Điện ảnh Việt Nam trước “cơn lốc” hội nhập: Bình tâm định vị lại mình

Thứ Năm, 27/09/2018, 14:49
Mỗi năm, Việt Nam có vài chục phim truyện điện ảnh được sản xuất, thậm chí là trên dưới 40 phim/ năm. Đây là tín hiệu vui khi điện ảnh đã ít dần sự “ủ ấm” từ cơ chế bao cấp.

Không ít người Việt cũng từng vui mừng khi những phim “bom tấn”, ồn ào phát hành, ồn ào doanh thu phòng vé được nhập về, thậm chí chiếu song song với nước sở tại, các thị trường điện ảnh lớn trên thế giới. Thế nhưng, nhiều người gắn bó với điện ảnh Việt, kể cả giới phê bình và người quản lý lại không hẳn quá lạc quan. Vì sao?

Nhiều nhưng đa số là “thức ăn nhanh”

Tại “mùa” Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội 2018, đến sát thời điểm Liên hoan chính thức diễn ra, ban tổ chức vẫn mỏi mòn chờ tác phẩm có chất lượng tạm đủ để tự hào đề cử trình chiếu, tranh giải với bạn bè. Điều đáng nói, Liên hoan này được tổ chức 2 năm 1 lần, không phải là giải thưởng thường niên.

Trao đổi trước thềm Liên hoan, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh chia sẻ rất thẳng thắn rằng, nếu xét trên bình diện chung với các nước trong khu vực, mức độ phát triển điện ảnh Việt không quá thấp. Nhưng, bà Lan cũng thừa nhận, dù đã rất nỗ lực và mong ngóng nhưng có lẽ, mùa giải này, điện ảnh Việt mới chỉ có 1 phim truyện điện ảnh khả dĩ đủ điều kiện để ít nhiều tự tin đưa ra “khoe” với bạn bè quốc tế. Phim ngắn, hoạt hình có chất lượng thì có nhiều hơn, khoảng 7 đến 8 phim.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam.

Với phim ngoại nhập, cũng theo nhận định của bà Ngô Phương Lan, hiện nay số lượng phim nhập về Việt Nam mỗi năm rất nhiều, có vài trăm, thậm chí cả ngàn phim. Nhà báo có thể được mời đi ra mắt phim nọ phim kia và khán giả Hà Nội có phim mới để xem quanh năm nhưng về cơ bản, đó chỉ là các phim chiếu thương mại. Trong đó, phim Mỹ rất nhiều, chiếm hơn 50% đến 60%. Nếu chỉ trông vào phát hành phim thì khó có cơ hội tiếp cận các nền tảng điện ảnh khác vì các nhà phát hành hiện nay chỉ tập trung cho phim Mỹ, phim Hàn Quốc, Trung Quốc. Nhiều tác phẩm điện ảnh đặc sắc của các quốc gia khác, không phải ai trong đời cũng có cơ hội được xem.

Nhưng, chỉ với riêng Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội năm 2018, khán giả và kể cả các nhà báo có cơ hội được thưởng lãm 50 “sắc thái điện ảnh” của 50 quốc gia. Tất nhiên, để có cơ hội như thế này, ban tổ chức đã phải nỗ lực rất nhiều và có thể gọi là một bước tiến ít nhiều có tính đột phá trong xây dựng thương hiệu cho Liên hoan phim.

Cụ thể, nếu năm 2012, trong lần tổ chức đầu tiên, ban tổ chức chỉ dám mơ ước có một phim đoạt giải Oscar hay Cành cọ vàng để chiếu và thực tế là đã có phim được chiếu mà khán giả ngồi chật kín cả lối đi thì mùa giải năm nay, trong số khoảng 500 tác phẩm gửi về, có rất nhiều phim đoạt giải thưởng danh giá của quốc tế, kể cả phim đoạt giải Oscar, Cành cọ vàng qua các năm, kể cả phim vừa đạt giải cao năm 2018. Và, cái giá phải trả là tiền bản quyền phim rất cao.

