Dị nhân đam mê điêu khắc… kiến

Chủ Nhật, 25/07/2021, 12:01
Trong làng nghệ thuật điêu khắc đương đại, mỗi nghệ nhân có một niềm đam mê khác nhau. Người đam mê điêu khắc trên đá, trên gỗ, tạo hình khối, nhân vật... đầy sáng tạo. Thế nhưng người đam mê điêu khắc… kiến như Hùng “kiến” có lẽ chỉ có một.


Tuổi thơ gắn liền với kiến

Nằm khuất trong khu dân cư của phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, xưởng điêu khắc của Hùng “kiến” chỉ toàn thấy… sắt vụn với những con kiến khổng lồ, xù xì với màu sắc, hình dáng quái lạ. Người gọi anh là Hùng “kiến” - tên cúng cơm ngày nhỏ của anh, người gọi anh là Đức Đam, theo tên con trai và cũng là tên facebook của Hùng nhưng cái tên nào cũng khiến Hùng thích thú vì nó gắn liền với cuộc đời làm nghệ thuật của anh.

Chia sẻ về niềm đam mê với những chú kiến khổng lồ, Hùng kể, sinh ra ở Hạ Hòa, Phú Thọ, học hết phổ thông, Hùng “kiến” đi nghĩa vụ quân sự. Hết hai năm quân ngũ, Hùng đi lang bạt, làm thuê đủ nghề chân tay để mưu sinh.

Những con kiến khổng lồ mà Hùng “kiến” đã tạo ra.

Thế nhưng niềm đam mê với nghệ thuật vẫn chưa bao giờ phai nhạt trong anh. Và rồi cuộc đời Hùng hoàn toàn thay đổi khi anh thi đỗ và học khoa Điêu khắc, trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Khi ấy, Hùng đã 28 tuổi. Hai năm sau, Hùng lập gia đình, vừa học, vừa mở xưởng tự thực hiện niềm đam mê của mình, vừa lo mưu sinh, dù gánh nặng gia đình với cơm áo gạo tiền đè nặng lên vai nhưng chưa bao giờ Hùng từ bỏ giấc mơ điêu khắc gắn liền với kiến.

Giải thích lý do chọn kiến từ những ngày đi học ở trường mỹ thuật, Hùng tâm sự: “Sở dĩ mình chọn kiến bởi tuổi thơ gắn liền với kiến. Ngày bé cứ hay nhìn chúng đi kiếm ăn, tha mồi nên thấy khá thú vị. Sau này có điều kiện đi học, hình thành gu nghệ thuật riêng thì mình bắt đầu đi sâu vào nghiên cứu, tìm hiểu nhiều hơn. Mình muốn mượn hình tượng con kiến để cường điệu hóa chúng, nói lên tinh thần, phẩm chất, tính tập thể của chúng. Đem so sánh với xã hội loài người và có tính ẩn dụ để người xem có thể tự liên tưởng hình ảnh con kiến với chính bản thân họ”.

Đến nay, Hùng theo nghề điêu khắc kiến đã 8 năm (tính cả thời gian trong trường học), những tác phẩm điêu khắc của Hùng khiến người xem vô cùng ngạc nhiên và thích thú vì độ độc, lạ của nó. Trong khi tất cả mọi người chọn các mảng miếng như hình khối, nhân vật, con người thì Hùng chọn kiến cho gần gũi với bản thân, với cuộc sống và cũng là cái độc, cái khác người.

Thời gian đầu ra trường, theo đuổi sự nghiệp sáng tác luôn, tài sản chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng, lại đi theo một hướng hoàn toàn hẹp, hầu như là không có người theo đuổi nên Hùng gặp rất nhiều khó khăn. Việc lập gia đình sớm cũng khiến áp lực kinh tế đè nặng lên vai anh. “Vợ mình làm kế toán, lương thấp. Mình theo nghệ thuật sáng tác, được anh em bạn bè ủng hộ mua tác phẩm của mình. Nguồn thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ để mình trang trải”, Hùng chia sẻ. 

