Đi tìm mùa xuân

Thứ Sáu, 20/01/2017, 08:00
Loài cây leo trên tường rào vươn tới ánh sáng treo những chùm hoa hồng dại nhỏ, cánh hoa hồng hai màu đậm nhạt, tiếc thay chỉ nở vào mùa xuân đúng như tên của nó. Tôi đặc biệt thích hoa tầm xuân từ nhỏ, khi gia đình tôi tản cư về làng Quần Tín, một vùng bán sơn cước, khoảng 1949-1950.

Làng Quần Tín đẹp hoang dại giữa cánh đồng bát ngát in hình trên núi Nưa. Lúc mới đến chưa có bạn, không được đi học, tôi hay ra ngắm ngôi trường làng. Trường trống không, đầu hành lang treo cái trống, nhưng nổi bật giữa làng vì bám trên tường quét vôi trắng là những cành tầm xuân tắm nắng. Hoa màu hồng, nụ màu xanh.

Trước kia tôi không hiểu câu ca dao vì sao lại nói “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc”, nhưng bấy giờ tôi thấy cũng gần đúng. Một lần, đang ngắm ngôi trường quạnh quẽ, tôi thấy một anh bộ đội ghìm cương ngựa, nhờ một người chỉ đường đến nhà ba tôi. Có lẽ anh là học trò cũ của ba tôi, hành quân qua làng nên rẽ vào thăm thầy. Sau này, nhớ lại cảnh ấy, tôi đã làm bài “Tầm xuân”, bài thơ đầu tiên.

Chiến sĩ F308 quân tiên phong truy kích địch tới thị xã Vĩnh Yên năm 1951.

Lúc ấy, tất nhiên, tôi chưa thể biết người chồng của tôi cũng là một anh bộ đội, đang cưỡi ngựa đi “chiến dịch Thu - Đông 1950”. Rồi có lần, tôi sang Pháp, ở gần một phố nhỏ tên là Rue du Soleil levant (Phố mặt trời mọc). Dọc suốt các bức tường nhà phố ấy, là đủ mọi loại hoa hồng. Tôi thấy có loài hoa hồng từng chùm dài buông ra ngoài tường, thõng xuống sát chân vỉa hè, bên những chùm tầm xuân vươn ra mọi phía.

Tôi lại nhớ tới hoa tầm xuân ở làng Quần Tín. Sau khi chúng tôi tới, ngôi làng hoang sơ bỗng nhộn nhịp hẳn lên. Đấy là nơi tập trung nhiều gia đình văn nghệ sĩ. Tôi bỗng có thêm bạn bè cùng trang lứa: hai anh em Vũ Tuyên Hoàng và Vũ Huyền Giao, con bác Vũ Ngọc Phan; Việt Hải, Việt Hùng con nhà văn Việt Thường; rồi con trai bác Nguyễn Đức Quỳnh...

Còn gia đình bác Nguyễn Đình Lạp, Mạnh Phú Tư, Trương Tửu cũng ở gần gia đình nhà tôi. Chị em tôi rất ngưỡng mộ hai mỹ nhân ở cuối làng, Hằng Phấn và Hằng Huân - em của bác Hằng Phương - nữ thi sĩ, vợ bác Vũ Ngọc Phan. Họ đẹp như hoa xuân nhưng sống tách với đám đông. Đặc biệt là Hằng Phấn, dáng mảnh khảnh, dễ vỡ như nhánh hoa thủy tiên. Hằng Huân, cứng cỏi như một đóa hồng.

Sau này, tướng Nguyễn Sơn đa tài và đa tình vốn hay rẽ ngựa vào nhà ba tôi đàm đạo chuyện văn chương - lúc ấy ông là Quân khu trưởng khu IV - có may mắn lọt vào mắt xanh của Hằng, Huân... Đường làng mùa xuân mưa dầm dề trơn như mỡ. Bọn trẻ con chúng tôi đẽo một cái gậy, thi nhau chạm trổ cho thật đẹp để đi chơi, đi học vẽ với anh Sỹ Ngọc và bác Nguyễn Văn Tỵ, để đấu kiếm, xua chó...

Rồi một nhóm, trong đó có tôi và chị Lê đi bộ đến trường Đào Duy Từ - trường trung học duy nhất của tỉnh Thanh - bấy giờ chuyển về làng Cốc, cũng ở phủ Thọ Xuân. Trường là nơi tập trung toàn những người trẻ trung đến từ các tỉnh thành miền Bắc nên luôn tắm trong không khí của tuổi xuân. Những tà áo dài lụa Hà Đông, khăn voan bay theo gió, tiếng ghi-ta bập bùng, bài hát phổ cập nhất là bài “Dư âm” của Nguyễn Văn Tý. Đêm liên hoan trước tết, vang lên bao lời hát về mùa xuân: “Kìa mùa xuân đến với ai rồi...” - “Xuân đây rồi, xuân đây rồi, hoa thắm đón xuân sang...”.

