Đạo diễn Long Vân: Bắt đầu với “Biệt động Sài Gòn”

Thứ Ba, 25/12/2018, 14:30
Đã có một thời, đạo diễn Long Vân được nhắc đến như là một hiện tượng của điện ảnh với đề tài người lính và cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, bởi những bộ phim ông làm đạo diễn có sức sống mãnh liệt trong lòng công chúng. Ở tuổi ngoài bát thập, ông đã có một cuộc sống viên mãn bên cạnh gia đình.

Vợ ông, nghệ sĩ Kim Cương chăm lo cho ông từng bữa ăn giấc ngủ và người con gái duy nhất của ông, diễn viên "nhí" Vân Dung một thời của màn ảnh Việt, luôn cung cấp "ngân lượng" đầy đủ để bố mình thảnh thơi tuổi già chơi cờ, trà chén cùng bạn hữu...

Mê đắm phim trường

Quán cà phê chiều, một người đàn ông tóc bạc, đi "phăm phăm" trên chiếc xe ba bánh gắn máy đến đỗ xịch trước cửa quán, rồi thoăn thoắt lấy chiếc xe đẩy ba bánh được gập gọn gàng cẩn thận phía đuôi xe ra để làm điểm tựa cho mình di chuyển.

Ông cười hiền bảo rằng, việc phải đi xe đẩy này là nguyên do của cách đây 5 năm, ông bị tai nạn gãy chân do một chiếc taxi lùi không để ý và ông đã bị thương tật vĩnh viễn đôi chân của mình. Bây giờ làm gì ông cũng trông mong cả vào cái xe ba bánh và chiếc nạng sắt này. Âu cũng là số phận không tránh khỏi. Ông nhấn mạnh, may mà chỉ bị chân thôi, chứ đầu óc vẫn tỉnh táo lắm!

Một cảnh trong phim "Biệt động Sài Gòn".

Ông bảo ngày nào ông cũng uống cà phê, đêm đến vẫn ngủ bình thường. 9 giờ tối là lên giường đi ngủ, 5 giờ sáng dậy tập thể dục. Ăn sáng, cà phê, xem thời sự trên truyền hình rồi lại phóng xe ra chỗ vườn hoa Lý Thái Tổ cùng chơi cờ với các cụ về hưu. Đến trưa lại về ăn cơm vợ nấu. Cuộc sống với ông già 83 tuổi như ông vậy kể cũng thong dong.

Vừa nói chuyện, ông vừa châm thuốc lá liên tục. Ông bảo cả đời ông gắn với hai thứ, biết là không tốt mà phấn đấu mãi không bỏ được, đó là rượu trắng và thuốc lá. Những năm khó khăn ông uống rượu và hút thuốc lá chịu dọc con phố ông ở. Thỉnh thoảng gặp được bạn giàu lại xin để trả chứ tiền lương của vợ chỉ đủ đong gạo. Ông hóm hỉnh bảo, ngày ấy sau 5 năm đi làm phim "Biệt động Sài Gòn", đến khi quyết toán ông vẫn còn nợ xưởng 800 đồng, lại phải mang tiền vợ đi trả. Xấu hổ với vợ lắm, nhưng vui vì bộ phim thành công và nhận được rất nhiều tình cảm của khán giả.

Đạo diễn Long Vân sinh ra tại làng Thủ Lệ (Hà Nội). Lớn lên ông cùng gia đình theo kháng chiến tận Thái Nguyên. 14 tuổi, Long Vân đã được gửi sang Nam Ninh, Trung Quốc học tập tại Khu học xá Trung ương, cùng lớp với những người bạn mà sau này rất nổi tiếng như GS.TS Nguyễn Lân Dũng; GS. Hồ Ngọc Đại... Sau giải phóng thủ đô 1954, ông tốt nghiệp Trường Sư phạm, nghề dạy học và làm việc tại Bộ Giáo dục.

