Điều gì đang xảy ra tại Venezuela?

Thứ Ba, 25/12/2018, 17:44
Truyền thông quốc tế dành nhiều sự quan tâm để nhấn mạnh tới những khó khăn mà nhân dân Venezuela đang trải qua, và đổ mọi lỗi lầm cho sự điều hành của Tổng thống Nicolás Maduro. Họ thay nhau đưa ra ý kiến về tình hình Venezuela một cách khá thoải mái.

Nhưng, sự ám ảnh truyền thông đó về đất nước nằm ở phía nam biển Caribe lại lờ đi một tác nhân dẫn tới hoàn cảnh trên: Hành động cấm vận của Mỹ đối với Venezuela. Trang mạng của Trung tâm Nghiên cứu địa chiến lược Mỹ Latinh - celag.org - đã có bài phân tích về việc này.

Thực tế, với Venezuela, không có gì mới mẻ trong việc một chính phủ nỗ lực triển khai chính sách đối nội và đối ngoại độc lập. Điều đó đã diễn ra với Cuba từ hơn 50 năm qua, đã diễn ra với chính phủ tiến bộ của cố Tổng thống Chile Salvador Allende, người ngay từ đầu nhiệm kỳ đã phải xử lý cuộc cấm vận kinh tế quốc tế nhằm đóng băng hoạt động xuất khẩu đồng - tài nguyên mang lại nguồn thu ngoại tệ chủ chốt cho Chile khi đó.

Có một sự liên kết, đó là trong bài diễn văn vào tháng 12-1972 trước Liên Hiệp Quốc, cố Tổng thống Allende đã tố cáo “cuộc bao vây cấm vận tài chính và kinh tế do Mỹ tiến hành”. Và nó cũng giống như những gì mà Tổng thống Nicolás Maduro đã làm, với bài phát biểu tại Hội nghị cấp cao lần thứ 73 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2018 vừa rồi.

Chiến lược này vẫn y hệt: Bao vây về chính trị và kinh tế với các nước “thù địch”, hay nói đúng hơn là áp đặt và che giấu trên các phương tiện truyền thông cuộc bao vây cấm vận và những hậu quả to lớn của nó. Cuba, Chile và bây giờ là Venezuela đều đã hoặc đang phải chịu đựng điều này.

Tuy nhiên, trong mỗi trường hợp, chiến lược cấm vận của người Mỹ lại có biểu hiện và cách thức riêng. Đối với trường hợp của Venezuela hiện tại, đó là cấm vận thông qua các sắc lệnh có phạm vi ngoài lãnh thổ; cấm vận thông qua các tác nhân trung gian; cấm vận thông qua các cơ quan đánh giá rủi ro và cấm vận thông tin qua các tập đoàn truyền thông lớn.

“Mối đe dọa bất thường và ngoại lệ”

Hoạt động cấm vận thông qua các sắc lệnh phạm vi ngoài lãnh thổ của Mỹ đối với Venezuela được chính thức hóa từ ngày 9-3-2015, khi Tổng thống Mỹ Barack Obama ký một sắc lệnh hành pháp tuyên bố Venezuela là “một mối đe dọa bất thường và ngoại lệ”. Nó được mở rộng theo thời gian và khuếch đại dần các hiệu ứng. Đến tháng 5-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump, đáp lại sự kiên định của chính phủ kế nhiệm ông Chávez trong tiến hành bầu cử, đã ban bố lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ cấm các công dân nước này mua lại bất cứ khoản nợ nào của Chính phủ Venezuela, kể cả các khoản tới hạn thanh toán.

Những biện pháp trừng phạt này bao gồm cả Ngân hàng Trung ương và Tập đoàn Dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA). Venezuela không thể sử dụng USD như một đồng tiền quốc tế, cũng không thể đàm phán bất cứ giao dịch quốc tế nào vì cấm vận trên. Điều này bao hàm cả việc thương lượng các khoản nợ nước ngoài, khi đa phần các hợp đồng nợ đều thuộc phạm vi tư pháp của Mỹ.