GS Đặng Thai Mai bên con gái út Xuyến Như ở nơi tản cư năm 1950.

Mùa xuân không chỉ là một quãng thời gian trong bốn mùa, nó được dệt bằng tiếng cười, âm thanh và nhạc điệu, bằng màu sắc tươi tắn. Mùa xuân gắn với những ngày tết, được về nhà quây quần cùng gia đình, bên bếp lửa nấu bánh chưng, bánh tét. Muốn đợi đến lúc chùm bánh chưng nhỏ gói cho trẻ con luộc chín mà không thức nổi, vào giường lăn đùng ra ngủ. Đến sớm mai, đã thấy chùm bánh chưng nhỏ mẹ treo bên cửa sổ, sao vui thế!

Rồi một ngày, cả gia đình lại theo ba tôi lên Việt Bắc. “Tôi nhớ mãi một mùa xuân chia phôi...”. Lần đầu tiên tôi biết dư âm buồn vì phải xa cách bạn bè thân thiết và nỗi buồn trong sáng của mối tình đầu. Gia đình tôi có thêm đoàn dân công gánh những thúng sách cho ba tôi, kéo dài như một đoàn rồng rắn nhưng không lên mây mà ngược lên Việt Bắc, nơi “sắc chàm pha màu gió”.

Đến An toàn khu, tôi thấy chị Hà ngồi bế đứa con gái đầu lòng, anh Văn đang ra mặt trận chỉ huy chiến dịch Hòa Bình đợt đầu (Đông - Xuân 1951-1953). Tôi đi học tiếp ba tháng cuối lớp 7 ở trường Tân Trào. Trường ở trên đồi, đêm xuân rất lạnh. Ở đây, đêm tôi đốt đuốc cùng các bạn đến lớp. Lúc không có đèn dầu, lại chẻ gỗ thông thành những thanh đóm chụm vào nhau trên cái đĩa, ánh sáng lập lòe, mùi hương gỗ thông thơm ngát. Bấy giờ tôi mới biết vị ngon của sắn lùi ăn bữa sáng.

Hãi nhất là những con sâu chiếu, con rết rất to như cái đuôi của đũa cả núng nính bò vào lán. Làng trên đồi quay mía để chuẩn bị ăn tết. Ánh lửa nấu những nồi mật lập lòe. Tôi được ở pô-pốt cùng mấy thầy cô vì chị Hạnh là cô giáo. Chúng tôi ra lò mật, có bát và muôi, tha hồ múc để nếm, người nóng rực lên, đêm xuân đỡ lạnh. Dân miền ngược rất thương người tản cư, họ biết chúng tôi xa nhà, thiếu đủ thứ. Nhiều học sinh ở nhà dân được họ giúp cho cơm gạo. Trên đồi trồng cà phê, mùa xuân tới, lần đầu tiên tôi thấy những chùm cà phê chín đỏ. Chúng tôi đi hái cà phê giúp dân làng.

Núi Tam Thai ở làng Lương Điền.

Tới đầu mùa hạ, cả gia đình lại theo ba tôi trở về khu IV. Mẹ và chị Hạnh khóc hết nước mắt khi chị Hạnh phải ở lại Việt Bắc để tìm việc làm. Giờ gia đình tôi lại đi ngược đường cũ, có đêm đi thuyền trên sông Lô mà lúc ấy tôi không biết! Dòng sông nổi tiếng trong tưởng tượng của tôi, qua những bài hát của Văn Cao mà chị em tôi hát cho đỡ mệt: “Dòng sông Lô (ố) trôi.../ Mùa xuân tới nước băng qua ngàn núi in ven bờ xanh ôm bóng tre...”.

Và mùa xuân đẹp như mơ mà cũng rất thực: “Âm ba thoáng rung cánh đào rơi/ Nao nao bầu sương khói phủ quanh trời...”. Mùa xuân nơi “u tì quốc” không có đào, song những ngọn núi mù mịt sương chồng chồng lớp lớp, dưới chân núi mây bay lững lờ đẹp như trong mơ. Mùa xuân và mùa hạ là mùa của hoa ban tím và trắng, lần đầu tiên tôi được thấy trên núi rừng Việt Bắc.

Lần đầu tiên tôi biết quê nội, làng Lương Điền. Vào xuân hè, tôi được ngắm vẻ đẹp của hoa mua, hoa sim tím ngát khi đi kiếm củi ở trên đồi, khi đi bộ tới trường Huỳnh Thúc Kháng. Mùa sim chín, chúng tôi ăn sim tím hết cả môi. Ba tôi không còn thư ký, ở quê nội, hằng ngày tôi phải ngồi chép lời ba tôi viết về cuốn “Chinh phụ ngâm” và đôi khi, về “Truyện Kiều”.