Do vẫn để tâm đến ngành điện ảnh, nên khi biết Trường Điện ảnh Việt Nam tổ chức tuyển lớp đạo diễn và diễn viên khóa đầu, Long Vân lập tức dự thi. Ông trúng tuyển vào lớp đạo diễn, cùng khóa với những đạo diễn tên tuổi như cố NSND Hải Ninh, NSND Huy Thành...

Đạo diễn Long Vân.

Năm 1962, ông tốt nghiệp và thành diễn viên, tham gia đóng một số vai trong các phim "Kim Đồng", "Quê nhà". Bộ phim đầu tay do ông đạo diễn là “Tiếng gọi phía trước” năm 1979 do nhà văn Phù Thăng làm biên kịch từng đoạt giải thưởng Liên hoan phim quốc tế tại Moscow. Sau đó là các phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu” và “Cho cả ngày mai”. Tuy nhiên, cho đến bộ phim “Biệt động Sài Gòn” bộ phim màu đầu tiên của nền điện ảnh Việt Nam được công chiếu năm 1985 gồm 4 tập có tên lần lượt là: “Điểm hẹn”, “Tĩnh lặng”, “Cơn giông”, “Trả lại tên cho em” thì cái tên Long Vân mới thực sự được mọi người biết đến.

Ban đầu bộ phim mang tên là “Thiên thần ra trận”. Nghe tên phim, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi ấy là Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh tỏ ý không bằng lòng, gặp đoàn làm phim nêu ý kiến: “Sao không đặt tên phim là “Biệt động Sài Gòn” cho đúng với thực tế đã diễn ra mà lại là “Thiên thần ra trận”? Thiên thần làm sao lập được chiến công như những chiến sĩ biệt động?”. Đúng là không gì hay hơn, đúng hơn là sự thật. Bởi vậy, làm xong tập 1, bộ phim mang tên “Biệt động sài Gòn”.

Một kỷ niệm đáng nhớ đối với đạo diễn Long Vân trong bộ phim này, đó là một nhân vật trong phim không có thật ngoài đời và cũng không có trong kịch bản, đó là vai em bé bán báo. Mà người vào vai diễn rất "ngọt" này lại chính là người con gái duy nhất của ông, diễn viên nhí Vân Dung, người đã đóng các phim “Người đôi bờ” lúc 18 tháng tuổi; rồi “Mẹ vắng nhà”; “Vào đời”; “Cho cả ngày mai”... Ông cho rằng, thêm nhân vật này để nói rằng, trong tổ chức của biệt động Sài Gòn có đủ các tầng lớp.

Dù là nhân vật hư cấu nhưng ông cho thực hiện những cảnh quay như thật, hết sức ghê rợn và thô bạo. Đó là cảnh quay Vân Dung bị địch bắt tra tấn bỏ vào thùng rắn độc. Khi thực hiện cảnh tra tấn bằng rắn, Vân Dung yêu cầu bố (đạo diễn) làm thế nào để những con rắn đừng thè lưỡi. Nhưng ông lại cần quay rắn thè lưỡi thì mới gây sợ hãi.

Ông thuê khoảng hai chục con rắn khỏe của một nhà hàng chuyên bán rắn, thuê luôn cả nhân viên cửa hàng rắn đóng người tra tấn để anh ta điều khiển chúng. Những con rắn này bị nhổ hết răng, không còn nọc, bị cột đuôi lại nhưng ông không cho Vân Dung biết trước để cảnh quay với nỗi kinh hoàng, khóc thét như thật đã phản ánh được sự tàn khốc của chiến tranh cũng như những hy sinh gian khổ mà những chiến sĩ biệt động phải chịu đựng.

Bây giờ, dù đã kinh doanh riêng và có cuộc sống khá giả, nhưng đối với Vân Dung đó vẫn là những khoảnh khắc hiếm hoi và quý giá của cuộc đời diễn viên mà chị đã từng trải nghiệm.

