Đi tìm những ông tổ nghề Việt Nam

Thứ Sáu, 01/01/2010, 03:15
Nhằm tôn vinh ngành nghề truyền thống và tưởng nhớ các tổ nghề, Hành trình tìm kiếm tổ nghề của Việt Nam và trên thế giới do Công ty Cổ phần Sách niên giám Việt Nam (Vietbooks) và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện.

Theo ông Lê Trần Trường An, Tổng giám đốc Vietbooks: "Mỗi một nghề đều có ông tổ nghề, là những người có công sáng lập và truyền bá một ngành nghề nào đó. Họ được dân làng kính trọng và tôn thờ như là những bậc thánh hiền!".

Những ông tổ nghề

Nguyễn Sơn Hà, sinh năm 1894 tại Hà Nội, được coi là ông tổ nghề sơn dầu Việt Nam, với các thương hiệu sơn dầu nổi tiếng một thời vào đầu những năm 30 của thế kỷ trước. Từ một chân thư ký cho hãng sơn dầu nổi tiếng Sauvage Cottu, Nguyễn Sơn Hà để tâm học hỏi mọi việc lớn nhỏ, từ kỹ thuật chế tạo sơn đến tổ chức tiêu thụ sản phẩm. Khi đã nắm được những bí quyết cơ bản của nghề sản xuất và kinh doanh sơn dầu, ông xin thôi việc. Nhiều lần sản xuất thử, thất bại, ông đào sâu nghiên cứu cách dùng nguyên liệu trong nước như dầu trẩu, nhựa thông, cây thầu dầu...

Cuối cùng, Nguyễn Sơn Hà đã thành công! Đầu những năm 30, ở Việt Nam, bắt đầu từ Hải Phòng, hiệu sơn dầu của Nguyễn Sơn Hà đã xuất hiện và dám cạnh tranh với các hãng sơn của người Pháp và người Hoa.

Tháng 9/1994, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Sơn Hà, Hội đồng Lịch sử và Hội Sử học TP Hải Phòng đã tổ chức một cuộc hội thảo, ghi nhận vai trò lịch sử của ông trong đời sống xã hội, ghi nhận những cống hiến quý báu của Nguyễn Sơn Hà, người được coi như ông tổ nghề sơn Việt Nam.

Tiêu bản, sắc bản tổ nghề kim hoàn.

Tương truyền vị tổ có công khai sáng nghề kim hoàn Việt Nam là Cao Đình Độ, sinh năm 1744 tại làng Cẩm Tú, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Để học được nghề kim hoàn, ông phải cải trang thành người Hoa, xin vào giúp việc cho một chủ tiệm vàng ở Thăng Long (Hà Nội).

Thời kỳ này chỉ có người Trung Hoa mới nắm được cách chế tác và độc quyền sản xuất, buôn bán vàng bạc. Mặc dù người Hoa có tiếng là giữ nghề, không truyền cho người ngoài, nhưng với tư chất thông minh, lanh lợi sẵn có, ông quan sát tìm hiểu và nắm bắt được bí quyết nghề kim hoàn của người Hoa. Với ý chí phải học thành tài, ông học cả cách chế tạo dụng cụ cần thiết của nghề chạm trổ vàng bạc.

Năm 1783, ông Cao Đình Độ đưa vợ và con trai vào làng Kế Môn, huyện Phong Điền, Thuận Hóa lập nghiệp và truyền nghề cho con mình là Cao Đình Hương. Đến nay, lăng mộ hai vị Tổ sư đều tọa lạc tại phường Trường An  phía nam thành phố Huế, trong đó, lăng mộ Đệ nhất Tổ sư Cao Đình Độ được xây dựng vào năm 1810.

Đền thờ hai ông được đặt tại phường Phú Cát (Huế). Để tưởng nhớ công lao to lớn của hai vị tổ nghề, hàng năm, các thợ kim hoàn miền Trung (Huế) tổ chức lễ giỗ ông Cao Đình Độ vào ngày 27/2 (âm lịch) và Cao Đình Hương vào ngày 7/2 (âm lịch).

