Đâu rồi giá trị truyền thống cốt lõi của lễ hội?

Thứ Ba, 07/02/2017, 08:20
Làm thế nào tổ chức được những lễ hội thực sự đúng bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia, an ninh trật tự cho địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững hơn cho những địa phương có lễ hội lớn hàng năm đang là câu hỏi khiến phần lớn địa phương đang vất vả để xoay sở.

Có lẽ chưa bao giờ, lễ hội Việt Nam lại nở rộ như hiện nay. Nhưng có lẽ, cũng chưa bao giờ, hiện tượng lễ hội biến tướng, những hình ảnh phản cảm xảy ra trong lễ hội và những tranh cãi đúng, sai quanh việc tổ chức lễ hội lại diễn ra nhiều như vài năm trở lại đây.

Làm thế nào tổ chức được những lễ hội thực sự đúng bản sắc văn hóa truyền thống, vừa đảm bảo an toàn cho người tham gia, an ninh trật tự cho địa phương, vừa góp phần phát triển kinh tế xã hội một cách bền vững hơn cho những địa phương có lễ hội lớn hàng năm đang là câu hỏi khiến phần lớn địa phương đang vất vả để xoay sở.

Áp đặt ý kiến chủ quan

Lễ hội Nghinh Ông, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Mỗi mùa lễ hội đều thu hút hàng chục vạn lượt người về tham dự, góp phần đáng kể trong thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Nhưng, đã từ rất nhiều năm về trước, khi chúng tôi về vùng đất này, có những người dân cố cựu của Cần Giờ cho biết, họ đã không còn mặn mà với lễ hội truyền thống của cha ông.

Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Lý do là khi lễ hội tổ chức phục vụ du lịch, có nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn hơn cho du khách nhưng lại có những điểm mà người dân gốc địa phương cho rằng truyền thống của cha ông không phải như thế?

Một ví dụ nhỏ mà họ đưa ra là theo quan niệm truyền thống của địa phương thì ngày các thuyền tổ chức đi ra biển Nghinh Ông, thuyền nào càng đón được nhiều khách tham gia thì chủ thuyền càng gặp nhiều may mắn. Khi chính quyền địa phương tổ chức lễ hội, người dân tứ xứ đổ về. Nếu cứ chiếu theo quan niệm cũ, đón nhiều khách quá, thuyền quá tải, khi ra biển sẽ gặp nguy hiểm. Người dân địa phương quen sóng nước, nếu có xảy ra bất trắc sẽ dễ dàng ứng phó. Du khách tham gia, nhiều người không biết bơi lội, nếu có tai nạn, rất có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Để dung hòa với đời sống hiện đại, ban tổ chức đã có sáng kiến tổ chức thêm các thuyền lớn, có trang bị áo phao và có thu phí để du khách lên thuyền ra biển, trực tiếp trải nghiệm lễ rước Ông. Chuyện thu phí được du khách và dư luận cho là hợp lý nhưng một số người dân cố cựu thì không bằng lòng.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự phản ứng của người dân địa phương trong một vài năm trở lại đây phải kể đến một số lễ hội bị truyền thông và dư luận phản ứng, cho là có những hoạt động gây phản cảm khiến cơ quan quản lý văn hóa cao nhất - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phải phối hợp với địa phương, mời các nhà khoa học cùng vào cuộc, đối thoại với cộng đồng tổ chức lễ hội.

Lễ hội góp phần thúc đẩy giá trị văn hóa truyền thống.

Lễ hội chém lợn của người dân Ném Thượng, Tiên Du, Bắc Ninh là một điển hình. Trước những hình ảnh chém lợn còn đang sống được truyền tải trong cộng đồng mạng, tổ chức Động vật châu Á (AAF) còn phát động cả một chiến dịch nhằm chấm dứt tục chém lợn của địa phương này. Theo AAF thì việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác với động vật, làm trơ lì cảm xúc của người xem.

Khi chứng kiến cách thức động vật bị đối xử dã man, đặc biệt là đối với trẻ em, đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nghiên cứu đã cho thấy những người chứng kiến và thực hiện nhiều hành động tàn ác với động vật cũng có xu hướng đối xử tàn ác và thô bạo đối với người khác trong cùng cộng đồng.

Trước sức ép từ cộng đồng, một mặt, cơ quan quản lý nhà nước vừa yêu cầu địa phương chấn chỉnh tổ chức lễ hội, vừa tổ chức các đoàn nghiên cứu về địa phương điền dã, tổ chức hội thảo đối thoại trực tiếp với cộng đồng.

