Để làng Văn hóa thực sự làm Du lịch
Ngoài những mặt còn tồn tại bấy lâu như sự xuống cấp của một bộ phận các công trình, giờ đây, Làng Văn hóa đã có nhiều đổi khác theo hướng tích cực. Tuy nhiên, để Làng Văn hóa có được sự phát triển đúng với kỳ vọng, còn rất nhiều điều trăn trở và suy nghĩ.
Hơi ấm từ “ngôi nhà chung”
Từ khu vực bán vé của Làng Văn hóa, chúng tôi di chuyển quãng đường chừng 300m là đến Khu các làng dân tộc. Con đường được lát đá với hai bên cỏ cây xanh tốt dẫn chúng tôi lên quả đồi đầu tiên. Gần 5h chiều của tiết thu mát mẻ, mặt trời đã dần di chuyển sang phía bên kia sườn của những dãy núi mạn Sơn Tây. Đang bâng khuâng với ánh hoàng hôn buông lơi, chúng tôi bỗng sựng lại khi nhận ra những cột khói bếp bốc lên từ ngôi nhà sàn thấp thoáng phía trước. Đó là bản làng của bà con đồng bào dân tộc Dao.
Nhận lời mời từ ban quản lý Làng Văn hóa, anh Triều Tài Nhàn (48 tuổi, quê ở huyện Ba Vì, Hà Nội) đã chuyển xuống đây sinh sống được gần một năm. Làng dân tộc Dao hiện có 7 đồng bào và nghệ nhân sinh sống. Mỗi người mỗi quê nhưng điểm chung của họ là muốn góp chút công sức của mình để giới thiệu với du khách những nét đặc trưng nhất của văn hóa dân tộc mình.
Đồng bào trong làng dân tộc Dao chế tác nỏ. |
Công việc hằng ngày của anh Nhàn và bà con trong làng là khi có du khách đến, các anh sẽ hướng dẫn và giới thiệu những thông tin mà họ quan tâm. Bên cạnh đó, khi du khách có nhu cầu, các anh cũng có thể biểu diễn các tiết mục dân ca, dân vũ của dân tộc mình để du khách thưởng thức và cảm nhận một cách chân thực.
Những lúc không có khách ghé thăm, anh Nhàn cùng bà con trong làng lại mỗi người mỗi việc để vun đắp cho ngôi làng của mình. Người trồng cây, người xới cỏ, người chăm gà, người lau chùi, quét dọn. Những khi mọi việc trong làng đã tươm tất, bà con lại sum vầy bên nhau để chế tác những sản phẩm đặc trưng của dân tộc mình. Anh Nhàn cho biết, việc chế tác cung tên của anh trung bình mất khoảng 5-10 ngày mới có thể tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh.
“Du khách đến đây nhìn thấy những chiếc cung này rất thích. Mình làm ra không phải để bán mà để trưng bày cho khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều vị khách thích mua quá, mình cũng đành chiều ý họ rồi tiếp tục làm ra những cái mới” - anh Nhàn chia sẻ.
Rời bản làng dân tộc Dao, chúng tôi sải bước lên ngọn đồi kế bên để đến với làng dân tộc Mông. Những vạt hoa tam giác mạch bắt đầu lún phún. Bao quanh toàn bộ ngôi làng của đồng bào dân tộc Mông là màu xanh của lá, màu hồng thắm xen lẫn màu trắng tinh khôi của loài hoa tam giác mạch. Ở đó, những ngôi nhà mái gianh, mái gỗ đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông hiện lên như bức tranh sơn thủy hữu tình. Rồi đây, khi tết đến xuân về, cây hoa mai cao chừng hơn 3m nằm ngay trước lối đi của bản Mông này sẽ khoe sắc cùng vạn vật cỏ cây ở Làng Văn hóa.
Anh Sùng Chúa Dình (37 tuổi, quê ở huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đang ngồi bên bếp lửa để cất những mẻ rượu ngô thơm lừng. Anh Dình chia sẻ, để nấu được rượu ngô mang đặc trưng của người Mông, anh và đồng bào phải dùng men lá. Men lá được làm từ 36 loại lá rừng khác nhau, sau đó xay thành bột và trộn lại làm một. Hạt ngô sau khi được ngâm đủ thời gian theo quy định thì sẽ được trộn với men lá, sau đó ủ tiếp khoảng 10 ngày thì mới có thể đem ra để chưng cất thành rượu.
