Đời tư nghệ sĩ: Vạch áo cho người…
Người ta đang cãi nhau chí chóe về đời tư của nghệ sĩ. Khi tôi sử dụng cụm từ nghệ sĩ, có thể hiểu nó chỉ gói gọn trong phạm vi của làng giải trí Việt.
Người ta bảo, đời tư của nghệ sĩ là miếng mồi ngon cho báo chí. Đặc biệt, là báo mạng.
Người ta lại bảo, có nhiều nghệ sĩ điêu đứng vì đời sống riêng tư bị soi mói. Rồi người ta dẫn chứng ra những hệ lụy của sự soi mói đó.
Đương nhiên, khi đời tư bị soi mói, ai lại không phiền lòng. Nhưng có vẻ, tất cả sự phiền phức ấy được mang lại bởi thói ỡm ờ của nghệ sĩ.
Lửa khói bao giờ lại không gần nhau.
Thị phi tự tạo
Sau sự cố clip của Vàng Anh - Hoàng Thùy Linh, nữ MC xinh đẹp Đan Lê bị báo NNVN loan tin rằng cô là nữ diễn viên chính trong một đoạn clip đen khác. Ngay khi tờ NNVN vừa loan tin, hàng loạt trang web khác đã lấy lại thông tin trên, thêm thắt, đưa ra hình ảnh so sánh…
Để đòi lại công bằng cho mình, thông qua các mối quan hệ cá nhân, Đan Lê đã lôi được báo NNVN ra tòa và thắng kiện. Đan Lê vừa kể lại hành trình đầy vất vả khi quyết định kiện tờ NNVN.
Theo quan sát của tôi, trong làng giải trí Việt trường hợp đi đến cùng vụ việc như Đan Lê là rất ít. Đa phần chỉ dừng lại ở mức độ, dọa sẽ kiện và kiện lưng chừng rồi tắt ngúm.
Trong vụ việc của Đan Lê, MC này hoàn toàn bị động trước thông tin. Một vài nhân vật khác trong những scandal lớn như Ngân Khánh, Trang Nhung… trong vụ "hoa hậu Mỹ Xuân" cũng bị động trước thông tin. Còn lại, những nhân vật khác thường sử dụng thủ thuật "chủ động trong bị động" để được nhắc nhớ.
Có thể kể ra hàng chục cái tên nghệ sĩ, xuất hiện trên truyền thông chủ yếu chỉ để "chém gió". Họ nói rào rào về những thứ cực kỳ tào lao. Họ bàn về giới tính người khác, họ nhận xét về người này, người kia, họ tố cáo nhau… Họ bảo: "Anh chàng này không đàng hoàng"; "Cô nàng nọ rất mánh mung". Sau khi thỏa mãn về câu chuyện của người khác, họ bắt đầu kể chuyện của chính mình. Họ kể tất tần tật, hỏi họ cũng kể, không hỏi họ cũng kể. Kể chưa thỏa mãn, họ bắt đầu viết cái gọi là… tâm thư.
Có quá ít nghệ sĩ xuất hiện trên truyền thông để nói về điều gì đó đại loại liên quan đến ngành nghề mà họ đang mưu cầu danh vọng. Lâu lắm rồi, không thấy ca sĩ lên truyền thông để nói về dự án âm nhạc. Diễn viên lên báo chí để nói về vai diễn trong phim ảnh…
Tôi không thể nào hiểu nổi, một cô nàng nửa diễn viên nửa người mẫu suốt ngày hiện hữu chỉ để khoe kim cương, quần áo hiệu.
Tôi cũng không thể hiểu nổi có anh chàng ca sĩ hiện hình chỉ để khóc về "người tình đồng giới ngày xưa yêu tôi lắm".
Tôi càng không thể hiểu nổi, ngay cả những ngôi sao lừng danh lại có thể đăng đàn mắng nhau như hát hay.
Trong trường hợp này, rõ ràng đời tư của họ không bị báo chí xâm phạm. Họ mang đời tư của họ ra kinh doanh cơ mà, có ai ép buộc, rình rập hay vu oan giá họa gì cho họ đâu.
Miệng liền tai, tự họ nói, tự họ nghe, tự họ loan truyền. Nếu nói, đây là miếng mồi ngon cho truyền thông, thì miếng mồi ngon mà truyền thông có được là do họ tự dâng đến miệng. Thói thường, không ai dại đến mức người ta dâng đến miệng mà lại không… ăn.
Buồn cười hơn nữa là cái thể loại bí mật của người nổi tiếng. Đoan Trang bí mật đám cưới. Tăng Thanh Hà bí mật kết hôn. Đinh Ngọc Diệp hôn say đắm trai lạ…. Toàn là bí mật nhưng lại bị bắt quả tang cả. Vậy mà, thoáng cái từ bí mật cho đến "lạ" đều được công bố ầm ầm trên các trang báo mạng.
Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và một số báo mạng, có lẽ là mối quan hệ cộng sinh. Đôi bên cùng có lợi. Báo mạng câu được lượng truy cập, nghệ sĩ được góp mặt trong chuyên mục văn hóa.
