Đi tìm lời giải cho bài toán trùng tu di sản

Thứ Ba, 02/07/2019, 11:26
Không hạ giải thì di tích, di sản sẽ sập, nhưng hạ giải không khéo cũng sẽ làm biến dạng, mất giá trị của công trình vài trăm năm tuổi. Trong khi đó, tình trạng "mang danh bảo tồn" nhưng thực ra lại biến nhiều di tích trăm tuổi thành di tích "mới sinh" khi trùng tu di sản đã có nhiều bài học nhãn tiền. Làm cách nào vượt qua thế lưỡng nan này?

Để di sản xuống cấp trầm trọng không thể cứu vãn rồi xây mới hoàn toàn, làm mai một giá trị di sản. Đó không phải là câu chuyện hiếm gặp trong công tác trùng tu di sản kiến trúc lịch sử, văn hóa, tôn giáo hiện nay ở Việt Nam. 

Làm thế nào để cứu các di sản đang xuống cấp, phục chế và trả cho di sản đó đúng với giá trị kiến trúc lịch sử, văn hóa vốn có là câu chuyện được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, và các kiến trúc sư hết sức quan tâm. 

Mới đây tại buổi tọa đàm xung quanh thành công trong việc trùng tu đình Trần Đăng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) thì câu hỏi có nên hạ giải hay không hạ giải với một di tích như là một cách làm cần được nhân rộng trong công tác bảo tồn, trùng tu di sản.

Những bài học chưa cũ

Việc trùng tu di tích trong thời gian vừa qua ở nước ta luôn bị cảnh báo hiện tượng “hô biến” di tích trăm tuổi thành di tích một ngày tuổi. Những bài học nhãn tiền vẫn còn chưa xa. 

Chỉ cách đây chưa đầy một năm, tháng 8-2018, dư luận hết sức bất ngờ khi công trình có niên đại ngót nghét 300 năm tuổi tại Lương Xá, xã Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Lê Trung Hưng được đánh giá có giá trị rất cao về mặt lịch sử và văn hoá đã bị chính quyền xã trùng tu bằng cách phá bỏ hoàn toàn, xây dựng mới bằng bê tông.

Trùng tu sai, một số di tích bị biến từ vài trăm năm tuổi thành một ngày tuổi (Tam quan chùa Bổ Đà).

Trước đó, tháng 3-2018, việc chùa Bổ Đà (xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) nổi tiếng vẫn còn giữ được nguyên bản nét kiến trúc truyền thống Việt cổ “bỗng dưng” mọc lên một chiếc cổng tam quan đồ sộ, phá vỡ không gian cổ kính và lối kiến trúc vốn có của ngôi chùa khiến dự luận xôn xao. 

Trước nữa, có thể kể đến rất nhiều câu chuyện mang danh trùng tu di tích nhưng thực tế lại “xâm hại” di tích. Đơn cử như câu chuyện trùng tu thành nhà Mạc (Tuyên Quang) năm 2010. 

Thực hiện trùng tu, người ta đã gọt bỏ rêu phong, hạ thấp độ cao của Thành để mở rộng tầm nhìn cho xe cộ lưu thông, đã phá đi dấu tích 418 năm lịch sử của thành Tuyên. Hay câu chuyện ở Chùa Trăm Gian, huyện Chương Mỹ, Hà Nội năm 2013. 

Nhà chùa và địa phương đã tự ý hạ giải, xây mới hoàn toàn nhà Tổ, gác khánh, thay thế bằng vật liệu mới. Nếu vụ việc không được báo chí phát hiện và lên tiếng thì một di tích quốc gia về kiến trúc chắc chắn sẽ bị thay thế bằng kiến trúc mới.

Còn nhiều vụ việc khác, ở nhiều ngôi chùa khác như chùa Hương ở Hà Nội năm 2015; chùa Khúc Thủy ở Thanh Oai, Hà Nội năm 2017; chùa Trấn Vũ… bị sơn đỏ chót nhiều hạng mục, không còn giữ vẻ cổ kính vốn có.

Mới đây, dư luận xã hội cũng hết sức quan tâm đến số phận của nhà thờ Bùi Chu khi có tin nhà thờ đã bị xuống cấp nặng và vì lý do an toàn nên phải đại tu tháo dỡ xây mới. Hình ảnh nhà thờ Bùi Chu sơn vàng với diện mạo mới tinh được lan truyền khiến nhiều người tiếc nuối. 

Rất may, cơ quan quản lý, cụ thể là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã vào cuộc chỉ đạo các đơn vị chức năng nghiên cứu, rà soát, tìm phương án tối ưu để ứng xử với di sản này trước khi đi đến biện pháp thực hiện trùng tu. Nhờ vậy, hy vọng cứu vãn di sản nhà thờ Bùi Chu vẫn còn.

