Đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe: Mục tiêu lớn nhất là bảo vệ con người
- Phạt 17 triệu, tước GPLX 17 tháng lái xe vi phạm nồng độ cồn trên cao tốc
- Mua GPLX ô tô trên mạng với giá 3 triệu đồng để chạy xe khách
Nhiều ý kiến đã thống nhất phương án bởi sẽ đảm bảo tính hợp lý, đồng bộ và thống nhất, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, bảo vệ tính mạng, tài sản, bảo vệ con người, khắc phục những bất cập hiện nay.
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đã bày tỏ rằng Bộ Công an đã làm rất tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Thẩm quyền quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc phạm vi quản lý người điều khiển phương tiện giao thông (kiến thức pháp luật, kỹ năng điều khiển và ý thức chấp hành pháp luật của người lái xe), liên quan trực tiếp đến TTATGT đường bộ nên đề nghị giao Bộ Công an để thống nhất quản lý về phương tiện và người tham gia giao thông; quản lý hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông một cách xuyên suốt, chặt chẽ từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX. “Tôi có niềm tin Bộ Công an làm rất tốt lĩnh vực này” - Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh.
Kiểm tra ma túy đối với tài xế là đảm bảo an toàn cho chính họ và người tham gia giao thông. |
Việc Chính phủ giao Bộ Công an quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX không chỉ nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân mà còn phù hợp với quy định và thông lệ của nhiều nước trên thế giới, trong đó nhiều nước có hệ thống giao thông an toàn, tỷ lệ TNGT rất thấp. Như ở Nhật Bản, quy trình đào tạo và sát hạch GPLX rất nghiêm ngặt và đặt dưới sự giám sát, quản lý của Cơ quan cảnh sát Nhật Bản. Để tham dự quá trình sát hạch, yêu cầu học viên phải có đủ 30 giờ đào tạo, số giờ học trong một ngày không được vượt quá 2 tiếng. Mỗi khóa học lái xe ở Nhật Bản có thể kéo dài đến 3-4 tháng và tối đa 9 tháng tùy theo loại bằng lái xe. Sau khi học và thi thực hành, học viên sẽ mang chứng chỉ đến cơ quan cảnh sát nơi mình cư trú để dự tiếp kỳ thi 100 câu lý thuyết cuối cùng. Hoàn thành 90/100 câu, cảnh sát sẽ cấp cho học viên GPLX cho người mới lái.
Sau khi có GPLX vận tải, người lái xe phải trải qua 3 năm thực tiễn làm quen với phương tiện mới được lấy GPLX loại II là loại chở người... Hay như ở Singgapore, công tác đào tạo, sát hạch GPLX rất nghiêm túc và bài bản, do cơ quan cảnh sát chủ trì. Hầu như người lái xe đã đỗ lấy GPLX của cảnh sát Singapore cấp không thể có chuyện ngồi lên xe mà đạp nhầm chân ga và chân phanh được và cũng không thể có chuyện lái xe nhưng chỉ biết tiến và lại không biết lùi, càng không có chuyện không biết vào “chuồng”...
Được biết, từ năm 1995 trở về trước, lực lượng Công an tổ chức sát hạch, cấp, quản lý GPLX, đảm bảo đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước, bởi khi xử phạt vi phạm cũng đồng thời theo dõi quản lý được lịch sử lái xe vi phạm, chấm điểm được quá trình lái xe để có các biện pháp giám sát chặt chẽ lái xe... Giờ đây, khi quản lý thống nhất, sẽ không có chuyện người bị truy nã, người cụt chân, người nghiện ma túy vẫn được cấp, đổi GPLX. Đây cũng chính là những vi phạm “chết người”, từng gây ra những vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng khiến nhiều người chết, bị thương.
Đơn cử việc đào tạo lái xe hạng B2, theo quy định, người điều khiển phương tiện phải qua học lý thuyết 168 giờ, thời gian học thực hành là 84 giờ hay 1.000 km. Tuy nhiên, trên thực tế, các trung tâm đào tạo đều không đáp ứng được thời gian học trên, đặc biệt là thời gian học lý thuyết, thường chỉ dạy 1 buổi, chủ yếu tập trung vào các “mẹo” để thi lấy bằng chứ không chú trọng đào tạo kỹ năng, đạo đức lái xe cũng như các quy tắc giao thông. Thời gian học thực hành cũng không đủ bởi với 1.000km thực hành thì chi phí tiền xăng, tiền giáo viên rất lớn nên các trung tâm thường cắt giảm.
