20 năm một hành trình đền ơn đáp nghĩa:

Đóng góp từ những khả năng đặc biệt…

Thứ Sáu, 08/04/2011, 17:25

Đầu năm 2011, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã ký quyết định tặng Bằng khen cho 38 cá nhân thuộc các bộ môn của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người "Vì đã có nhiều đóng góp trong công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ".

Mới đây, Bộ Tư lệnh Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh lại tổ chức trao Huy hiệu Hồ Chí Minh cho những người trực tiếp tham gia công tác này như một sự đánh dấu nỗ lực không mệt mỏi của những người được cho là có khả năng đặc biệt trong hoạt động đầy ý nghĩa ấy.

20 năm ghi dấu một hành trình

Gọi là không mệt mỏi bởi trải qua hành trình gần 20 năm hoạt động, đến nay các thế hệ những cộng tác viên có khả năng đặc biệt (gọi tắt là các nhà ngoại cảm) của Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người (gọi tắt là Trung tâm) và của Bộ môn Cận tâm lý (gọi tắt là Bộ môn) đã sang tới thế hệ thứ tư, thứ năm. Như Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thì nó được thành lập từ năm 1996. Suốt 15 năm qua, nhiều thế hệ các nhà khoa học đã vượt qua rất nhiều khó khăn gian khổ, đóng góp trí tuệ, sức lực, kinh tế, dũng cảm đi sâu nghiên cứu lĩnh vực khoa học nhạy cảm này.

Nhiều nhà ngoại cảm là đối tượng nghiên cứu đồng thời là những cộng tác viên của Trung tâm, đã đóng vai trò quan trọng trong công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng. Trên thực tế, hoạt động của Trung tâm đã thu được những kết quả không thể phủ nhận và nhiều ứng dụng có giá trị, mang lại hiệu quả to lớn cho cộng đồng.

Riêng đối với bộ môn Cận tâm lý, Thiếu tướng, TS Nguyễn Chu Phác cho rằng từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, các nhà ngoại cảm Việt Nam đã chứng tỏ năng lực, khả năng đặc biệt của mình có thể giúp cho công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ còn nằm lại ở các chiến trường, chưa được chăm sóc. Theo Thiếu tướng Chu Phác, công cuộc tìm kiếm này có thể lấy mốc bắt đầu bằng việc lần lượt tìm ra các mộ tập thể của chiến sĩ ta hy sinh thời chống Pháp ở Non Nước (Ninh Bình), Đông Triều (Quảng Ninh), Phủ Thông (Bắc Cạn), Pheo (Hòa Bình), Côn Đảo...

Đến năm 1996, khi Trung tâm được thành lập, nhiều nhà ngoại cảm đã gia nhập và đến nay thống kê có tới gần 20 vạn trường hợp mộ khuyết danh, không người chăm sóc được tìm thấy qua nỗ lực của các nhà ngoại cảm và có tới 80% số đó là hài cốt các liệt sĩ. Không chỉ tại các chiến trường trong nước, nhiều nhà ngoại cảm đã cất công cùng gia đình thân nhân liệt sĩ đi tìm hài cốt các anh còn nằm lại tại các chiến trường Lào và Campuchia...

Từ thông tin của các nhà ngoại cảm, nhiều mộ liệt sĩ đã được tìm thấy. Ảnh: Phùng Nguyên.

Theo đánh giá của Thiếu tướng Chu Phác, hai thế hệ các nhà ngoại cảm thứ tư và thứ năm hiện nay làm việc với tốc độ nhanh hơn và tính chính xác không kém gì các thế hệ các nhà ngoại cảm trước, thậm chí còn bộc lộ một số ưu điểm. Tất nhiên sự phân loại thế hệ các nhà ngoại cảm cũng chỉ có tính chất tương đối, chủ yếu dựa trên phương pháp mà các nhà ngoại cảm sử dụng và khả năng hoạt động của chính họ.

Nếu như thế hệ các nhà ngoại cảm trước đây thường có được khả năng đặc biệt do bị một tác động về mặt sinh học như trường hợp Phan Thị Bích Hằng bị chó dại cắn mà không chết, hay như trường hợp nhà ngoại cảm Đỗ Bá Hiệp bị thương trong chiến tranh thì hiện nay, nhiều trường hợp nhà ngoại cảm có được khả năng do được sự giúp đỡ như Lê Trung Tuấn hoặc cả được giúp đỡ và luyện tập như Dương Mạnh Hùng, Nguyễn Thị Thùy ("ông" Hằng)...

Như đã nói, sự phân loại còn phụ thuộc vào chính nhà ngoại cảm, như Phan Thị Bích Hằng đã từng nói sẽ không chính thức tham gia tìm mộ bằng ngoại cảm nữa thì cũng không bàn đến trong phạm vi bài viết này chẳng hạn.