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa, một trong số các nhà khoa học được mời đến đối thoại với người dân ở Ném Thượng kể rằng, ban đầu, cộng đồng người dân địa phương tổ chức lễ hội phản ứng rất dữ dội. Họ cho rằng tục chém lợn là có từ xa xưa, cha ông làm thế nên nay họ vẫn thực hiện như thế. Chỉ đến khi các nhà khoa học đưa ra nhiều bằng chứng, trong đó có tài liệu của Viện Viễn Đông Bác cổ ghi chép về tục chém lợn của địa phương, trong đó khẳng định xưa không có tục chém lợn mà chỉ có giết lợn để tế lễ, cộng đồng tại địa phương mới chấp nhận.

Thực tế, riêng tại Bắc Ninh, việc tổ chức lễ hội bị dư luận phản ứng không chỉ có riêng lễ hội chém lợn và việc tổ chức lễ hội hàng năm tại địa phương đến nay đã có nhiều điều chỉnh nhưng vẫn khá phức tạp. Trước tục chém lợn, hội Lim của Bắc Ninh  cũng từng bị phản ứng khá dữ dội. Một trong những lý do là hội diễn ra trên đồi lim. Xưa ít người, liền anh liền chị hát bộ. Nay người dự lễ hội đông, hát bộ không đáp ứng được, liền anh liền chị phải hát loa. Sau nhiều lý giải, dư luận đã chấp nhận. Tất nhiên, những gì chưa hợp lý, địa phương cũng đã điều chỉnh.

Đi theo trào lưu

Việc du khách đổ về quá đông trong những ngày diễn ra lễ hội gây quá tải không là câu chuyện của riêng Bắc Ninh. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, hiện nay, tỉnh đang có khoảng 260 lễ hội, trong đó, lớn nhất là lễ hội Đền Hùng. Lượng khách về tham gia lễ hội đông đến quá tải, có ngày phải đón đến 2 triệu lượt khách nên công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn, vệ sinh thực phẩm, đảm bảo giá cả nhưng vẫn đảm bảo cho nhân dân thực hành tín ngưỡng của mình rất vất vả.

Chen chúc là cảnh khó tránh khỏi trong lễ hội.

Năm 2017, trong 3 tháng đầu năm, cả Tỉnh ủy, UBND huy động sức mạnh tổng hợp của nhiều ban ngành. Ngành y tế có nhiệm vụ kiểm tra an toàn thực phẩm, lực lượng vũ trang có nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, công thương quản lý giá cả mặt hàng, du lịch quản lý cơ sở lưu trú để đảm bảo không tăng giá... Chuẩn bị và phục vụ lễ hội có sự vào cuộc không phải chỉ riêng của ngành Văn hóa mà của toàn địa phương, lãnh đạo các cấp, các ngành. Vừa qua hội đồng nhân dân tỉnh quyết định không bán vé các điểm di tích. Các lễ hội truyền thống khác hàng năm đều có văn bản chỉ đạo.

Vừa qua, Phú Thọ cũng có đến hai lễ hội bị phản ứng là lễ hội đầu trâu và cướp phết. Trước nhiều luồng ý kiến trái chiều, tỉnh đã phải phối hợp với Hội đồng nhân dân, các nhà khoa học, quản lý để tìm ra giải pháp đúng nhất, vừa đảm bảo bảo tồn, phát huy di sản mà lễ hội không còn yếu tố phản cảm, bạo lực, những yếu tố không phù hợp với giá trị văn hóa hiện đại thì bỏ.

Sau quá trình đối thoại, cộng đồng địa phương tổ chức lễ hội chấp nhận chọn thay thế hình thức đập trâu bằng việc biểu diễn, không đập bằng vồ mà bằng búa cao su, vẫn tiến hành thịt trâu để tế lễ nhưng kín đáo hơn. Với lễ hội cướp phết, ngoài việc tăng cường công tác an ninh, ban tổ chức cũng thống nhất chỉ địa phương mới tham gia cướp phết. Du khách và người địa phương khác chỉ được quan sát. Như thế đảm bảo an toàn cho cả người cướp phết lẫn khách tham gia.

Quản lý, tổ chức thế nào cho phù hợp?

Trao đổi về công tác quản lý, tổ chức lễ hội, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý cho biết, trong lễ hội hiện nay đang xuất hiện những nguy cơ về mâu thuẫn trong cộng đồng. Có lễ hội được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại và vẫn là hội ấy nhưng làng khác lại "nhanh tay" tổ chức trước để thu hút khách. Làm như thế thì nguy cơ chia rẽ cộng đồng rất lớn. Đôi khi sự ngộ nhận từ cộng đồng, có sự tham gia của nhà quản lý càng là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các địa phương.

