Đội đặc nhiệm tìm sâm quý của Vua Gia Long

Thứ Bảy, 20/08/2016, 13:15
Năm 1802, sau khi bình định được nhà Tây Sơn và lập nên vương triều Nguyễn nối dài qua 13 đời vua với gần 150 năm trị vì, chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua, lấy niên hiệu Gia Long. Trong những năm đầu trị vì, để xây dựng kinh thành và chi dùng trong hoàng cung, vua Gia Long đã lập nên nhiều đội quân... lạ, ăn lộc vua, chuyên làm các nhiệm vụ săn thú dữ, ngậm ngải tìm trầm, săn tìm sản vật đại dương...

Một trong những "đội quân lạ" đó là đội Thái Sâm, chuyên luồn rừng tìm sâm quý tiến cống triều đình. Đặc biệt, đội quân này được VUA Gia Long thành lập chỉ hơn 1 tháng trước khi ông trở thành người thiên cổ!

Trong suốt cuộc đời, Minh Mạng -  vị vua nổi tiếng có đông con nhất trong 13 đời vua Nguyễn với 142 hoàng nam và hoàng nữ chỉ hai lần ban sâm cho đại thần. Lần ban sâm đầu tiên được chính sử triều Nguyễn ghi nhận diễn ra vào năm vua Minh Mạng thứ 14 (1833).

Vua Gia Long (trái) và con trai ông - Vua Minh Mạng.

Tổng đốc quân đạo vụ Ninh Bình Tạ Quang Cự cùng Tham tán Hoàng Đăng Thận nhận lệnh vua Minh Mạng dẹp loạn thổ phỉ ở nơi hiểm trở, không từ khó nhọc, xông pha khí độc núi rừng liên tục lập đại công: "…. đến thẳng Sơn Âm, Thạch Bi đập tan sào huyệt của giặc, thổ phỉ cả thảy đều chạy trốn, nay lại bắt sống được đầu sỏ giặc là Lê Duy Lương, Lê Huy Nhiên giải về Kinh để trừng trị".

Vua đã thưởng cho Tạ Quang Cự 1 nhẫn đeo tay bằng vàng khảm 3 hạt kim cương to bằng hạt đậu, cùng đó là 1 chỉ nhân sâm Quan Đông, 2 chỉ nhân sâm Cao Ly thượng hạng. Tham tán Hoàng Đăng Thận, được thưởng 1 nhẫn đeo tay nạm 1 viên kim cương cùng 2 chỉ nhân sâm Cao Ly thượng hạng.

Hai năm sau đại thần được hưởng đặc ân ban sâm là Tham tán Nguyễn Xuân cùng tổng đốc trấn An Giang - Hà Tiên, tướng Trương Minh Giảng. Sự kiện này diễn ra vào năm 1834.

Chỉ dụ vua ban ghi, nhận được biểu tấu của Tham tán Nguyễn Xuân báo tin thắng trận lớn khi đuổi đánh giặc Tiêm (Xiêm), vua mừng rỡ và quyết định thưởng hậu: "Người có công bực đầu là Nguyễn Xuân cho tấn phong tước Tân Khánh bá, lại thăng chức Đô thống, trật tòng nhất phẩm, vẫn lĩnh chức Tổng đốc Vĩnh Long - Định Tường, lại thưởng 1 chỉ nhân sâm cống phẩm Quan Đông, 2 chỉ nhân sâm Cao Ly của vua dùng, và 3 đồng tiền bằng vàng có 2 con rồng hạng nhỏ, 1 chiếc đồng hồ Tây dương, 1 chiếc nhẫn đeo tay bằng vàng nạm ngọc kim cương to bằng hạt đậu trắng".

Trương Minh Giảng cũng được tấn phong chức tước, ban tiền vàng, nhẫn ngọc… cùng nhân sâm với số lượng tương tự!