Lực lượng CSGT lập biên bản một trường hợp vi phạm an toàn giao thông. |
Đặc biệt, đối với GPLX hạng C trở lên, người lái xe phải có đủ năm kinh nghiệm và số km lái xe an toàn theo quy định thì mới được nâng hạng. Ví dụ, từ hạng B2 lên C, lái xe phải đủ 3 năm kinh nghiệm và 50.000 km lái xe an toàn; từ hạng C lên D phải đủ 3 năm kinh nghiệm, 50.000 km lái xe an toàn, tối thiểu phải có bằng cấp II. Từ hạng C lên E phải đủ 5 năm kinh nghiệm, trên 100.000 km lái xe an toàn... Ngành GTVT có thể kiểm tra được số năm kinh nghiệm nhưng không có gì để chứng minh được số km lái xe an toàn của lái xe. Trong khi đó, CSGT là người quản lý dữ liệu tham gia giao thông của lái xe, nắm chắc được họ từng vi phạm những lỗi gì, thời gian nào, từng gây tai nạn hay chưa, từng bị xử lý vi phạm về rượu bia, ma túy hay không, có thể xác định lái xe có bị tước GPLX, tạm giữ GPLX. Từ đó, người vi phạm không thể khai gian dối để xin cấp lại, thi GPLX khác khi đang bị tạm giữ hoặc tước GPLX, tránh tình trạng lái xe không có kỹ năng, không chấp hành pháp luật về ATGT vẫn có GPLX điều khiển xe khách, xe container... gây nguy hiểm cho chính mình và người tham gia giao thông khác trên đường...
Theo Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an thì một trong những thay đổi lớn trong dự thảo luật là quy định nhiều điểm mới trong công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, quản lý lái xe bằng cơ sở dữ liệu có liên thông với các bộ, ngành liên quan; quy định người đủ 17 tuổi trở lên được đăng ký học lái xe; người học lái xe được lựa chọn cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy lái theo yêu cầu, được đào tạo hoặc lựa chọn hình thức tự học các kiến thức về pháp luật giao thông đường bộ; người được cơ sở đào tạo xác nhận đã hoàn thành chương trình đào tạo, được lựa chọn và đăng ký với cơ quan quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX để tham dự kỳ sát hạch; kết quả đào tạo, sát hạch lái xe phải thông tin công khai...
Được biết, theo dự thảo Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ thì công tác đào tạo lái xe vẫn sẽ được xã hội hóa như hiện nay, và sẽ có quy định cụ thể để xã hội hóa công tác này. Đồng thời, khẳng định sẽ áp dụng kinh nghiệm thế giới để chấm điểm các tổ chức sát hạch GPLX để các tổ chức đào tạo, sát hạch phải đảm bảo an toàn. “Nếu Bộ Công an cấp, quản lý GPLX, sẽ hạn chế tối thiểu GPLX giả, chủ động phòng ngừa tình trạng làm, bán GPLX giả hiện nay” - Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc nhấn mạnh.
Nói về vấn đề này, Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an cho biết, việc đào tạo, sát hạch, cấp, đổi GLLX là quá trình vừa cung cấp thông tin, vừa cung cấp về kĩ năng, vừa cung cấp về khả năng tham gia giao thông của từng người và cái nữa là quản lý cái quá trình tự chấp hành của từng người.
Ông Nguyễn Tiến Hùng ở tổ dân phố số 6, phường Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội cho biết, ông rất ngại mỗi khi ra đường vì nhiều lái xe không có kỹ năng, sử dụng rượu bia nên dễ gây tai nạn. “Tôi không quan tâm Bộ nào quản lý việc đào tạo, sát hạch cấp GPLX, điều người dân chúng tôi quan tâm nhất đó là làm thế nào để lái xe có đầy đủ kinh nghiệm, kỹ năng và đạo đức để tham gia giao thông an toàn hơn. Không còn xảy ra những vụ TNGT thảm khốc thiệt hại về người và tài sản như hiện nay” - ông Hùng khẳng định.