Điện ảnh Việt thiếu kịch bản: Vẫn câu chuyện dài và... nhiều tập!

Thứ Ba, 29/09/2020, 15:16
Thiếu kịch bản hay, mới lạ, hấp dẫn, sâu sắc về nội dung tư tưởng, mang dấu ấn bản sắc dân tộc vẫn đang là một trong những “nút thắt” của điện ảnh Việt. Nhưng, dường như, đến thời điểm hiện tại, cả nhà quản lý lẫn người làm điện ảnh Việt vẫn chưa tìm được giải pháp giải quyết triệt để vấn đề này.


Nhiều trăn trở

“Kịch bản là bước đầu tiên trong quá trình sáng tạo của một tác phẩm điện ảnh, một bộ phim hay phải bắt đầu từ một kịch bản có ý tưởng, nội dung hay. Nhưng, trong rất nhiều cái khó của điện ảnh Việt Nam hiện nay đang có một khó khăn đó là thiếu kịch bản phim truyện hay, độc đáo. Sự thiếu hụt này đã đến mức báo động.

Thực tế gần đây, một số đơn vị sản xuất phải đi lấy cốt truyện, kịch bản phim của nước ngoài rồi Việt hóa thành kịch bản phim của Việt Nam. Đây thực sự là vấn đề đáng ngại.

Phát động thi sáng tác vẫn là một trong số hình thức “ăn đong” kịch bản phim của điện ảnh Việt.

Có phải chăng là chúng ta thiếu lực lượng nhà biên kịch điện ảnh, hay chúng ta thiếu những nhà biên kịch giỏi, thiếu những nhà sản xuất có “con mắt xanh” để phát hiện ra những kịch bản hay, hấp dẫn, là tiền đề để có được những bộ phim hay, sâu sắc về nội dung tư tưởng, hấp dẫn khán giả? 

Câu hỏi này chắc sẽ còn ám ảnh những người làm điện ảnh và yêu điện ảnh Việt Nam trong một thời gian nữa!”. Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành đã thừa nhận mới đây khi đề cập về câu chuyện kịch bản cho phim truyện điện ảnh Việt.

Tuy nhiên, cũng theo ông Vi Kiến Thành, ngay cả với Cục Điện ảnh thì số kỳ cuộc, hoạt động nhằm tìm kiếm nguồn kịch bản cho điện ảnh lâu nay vẫn rất ít ỏi. Trừ cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020”, nếu tính từ năm 2010 đến nay thì Cục mới tổ chức được 2 hoạt động.

Trong đó, cuộc thi sáng tác kịch bản phục vụ sự kiện cho kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội vào năm 2010 đã chọn kịch bản “Long thành cầm giả ca” để trao giải Nhất. Kịch bản này sau đó đã được đưa vào sản xuất phim ngay sau đó theo hình thức phim Nhà nước đặt hàng.

Ngoài ra có 3 kịch bản từ cuộc thi này cũng được chọn, sản xuất phim là: “Những người viết huyền thoại”, “Nhà tiên tri”, “Nhìn ra biển cả”. Năm 2015, Cục tổ chức trại sáng tác kịch bản, nhận được 13 kịch bản, trong đó có 1 kịch bản được chọn đưa vào sản xuất là “Người yêu ơi” của tác giả Đỗ Bích Thúy. Dự án này được giao cho Hãng Phim truyện Việt Nam triển khai thực hiện. Đến nay, dự án này chưa thực hiện được vì những tranh cãi trong quá trình cổ phần hóa hãng phim.

Năm 2019-2020, Cục đầu tư chiều sâu cho một số kịch bản và có được 7 kịch bản phim truyện, trong đó có 2 kịch bản được đưa vào kế hoạch sản xuất năm 2021. Đó là “Hồng Hà nữ sĩ” - phim về danh nhân Đoàn Thị Điểm và “Phơi sáng” - phim về đề tài chống tham nhũng. Nhưng, để đáp ứng đúng nhu cầu thực tế, những đòi hỏi để phát triển một nền điện ảnh thì các hoạt động của Cục Điện ảnh đối với vấn đề kịch bản rất ít.