Tác phẩm đầu tiên mà Hùng bán được là “Phận kiến”. Tác phẩm này Hùng sáng tác năm 2018 và trưng bày trong triển lãm “Côn trùng” diễn ra tháng 9-2019 tại Hà Nội. “Côn trùng” là một triển lãm thú vị của nhiều tác giả. Tác phẩm “Phận kiến” – một tổ hợp sắp đặt các con kiến bằng sắt được bài trí ở trung tâm của triển lãm. Những con kiến thợ khổng lồ kiếm mồi mang về cho một con kiến chúa vĩ đại. Tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ với những nhà tổ chức và khách thăm quan bởi nó không chỉ cuốn hút người lớn mà còn gây ra sự thích thú thực sự từ các em nhỏ. Đây cũng là tác phẩm mà Hùng tâm đắc nhất và Hùng bán được với giá 7.000 USD. Vừa bước chân ra khỏi trường đại học, lại có tác phẩm triển lãm và bán được giá cao, giúp anh trang trải cuộc sống gia đình đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời làm nghệ thuật của Hùng.

Hùng “kiến” đang miệt mài làm việc

Từ số tiền ấy, Hùng tiếp tục đầu tư vào xưởng sản xuất và lo cho gia đình. Hùng tìm mua nguyên vật liệu nhiều hơn để thực hiện những ý tưởng có một không hai của mình.

Lúc đầu Hùng cũng bị vợ và gia đình phản đối nhiều lắm. Hùng bảo, bất cứ ai làm nghệ thuật cũng đều gặp cản trở, áp lực về gia đình bởi việc làm nghệ thuật không thể kiếm được tiền ngay. Phải đầu tư rất nhiều, phải tốn nhiều thời gian để gây dựng tiếng tăm. Nhưng Hùng xác định mục tiêu cho bản thân mình. “Mình phải động viên, làm công tác tư tưởng cho vợ con, gia đình. Phải từng bước một chứ không thể như bên ngoài đi làm có tiền lương ngay. Nếu đặt mục tiêu kinh doanh luôn sẽ thui chột tài năng của người nghệ sĩ. Đã có lúc vợ chồng từng phải to tiếng với nhau vì áp lực cơm áo, gạo tiền. Một tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là điêu khắc thường bán rất chậm”, Hùng cho hay.

Nghề chơi lắm công phu

Xưởng của Hùng hiện nay đã hoạt động được 6 năm. Khó khăn nhất vẫn là kinh tế. Tác phẩm của Hùng lại kén người xem. Chủ yếu vẫn là anh em nghệ sĩ ủng hộ nhau là chính. Dù vậy Hùng vẫn luôn kiên định với mục đích, ý tưởng ban đầu của mình. Chưa bao giờ Hùng thấy chán nản, từ bỏ ước mơ dù nhiều lần gặp khó khăn về kinh tế.

Nhiều người lựa chọn chất liệu khác nhau để làm điêu khắc, như đá, đồng, gỗ… nhưng Hùng lại chọn sắt, bởi với Hùng những mối hàn sắt có một sức cuốn hút kì lạ lắm. Cứ mỗi lần hàn, Hùng lại bị hấp dẫn. Mỗi mối hàn rất tỉ mỉ, cầu kỳ. Nói rồi anh vác hẳn một con kiến nặng vài kg ra cho chúng tôi xem. Việc tạo hình bằng sắt khó hơn rất nhiều so với những loại chất liệu khác, phải có kỹ thuật riêng, không phải ai cũng làm được. Để làm một con kiến nhỏ thì mất khoảng 15 ngày.

Hùng “kiến” (ngoài cùng bên phải), chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề.

