy, phải đồng hành và lắng nghe chúng muốn gì, đôi khi chỉ cần ánh mắt nhìn thôi cũng nói lên tất cả. Chăm sóc những con vật nhẹ nhàng và trìu mến như chăm con, cũng có thưởng phạt phân minh.

Nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn có hai người con một trai, một gái, cả hai đều theo nghề của ông. Nữ nghệ sĩ Tạ Thúy Phương, sinh năm 1979, là một nghệ sĩ trẻ tài năng đầy triển vọng và trong một lần tham gia biểu diễn ở Seagame 23, khi đang trình bày tiết mục “dù bay” thì tai nạn bất ngờ xảy ra, chị bị rơi xuống đất bất tỉnh, chấn thương đốt sống cổ.

Lần tai nạn nghề nghiệp ấy khiến chị vĩnh viễn không thể quay về làm nghề được nữa. Mỗi khi nhắc đến con gái, trên gương mặt của nghệ sĩ Tạ Duy Nhất phảng phất buồn. Ông buồn cho con không còn cơ hội để theo nghề và buồn cho nghề mất đi một nữ diễn viên xiếc triển vọng. Hiện nay con gái ông, nữ nghệ sĩ Tạ Thúy Phương đang sinh sống ở xứ người. Để kiếm kế sinh nhai, chị cũng trải qua nhiều nghề, từ làm nail cho các quý bà, quý cô đến việc bán đồ thực phẩm chức năng cho các cụ già...

Nghệ sĩ Tạ Duy Nhẫn quan niệm, làm nghề gì cũng được miễn là nghề chân chính, lương thiện. Chính vì lẽ đó mà từ ngày về hưu ông làm công việc của một bác tài xế chạy ô tô 7 chỗ. Những ngày vắng khách, ông rửa xe ô tô để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, thẳm sâu trong ông vẫn đau đáu về nghề xiếc - nghề truyền thống của gia đình xuyên suốt 3 thế hệ.

Hằng ngày, con trai ông sau thời gian làm việc tại đoàn nghệ thuật về nhà, hai cha con trò chuyện rôm rả về nghề. Nhưng điều ông trăn trở nhất là nghệ thuật xiếc đến bao giờ mới trở lại huy hoàng như thời ngày xưa?! Quá khứ một thời vàng son đã lùi xa vào dĩ vãng và nay tất cả chỉ còn lại là kỉ niệm.

Trần Mỹ Hiền
.
.