Câu chuyện từ ngôi đình 500 năm tuổi

Ðình Trần Đăng (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) được xây theo lối kiến trúc chữ Nhất, có năm gian, hai chái, bốn hàng cột lớn. Cổng đình có ba lớp mái, hai hàng trụ biểu, phía trước là cửa bức bàn, gian bên là cửa thượng song hạ bản.

Tháp chuông.

Tòa đại bái được dựng lại vào thời Nguyễn, năm 1860, giếng nước, cầu và cổng chính. Trên các vì kèo có chạm trổ tứ linh, mỗi đoạn là một tác phẩm nghệ thuật có giá trị cao. Người làng truyền lại rằng, khởi đầu của ngôi đình có từ thời Trần, đến thời Lê được mở rộng, làm mới và xây thêm một số công trình, rồi sau này, đình cũng được trùng tu một lần nữa vào đời Nguyễn. 

Vì vậy chi tiết trang trí, chạm trổ ở khắp nơi trong ngôi đình đều mang dấu ấn mỹ thuật của những thời kỳ này. Đặc biệt, năm 1988, đình làng Trần Ðăng được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia.

Tuy nhiên, do sự tàn phá của thời gian, môi trường và khí hậu khắc nghiệt, đình làng Trần Ðăng đến nay đã hư hỏng phần lớn. Các thân gỗ lim chạm trổ và gốm đen quý hiếm từ thời Lê ở xà đỡ, đầu hồi bị mối mọt nặng. Có những thân gỗ đường kính vài chục centimet nhưng mối ăn ruỗng bên trong chỉ còn vài centimet. Các bức điêu khắc phần lớn không còn nguyên vẹn. Phần ngói lợp mái cũng hư hỏng nặng.

Trước vấn đề cấp thiết này, từ tháng 6-2009, dự án bảo tồn, tu tạo và đào tạo của Ðức (GCREP) cùng kiến trúc sư Lý Trực Dũng bắt đầu tu tạo khu di tích. 

Bên cạnh tòa nhà chính, dự án này còn tu tạo cầu, cổng, tường bao và khu nhà phụ của đình Trần Ðăng, cũng như giếng cổ giữa làng. Dân làng Trần Ðăng ủng hộ dự án một cách đắc lực qua công tác vệ sinh và khơi cống rãnh. Đình làng Trần Ðăng không chỉ là một công trình xây dựng lâu đời với 500 năm tuổi và những bức chạm trổ tuyệt đẹp, mà còn mang ý nghĩa to lớn đối với đời sống tinh thần của người dân. Cùng với đó đây còn là nơi thờ cúng thần linh, nơi sinh hoạt cộng đồng từ thời xa xưa.

Tuy nhiên, câu chuyện trùng tu một di sản kiến trúc thuần Việt với một ngôi đình có tuổi đời gần 500 tuổi như đình Trần Đăng đã đưa ra vô số những thách thức trong quyết định trùng tu di sản. Bởi đôi khi việc xê xích từng centimet trong trùng tu cấu trúc di sản cũng ảnh hưởng tới số mệnh di sản.

Kiến trúc sư Lý Trực Dũng.

Kiến trúc sư Lý Trực Dũng kể, khi nhận lời trùng tu đình Trần Đăng với sứ quán Đức, mặc dù đã có 30 năm kinh nghiệm với các di sản kiến trúc Pháp, ông chưa từng trùng tu ngôi đình nào có vài trăm năm tuổi trong một quần thể kiến trúc đẹp hiếm có: đình có kiến trúc chữ công, có 7 gian, rộng 273m², được xây trên một khu đất hình con rùa, xung quanh là hệ thống 8-9 ao làng, cây cầu tượng trưng cho cổ và đầu của con rùa trong truyền thuyết thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa. 

Cách cầu khoảng 30m là giếng làng, tháp chuông, chùa Trần Đăng và cổng làng. Sau đó ông đã cùng tập hợp, tham vấn ý kiến những nhà chuyên môn có kinh nghiệm: Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, kiến trúc sư Nguyễn Hùng Sơn để khảo sát, lên kế hoạch trùng tu.

Nhưng điều khó nhất là: phần kết cấu gỗ chịu lực của đình Trần Đăng trong đó có một số cột cái, câu đầu, xà thượng, xà nách bị hư hại nghiêm trọng. Không ít cột cái bị tiêu tâm, nhiều xà thượng, xà nách, bẩy và cả kèo xó cũng bị mục do mối mọt xâm hại. Thậm chí người ta đã phải xây một vòm cuốn bằng gạch để đỡ một câu đầu đã bị mục ở đầu hồi và phải dùng rất nhiều ống tuýp sắt để chống các kết cấu gỗ sắp bị sụp ở đầu hồi này. Thay một hay hai cột cái, cột quân hay xà thượng thì bình thường, nhưng thay một câu đầu dài hơn 4m nặng gần 1 tấn ở ngay đầu hồi mà không cần hạ giải thì ông và cộng sự chưa nghe nói tới.