Về vấn đề này, nhà biên kịch Thanh Nhã còn cho rằng, ngay cả việc tổ chức các cuộc thi và gần nhất và cuộc thi “Sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh năm 2020” của Cục Điện ảnh cũng đang có những khúc mắc. Mặc dù ban tổ chức đã “ra đề” có vẻ rất hay là tìm kiếm kịch bản có đề tài và nội dung hướng đến các giá trị nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt, khái quát được những vấn đề của xã hội đương đại, có những phát hiện độc đáo về cuộc sống và con người...

Nhưng, mục tiêu của cuộc thi vẫn là tìm kiếm kịch bản tạo nguồn kịch bản cho kế hoạch sản xuất phim truyện phục vụ nhiệm vụ chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước trong giai đoạn 2021-2025. Lâu nay, ngay cả giới biên kịch cũng đã mặc định, phim do Nhà nước đặt hàng, phim phục vụ chính trị và kỷ niệm các ngày lễ lớn phải là phim phục vụ tuyên truyền, thường là về chiến tranh cách mạng. Vì vậy, các biên kịch như chị không thể không băn khoăn, cuộc thi chưa thể thực sự “mở” như nội dung đề ra và sẽ có những ngại ngần khi sáng tác.

Cũng theo nhà biên kịch Thanh Nhã thì một vấn đề khác khiến không ít biên kịch “ngại” là hội đồng giám khảo. Biên kịch rất sợ hội đồng mà cái gì cũng nói là nhạy cảm, không dám đưa vào. Vì phim có vấn đề thì mới hay.

Chưa kể, nếu xét kịch bản mà chỉ xét đề tài tốt mà câu chuyện rất là nhạt thì không thể có phim tốt được. Những kịch bản đặt ra các vấn đề mạnh mẽ, dựng phim thuyết phục nhưng bị cho là nhạy cảm thì người ta lại rất sợ. Trong khi đó, phim tốt thì phải đặt ra được vấn đề xã hội. Ngay cả phim về chiến tranh cách mạng cũng thế. Hiện nay, biên kịch như chị vẫn có thể viết về chiến tranh nhưng sau 50 năm thống nhất đất nước, cách nhìn về chiến tranh, vấn đề đặt ra trong phim phải khác so với kịch bản viết cho phim sản xuất thời kỳ còn chiến tranh.

Phim “Sống cùng lịch sử” từng gây tranh cãi khi được Nhà nước đầu tư kinh phí lớn nhưng ra rạp lại vắng khán giả.

Bởi lẽ, sau nhiều chục năm, khi đã có độ lùi thời gian nhất định thì làm phim về chiến tranh cách mạng không thể ca ngợi theo cách cũ. Dù rằng, phim vẫn phải có anh hùng. Nhưng, phim cũng không thể chỉ có ca ngợi một chiều. Nếu ban giám khảo, hội đồng thẩm định còn “sợ” kịch bản đề cập đến những vấn đề gai góc, vấn đề nhạy cảm của đời sống thì sẽ khó có kịch bản hay, phim hay.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng cũng đề nghị, trong thực tế, để chọn kịch bản làm phim thì không thể chỉ dựa vào giá trị học thuật của kịch bản. Có những kịch bản viết rất trau chuốt nhưng không được nhà sản xuất chọn. Có những kịch bản, đạo diễn chỉ dùng được 1/3, thậm chí là 1/4 nhưng vẫn được lựa chọn vì ý tưởng sáng tạo, vấn đề đặt ra mới lạ mà những kịch bản viết “có nghề” lại thiếu những yếu tố này. Ban giám khảo của các cuộc thi sáng tác kịch bản cũng nên linh động, cần thay đổi suy nghĩ, không phải cứ là phim về đề tài chiến tranh cách mạng thì mới là phim phục vụ chính trị.

Hiện nay có rất nhiều vấn đề có thể khai thác làm phim phục vụ chính trị như phim về chống tham nhũng, về biển đảo, kể cả các vấn đề về kinh tế, tình yêu... Nếu vận dụng tốt các vấn đề chính trị xã hội, có những thể tài mới và hay thì vẫn có những kịch bản vừa phục vụ chính trị, vừa đáp ứng nhu cầu của khán giả.

Vẫn là vấn đề đầu tư xứng tầm

Ở một khía cạnh khác, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng còn cho rằng, ngay cả khi có kịch bản hay thì có khi “phim làm cũng chả ra cái gì cả”. Có nhiều lý do dẫn đến tình trạng này và một trong số đó là do tiền làm phim bị các nhà sản xuất cắt xén.