Theo ghi nhận của chính sử triều Nguyễn, tính từ khi lên ngôi vua (1820) đến năm trị vì cuối cùng (1840, năm Minh Mạng thứ 21), vua Minh Mạng có gần 120 lần ban thưởng cho các trọng thần, tướng lĩnh trận tiền lập công trong việc dẹp giặc. Nhưng số lần mà ông ban sâm chỉ có 2 lần kể trên. Vua Gia Long trong 18 năm trị vì thì chưa có lấy một lần ban sâm. Vua Gia Long chỉ ban tiền, đãi yến tiệc, cấp ruộng, ban chức tước, vàng bạc, phẩm phục cho quan quân để "đền đáp công lao đặc biệt".

Thời Nguyễn, hiếm khi Vua ban sâm cho các đại thần vì sâm vô cùng quý hiếm.

Thời bấy giờ, sâm còn quý hơn cả tổ yến. Nguồn sâm mà triều đình Minh Mạng ban thưởng cho quân thần là sâm Quan Đông (Trung Quốc) và Cao Ly (Triều Tiên), không hề có bóng dáng của sâm có nguồn gốc Đại Việt. Qua nghiên cứu các vị thuốc mà Thái y Viện triều Nguyễn sử dụng chốn hoàng cung, cũng như các phương thang Ngự dược qua các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức…, người viết không ghi nhận bất kỳ sự hiện diện, cũng như thông tin của loại sâm quý nào được khai thác trên lãnh thổ Việt Nam.

Theo cách tính của ngành y học cổ truyền, 1 chỉ tương đương với 4 gam.  Hai lần ban sâm của vua Minh Mạng, người nhận nhiều nhất cũng chỉ ngoài 10 gam, chứng tỏ nhân sâm quý hiếm và giá trị vô ngần. Về điều này, lương y Lê Văn Quốc Dinh (Phòng khám nhân đạo huyện Tri Tôn - Hội Chữ thập đỏ tỉnh An Giang) phân tích: "Sâm ngày xưa là sâm tự nhiên, giá trị ngời ngời, tìm kiếm khó khăn nên quý hiếm và giá trị. Còn bây giờ, người ta trồng đại trà, sâm lớn nhanh bằng chất kích thích tăng trưởng, chưa kể bị rút chất, nhiễm chất độc do quá trình sấy bằng lưu huỳnh, nên nhiều và tầm thường là vậy".

Phóng viên Chuyên đề An ninh thế giới trước lối vào lăng mộ Vua Gia Long.

Trở lại chuyện lập "đội đặc nhiệm" tìm sâm quý của vua Gia Long. Tháng 11 năm Kỷ Mão (năm Gia Long thứ 18 - 1819), đang lúc lo giải quyết việc giảm thuế, cho nộp tiền thay của các trấn đổ dài từ Thanh Hóa ra Bắc bị nạn lũ lụt hoành hành, thì vua Gia Long đổ bệnh. "Đại Nam Thực Lục" (Quốc Sử quán triều Nguyễn) ghi: "Ngày Bính Tý, vua (Gia Long) không được khỏe, Hoàng thái tử (Nguyễn Phúc Đảm) vào hầu. Hạ chiếu rằng mọi việc quân việc nước đều khải lên để Hoàng thái tử quyết đoán, rồi sau mới tâu lên. Hoàng thái tử thiên tính rất hiếu, ngày thường chăm sóc sức khỏe, hầu bữa ăn, quạt nồng ấp lạnh, chưa từng trễ nải. Đến nay hầu cơm canh thuốc thang, lo lắng hiện ra sắc mặt".

Thái tử Đảm "thường trai giới cầu khấn với liệt thánh và trời đất thần kỳ" những mong vua cha mau hồi phục. Nhưng tình trạng sức khỏe của vua cha ngày càng biến chuyển tệ hơn. Trước sự bất lực của ngự y chính Nguyễn Tiến Hậu và 2 phó ngự y Đoàn Quang Hoảng - Đoàn Văn Hòa (được vua Gia Long thăng chức tháng 8-1819), Hoàng Thái tử Minh Mạng đã ra sức mời danh y ở khắp nơi, cùng họ sớm hôm bàn bạc, kiếm tìm phương dược cứu cha, nhưng sự thể càng lúc càng vô vọng!