Nhưng nếu phải hạ giải thì toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm có niên đại khoảng 300 năm tuyệt đẹp vô cùng quý giá này sẽ bị phá hủy và giá trị lịch sử và văn hóa của Đình Trần Đăng sẽ giảm sút, xuống cấp. 

Trong khi đó, ông và nhóm phải tuân thủ nguyên tắc đã trở thành bất di bất dịch trong bảo tồn di sản mà những người có chuyên môn và phía tài trợ - Đại sứ quán Đức yêu cầu là: đảm bảo sự tồn tại tính nguyên gốc di tích, hạn chế tối đa tính can thiệp vào di tích, các thành phần thay thế phải phân biệt với phần nguyên gốc để tránh sự nhầm lẫn; ưu tiên bảo quản, gia cường sau đó mới đến tu bổ phục hồi và tôn tạo; tôn trọng quyết định của chủ thể di sản (trong trường hợp này, Đại sứ quán Đức và nhóm của kiến trúc sư Lý Trực Dũng đã họp với người dân làng Trần Đăng từ trước khi lập kế hoạch trùng tu).

Ông và cộng sự đã trải qua được khúc mắc về kỹ thuật, đảm bảo không hạ giải mà vẫn thay thế được toàn bộ các chi tiết hỏng hóc của đình, công cuộc trùng tu được đánh giá là thành công.

Đáp án nào cho bài toán trùng tu và hậu trùng tu?

Theo các kiến trúc sư, vấn đề mấu chốt trong trùng tu di tích là tìm được những nhóm mộc lành nghề có bàn tay vàng. Tuy nhiên, họ cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay việc này rất khó khăn. 

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho biết: “Điều gay go nhất bây giờ là không có thợ giỏi. Hiện nay, điều tốt là chúng ta có các phương tiện như máy móc hỗ trợ đục đẽo, hình ảnh 3D lưu trữ để dễ trùng tu, nhưng tìm ra thợ giỏi lại quá khó”. 

Cũng theo ông Ánh, việc trùng tu di tích cần chú ý tới tiếp cận cộng đồng trong bảo tồn di sản. Hiện nay, có ý kiến cần phải thúc đẩy các ông bộ nọ ngành kia, chứ thực ra họ không giúp đỡ được gì nhiều, mà cái chính là tiếp cận cộng đồng - những người sử dụng di tích.

Cùng với bài toán trùng tu thì việc bảo tồn hậu trùng tu là hai mặt của một vấn đề. Di tích nào cũng vậy, dù đã được cứu, vượt qua được “cửa ải” ảnh hưởng của thời gian, nhưng chỉ một thời gian sau, công tác quản lý chưa tốt lại khiến xảy ra hàng loạt vấn đề ảnh hưởng tới vẻ đẹp của di sản.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh nêu, chúng ta thấy rất nhiều ngôi đình cổ, sau khi trùng tu, người dân, người quản lý ở địa phương lại tự ý xây thêm tiền tế với mái tôn đỏ rực choán hết lối vào đình, tự đem tượng mới đặt vào đình, chùa, những tượng cũ không thấy đâu, thậm chí còn phá nhà tổ để xây nhà mẫu… khiến di tích giữ được “cái vỏ” cổ nhưng “cái ruột” lại mới.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, đây chính là vấn đề mâu thuẫn giữa bảo tồn và nhu cầu, nhận thức của cộng đồng, nhận thức của nhà quản lý địa phương. Do vậy, theo ông, việc nâng cao nhận thức là rất cần thiết, mà ở đó cần tới vai trò của các cơ quan truyền thông. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy đề nghị nên có nhiều chuyên đề, tọa đàm để thảo luận sâu hơn về nhiều khía cạnh khác nhau trong bảo tồn di sản, đề nghị các cơ quan truyền thông chú ý thông tin về các bài học kinh nghiệm có tính điển hình như trường hợp trùng tu đình Trần Đăng để cộng đồng và các nhà quản lý văn hóa rút được những bài học hữu ích trong công tác bảo tồn.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng là vấn đề cần thiết để bảo tồn, trùng tu di tích. Song, vấn đề được đặt ra là, làm thế nào để người dân biết đến và kết nối được với các chuyên gia chuyên về trùng tu, mỹ thuật, kiến trúc để phục vụ cho việc gìn giữ di sản của quê hương mình? 

Việc này cần đến sự vào cuộc tích cực của nhà quản lý, từ địa phương trở lên, và những trái tim thực sự tâm huyết với những giá trị di sản văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc quý giá của quê hương.

Thảo Nguyên
.
.