Và nguy hiểm hơn, theo hướng này, trong những năm qua đa phần hệ thống tài chính quốc tế đã dần hình thành một bộ khung cấm vận hướng vào các hoạt động tài chính của Venezuela. Hợp đồng ủy quyền ngân hàng của Caracas với Citibank, Comerzbank, Deustche Bank... đã bị đơn phương hủy bỏ.

Kể từ tháng 7-2017, đơn vị chịu trách nhiệm thanh toán trái phiếu do PDVSA phát hành, Delaware, cũng thông báo rằng ngân hàng ủy quyền của họ tại Mỹ, PNC Bank, đã từ chối nhận ngân sách do PDVSA chuyển khoản để thực hiện các cam kết tài chính của mình.

Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phát biểu tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc.

“Bắt cóc tài chính”

Mục đích của hình thức cấm vận thông qua các tác nhân trung gian là cản trở bất cứ tác nhân trung gian nào đang có giao dịch với Venezuela, ngăn cản mọi động thái tương tác hay các mối liên hệ của Venezuela với các công ty Mỹ. Nhưng không chỉ có từ Mỹ. Chẳng hạn như Ngân hàng Novo Banco của Bồ Đào Nha đã gửi thông báo vào tháng 8-2017 rằng họ không thể thực hiện được hoạt động bằng đồng USD với các thể chế công của Venezuela do sự ngăn cản của các tác nhân trung gian. Với loại hình cấm vận này, không một tác nhân trung gian thanh toán nào có thể hoạt động và nó gây ra cả những hậu quả nhân đạo to lớn.

Năm 2017, 300.000 liều insulin mà nhà nước Venezuela muốn mua đã không tới được quốc gia Nam Mỹ này do Citibank từ chối vụ mua bán trên. Ngân hàng Mỹ này từ chối nhận chuyển khoản mà Venezuela ủy thác, mặc dù thừa biết nó liên quan đến vấn đề chăm sóc sức khỏe của nước này. Hệ quả là số liều insulin nói trên mắc kẹt tại một hải cảng quốc tế, bất chấp việc Caracas đã trả đủ tiền.

Hay một vụ việc khác, đó là phòng thí nghiệm Colombia BSN Medical (Mỹ) đã ngăn chặn việc chuyển một lô thuốc Primaquina, một nhãn hiệu thuốc ký ninh để trị sốt rét vào Venezuela.

Theo thống kê của celag.org, tổng cộng đã có 23 hoạt động của Venezuela trong hệ thống ngân hàng quốc tế bị trả lại (trong đó có 39 triệu USD mua lương thực, nhu yếu phẩm và thuốc men). Nếu tính từ tháng 11-2017, 1,65 tỷ USD của Venezuela dành để mua lương thực và thuốc men đã bị công ty dịch vụ tài chính Euroclear lưu giữ, một dạng “bắt cóc tài chính” để tuân thủ các lệnh trừng phạt của Bộ Tài chính Mỹ.

Cấm vận qua trung gian không chỉ nhắm vào các hoạt động tài chính mà còn ảnh hưởng tới hoạt động đi lại của người dân Venezuela. Kể từ năm 2014, các hãng hàng không Air Canada, Tiara Air, Alitalia, Gol, Lufthansa, Latam Airlines, Aero Mexico, United Airlines, Avianca, Delta Airlines và Aerolineas Argentinas đã rời bỏ thị trường Venezuela. Ngày càng khó tới được quốc gia Nam Mỹ này hơn qua đường hàng không.

Các hãng lữ hành cũng tham gia vào “cuộc chơi” ngày càng đông đúc này. 15 vận động viên quyền Anh của Venezuela đã không thể trình diện trong sự kiện vòng loại Đại hội thể thao Trung Mỹ và Caribe 2018 vừa qua do không thể đạt được thỏa thuận với các hãng lữ hành. Các đơn vị này đã đặt ra những hạn chế hoặc tăng giá khi biết khách hàng của họ là người của Liên đoàn quyền Anh Venezuela. Giá đã tăng từ 300 lên 2.100 USD mỗi người như một cách từ chối khéo.