Có những phim của Iran đã làm từ vài chục năm trước, đến nay vẫn “đắt khủng khiếp”, ít nhất là gấp 2 đến 3 lần so với thông thường. Dù đã nỗ lực rất nhiều trong huy động xã hội hóa, thậm chí phần kinh phí từ xã hội hóa còn cao hơn cả kinh phí từ ngân sách Nhà nước nhưng ngay cả một người làm quản lý kiêm phê bình điện ảnh như Cục trưởng Cục Điện ảnh cũng đành tiếc nuối buông bỏ vì kinh phí chưa đủ đáp ứng như mong muốn.

Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội năm 2017.

Thực tế, chúng ta có thể tự an ủi, nếu phim Việt Nam không có giải thưởng cũng là chuyện bình thường. Bởi lẽ, ngay các quốc gia có nền điện ảnh lớn mạnh nhất nhì thế giới, tổ chức được những giải thưởng điện ảnh danh giá với “tuổi đời hàng trăm năm như Oscar, Cannes, không phải năm nào họ cũng có phim đoạt giải cao. Nhưng cũng không thể phủ nhận, đã đưa phim đi dự thi, quốc gia nào, người làm phim, nhà sản xuất nào cũng mong có giải thưởng mang về. Nếu từ khâu tuyển chọn tác phẩm để trình chiếu, tranh giải đã không đủ tự tin, rõ ràng, thì đây là câu chuyện đáng buồn cho điện ảnh Việt.

Một thực tế khác, cũng buồn không kém, đó là tại các liên hoan phim, trong đó mùa giải năm 2018 của Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, mặc dù ban tổ chức đã nỗ lực mang đến cho người xem, đầu tiên là ưu ái dành những suất chiếu đầu tiên, những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao về mặt chuyên môn, từng được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng điện ảnh lớn của các nước nhưng phần nhiều những suất chiếu như thế, rất ít nhà báo, những người theo dõi, viết bài về mảng điện ảnh đến xem.

Cần thêm nhiều sự đồng hành

Có thể có nhiều lý do để giải thích cho tình trạng nói trên. Với khán giả, kể cả người làm truyền thông, phim mang tính giải trí, thương mại cũng giống như món ăn nhanh, dù đôi khi biết là có thể không hẳn tốt cho sức khỏe nhưng vì dễ xem, dễ tiếp cận nên vẫn ưu ái lựa chọn hơn các phim nghiêng về tính học thuật.

Ngay với các nhà sản xuất phim Việt cũng vậy. Khi các hãng phim tư nhân luôn phải đối diện với bài toán doanh thu, họ khó dám mạo hiểm đầu tư cho những sản phẩm điện ảnh kén người xem. Vì vậy, việc họ quan tâm đầu tư cho phim chiếu thương mại là tất yếu.

Các phim do Nhà nước đặt hàng là khu vực thường có tác phẩm hội tụ nhiều điều kiện để tranh giải thì vài năm gần đây hoàn toàn vắng bóng. Ngay cánh chim đầu đàn của điện ảnh Việt và từng là niềm tự hào của người làm nghề là Hãng phim truyện Việt Nam đã mất dần vị thế, chao đảo và rơi vào nguy cơ biến mất vĩnh viễn trên bản đồ điện ảnh nước nhà nếu câu chuyện cổ phần hóa hãng phim không được can thiệp kịp thời.

Phim “Quả bóng trắng” – tác phẩm điện ảnh được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng quốc tế được trình chiếu sớm cho báo chí trước thềm Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội nhưng ít phóng viên xem.

Dư luận từng dậy sóng, đặc biệt là những người yêu mến điện ảnh cách mạng đã không thể không bức xúc, không thể không đồng cảm trước những lá đơn tố cáo đẫm nước mắt và đầy sự tức giận của các nghệ sĩ gạo cội của điện ảnh nước nhà.

Nhưng, hẳn nhiều người cũng sẽ giật mình, khi kết luận Thanh tra Chính phủ vừa công bố cuối ngày 20-9 cho thấy, hãng phim có uy tín lâu năm, được giao sử dụng nhiều khu “đất vàng” nhưng cho thuê nhà đất trái phép và vẫn thua lỗ triền miên. Riêng tiền nợ thuế đất, tính đến ngày 30-9-2017 lên đến trên 21 tỷ 770 triệu đồng.