Lập hàng rào an ninh ngăn cách với du khách là giải pháp được nhiều ban tổ chức lễ hội lựa chọn.

Một hiện tượng khác cần phải quan tâm là việc nhân danh danh hiệu để thương mại hóa di sản. Mới đây nhất, khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, một  tổ chức đã tự đứng ra chuẩn bị đón bằng tín ngưỡng thờ Mẫu. Sau hoạt động này có vấn đề thương mại hóa di sản, nếu không kịp phát hiện sẽ thành vấn đề lớn.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý, lễ hội Việt Nam đang có nhiều vấn đề. Một trong những lý do quan trọng nhất là việc tổ chức lễ hội từng bị gián đoạn, đứt quãng trong một thời gian dài, ít nhất là từ năm 1945 đến năm 1960. Lễ hội được phục hồi ồ ạt sau thời gian dài đứt quãng đã tạo nhiều lỗ hổng cần phải sửa chữa. Muốn sửa chữa được thì phải xác định đúng đâu là cốt lõi của lễ hội truyền thống, đâu là cái mới thêm vào, đâu là cái mới diễn ra, đâu là cái được tái tạo nhưng gây hậu quả không đáng có.

Rõ ràng thời gian qua, lễ hội nào mà vai trò cộng đồng tốt thì lễ hội tốt, chính quyền địa phương hiểu biết sâu sắc, tâm huyết với văn hóa, hợp tác tốt với cộng đồng thì lễ hội tốt. Để hoạt động lễ hội tốt thì thời gian tới cần tăng cường hơn nữa công tác nghiên cứu, tư liệu hóa lễ hội.

Hoạt động này phải có sự tham gia của cộng đồng, để cộng đồng cùng nhận thức cái gì là biến đổi, không phù hợp với xã hội hiện đại, thay đổi cách thức và xác định bảo vệ lễ hội truyền thống của mình. Chúng ta không thể quản lý hết, Sẽ có những lễ hội mà chỉ nên đứng ở đằng sau, hỗ trợ tư vấn cho cộng đồng bằng hiểu biết của mình.

Lễ hội để bảo tồn, phát huy và thúc đẩy kinh tế

Đồng tình với quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Lý nhưng theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện: Việc tổ chức lễ hội rất cần thiết vì đây cũng là di sản văn hóa, thúc đẩy giá trị văn hóa truyền thống, khơi dậy truyền thống, có giá trị nhân văn, là thời điểm để mọi người cùng cầu mong cuộc sống tốt lành cho cộng đồng…

Mùa lễ hội là thời điểm con người trở về với cội nguồn, là sợi dây kết nối cộng đồng và lễ hội bao giờ cũng gắn với di tích, bảo tồn phục dựng các di sản. Chúng ta phản đối các lễ hội bị biến tướng để trục lợi nhưng cũng phải khẳng định tổ chức lễ hội là gắn với làm kinh tế.

Cũng phải xác định rằng lễ hội là đông và chắc chắn càng ngày càng đông vì kinh tế phát triển, người dân có nhu cầu, giao thông lại thuận tiện hơn. Lễ hội không phải là dịp để chi tiền mà còn là cơ hội để cộng đồng, địa phương, nhà nước phát triển kinh tế, là dịp để thu hút và kích thích nhu cầu chi tiêu của khách du lịch. Với những người làm du lịch, tháng Giêng phải là tháng bận rộn chứ không phải tháng ăn chơi như dân gian quan niệm.

Chúng ta tổ chức lễ hội cũng phải thu tiền, phát triển kinh tế nhưng sự phát triển này phải gắn với bảo tồn giá trị văn hóa. Di tích phải được bảo vệ tốt hơn. Môi trường cảnh quan thiên nhiên phải tốt hơn. Làm thế nào để tất cả phải được phát huy là câu chuyện khó nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không phải chỉ cho riêng năm 2017 mà còn cho cả tương lai…

Những tồn tại hạn chế của công tác quản lý tổ chức lễ hội, hiện tượng thương mại hóa làm mất ý nghĩa, làm cho lễ hội không còn nguyên nghĩa, làm mất giá trị văn hóa của lễ hội thì phải tuyệt đối ngăn chặn. Chúng ta không hy vọng sẽ giải quyết triệt để tất cả các vấn đề còn tồn tại trong lễ hội hiện nay nhưng chắc chắn sẽ giải quyết được. Việc giải quyết không chỉ có những người làm lễ hội mà phải là của cả cộng đồng.

Minh Hải
.
.