Ông Nguyễn Diệu, người Ái Châu, Thanh Hóa, cùng vợ  tới kinh thành Thăng Long làm ăn buôn bán. Hai vợ chồng cùng nhau mở xưởng dệt, công việc ngày càng phát đạt. Vài năm sau, ông bà sinh được một cô con gái đặt tên là Nguyễn Thị La. Lớn lên nối nghiệp cha.

Với đôi bàn tay khéo léo, vải cô dệt đã bền lại đẹp, ai thấy cũng phải thán phục. Năm 18 tuổi, La kết hôn cùng Trần Thưởng người Hồng Châu, Hưng Yên. Vài năm sau, Trần Thưởng thi đỗ và làm quan hộ. Với mong muốn được mở mang nghề dệt, Trần Thưởng xin vua cho lập một phường dệt ở ven Hồ Tây. Nàng La chuyển về đó lo đảm đương việc dạy cho dân làng nghề dệt vải.

Từ đó, nghề dệt vải ở đây được phát triển, danh tiếng vang xa. Trong một lần cầm quân ra trận, Trần Thưởng không may tử trận. Được tin, nàng La liền tự vẫn theo chồng. Vua Huệ Tông thương xót cho lập miếu thờ nàng ở phường Nhược Công, phong cho nàng làm Thụ La công chúa. Ghi nhớ công ơn dạy nghề của bà, dân chúng gọi bà là Bà tổ nghề dệt.

Ông Lê Công Hành được coi là ông tổ nghề thêu Việt Nam, tên thật là Trần Quốc Khái, người làng Nguyên Bì, xã Quất Động, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay là thôn Quất Động, xã Hồng Thái, huyện Thường Tín, Hà Nội). Trong một chuyến đi sứ phương Bắc, nhờ mưu mẹo và trí thông minh, ông đã học được nghề thêu và nghề làm lọng. Về nước, ông truyền bá nghề này cho dân làng Quất Động và một số làng lân cận như: Đào Xá, Tầm Xá, Hướng Dương...

Lễ rước tổ một làng nghề.
Công chúa Quỳnh Hoa thời Vua Lê Thánh Tông được tôn là Bà chúa nghề tằm, hiện nay, tại các tỉnh miền Bắc, có gần 60 làng thờ bà. Tổ sư nghề đúc đồng là ông Khổng Minh Không được thờ ở số 5 phố Châu Long, quận Hoàn Kiếm. Ông tổ nghề làm bún được thờ tại Mễ Trì, Thanh Xuân, Hà Nội.

Tương truyền ông tổ của nghề này là Hồ Nguyên Thơ, không rõ sống ở đời nào. Ngày nay, người dân Mễ Trì thờ ông ở đình làng. Vào những ngày hội làng, người dân lại tổ chức hội thi làm bún. Vật phẩm dâng cúng ở đình vào những ngày này cũng không thể thiếu mâm bún.

Tổ sư nghề vàng bạc là 3 anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền sống tại làng Định Công, huyện Thanh Trì vào cuối thế kỷ thứ VI. Ba ông học được nghề này trong một cuộc lưu lạc tại một nước láng giềng sau đó đem về  truyền dạy lại cho dân làng. Sau này thợ làng Định Công di chuyển về Thăng Long, cư trú tại phố Hàng Bạc.

Tổ sư nghề gốm sứ Bát Tràng là Hứa Vĩnh Kiều. Hứa Vĩnh Kiều cùng với Tổ sư hai làng gốm khác là Đào Trí Tiến làng Thổ Hà và Lưu Phong Tú làng Phù Lãng cùng khởi nghề ở Bát Tràng, sau đi học men gốm tại Thiểm Châu, Quảng Đông, Trung Quốc về truyền nghề cho dân làng.

Vào thời Lê Hiển Tông, ông tổ nghề khảm trai là Nguyễn Kim, người làng Thuận Nghĩa, tỉnh Thanh Hóa. Ông rất giỏi nghề khảm, vì bị sách nhiễu đã lánh nạn ra làng Chuyên Mỹ, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (bây giờ thuộc Hà Nội) và truyền dạy nghề cho dân làng này. Sau dân làng Chuyên Mỹ di cư ra Thăng Long cư trú tại phố Hàng Khay.