Thấy chúng tôi say mê tìm hiểu về cách làm rượu ngô, anh Dình liền lấy gáo múc từ chiếc chum anh vừa cất rượu vào để mời chúng tôi. Tôi đưa gáo rượu lên trước mặt quan sát, rượu ngô trong vắt một màu tinh khiết. Khi đưa lên mũi, vị nồng đặc trưng của loại rượu vừa mới ra lò đã kích thích khứu giác của khách rồi.
Rời bản Mông, chúng tôi di chuyển tiếp đến bản làng người Thái, người Mường... Nhiều bà con đều chia sẻ với chúng tôi rằng, họ coi những ngôi nhà mà họ đang sinh sống là ngôi nhà của họ; họ xem ngôi làng họ đang ở chính là ngôi làng của mình, là quê hương thứ hai của đồng bào. Rồi hơn thế nữa, khi còn có thời gian, các bác ở làng này lại tranh thủ sang giao lưu với các làng dân tộc xung quanh. Ban ngày có thể là hỗ trợ nhau chuyện canh tác, vườn tược.
Khi đêm xuống, thì các bác lại cùng nhau quây quần, người dân tộc này dạy tiếng dân tộc mình cho người của dân tộc bạn và ngược lại bằng ngôn ngữ trung gian là tiếng Kinh. Khi đến ngày lễ, ngày hội của mỗi dân tộc, họ lại mời nhau sang chung vui bên chén rượu và bập bùng bếp lửa để hiểu hơn về văn hóa của nhau.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Văn Khang, quyền trưởng ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, từ 2 năm nay hoạt động của Làng Văn hóa đã có chuyển biến rõ rệt. Từ cuối năm 2015 đã có hoạt động thường xuyên của đồng bào một số dân tộc, hoạt động tại Làng phong phú hơn với 5 cấp độ, đã có một số dịch vụ phục vụ nhu cầu tối thiểu của du khách... Năm 2016, Làng đã đón trên 500.000 lượt khách tham quan và đó cũng là mục tiêu của năm 2017.
Ngôi nhà chính trong làng dân tộc La Chí. |
Hoang phế và băn khoăn
Hiện tại ở Làng Văn hóa, trong tổng số 54 ngôi làng, đã có 10 ngôi làng đang có bà con ăn ở, sinh hoạt thường ngày. Đó là một sự nỗ lực, cố gắng không hề nhỏ của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ban quản lý Làng Văn hóa và của chính bà con đồng bào. Tuy nhiên, hơi ấm chỉ xuất hiện khi có bàn tay của con người. Và 44 ngôi làng còn lại hơn 7 năm nay vẫn vắng lặng, hoang vu. Đây chính là điểm còn khuyết thiếu trong cộng đồng 54 làng dân tộc anh em.
Sự khuyết thiếu ấy cộng thêm các yếu tố tác động từ thiên nhiên, thời tiết... đã góp phần tạo ra sự xuống cấp, tiêu điều của các công trình trong 44 ngôi làng trống trải.
Làng dân tộc La Ha là ngôi làng nằm ở vị trí đầu tiên trong Khu các làng dân tộc. Ở khu vực này, những loại cây dại mọc hai bên lối đi cao hơn đầu người đang sà vào nhau. Ở dưới mặt đất, cỏ dại mọc tua tủa, bao trùm con đường nhỏ được lát đá. Làng dân tộc La Ha “ẩn mình” sau những vạt cây dại cao lớn ấy.
Phải mất một hồi lâu chúng tôi mới tìm thấy tấm biển đề “Làng dân tộc La Ha”. Tấm biển này thay vì được chôn ở đầu đường để chỉ dẫn, nay nó phải “nằm” tạm ở phía dưới chân nhà sàn trong miên man cỏ dại.
Đánh liều, chúng tôi từng bước vượt qua chiếc cầu thang đang bị mối mọt gặm nhấm. Khi bước lên phía trên nhà sàn, cánh cửa ngôi nhà đã được khóa kín mít. Tôi toan bước ra khoảng sân phía trước của ngôi nhà sàn thì được anh bạn đi cùng cảnh báo dừng lại. Hóa ra, phần sân đua ra đã bị sụp lỗ chỗ, tạo thành những lỗ thủng đủ để một vị khách bất cẩn nào bước phải cũng có thể rơi lọt xuống đất.