Khoa học để phục vụ con người

Tuy nhiên, để được công nhận và trở thành một cộng tác viên, người thuộc Bộ môn Cận tâm lý thì còn phải trải qua nhiều cuộc thử nghiệm và sát hạch. Nhà giáo Quan Lệ Lan, Phó chủ nhiệm thường trực Bộ môn là người thường xuyên đi cùng các đoàn tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ có sự tham gia của các nhà ngoại cảm cho biết đấy là yếu tố quan trọng nhất để một nhà ngoại cảm trở thành đối tượng nghiên cứu của Bộ môn. Bởi ngoài sự thừa nhận của gia đình thì công lao hay đóng góp của các nhà ngoại cảm chỉ được ghi nhận thông qua thẩm định của chính quyền, của các nhà khoa học. Một cách cụ thể hơn, khi đã được chấp nhận thì chính cơ chế hoạt động của khả năng đặc biệt ấy sẽ là đối tượng nghiên cứu của Bộ môn.

Ví dụ như cùng một hình thức áp vong, thì đối với nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn không giống với nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm. Ở đây xin lưu ý rằng chúng tôi không hề có ý định so sánh, mà chỉ muốn dựa trên những tìm hiểu và kết quả nghiên cứu từ phía Bộ môn để đưa đến cho bạn đọc thêm một góc lý giải về hoạt động mà ngay chính khoa học hiện đại chưa chứng minh được mà thôi. Hơn nữa, có thể nhiều nhà ngoại cảm cùng chung một cơ chế hoạt động như nhau, nhưng sẽ lựa chọn ngẫu nhiên nhà ngoại cảm để đề cập đến.

Đối với nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn, khả năng có được, theo những nghiên cứu từ Bộ môn cũng như chính nhà ngoại cảm nói với nhiều người tìm đến, là do một người cậu là liệt sĩ giúp đỡ. Được biết người cậu của ông Tuấn tên là Lương Hồng Khánh, cũng chính là người "đi tìm giúp" thân nhân của người có yêu cầu đến (nhà) để "nhập" vào người thân, nói ra nơi mình đang nằm để người thân đến tìm về. Cơ chế này Bộ môn gọi là áp vong.

Trong nhà ông Tuấn có một bàn thờ Bác Hồ. Tất cả những ai đến nhờ ông Tuấn - Liệt sĩ Lương Hồng Khánh tìm mộ đều phải làm lễ trước bàn thờ. Sau đó, nếu được - hoặc tìm thấy - thì liệt sĩ Lương Hồng Khánh sẽ "dắt" liệt sĩ cần tìm kia về để "gặp" gia đình. Ngay chính bản thân nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn cũng nhiều lần khẳng định, những lời nói lúc huy động khả năng đặc biệt ấy không phải là của mình, mà là của chính người cậu - liệt sĩ Lương Hồng Khánh "về" và "chỉ" mộ. Tuy nhiên, lý do vì sao trong gia đình còn có nhiều người mà vong hồn liệt sĩ Lương Hồng Khánh chỉ lựa chọn người cháu gọi bằng cậu thì hiện nay chưa ai xác định được. Và cũng chẳng ai có thể nói trước khi nào thì người cậu liệt sĩ ấy sẽ dừng "cộng tác" với người cháu Lê Trung Tuấn nữa?

Trường hợp tìm đến nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn thì có nhiều, song cho đến nay tại Bộ môn vẫn còn lưu giữ một lá thư cảm ơn đầy cảm động của gia đình ông Đào Trọng Khiêm, năm nay đã 80 tuổi và người cháu ruột tên Đào Nguyên, quê Hưng Yên.

Ông Đào Trọng Khiêm có 3 người anh ruột  đều là liệt sĩ chống Pháp hy sinh cùng một ngày: Ông Đào Tiềm là chiến sĩ tự vệ, ủy viên Nông hội địa phương. Ông Đào Tiễm là Trưởng ban tự vệ, kiêm Trưởng ban tản cư địa phương. Ông Đào Yêm là chiến sĩ tự vệ, thanh niên cứu quốc. Giặc Pháp bắt được các ông, chúng tra tấn dã man hòng lấy lời khai nhưng bất thành. Theo một số người cùng thời với gia đình kể lại, bọn giặc Pháp giết các ông rồi vứt xác ông xuống khu vực đền Chử Đồng Tử thuộc xã Bình Minh, huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

Hơn 60 năm trôi qua, gia đình vẫn một nỗi canh cánh trong lòng vì chưa tìm được hài cốt của các ông. Được bạn bè,  người thân mách bảo, gia đình ông Khiêm đã đăng ký tại Trung tâm tìm mộ liệt sĩ Lương Hồng Khánh do nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn chủ trì.

Đón các anh về. Ảnh: HàTĩnhOnline.