Trước kia, phố Hàng Khay có đền thờ ông. Một vài truyền thuyết khác cho rằng ông tổ của nghề khảm là ông Vũ Văn Kim hoặc Trương Công Thành sống vào thời Lý. Tổ sư nghề rèn Hoa Thị (ở xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, Hà Nội) là ông Nguyễn Đức Tai, người làng Hoa Thị, học nghề rèn của một người tên là Thanh Hoa không rõ người vùng nào, về truyền dạy lại cho dân làng nghề này sau được dân làng thờ làm tổ sư.

Có khi, tổ nghề mỗi nơi mỗi khác, mỗi vùng chọn riêng cho mình một vị tổ nghề, để tìm ra một vị tổ nghề duy nhất không tránh xảy ra những cuộc tranh luận, đơn vị tìm kiếm tổ nghề đang cố gắng hệ thống lại tất cả các vị tổ nghề, hầu cùng các tổ chức nghề nghiệp có kết luận về vị tổ nghề cuối cùng.--PageBreak--

“Nhân sinh tôn chính nghiệp”

Tổ nghề (còn gọi là Tổ sư, Thánh sư, Nghệ sư - người phát minh, sáng lập, gây dựng nên một nghề (thường là nghề thủ công mỹ nghệ) hoặc là người thứ nhất đem nghề ở nơi khác truyền lại cho dân chúng trong một làng hay miền nào đó. Tổ nghề có thể là con người bằng xương bằng thịt gắn liền với câu chuyện kể rất thật nhưng cũng có thể là một sự tích, một huyền thoại mà người trong nghề tự tạo ra xoay quanh thân thế và sự nghiệp khai nghề của họ.

Bởi đó chính là đời sống tâm linh mà con cháu hướng về đấng khai cơ lập nghiệp. Người Việt Nam luôn luôn ghi nhớ và tôn thờ các tổ nghề. Họ được người dân thờ phụng  ở từ đường, đình làng, có khi được tôn là Thành hoàng làng nghề... Hàng năm, tại các nơi làm nghề thường có ngày giỗ Tổ và hội làng với các nghi thức tưởng nhớ công ơn tổ nghề và tôn vinh nghề rất long trọng và tôn kính.

Với mỗi người dân, tổ nghề luôn là những bậc thánh nhân mà họ hướng về với tài năng, đức độ mà đời sau không ngừng học hỏi. Người dân tin rằng tổ sư sáng chế ra ngành nghề vẫn theo sát họ, quan tâm và phù hộ cho họ phát triển nghề nghiệp, hành nghề phát đạt.

Lễ hội, giỗ tổ, tôn vinh nghệ nhân là nét văn hóa của Thăng Long - Hà Nội cùng nhiều địa phương trong cả nước, khi những người nông dân chuyên cần lúa nước chuyển một bộ phận sang nghề thủ công, canh cửi, chăn tằm, dệt vải, đan lát, làm đồ gia dụng.

Trong đó có những làng nghề nổi tiếng như dệt lĩnh ở Trích Sài, Võng Thị, làm giấy ở Nghĩa Đô, Hồ Khẩu, kim hoàn Định Công, sơn Đông Mỹ, đúc đồng Ngũ Xã... Cùng với một số làng nghề vốn có của Thăng Long, một số nghề của các tỉnh khác sau này sáp nhập về Hà Nội như Kiêu Kị, Bát Tràng, Triều Khúc, Vân Canh... đã có thêm nhiều sản phẩm và mẫu mã mới.

Theo quan niệm dân gian, tổ nghề không chỉ là người khai sáng cơ nghiệp mà còn là động lực, là niềm tin giúp con cháu gìn giữ cái vốn nghề "cha truyền con nối", gìn giữ một giá trị nhân văn cao quý. Trong một năm, lễ cúng tổ nghề quan trọng nhất là nhằm vào ngày kị nhật của vị tổ nghề.