Có một thực tế là không riêng gì Hãng phim truyện Việt Nam, tình trạng những đơn vị nghệ thuật công lập, được bao cấp hoàn toàn trong một thời gian dài được ví von một cách hài hước như “những đứa trẻ nuôi mãi không lớn” khá phổ biến.

Cũng không thể phủ nhận những đóng góp, tâm huyết, tài năng của các nghệ sĩ, đặc biệt là những gương mặt lão luyện trong nghề. Nhưng, nghệ sĩ tài năng thì có vẻ như không rành rọt về những việc thuộc sự vụ hành chính, tiền bạc. Khi những lùm xùm quanh hãng phim vỡ lở, số đông công chúng có thể giật mình trước các thông tin nghệ sĩ chỉ níu vào hãng phim như một điểm tựa tinh thần là chính.

Thu nhập chính là nhờ công việc làm bên ngoài. Điều này cũng đồng nghĩa, họ không phải không đủ tài để xoay sở kiếm sống. Nhiều người còn không ngần ngại bày tỏ, họ trông mong vào cổ phần như một cứu cánh, là cơ hội để đổi thay, để được tận tâm tận lực sống chết với nghề mà vẫn sống được bằng nghề. Nhưng, thực tế đã không như kỳ vọng.

Khi tranh cãi giữa các nghệ sĩ và ông chủ mới của hãng phim bùng nổ, dư luận cũng hoang mang. Việc cổ phần hóa với đầy đủ những ban bệ, thành phần như thế. Đội ngũ thực hiện viện dẫn đủ các văn bản, khẳng định quy trình thực hiện cổ phần đúng, đủ đến như thế. Vì sao những nghệ sĩ có tiếng là lành hiền lại nổi giận bức xúc? Nhà đầu tư mới cũng đùng đùng nổi giận như thế?

Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ, không chỉ có lãnh đạo hãng phim vi phạm về quản lý sử dụng đất đai mà hoạt động thực hiện cổ phần hóa cũng có những sai sót. Việc ban hành kế hoạch và thực hiện cổ phần hóa sau một năm, lựa chọn đơn vị tư vấn không đảm bảo tiến độ theo kế hoạch, không lựa chọn đơn vị tư vấn định giá doanh nghiệp, tư vấn cổ phần hóa… đều chạm đúng các điểm yếu huyệt của người nghệ sĩ – những người thường mù mờ về tài chính.

Câu chuyện ở hãng phim là một câu chuyện buồn cho những người làm điện ảnh nước nhà. Mặc dù kết luận của thanh tra cũng đã chỉ ra khá rõ các biện pháp xử lý về cả mặt kinh tế lẫn hành chính, yêu cần Ban chỉ đạo cổ phần hóa hãng phim truyện Việt Nam điều chỉnh lại giá trị doanh nghiệp thời điểm chính thức chuyển sang cổ phần, xử lý trưởng ban, các thành viên có liên quan của Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Ban chỉ đạo, tổ giúp việc cổ phần hóa hãng phim, người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu Hãng phim truyện Việt Nam thời kỳ để xảy ra sai phạm.

Tuy nhiên, những lỗi chỉ ra nói trên của Thanh tra Chính phủ suy cho cùng cũng chỉ là hậu quả của một thời gian dài bị đình trệ về cơ chế quản lý của đơn vị này và chịu ảnh hưởng bởi cung cách quản lý như thế, không hẳn chỉ riêng Hãng phim truyện Việt Nam.

Bởi, nói như chính các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam và chia sẻ của nhiều nghệ sĩ từng được “ủ ấm” bởi cơ chế bao cấp từ vài chục năm nay thì điều cần thiết với họ hơn cả không chỉ là tài chính. Khoảng trống mà người nghệ sĩ cần là sự đồng hành cần thiết để họ yên tâm tập trung, nỗ lực cống hiến trên con đường hoạt động.

Đó không phải là cách bao cấp hoàn toàn kiểu cũ mà là một cơ chế hỗ trợ linh hoạt mà sự hỗ trợ không nhất thiết là tài chính. Và, ngay cả câu chuyện hỗ trợ kinh phí hoạt động thì, như cách nói vui của nhiều nghệ sĩ là cũng cần “nuôi” một cách thông minh hơn, chặt chẽ hơn và hướng đến sự độc lập, tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn.

Minh Hà
.
.