“Tôi là đạo diễn, đã làm nhiều phim, kể cả phim Nhà nước đặt hàng, phim chiến tranh cách mạng hay phim tư nhân. Nhưng, dù là tiền Nhà nước hay tư nhân thì vấn đề là phải quản lý tiền cho tốt. Nếu đã giao phim cho các hãng thì phải đặt ra yêu cầu về chất lượng và cơ chế giám sát. Nếu không, cứ buông bỏ trách nhiệm, làm cho xong trách nhiệm của mình thì sẽ không có phim hay”, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nhấn mạnh.

Cảnh phim “Long thành cầm giả ca”.

Thực tế, vấn đề kinh phí đầu tư làm phim nhưng không hoàn toàn được sử dụng để làm phim đã âm ỉ nhiều năm trở lại đây trong điện ảnh Việt. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, hầu hết người làm nghề đều chọn giải pháp thỏa hiệp và im lặng. Ngay với phim Nhà nước cũng không là ngoại lệ. Đã có thời điểm, dư luận xôn xao trước những bộ phim được đầu tư hàng chục tỷ đồng nhưng chất lượng chưa như kỳ vọng, không thu hút được khán giả đến rạp.

Khi việc cổ phần hóa Hãng Phim truyện Việt Nam gây bức xúc trong nghệ sĩ, Thanh tra Chính phủ vào cuộc, câu chuyện kinh phí Nhà nước đặt hàng làm phim không hoàn toàn được đầu tư để làm phim được biết đến nhiều hơn, rộng hơn. Ngay Cục trưởng Cục Điện ảnh, ông Vi Kiến Thành cũng thừa nhận rằng, ông đã có nghe, có biết chuyện kinh phí Nhà nước đặt hàng làm phim không thực sự để đạo diễn làm phim theo đúng như số tiền mà Bộ Tài chính rót về làm phim.

Lý do là hãng phim dù đã cổ phần hóa rồi nhưng không có nhà đầu tư. Đơn vị vẫn phải trông chờ vào Nhà nước, cụ thể là các phim Nhà nước đặt hàng. Nguồn kinh phí Nhà nước  rót về làm phim bị chia năm xẻ bảy, đơn vị dùng để lo đủ thứ, từ bảo hiểm xã hội cho đến trả lương cho công nhân viên... Đạo diễn luôn nói là do kinh phí như thế này thế kia nên không thể làm khác được nhưng đây là câu chuyện dài của ngành điện ảnh.

Về mở rộng chủ đề, nội dung khi tuyển chọn kịch bản đặt hàng sản xuất phim cũng như mở rộng đề tài hơn khi tổ chức các cuộc thi sáng tác kịch bản phim, ông Vi Kiến Thành cho rằng, ngay cả cơ quan quản lý như Cục Điện ảnh cùng cần có thêm thời gian để điều chỉnh dần.

Hiện nay, Luật Điện ảnh, Nghị quyết 33 về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước luôn nhắc điện ảnh, phim Nhà nước đặt hàng phải là về đề tài chiến tranh cách mạng, văn hóa dân tộc miền núi, lịch sử. Dù muốn hay không thì Cục Điện ảnh cũng khó vượt ra ngoài các nội dung này. Nhưng, Cục cũng đã mở rộng biên độ hơn.

Nếu biên kịch nào vẫn đắm đuối với đề tài về chiến tranh cách mạng, các đề tài được mặc định trong đầu của người làm quản lý điện ảnh thì Cục vẫn rất hoan nghênh. Nhưng, điều này cũng không có nghĩa là các kịch bản đề cập các vấn đề cập nhật hơn, thời đại hơn, đương đại hơn thì không được đón nhận. Tất nhiên, các kịch bản này sẽ phải tuân thủ đúng nguyên tắc là nhân văn, hướng thiện, bản sắc văn hóa Việt.

Riêng cơ chế giám sát đối với kinh phí đầu tư sản xuất phim, cụ thể là phim do Nhà nước đặt hàng, Cục Điện ảnh đã có quy trình và sẽ có một đoàn liên ngành bao gồm nhiều thành viên, trong đó có đại diện của ngành tài chính tham gia để cùng giám sát, kiểm soát tốt hơn.

Minh Hà
.
.