Đúng ngày, đúng giờ gia đình ông Khiêm tập trung tại nhà của ông Tuấn làm các thủ tục cần thiết thì cô con dâu thứ hai của gia đình đột nhiên òa lên khóc nức nở. Theo xác nhận của gia đình thì đó chính là các ông "về". Cũng theo lời thuật lại trong lá thư cảm ơn, sau đó một vài lần nữa các ông cũng "về" để chỉ chỗ tìm mộ, thì ông Đào Yêm bao giờ cũng là người về nói trước. Khi con cháu hỏi lý do thì được biết lúc giặc Pháp trói 3 ông lại với nhau thì ông chưa chết hẳn nên biết rõ 2 ông anh đã bị bắn chết như thế nào(!?)

Đúng ngày hẹn khai quật, gia đình ông Đào Trọng Khiêm đã thuê hẳn một chiếc máy đào BK300 bởi theo các "vong" về chỉ, thì các ông nằm sâu tới 5m nên không thể chỉ dùng sức người. Ngoài ra gia đình còn thuê máy phát điện và máy bơm nước đề phòng điểm khai quật ở gần sông.

Được biết, cuộc khai quật thành công diễn ra dưới sự chứng kiến và kinh ngạc của hàng trăm người dân thôn Đa Hòa, xã Bình Minh, Khoái Châu, Hưng Yên. Sau khi đã tìm được hài cốt với đúng những dấu hiệu nhận biết từ những người thân trong gia đình, nhà ngoại cảm Lê Trung Tuấn lại một lần nữa "mời" vong của 3 ông họ Đào về để xác định hài cốt phần trên là của ai. Theo ông Tuấn thì phần đầu cần được xác định rõ là của ai để ghi bia mộ. Còn phần xương từ vai trở xuống thì, vì các ông là 3  anh em ruột nên có thể chia đều không ngại gì, con cháu thờ chung...

Cũng cơ chế giao tiếp với liệt sĩ bằng áp vong, nhưng nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm ở Lương Sơn, Hòa Bình lại có khả năng "triệu hồi" trực tiếp các liệt sĩ về để hỏi chuyện và thậm chí còn giao tiếp cả với những người khác. Đến nay, tại Bộ môn vẫn còn lưu giữ một lá thư cảm ơn của gia đình liệt sĩ Hà Văn Nhượn thuộc Đại đội 13, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, hy sinh ngày 9/3/1965.

Sau khi cũng thực hiện áp vong tại nhà, liệt sĩ "về" và cho biết mình hy sinh và được chôn ngay cạnh đường Quốc lộ từ Việt Nam sang cách cột mốc Km 40 khoảng 20m, thuộc Bản Vằn, huyện Xêpôn, tỉnh Xavanakhet. Sau một lần gia đình theo sơ đồ đã vẽ tự sang tìm kiếm rất vất vả, lần thứ hai thì nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm đồng ý đi cùng. Đoàn đi bao gồm cả nhà giáo Quan Lệ Lan, với tư cách cán bộ của Bộ môn đi thẩm định kết quả.

Khi đến tận nơi, nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm làm lễ thì mới hay rằng nơi đấy còn nhiều đồng đội khác chưa được "đón" về nên lần trước đã "cản" không cho gia đình tìm thấy liệt sĩ. Theo người đại diện gia đình là ông Hà Hiển Nhiên mô tả lại, thì sau khi nhà ngoại cảm Hoàng Thị Thiêm làm lễ xin phép các liệt sĩ khác một cách cẩn thận, gia đình ông cuối cùng cũng đã "được phép" khai quật và tìm thấy người anh liệt sĩ Hà Văn Nhượn với niềm xúc động vô bờ bến.

Tuy nhiên, còn một tình tiết rất đặc biệt trong chuyến đi đó mà nhà giáo Quan Lệ Lan - người thẩm định về sau này cũng xác nhận. Đó là khi đang khai quật thì có 2 cán bộ biên phòng của nước bạn đến và hỏi bằng tiếng Lào. Trong lúc mọi người đang ngớ người ra thì con gái ông Hà Hiển Nhiên - lúc trước liệt sĩ Hà Văn Nhượn đã "nhập" vào để chỉ mộ - đột nhiên đáp trả bằng tiếng Lào với hai chiến sĩ biên phòng ấy, đại loại rằng "tôi đi bộ đội, hy sinh, các bạn tôi đã chôn tôi ở đây. Hôm nay người nhà tôi sang đón tôi về Việt Nam".

Có điều lạ mà cả gia đình ông Nhiên và nhà giáo Quan Lệ Lan xác nhận, trước và sau chuyến đi tìm mộ về, người con gái của ông Nhiên không hề biết một chữ tiếng Lào. Chẳng thế mà sau khi nhận được câu trả lời, hai chiến sĩ biên phòng Lào đã không hỏi gì thêm, quay đi và thốt ra bình phẩm được cán bộ địa phương dịch lại: "Bộ đội Việt Nam giỏi thật!"

Việt Ba
.
.