“Chinh phụ ngâm” là một bản trường ca về nỗi buồn nhưng vẫn lấp lánh hình ảnh của mùa xuân: “Nay đào đã quyến gió đông/ Tuyết mai trắng bãi, phù dung đỏ bờ”... Ba tôi còn đọc ghi chú cuối trang: “Mùa nào?”. Và trong Truyện Kiều, xuân cũng rất buồn: “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông”... Lúc ấy ba tôi chỉ muốn mau được nghỉ để chạy ra vườn ngắm hoa thật!

Mùa đông, giữa gian chính của ngôi nhà hương hỏa, có bắc một cái chảo lớn, củi cháy ngùn ngụt để sưởi. Một hôm, có hai người khách lạ hoắc đến nhà, ở lại ba ngày. Hai người là cháu ruột của liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Bà Phạm Thị Kim cùng em trai là Phạm Hồng Sơn - một sĩ quan quân đội. Ba tôi rất thích nghe anh Hồng Sơn kể lại những trận đánh.

Sau này, tôi mới biết ba đã đồng ý cho anh tìm hiểu và nếu tôi đồng ý, sẽ gả đứa con gái thứ tư cho anh; còn mẹ tôi giới thiệu cho chị Kim đứa con gái nuôi học cùng lớp với chị Lê, cũng đang ở nhà tôi. Mẹ bảo tôi còn ít tuổi quá. Tôi chỉ thích vì anh Hồng Sơn chụp ảnh cho gia đình tôi. Máy ảnh xịn, chiến lợi phẩm.

Tranh Sỹ Ngọc vẽ hội nghị văn nghệ sỹ ở làng Quần Tín.

Sau hôm đó, anh Hồng Sơn phải đạp xe ra Việt Bắc để đánh trận Chân Mộng - Trạm Thản. Sau này, anh kể lại, do sơ suất của một trung đội trong đại đoàn khác, họ để lại vết giày trên ruộng lầy nên địch phát hiện được là có bộ đội chủ lực của ta đang tập trung ở Chân Mộng. Địch bắt được một chiến sĩ ở trung đoàn anh - Lê Văn Hiến. Trung đoàn 36 đang phục kích ngay bên đường rút lui của địch. Đội quân báo thấy địch lôi Lê Văn Hiến ra giữa đường tra tấn.

Cho đến lúc ngất lịm, Hiến vẫn một mực khai rằng mình chỉ là du kích, cứu nguy cho cả trung đoàn. Ôi, có bao nhiêu người như Lê Văn Hiến, cuộc đời đứt đoạn giữa tuổi xuân. Họ đã góp phần vào bước ngoặt: chuyển từ phòng ngự sang phản công, dẫn tới thắng lợi của chiến dịch mùa xuân Điện Biên Phủ... Suốt đời, ngoài các chiến hữu, những người Phạm Hồng Sơn nhớ nhất là những đồng đội đã hy sinh giữa tuổi xuân. Cuối đời, anh bị bệnh lão hóa não, quên hết cả những trận đánh anh từng chỉ huy. Mỗi lần có điện thoại, tôi lại nghe hộ.

Một lần, tôi bảo: “Người gọi là con liệt sỹ, gọi từ...”. Chưa dứt câu, anh nói: “Tên bố nó là Bào”. Khi bị bệnh quên, anh không hề biết buồn. Nhưng lúc ấy, giọng anh chùng xuống, nét mặt rất buồn. Có lẽ, trong giây phút, ý thức chợt lóe lên, anh nhớ được tên người liệt sỹ đã chết giữa tuổi xuân, giữa mùa xuân Điện Biên Phủ.

Gần đây, tôi tìm thấy một phong bì rách, ngoài ghi địa chỉ: Cháu Nguyễn Tuấn Khải (cháu của liệt sỹ Điện Biên Phủ Nguyễn Văn Bào E36.F308) và “Kính viếng hương hồn ông - Trung tướng Phạm Hồng Sơn”. Tiền phúng từ thế hệ thứ ba của người liệt sỹ... Bao nhiêu người trẻ tuổi đã hy sinh, như rừng cây xanh bị đốn giữa lúc đang vươn lên ánh sáng mùa xuân? Song mùa xuân của họ không thể lụi tàn.

Mùa xuân đâu chỉ là khoảng thời gian lặp lại trong chu kỳ của năm tháng, của đời người... Dẫu ở mùa nào vẫn có những khoảnh khắc và con người đẹp hơn cả mùa xuân. Để rồi ta đi tìm những mùa xuân đã mất và mùa xuân vĩnh viễn.

GS. Đặng Anh Đào
.
.