Cô nàng Mai Khôi, suốt ngày tung tăng trên báo mạng chỉ vì cái chuyện, không mặc áo ngực. Tiếp đến, là lả lơi với cậu bạn trai cao to lắm râu.
Jennifer Phạm sau khi ly hôn với Quang Dũng, dạo hết trang báo này đến trang báo khác với thứ vũ khí "Có thể sắp kết hôn".
Ngọc Trinh đốt cháy các trang báo, chủ yếu là vì "Yêu tôi tốn kém lắm", "Không có tiền thì cạp đất mà ăn"… Gần đây nhất là "Khuôn mặt em ngày càng non tơ mới sợ chứ". Hồng Quế tỏa nhiệt chủ yếu vì "quên nội y trên, sót nội y dưới. Không cần dưới trên, tồng ngồng khoe hết"… Agela Phương Trinh thì thảng thốt "Nếu cần, em sẽ đi kiểm tra trinh tiết".
Như một thời, Lê Kiều Như, Phi Thanh Vân, Ngọc Quyên… mang cái phồn thực đi đại náo các trang báo mạng. Hay như Thanh Thảo, với bảo bối "mối tình với Bình Minh, hận thù với Ngô Kiến Huy" khiến báo mạng điên đảo.
Không chỉ có nữ giới, các nam nhân trong làng giải trí Việt cũng liều mình nhào vào thị phi một cách đầy hùng dũng. Họ vung tay đá chân trên các trang báo mạng vì những câu chuyện gợi hứng nửa mùa.
Tuấn Hưng là câu chuyện với những người yêu cũ. Vũ Hoàng Việt dấu yêu với bạn gái tuổi 60. Long Nhật mặc định về giới tính. Ngọc Tình nằm sải lai khoe cơ bắp. Tần Khánh thì dòm ngó luyến ái của đồng nghiệp… Kể đến bao nhiêu mới hết những thứ kệch cỡm này (!). Mà nếu như không có báo mạng, lấy đâu ra đất diễn cho các cô bé được mệnh danh là hot girl vì các bức ảnh nóng bỏng. Nếu không có báo mạng, lấy đâu ra công cụ để những anh chàng ưỡn ẹo với đồ lót nhằm được gọi là hot boy.
Từ trái qua: Diễn viên Ngân Khánh, Elly Trần, MC Đan Lê. |
Lửa khói gần nhau
Chính từ sự dễ dãi của nhiều nhân vật trong làng giải trí, mới nảy nòi ra một bộ phận người làm báo mạng mà muốn "viết gì cũng được, nói gì cũng xong". Bất kỳ một nhân vật nào cũng có thể lọt vào tầm ngắm của báo mạng, từ nghệ sĩ nổi danh chỉn chu cho đến cá nhân đang thét gào tên tuổi. Phóng viên ở một số trang báo mạng, đưa lên thớt tuốt. Một khi đã bị đưa lên thớt, thì quá khó để nhân vật có thể leo xuống. Họ sẽ băm nhân vật cho thật nhuyễn, để chế biến thành rất nhiều món ăn khác nhau. Sau khi chế biến món ăn và cảm thấy độc giả bắt đầu ngán, họ dọn lên món tráng miệng.
Họ chĩa máy chụp ảnh vào… nách của người đẹp trong làng giải trí, xem người đẹp có đi nâng ngực không.
Họ zoom máy ảnh vào… quần của nhan sắc, xem nhan sắc có quên mặc quần chip không.
Họ ghi lại cận cảnh cằm của giai nhân, xem giai nhân có đi gọt cằm không.
Sau khi tổng hợp toàn bộ cái thể loại ấy, họ nảy sinh ra tuyệt chiêu mới. Họ đặt một bức ảnh cũ của người đẹp vào thời điểm xa xưa để so sánh với bức ảnh gần đây, xong họ la lên như nhà nghiên cứu vừa phát hiện ra một định luật, kiểu "Ê, sao cái con nhỏ này ngày xưa lép xẹp mà ngày nay bự dã man". Thật hết chỗ nói. Nhà báo Đà Trang, gọi họ là "những con ma xó". Tôi thì cho rằng, "con ma xó" không có lỗi gì để bị xúc phạm.
Tại sao lại nảy sinh ra câu chuyện này (?). Đơn giản, bởi đó là hệ quả tất yếu của những mệnh đề do chính nhân vật trong làng giải trí tạo ra.
Cô nàng từng là Hoa hậu Việt Nam Mai Phương Thúy, một thời gian dài liên tiếp tung hết bộ ảnh này đến bộ ảnh khác chỉ nhằm… khoe thân. Ngọc Trinh nếu không có ảnh bikini, Elly Trần nếu không có ngực đầy… thì biết lên báo vì lý do gì.
Vài người đẹp khoe, đến loạt những người đẹp (lẫn không đẹp khác) khoe. Có tuổi khoe, ít tuổi cũng khoe. Khoe ráo trọi. Cảm giác họ tiếc là không được khoe hết vì những lý do liên quan đến luật, chứ nếu không thì họ chẳng tiếc gì mà giữ lại cho riêng mình.
