Đốt đuốc tìm tài năng trẻ sân khấu?

Thứ Tư, 15/11/2017, 13:20
Chỉ trong một thời gian ngắn, 3 cuộc thi tài năng trẻ sân khấu quy mô toàn quốc dành cho nghệ sĩ sân khấu Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch chuyên nghiệp được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức. Mặc dù Huy chương trao cho nghệ sĩ khá nhiều nhưng rất lạ là Hội đồng giám khảo lại nhận định chưa thấy ngôi sao nào… lấp lánh?


So bó đũa lại ra… nhiều cột cờ

Mới đây nhất, cuộc thi “Tài năng trẻ Diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017” đã khép lại với kết quả vô cùng lạc quan trong sự ngạc nhiên của không ít người: 15 Huy chương Vàng và 21 Huy chương Bạc cho các thí sinh tham dự.

Liên hoan diễn ra liên tục trong 8 ngày với sự tham gia của 20 đơn vị nghệ thuật Cải lương và Dân ca kịch trên toàn quốc: Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang; Nhà hát Nghệ thuật Ca Kịch Huế; Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An; Nhà hát Tây Đô; Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Đồng Nai; Đoàn Cải lương Hương Tràm; Đoàn Cải lương Nhân dân Kiên Giang; Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Khánh Hòa; Đoàn Văn công Đồng Tháp; Đoàn Cải lương Thanh Hóa; Đoàn Ca kịch Quảng Nam; Đoàn Cải lương Thái Bình; Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang; Nhà hát Cải lương Hà Nội; Đoàn Cải lương Hải Phòng; Nhà hát Cao Văn Lầu; Nhà hát Cải lương Việt Nam; Nhà hát Thế giới trẻ; Nhà hát Thể nghiệm Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.

Trao nhiều giải thưởng trong một cuộc thi tài năng trẻ hiện nay chỉ thể hiện tính khích lệ của ban tổ chức.

Nếu xét về số lượng đơn vị tham dự, đây là một con số không hề nhỏ, đặc biệt là đặt trong cán cân để so sánh với cuộc thi “Tài năng trẻ sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc” vừa khép lại trước đó không lâu. Bởi lẽ, tham gia thi tài năng sân khấu Kịch chỉ có 7 đơn vị sân khấu công lập: Nhà hát Kịch Việt Nam; Nhà hát Kịch nói Quân đội; Nhà hát Tuổi trẻ; Nhà hát Kịch Hà Nội; Đoàn kịch nói Công an nhân dân; Đoàn kịch nói Nam Định; Đoàn Ca múa kịch Lam Sơn, Thanh Hóa. Rất nhiều đơn vị sân khấu kịch nói đã bỏ qua sân chơi này.

Tại cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc” có hơn 90 thí sinh đến từ 19 đơn vị sân khấu Tuồng, Chèo. Kết quả có 23 Huy chương Vàng, 20 Huy chương Bạc, 2 giải Diễn viên trẻ triển vọng cho các nghệ sĩ xuất sắc và nhiều bằng khen, giấy khen cho nghệ sĩ có nhiều đóng góp tích cực. Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc” cũng khép lại với một “cơn mưa” giải thưởng khi chỉ riêng số Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đã bằng nửa số thí sinh dự thi. Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc” có 5 huy chương vàng, 11 huy chương bạc và nhiều bằng khen khác được trao cho các nghệ sĩ.

Giải thưởng thì nhiều như thế nhưng có một nghịch lý là Hội đồng giám khảo của các cuộc thi lại cho rằng không có gương mặt tài năng tỏa sáng, dù rằng sắc vóc, dung nhan của diễn viên thì có vẻ vượt trội. Tổng kết cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc”, NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo đã khẳng khái chỉ ra khá nhiều hạn chế. Cụ thể nhất là tính không chuyên nghiệp trong đầu tư chuẩn bị tham dự cuộc tranh tài này.

NSND Giang Mạnh Hà.