Duyên tình trời định

Đạo diễn Long Vân có một niềm hạnh phúc vô tận, đó là ông có những thước phim để đời mà mỗi dịp kỷ niệm, những bộ phim về chiến tranh cách mạng của ông lại là những đại diện của nền điện ảnh nước nhà được đưa ra công chiếu. Đạo diễn Long Vân thừa nhận rằng, để có được những thước phim đó, đôi khi ông phải mang cả tiền tiết kiệm ra để dựng phim. Ông yêu và mê say công việc của người đạo diễn đôi khi còn hơn cả... mê vợ!

Cảnh phim "Giải phóng Sài Gòn".

Nói là vậy, nhưng trong tâm tưởng của ông đến tận bây giờ, ông thầm cảm ơn người vợ đã cùng ông đi suốt cả chặng đường tuổi trẻ, vượt qua bao nhiêu khó khăn gian khổ để có được ngày hôm nay. Ông bảo, niềm hạnh phúc lớn nhất là ông gặp được người vợ đảm đang, tháo vát lo chu toàn cho gia đình, nuôi dạy con cái trưởng thành để ông yên tâm làm phim.

Bà là nghệ sĩ Kim Cương, một nữ văn công có chất giọng cao vút của Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Nghệ sĩ Kim Cương sinh ra và lớn lên tại xứ Đoài. Thời trẻ, bà là ca sĩ của Đoàn nghệ thuật Hà Nam. Năm 1958, trong một lầìn đi biểu diễn phục vụ cơ sở, cô ca sĩ biết tin đoàn nghệ thuật quân đội tuyển sinh nên đến thẳng nơi tuyển đăng ký và đã trúng tuyển. Năm 1967, sau khi tốt nghiệp, cô được điều về Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, sau đó được phân công vào chiến trường Khe Sanh, Quảng Trị phục vụ chiến trường. Sau nhiệm vụ đó, năm 1968, cô được gọi ra Bắc biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Đây cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất của nghệ sĩ Kim Cương trong suốt quãng đời hoạt động nghệ thuật của mình.

Đạo diễn Long Vân trên phim trường.

Đối với đạo diễn Long Vân, mối tình với người vợ như là mối duyên tiền kiếp. Ngày ấy, tình cờ thấy bà trên đường, ông đã đi theo làm một cái... đuôi si tình, vì bà quá đẹp. Dù thế nhưng ông vẫn câm lặng với mối tình si ấy nhiều năm trời, cho đến một ngày, chàng trai si tình ấy lẽo đẽo theo bà đi bộ từ chỗ sơ tán đến Khu văn công Mai Dịch thì được bà chắp lời: "Anh đi đâu cho em đi nhờ về đơn vị với?". Ông chở bà đến Khu văn công Mai Dịch thì có báo động. Bà chẳng kịp cảm ơn ông, chạy vội xuống hầm trú ẩn. Ông nép vội vào chỗ trú rồi khi bom đạn đi qua, ông vẫn không về, mà đứng chờ bà ở đấy. Bà trở ra, ngạc nhiên với người đàn ông kỳ lạ ấy. Sau này, khi đã nên duyên chồng vợ, họ vẫn kể lại cho bè bạn, cho thế hệ con cháu nghe về mối tình si của người đạo diễn tài hoa.

Ở vào tuổi 83, đạo diễn Long Vân vẫn là một người hào sảng, say đắm và nồng nhiệt với cuộc đời, với phim ảnh. Ông vẫn còn những ý tưởng làm phim nhưng vì tuổi cao, ông thường gửi gắm ý tưởng ấy cho những  đạo diễn trẻ tuổi kế cận. Bây giờ, ông hạnh phúc với cuộc sống giản dị, ấm áp của hai ông bà tại ngôi nhà khang trang nằm trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội.

Sau tất cả những vinh quang của nghề nghiệp, ông hạnh phúc vì có người vợ yêu thương chăm sóc sức khỏe sớm hôm, có người con gái thành đạt lo cho đời sống tuổi già. Đó là niềm hạnh phúc lớn nhất mà ông vẫn tự cho rằng cuộc đời đã ưu ái với ông...

Trần Hoàng Thiên Kim
.
.