Một gia đình ở Venezuela đang gặp khó khăn tại biên giới.

Thậm chí, khi xuất hiện một nhân vật dùng tư cách cá nhân để thuê một chuyến bay chở riêng đội tuyển này, tới lượt Colombia và Panama từ chối cho sử dụng không phận của mình và sau đó Mexico cũng đưa ra quyết định tương tự. Điều này đã diễn ra trước đó với đội tuyển bóng chuyền nữ của Venezuela. Cũng năm 2018, Guatemala đã từ chối cấp thị thực cho đội tuyển bóng bầu dục của Venezuela để tham dự Đại hội Nam Mỹ mở rộng.

Những hoạt động mang tính văn hóa của Venezuela cũng “chịu chung số phận”. Đầu năm 2018, Ngân hàng Intensa Sanpaolo của Italy đã khóa hoạt động chuyển khoản cho việc tham dự trưng bày của gian hàng Venezuela tại Liên hoan Kiến trúc Venice lần thứ XVI. Bộ trưởng Văn hóa Venezuela Ernesto Villegas, người cuối cùng cũng phá được vòng kìm hãm đó sau nhiều tố cáo và vận động nhọc nhằn, đã gọi đây là “tội ác văn hóa”.

Không chỉ những hoạt động mang tính đại diện quốc gia của các nghệ sĩ và vận động viên Venezuela ra nước ngoài bị cản trở mà ở chiều ngược lại cũng vậy: Các nghệ sĩ và vận động viên thể thao từ nước khác cũng bị từ chối hoặc cản trở tới Venezuela, như trường hợp của ca sĩ người Panama Miguel Bosé và nhà văn Peru Jaime Bayly.

Chiến dịch tẩy chay văn hóa và thể thao này có vẻ rất “hiệu quả” trong việc tạo ra trong công luận thế giới sự định hướng theo hướng tiêu cực cho Venezuela bởi mức độ nổi tiếng của các nhân vật liên quan. Đó là các ca sỹ Alejandro Sanz, Gloria Estefan, diễn viên Kevin Spacey hay vận động viên bóng chày Francisco Cervelli. Nó góp phần tạo ra một làn sóng tiêu cực về đất nước Nam Mỹ này trong bối cảnh bị bao vây tứ phía.

Những đánh giá thiên lệch

Hình thái cấm vận thứ ba được thể hiện qua những đánh giá, xếp hạng thiên lệch và bất công của các cơ quan đánh giá rủi ro. Chỉ số rủi ro đối với Venezuela là không hề thích hợp nếu quan sát việc Caracas tuân thủ các cam kết thanh toán nợ nước ngoài. Trong vòng 4 năm qua, quốc gia nhiều dầu mỏ này đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính của mình với việc giải ngân 73,35 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ số rủi ro của Venezuela vẫn tăng đều đặn.

Như nhà kinh tế Alfredo Serrano đã chỉ ra “trong 14 năm qua, đã có 32 tháng chỉ số rủi ro quốc gia của Venezuela bị đẩy cao, thậm chí trong cả những thời điểm giá dầu thô tăng giá trên thị trường quốc tế. Hiện tại chỉ số rủi ro quốc gia mà JP Morgan (EMBI+) dành cho Venezuela đã ở mức 4.280 điểm, cao gấp 38 lần chỉ số tương tự của họ dành cho Chile, trong khi tỷ lệ nợ công/GDP của hai nước ở mức tương đương nhau. Tất cả những điều này ngăn cản Caracas đạt được bất kỳ khoản tín dụng nào”.