Theo NSND Giang Mạnh Hà thì “đây là cuộc thi chuyên nghiệp toàn quốc, là sân chơi lớn dành cho các diễn viên trẻ sân khấu chuyên nghiệp, mà chúng ta để bộc lộ sự thiếu chuyên nghiệp. Về giọng ca, không ít thí sinh hát chênh, phô dây đàn, ca rớt nhịp, ca non giọng, đuối hơi, ca vọng cổ lúc đổ hò bị hụt hơi. Tiếng nói sân khấu, tức lời thoại nghe không tròn vành rõ chữ, nói nhanh, nói vấp làm cho người nghe khó hiểu diễn viên đó nói gì. Động tác vũ đạo chưa thuần thục, đường nét múa còn khô cứng, chọn trang phục chưa hợp lý. Có khá nhiều diễn viên trẻ bị áp lực, tâm lý lo lắng, hồi hộp, căng thẳng, khiến cho vai diễn bị căng cứng, thiếu hồn vía. Ở cuộc thi lần này, chưa thấy xuất hiện ngôi sao tài năng trẻ bừng sáng lấp lánh như kỳ vọng. Hầu hết các em đều cân tài, cân sức, một chín một mười…”.

Trước đó, NSND Hoàng Dũng, Chủ tịch Hội đồng giám khảo cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc” cũng thẳng thắn nhận định rằng việc diễn viên trẻ ở các địa phương khác, diễn viên trẻ không thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập, kể cả ở TP Hồ Chí Minh không tham gia cuộc thi là một vấn đề mà các nhà quản lý và các nghệ sĩ cần lưu tâm. Cuộc thi cũng cho thấy có sự chênh lệch khá lớn về thanh, sắc, kỹ năng chuyên môn của các diễn viên trẻ giữa các đơn vị nghệ thuật ở Hà Nội và các địa phương.

Nhiều trích đoạn dự thi chưa được tập luyện kỹ càng, không có bàn tay dàn dựng của đạo diễn. Nhiều tiết mục biên tập lại do chắp vá nên diễn viên không thể hiện được một cách chân thực và hợp lý trích đoạn của mình. Nhiều người vì áp lực cuộc thi đã chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa bộc lộ hết khả năng. Thậm chí, NSND Hoàng Dũng còn chia sẻ rằng có thí sinh dự thi còn không thấy khả năng làm diễn viên, chưa nói đến có tài năng…

Vinh danh phải đúng cách

Thực tế, các cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu Kịch nói, Tuồng, Chèo, Cải lương, Dân ca kịch là một trong những hoạt động nhằm giúp cho các nhà quản lý, các đơn vị nghệ thuật đánh giá toàn diện, chính xác hơn về chất lượng đội ngũ diễn viên trẻ hiện nay và để góp phần xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển lâu dài. Nếu không tập hợp được đông đảo các gương mặt trẻ tài năng trên cả nước, những nhận định, đánh giá trên cơ sở kết quả của cuộc thi dễ trở nên phiến diện. Kế hoạch ngắn hạn và đặc biệt là chiến lược phát triển lâu dài cũng vì thế thiếu chính xác.

Cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo chuyên nghiệp toàn quốc 2017”.

Mặt khác, các cuộc thi này là sân chơi lớn, là cơ hội để các diễn viên trẻ chuyên nghiệp cọ xát, thể hiện tài năng, có thêm động lực xây dựng nên những tác phẩm, hình tượng nhân vật có nội dung và nghệ thuật cao. Nếu các nghệ sĩ trẻ không mấy mặn mà tham gia, không dốc sức đầu tư cho tiết mục tham gia dự thi hoặc đã chăm chút cho tiết mục nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu đang bộc lộ nhiều vấn đề.

Trong đó, câu chuyện khó khăn về mặt kinh phí khiến nhiều nghệ sĩ hoạt động tự do, các đơn vị xã hội hóa không hưởng ứng chỉ như “phần nổi của tảng băng chìm”. Nếu các cuộc thi thực sự trở thành địa chỉ tin cậy, là bệ phóng hiệu quả cho tài năng tỏa sáng, chắc chắn, nghệ sĩ trẻ sẽ tìm đến để thi thố tài năng.