Ngó qua phần hành lang phía bên hông ngôi nhà của làng dân tộc La Chí, những sập gỗ nay đã bị mối mọt và gió mưa làm sập đổ gần hết. Chúng tôi tiếp tục đến làng dân tộc Sán Chay, cảnh tượng ở đây cũng không khác là mấy. Những khoảng sân nhà sàn làm bằng gỗ phủ dày một lớp rong rêu, cây lá úa tàn. Và cùng với đó là những ván gỗ bị mối mọt, mục ruỗng, lỗ chỗ thủng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro đối với du khách.
Về việc xuống cấp của các công trình, ông Khang chia sẻ: Hầu hết các công trình trong 54 làng dân tộc được làm từ các vật liệu như gỗ, mái gianh và các vật liệu mau hỏng. Những công trình này đã được đầu tư từ những năm 2007-2008, cộng với thời tiết, khí hậu ở vùng Sơn Tây nắng mưa, dông lốc khắc nghiệt là những yếu tố chống lại tuổi thọ của các vật liệu này.
Bên cạnh đó, nhiều dân tộc chưa có đồng bào sinh sống thường xuyên nên thiếu hơi ấm và bàn tay chăm sóc của con người; ý thức chưa tốt của một bộ phận du khách... cũng là nguyên nhân quan trọng làm cho các công trình đã trải qua gần 10 năm mưa nắng nhanh xuống cấp.
Tiền thôi chưa đủ
Ông Khang cho biết, theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng vốn đầu tư Làng Văn hóa là 3.200 tỷ đồng, ngân sách nhà nước sẽ cấp theo lộ trình từ năm 2008 và hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên cho đến nay, đã quá 2 năm, mới chỉ giải ngân được khoảng 50% kể cả tiền đền bù, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, 5 khu chức năng kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước còn gặp khó khăn nên chưa có nhà đầu tư.
Để giải quyết cơ bản các khó khăn hiện nay, theo ông Lâm Văn Khang, đó là tháo gỡ về cơ chế, chính sách. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của 54 dân tộc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước và là nhiệm vụ của toàn xã hội nên ông Khang cho rằng, trước hết, cần xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành “Quy chế phối hợp giữa các Bộ, ngành và các địa phương trong việc vận hành, khai thác Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam”, trọng tâm là Khu các làng dân tộc. Quy chế xác định trách nhiệm của các Bộ, ngành, các địa phương trong việc huy động đồng bào các dân tộc về Làng và tổ chức vận hành, khai thác Làng theo phương châm xã hội hóa.
Anh Sùng Chúa Dình đang chưng cất rượu ngô men lá. |
Theo ông Khang, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể nghiên cứu đưa vào chương trình đào tạo của các cấp học phổ thông việc tìm hiểu về văn hóa của 54 dân tộc Việt Nam mà Làng Văn hóa là nơi trải nghiệm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu chính sách đối với các nghệ nhân đang hoạt động tại Làng Văn hóa.
Các địa phương có thể nghiên cứu phối hợp giới thiệu về văn hóa, kinh tế, quảng bá du lịch của địa phương tại Làng, chọn một hay một số làng dân tộc để không chỉ đưa đồng bào dân tộc về hoạt động mà còn chung tay chăm sóc không gian, cảnh quan, duy tu, bảo trì các công trình nhà dân tộc...
Để kêu gọi được các nhà đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước đầu tư các khu vui chơi, giải trí, các khách sạn, trung tâm thương mại... tạo một trung tâm văn hóa, thể thao, du lịch tầm vóc quốc gia theo đúng mục tiêu đầu tư, cần một cơ chế đặc thù. Ông Khang chia sẻ, trong Quyết định 540/QĐ-TTg ngày 12-5-2008, Thủ tướng Chính phủ đã xác định: Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam là một mô hình khu kinh tế - văn hóa đặc thù.
Nên chăng, cần trình Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào Làng Văn hóa như đối với khu kinh tế theo quy định của pháp luật. Ông Khang lấy ví dụ như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các nhà đầu tư vào đây sẽ được ưu đãi miễn tiền thuê đất ít nhất là 11 năm.
Do chưa được áp dụng các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư nên nhiều tập đoàn lớn trong nước dù rất quan tâm, muốn đầu tư vào Làng Văn hóa nhưng với cơ chế chính sách hiện tại, họ đều lắc đầu từ chối.