Thờ phụng tổ nghề, người ta cầu mong Ngài phù hộ cho công việc được suôn sẻ, buôn may bán đắt hoặc lúc đi xa tránh được mọi sự rủi ro. Sau khi công việc có kết quả, người ta làm lễ tạ ơn. Nhiều nơi, ngày kị nhật tổ nghề tại các phường còn gọi là ngày giỗ phường.

Những năm qua, Việt Nam đã có những chính sách tôn vinh nghệ nhân như tặng danh hiệu nghệ nhân cho các nghề: Nghệ nhân Nguyễn Viết Lâm nghề gò đồng, nghệ nhân Nguyễn Song Hỷ, Nguyễn Thị Dằng nghề nón thúng quai thao, nghệ nhân Lâm Tuyết nghề quạt, nghệ nhân Nguyễn Mão nghề dát quỳ, nghệ nhân Đào Văn Bôi nghề chạm khắc gỗ, nghệ nhân Lê Văn Cam nghề gốm Bát Tràng, nghệ nhân Mai Hạnh nghề hoa giả...

Hành trình 4 năm

Ngày 9/12/2009, tại TP HCM, Vietbooks đã tổ chức họp báo về Hành trình tìm kiếm tổ nghề Việt Nam. Ông Lê Trần Trường An cho biết: "Ở Việt Nam và trên thế giới, có rất nhiều người không biết tổ nghề của mình là ai. Bởi vết trầm tích thời gian đã phủ mờ nhiều ký ức, bởi cuộc sống mưu sinh hối hả, nhọc nhằn cuốn con người trôi đi với những lo toan bất tận, bởi không có điều kiện tiếp cận, tìm hiểu thông tin...

Đó là cơ sở và sự cần thiết để Hành trình tìm kiếm tổ nghề và các nhà sáng nghiệp của Việt Nam và trên thế giới ra đời, do Vietbooks phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam (VIETKINGS), Trung tâm Dữ liệu CEO và các hiệp hội, hội ngành nghề thực hiện nhằm mục đích tôn vinh các ngành nghề và tưởng nhớ, tri ân các tổ nghề ở Việt Nam. Vietbooks đã công bố hơn 100 người được cho là những vị tổ nghề Việt Nam.

Giai đoạn cuối của "Hành trình tìm kiếm tổ nghề và các nhà sáng nghiệp của Việt Nam và trên thế giới", từ những thông tin, hình ảnh thu thập sẽ được thiết thực hóa bằng việc đầu tư xây dựng đình thờ các tổ nghề. Dự kiến, đây sẽ là nơi tôn kính, thờ các vị tổ nghề, gồm những tổ nghề của các phường nghề, làng nghề truyền thống của 63 tỉnh, thành, đình thờ các tổ nghề còn như một "bảo tàng" nghề nghiệp đầu tiên tại Việt Nam.

Ngoài việc tập hợp các hình ảnh, thông tin tư liệu, bài viết giới thiệu, địa danh thờ cúng các tổ nghề, nơi đây còn có các khu trưng bày, triển lãm giới thiệu sản phẩm và giới thiệu lịch sử các ngành nghề. Đình thờ các tổ nghề trong tương lai sẽ là nơi tổ chức nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng giàu ý nghĩa, để tưởng nhớ công lao của các tổ nghề.

Những người đang theo đuổi các ngành nghề trong xã hội có thể đến đây tìm hiểu lịch sử nghề và tỏ lòng biết ơn những vị tổ đã sáng lập nên nghề nghiệp của họ. Theo dự kiến, Đình thờ Tổ nghề Việt Nam sẽ được xây dựng với quy mô lớn tại cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) và một tỉnh thành phía Nam. Hành trình tìm kiếm tổ nghề sẽ được kết thúc vào năm 2014.

Cho đến nay, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội Dạy nghề Việt Nam đã đồng ý bảo trợ cho Hành trình tìm kiếm tổ nghề Việt Nam. Theo thông tin chúng tôi có được, từ ngày 15/1/2010, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV9) sẽ bắt đầu phát sóng chương trình giới thiệu tổ nghề Việt Nam...

T.Yên
.
.