“Lúc đầu cũng phải tự lên ý tưởng trong đầu, rồi hiện thực ý tưởng ấy bằng cách tạo mẫu trên đất, rồi cắt sắt nhỏ, vụn ra để ghép, rồi thực hiện công đoạn hàn xì rất tỉ mỉ công phu. Các tác giả thường phác thảo trên giấy, nhưng mình phải tưởng tượng trong đầu. Lấy đất tạo hình luôn. Cái đặc biệt của điêu khắc là đẹp bởi hình khối, đó là khối 3D, 4D, mình có thể xem vòng tròn được. Mình có thể chỉnh sửa ngay trên khối. Lúc đầu chưa tìm hiểu kĩ, chưa hiểu được nguyên vật liệu, mình nhiều lần làm hỏng lại phải bỏ đi làm lại từ đầu”, Hùng kể lại.

Còn để làm một con kiến to khổng lồ thì không tính được thời gian. Hùng cười: “Nghệ sĩ mà, làm khá lâu, không phải áp lực gì, lúc nào có hứng thì làm. Có ngày chỉ làm 2-3 tiếng, nhưng có ngày làm cả 12 tiếng, hoặc nửa đêm cũng mò mẫm đi làm. Ngày thì hàn, đêm thì đi tạo mẫu trên đất.  Có đêm lại chật vật, trăn trở làm sản phẩm nào, làm như thế nào cho đặc biệt”.

Những con kiến đã đi ra cuộc đời bình dị như vậy, thế nhưng sẽ rất khó hình dung bao giọt mồ hôi mà Hùng đã đổ xuống để làm ra chúng. Điều khiến Hùng “kiến” trở nên khác lạ là ngoài những ý tưởng, sắp đặt, anh có một kỹ thuật, thủ pháp hàn sắt mẩu cực công phu, chưa ai làm được. Những tháng năm đi làm thợ cơ khí, hàn xì trước khi bước chân vào giảng đường đại học đã giúp ích rất nhiều cho nghề nghiệp hiện tại của Hùng.

Một tác phẩm điêu khắc của Hùng “kiến”.

Sau khi hàn xong phải có chất liệu phủ bên ngoài để bảo quản được lâu. Phải khò điện, khò ga, sau đó phủ một lớp sơn bóng mới để được lâu. Có khi để vài chục năm cũng không bị gỉ sét. Nhiều lúc bán tác phẩm đi, Hùng còn phải gọi điện thường xuyên hỏi người mua xem có vấn đề gì không, có phải hỗ trợ bảo quản để anh lại lo đi làm tiếp. Như tác phẩm “Phận kiến” anh bán cho một nhà vườn trong miền Nam. Nhiều lúc nhớ tác phẩm của mình quay quắt, anh lại gọi điện hỏi han tình hình tác phẩm đó có được bảo quản tốt không, có vấn đề gì không. Nếu có vấn đề sẵn sàng bay vào để bảo dưỡng.

Trên tay Hùng chằng chịt những vết xước, đen sạm. Đó là dấu vết của những lần chạm vào thanh sắt gỉ sét bị cứ đứt tay hay những lần hàn xì bị bỏng. Bây giờ thì tất cả mọi người đều hiểu và ủng hộ ý tưởng của anh. Có giai đoạn gặp khó khăn trong công việc, Hùng đều nhận được sự động viên của gia đình.

“Giá trị của mỗi tác phẩm phụ thuộc vào cảm hứng của cả nhà sưu tập. Trong lĩnh vực nghệ thuật trả giá rất khó. Nó không tính về thời gian, cân nặng, giá trị vật liệu, mà phụ thuộc vào độ chất của người nghệ sĩ, độ phiêu của tác phẩm. Để đánh giá giá trị của tác phẩm phải phụ thuộc cả vào thời gian. Càng khó khăn thì càng thôi thúc mình làm để vượt qua hoàn cảnh, vượt qua chính mình. Và càng trong khó khăn càng ra được tác phẩm mà mình cảm thấy ưng ý. Khi tác phẩm ra đời nhận được sự ủng hộ của mọi người là thấy vui vẻ hạnh phúc nhất với người làm nghệ thuật”, Hùng tâm sự.

Ước mơ lớn nhất của Hùng là mở một cuộc triển lãm riêng cho mình. Còn hiện tại, nếu ai muốn học hỏi kinh nghiệm làm kiến, anh vẫn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ và ủng hộ.

Trâm Anh
.
.