Phó ngự y Đoàn Văn Hòa làm việc lâu năm ở Viện thái y, giỏi xem mạch và dùng thuốc, giữ việc bào chế thuốc của viện.  Năm 1820 sau khi vua Gia Long băng hà, được triều đình Minh Mạng vẫn trọng dụng, cho giữ ấn triện của Viện thái y vào năm Minh Mạng thứ 11 (1830). Điều đáng buồn là dù y thuật lẫy lừng như vậy, nhưng ngự y Đoàn Văn Hòa cùng các ngự y khác vẫn bất lực trong việc níu kéo sự sống cho vua Gia Long lúc mệnh rồng lâm trọng bệnh!

Đang lúc dầu sôi lửa bỏng, nhận được tin vùng núi Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi có nhiều sâm, triều đình, mà cụ thể ở đây là vua Gia Long đã cho thành lập "đội đặc nhiệm" chuyên tìm sâm về tiến cung. Đại Nam Thực Lục ghi ngắn gọn, sự kiện này: "Đặt đội Thái Sâm (lấy sâm) ở Quảng Ngãi. Các núi ở Sa Kỳ sản nhiều sâm, hạ lệnh cho trấn thần đặt đội lấy sâm, mộ dân ngoại tịch 50 người sung vào".

Tháng 10, vua Gia Long trở trọng bệnh. Tháng 11 ông cho lập đội Thái Sâm và đến đầu tháng 12 thì ông băng hà (1762-1820). Sử sách triều Nguyễn về sau không ghi rõ đội Thái Sâm được vua Gia Long lập vào lúc cuối đời có tìm được sâm, có kịp dâng sâm về cho vua ngự hay không? Các thư tịch cổ của Nguyễn triều cũng không ghi rõ đội Thái Sâm ấy tồn tại được bao lâu, được duy trì đến thời vua nào thì chấm dứt?

Nhưng điều mà hậu thế rất rõ là "đội đặc nhiệm" chuyên đi tìm sâm quý kia đã chẳng thể giúp gì được cho sự sống của một vị vua có cuộc đời chinh chiến với nhà Tây Sơn (từ lúc nối ngôi Chúa đến lúc lấy lại kinh đô cũ, đặt niên hiệu Gia Long, kéo dài 22 năm) dài hơn cuộc đời trị vì thiên hạ của mình (18 năm). 

Bệnh án của vua Gia Long đến nay vẫn là ẩn số. Từ thời điểm vua Gia Long lập đội quân săn sâm quý kia đến nay gần 200 năm, vùng núi Sa Kỳ vẫn còn đó. Nhưng thông tin về loại sâm quý được đoàn quân 50 người ăn lộc triều đình kiếm tìm vẫn mờ mịt. Người viết đã từng cùng một số y sinh Trường Y học cổ truyền Lê Hữu Trác tìm đến vùng Sa Kỳ nghiên cứu về dược liệu, chỉ ghi nhận rằng vùng rừng này có sự hiện diện của một số loại thảo dược được người đời gọi là sâm như sâm cau, thất diệp nhất chi hoa, bách bộ… Tất cả thảo dược này đều nằm ngoài danh mục cây thuốc được Viện thái y triều Nguyễn sử dụng cho việc chữa bệnh cho hoàng gia thời bấy giờ!

Thế nên, loại sâm mà đội Thái Sâm ăn lộc triều đình, chịu lệnh luồn rừng săn tìm ở vùng thâm sơn Sa Kỳ đến nay vẫn là một điều bí mật.

Nguyễn Thành Dũng
.
.