Việc trao quá nhiều giải thưởng trong mỗi cuộc thi lâu nay được mặc định như là cách để động viên các tài năng trẻ. Khi các Huy chương Vàng, Huy chương Bạc đã, đang và sẽ vẫn là những thước đo cụ thể để xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú thì các cuộc thi tài năng trẻ nói trên vẫn còn là một trong những đích đến phải chinh phục của những diễn viên có ý định theo đuổi nghề.

Còn nói theo cách của NSND Vương Duy Biên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong không ít lần phát biểu tổng kết thì mỗi tiết mục dự thi là sự nỗ lực vượt khó, khổ công rèn luyện, là tài năng, nhiệt huyết và tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc của các nghệ sĩ trẻ, đặc biệt là các đoàn có điều kiện khó khăn. Mà sự khó khăn của sân khấu thì đã trở thành “truyện dài nhiều tập” trong rất nhiều năm trở lại đây. Đó không chỉ là sự chật vật trong tìm kiếm khán giả, là sự thiếu hụt lớp nghệ sĩ trẻ tài năng kế cận mà còn là câu chuyện của cơ chế, chính sách đãi ngộ đúng đắn và cần thiết.

Nhưng nếu có ai đó, với cách thực hiện như hiện nay, nghĩ rằng giải thưởng để khuyến khích các nghệ sĩ trẻ tiếp tục tham gia tranh tài ở các cuộc thi sau thì có lẽ không hẳn đúng. Khi chọn đúng, chính xác cái tinh túy để tôn vinh thì sự tôn vinh mới có giá trị. Nếu tôn vinh theo tinh thần “chia đều cho đỡ tủi” sẽ làm giải thưởng giảm giá trị. Chính người nhận được những giải thưởng, những tôn vinh ấy chưa chắc đã thực sự thỏa mãn, nếu họ có tài năng thật.

Cảnh trong vở "Hồng Lâu Mộng" của Nhà hát Kịch Việt Nam.

Các cuộc thi tài năng chỉ nên là nơi để khẳng định tài năng, khẳng định kết quả nỗ lực, khổ luyện của nghệ sĩ. Nếu để động viên các tài năng trẻ gắn bó, cống hiến cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là các bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống cần nhiều giải pháp mang tính bền vững và lâu dài. Những cơ chế đặc thù trong tìm kiếm, tuyển chọn, đào tạo và hỗ trợ nghệ sĩ trẻ phát tuy tài năng là một trong những giải pháp được chờ đợi sẽ mang lại nhiều hiệu quả tích cực cả về trước mắt và lâu dài.

Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật Tuồng, Chèo, Cải lương và Dân ca kịch chuyên nghiệp trên cả nước do Cục Nghệ thuật Biểu diễn xây dựng và triển khai có vẻ như hé mở nhiều khả năng trong góp phần khắc phục tình trạng khủng hoảng nhân lực biểu diễn sân khấu. Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã quyết định “đặt hàng” Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đào tạo sinh viên một số ngành, chuyên ngành văn hóa đặc thù, khó tuyển sinh nhưng đang thiếu nhân lực, trong đó có nghệ thuật sân khấu.

Tuy nhiên, đây mới chỉ như khúc dạo đầu của một bản nhạc. Sự hợp tác giữa các đơn vị đào tạo chuyên nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước về nghệ thuật biểu diễn có thể góp phần bổ sung một lực lượng biểu diễn nhất định cho nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là nghệ thuật truyền thống. Nhưng theo những người lập đề án đào tạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn thì rất có thể cũng mới chỉ đáp ứng được một phần yêu cầu cần có.

Chưa kể, làm thế nào để các gương mặt trẻ đã được phát hiện, được đào tạo thành công vừa có cơ hội phát huy tài năng, vừa có cơ chế chính sách phù hợp để họ có thể “sống được bằng nghề”, gắn bó với nghề đã được đào tạo trong điều kiện hiện nay thì vẫn là một hành trình nhiều thách thức.

Minh Hải
.
.