Sau khi khoe thân, họ bắt đầu khoe tình cảm. Tình cảm mặn nồng, họ nói như uyên ương không thể lìa cánh, cây xanh không thể lìa cành. Hết tình cảm cá nhân, họ bàn đến tình bằng hữu. Họ bảo, phải đệ đầu tạ ơn vì người này giúp đỡ. Phải kết cỏ ngậm vành vì người kia tương trợ.
Đến khi có lý do gì đó mà trục trặc, họ bắt đầu tổng xỉ vả nhau theo đúng kiểu vỉa hè. Từ Đàm Vĩnh Hưng, Cao Thái Sơn cho đến Thanh Thảo… không phải đã từng xắn cao tay áo, lao vào mắng người này, xỉa xói người kia. Gần đây, có cô nàng diễn viên bé con đang hận tình anh chàng The Voice Bùi Anh Tuấn, cũng là một dạng "hận đời đen bạc, hận kẻ bạc tình, lấy máu của mình, khắc lên ba chữ: “Thù suốt đời”.
Họ yêu đương như trào lưu. Nữ ca sĩ yêu nam ca sĩ, có trào lưu. Nữ nghệ sĩ yêu triệu phú nước ngoài, thành trào lưu. Nam nữ ca sĩ yêu Việt kiều, lập tức cũng thành trào lưu nốt. Mà có ai rảnh đến độ, lấy chồng không hạnh phúc, cũng gọi điện cho nhà báo thủ thỉ. Mới vừa ly dị, cũng nhắn tin cho phóng viên chia sẻ.
Truyền thông nào khai thác được những khía cạnh đó, nếu như nhân vật không nói ra. Người làm truyền thông, không thể dễ dãi nếu như những nhân vật trong làng giải trí Việt không cho họ cơ hội để dễ dãi. Ngay như Chí Phèo còn được sinh ra bởi thời thế, thì lấy gì cái chuyện đời tư người nổi tiếng không bị báo mạng rình mò.
Không ai có thể trả lời được những câu hỏi, như: tại sao cô nàng được mệnh danh là "yêu nữ hàng hiệu" Vũ Hạnh Nguyên, chỉ lên báo để kể đòi đánh người này, đòi chửi người kia (?).
Tại sao cô gái nghe bảo từng đi học múa ở Nhật có mặt trên báo chỉ để bàn về năng lực của đàn ông Tây khác với năng lực của đàn ông Việt (?).
Tại sao những thứ phế phẩm đó có thể xuất hiện ở phần nội dung của các trang báo mạng (?).
Dẫu muốn dẫu không, thì nhân vật tham gia làng giải trí Việt buộc phải sống chung với thị phi. Nước nào cũng thế, những scandal liên quan đến minh tinh này, siêu mẫu kia, nữ hoàng MC nọ… Đám đông luôn tò mò về mảng khuất của người nổi tiếng, và một vài ấn phẩm báo chí tỏ ra rất mẫn cán trong công cuộc phụng sự đặc tính tò mò này của đám đông. Có những phóng viên tài năng đến độ, họ nhét vào miệng nhân vật những câu nói mà nhân vật không hề nói. Sau lúc tạo ra sóng gió, họ câng câng khuôn mặt y như rằng mình vừa tạo dựng nên được một "cơ đồ" đầy hoành tráng.
Tuy vậy, thực tế đã chứng minh, có những nghệ sĩ vẫn có thể thoát ra khỏi những câu chuyện vớ vẩn xung quanh mình. Càng bớt hợm hĩnh, càng rời xa được thị phi. Có vậy thôi!
“Yêu nữ hàng hiệu” Vũ Hạnh Nguyên. |
Để cuộc sống riêng không bị trở thành miếng mồi ngon cho truyền thông, nhân vật buộc phải sống chỉn chu, tử tế. Còn nếu vẫn giữ nguyên quan điểm "Chính chuyên chết cũng ra ma/ Lẳng lơ chết cũng đưa ra ngoài đồng", thì chịu vậy.
Không chơi với dao, thì rất khó để bị đứt tay. Đương nhiên, cũng có những cá nhân bị báo mạng vu cho cái này, quẳng cho cái "nghiệt ngã" kia. Cũng cáu, cũng hận… cũng quyết tâm đi kiện nhưng vì nhiều lý do, đành để vụ kiện dở dở dang dang.
Đã gọi là đời tư, đã gọi là bí mật, thì cũng cần thiết được xem như là những câu chuyện "sống để bụng, chết mang theo"… Nếu nhân vật trong làng giải trí, không đủ khả năng chừa lại bí mật cho riêng mình, thì trách gì sự tọc mạch của truyền thông (?!).
Đổ thừa, bao giờ cũng dễ dàng. Như cái độ, họ quẳng đủ thể loại hình ảnh lên báo mạng, xong họ la làng: "Cái laptop của em bị mất" vậy.
Nếu không nhìn ra căn nguyên chính, chỉ lấy câu chuyện hy hữu của cá nhân ra bàn luận thì quá khó để nhìn ra tận gốc của vấn đề