Theo phân tích đánh giá của celag.org, 3 loại hình cấm vận trên mang đậm màu sắc cay độc và những nghịch lý: trong khi một mặt, truyền thông có định hướng tố cáo “nạn đói và khủng hoảng nhân đạo” tại Venezuela thì mặt khác, theo những hành động có sự phối hợp rõ ràng, nhiều nước và thể chế thân Mỹ lại có hành động ngăn cản các lô hàng lượng thực và thuốc men tới quốc gia Nam Mỹ này, bất chấp việc Venezuela chi trả đầy đủ. Và có một nghịch lý là, khi Venezuela càng tuân thủ nghiêm ngặt các cam kết thanh toán nợ nước ngoài của mình, chỉ số rủi ro của họ lại càng tăng.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Venezuela (PDVSA) liên tục sụt giảm sản lượng do các biện pháp cấm vận của Mỹ.

Cuộc “bao vây ồn ào”

Cũng theo phân tích của celag.org thì đó là một sự đảo ngược thực tiễn thô bạo. Nhưng cho dù chúng có thô thiển đến mức nào thì nó vẫn được thực hiện nhờ vào hình thức cấm vận cuối cùng: cấm vận về thông tin và truyền thông. Bản thân loại hình cấm vận này có vẻ như mang trong nó một nghịch lý: Venezuela là quốc gia được nhắc tới nhiều nhất trên các tập đoàn truyền thông quốc tế. Đây là cuộc bao vây ồn ào, khác biệt với những cuộc bao vây im lặng trước đây như đối với các hoạt động tra tấn của Mỹ tại nhà tù Guantanamo, các cuộc thảm sát tại Yemen và Palestine hay những vụ ám sát nhà báo thường xuyên tại Mexico. Mà trái ngược lại, với Venezuela luôn có sự bao phủ thông tin một cách cặn kẽ, liên tục theo lộ trình gồm toàn những bê bối và các ngôn từ miệt thị.

Celag.org đưa ra thống kê: Năm 2017, trong số 90 phương tiện truyền thông phổ biến của Mỹ, đã có 3.880 tin tức tiêu cực về đất nước Venezuela. Nói cách khác, trung bình 11 tin/ngày, dẫn đầu là Bloomberg và Miami Herald. Về các hãng thông tấn, Reuters và AFP cùng nhau đưa tới 91% những thông tin tiêu cực về quốc gia Nam Mỹ này.

Trong các báo viết, nhật báo El País (Đất nước) của Tây Ban Nha đi đầu với 249 thông tin tiêu cực trong số 365 số báo của họ năm 2017, gần như là chuyên mục “mỗi ngày một tin xấu” về đất nước bên bờ Caribe này.

Thậm chí, celag.org còn dùng từ “thái quá” để nói về tập đoàn truyền thông Deutsche Welle (DW) của Đức: Có tổng cộng 630 thông tin tiêu cực xuất bản trên các ấn phẩm khác nhau của tập đoàn này về Tổng thống Nicolás Maduro trong năm 2017, tức là trung bình gần 2 tin/ngày.

Trong khối Mỹ Latinh, các phương tiện truyền thông của Mexico, Colombia và Chile được liệt kê là những đơn vị “tích cực đưa tin tiêu cực” nhất về Venezuela. Và cả 3 nước này đều là thành viên của Liên minh Thái Bình Dương và Nhóm Lima.

Và một điều đặc biệt mà celag.org đã chỉ ra, đó là trong khối lượng thông tin đồ sộ kể trên, không có một dòng nào nói về cuộc cấm vận của Mỹ chống Venezuela!

Cuộc bao vây truyền thông tạo ra những ồn ào lớn, đồng thời che khuất cả hành động cấm vận của Mỹ và át đi tiếng nói của nhân dân Venezuela. Phần lớn những thông tin về Venezuela mà bạn đọc nhận được từ hệ thống thông tin một chiều đang thống trị giới báo chí thời gian qua, đều theo hướng tạo ra một cái nhìn méo mó về thực tiễn của quốc gia này. Hãy để số phận đất nước Venezuela cho người dân Venezuela quyết định!

Thao Nguyễn (theo celag.org)
.
.