Đột quỵ ám ảnh làng bóng đá thế giới

Thứ Ba, 13/06/2017, 22:47
Làng bóng đá thế giới vừa bàng hoàng chứng kiến cái chết tức tưởi của tiền vệ xấu số Cheick Tiote vì đột quỵ trong lúc luyện tập. Thêm lần nữa, chuyện “sinh nghề tử nghiệp” vì chứng đột quỵ lại trở thành nỗi ám ảnh với không ít cầu thủ…

Ngoài Tiote, 137 cầu thủ khác đã qua đời đột ngột trong lúc luyện tập hay thi đấu do chứng đột quỵ.

Mặc dù không quá nổi bật so với nhiều tên tuổi nổi đình nổi đám khác trong làng túc cầu thế giới, song tiền vệ người Bờ Biển Ngà, Cheick Tiote ít nhiều đã gây ấn tượng trong thời gian thi đấu cho câu lạc bộ Newcastle tại Anh từ năm 2010 đến năm 2017. Nhắc tới Tiote, hẳn rất nhiều fan Newcastle vẫn còn rất yêu mến tiền vệ trung tâm này với khả năng thi đấu một cách mạnh mẽ, bền bỉ và cũng đầy gan dạ. Thậm chí, Tiote còn được ví von là “bức tượng đồng đen” ở trung tâm hàng phòng ngự của Newcastle.

Cheick Tiote qua đời vì đột quỵ trên sân tập.

Rời Newcastle sau thời gian dài gắn bó, tiền vệ 31 tuổi chuyển tới thi đấu cho câu lạc bộ  Beijing Enterprises Group FC (Trung Quốc) cách đây đúng 5 tháng. Tưởng rằng câu lạc bộ Beijing Enterprises Group FC rồi đây sẽ là bến đỗ bình yên cho Tiote trước khi anh tính chuyện giã từ sự nghiệp thi đấu. Nào ngờ định mệnh đã gọi tên Tiote khi cựu ngôi sao Newcastle bất ngờ gục ngã trong lúc đang luyện tập với đồng đội tại câu lạc bộ Beijing Enterprises Group FC hôm 5/6 vừa qua.

Theo lời chia sẻ từ một đồng đội của Tiote, tất cả diễn ra hết sức chóng vánh và bất ngờ. “Tiote tỏ ra rất chuyên nghiệp và nghiêm túc kể cả lúc thực hiện các bài tập khởi động”, Gao Hongbo, huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ Beijing Enterprises Group FC buồn bã cho biết thêm, “Ngay khi cậu ấy gục ngã xuống, nhân viên y tế của đội bóng đã tiến hành sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu tại bệnh viện địa phương ở gần đội bóng. Tiếc rằng tất cả đã quá muộn”. 

Đáng nói, kết quả khám nghiệm sau đó đã cho thấy, nguyên nhân chính khiến Tiote vĩnh viễn không còn nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa là do bị đột qụy tim. Sau cái chết của Tiote, thế giới bóng đá đã có những hành động thiết thực để tưởng nhớ tiền vệ vắn số. Đơn cử  như câu lạc bộ cũ Tiote là Newcastle thông qua tài khoản chính thức trên trang mạng xã hội Twitter đã đưa ra thông điệp bày tỏ sự tiếc thương với tiền vệ này: “Chúng tôi sẽ  mãi không quên anh, Cheick Tiote”.

Ở một khía cạnh nào đó, sự vụ đáng tiếc xảy đến với Tiote đã lại gióng lên tiếng chuông báo động về thực trạng “sinh nghề tử nghiệp” đáng buồn với những cầu thủ trót theo nghiệp quần đùi áo số. Thực tế, theo con số thống kê từ Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), ngoài Tiote đã có 137 cầu thủ khác đã qua đời đột ngột trong lúc luyện tập hay thi đấu do chứng đột quỵ. 

FIFA khuyến khích sử dụng thiết bị khử rung tim và kiểm tra sức khỏe cầu thủ thường xuyên.

Trong số đó, có thể nhắc đến những trường hợp gây xót xa khi về với “đội bóng của Chúa trời” trong lúc đang ở độ chín của tài năng như Daniel Jarque (Espanyol), Marc-Vivien Foe (Lyon), Miklos Feher (Benfica), Antonio Puerta (Sevilla)… Không chỉ có cánh cầu thủ mà cả cánh huấn luyện viên cũng vướng phải lưỡi hái tử thần từ bóng ma đột quỵ. Ví dụ điển hình hơn cả ở đây là trường hợp của Ugo Ehiogu, huấn luyện viên đội U23 của câu lạc bộ Tottenham qua đời sau cơn đột quỵ tim trên sân tập của đội bóng.

Nếu xét dưới lăng kính y khoa, đột quỵ tim thường xảy đến vì những nguyên nhân như  trái tim không được cung cấp đầy đủ Oxy, động mạch vành tim bị nghẽn… Ngoài ra, đột quỵ nhiệt do sự xáo trộn trong cơ chế kiểm soát nhiệt độ cơ thể khi luyện tập, thi đấu trong môi trường nóng bức cũng tiềm ẩn những nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cầu thủ. Cần biết, một trong những nguyên nhân khiến tuyển thủ Cameroon, Marc-Vivien Foe gục ngã trên sân Stade de France (Paris, Pháp) trong trận đấu gặp đội tuyển Colombia tại Confederations Cup 2003 phần nào là trái tim của Foe bị phình to cộng thêm điều kiện thi đấu trong nắng nóng, oi bức.

Chính bởi việc không ít cầu thủ qua đời đột ngột trong lúc luyện tập, thi đấu đã khiến liên đoàn bóng đá của nhiều quốc gia trên thế giới buộc áp dụng những biện pháp khác nhau nhằm giảm thiểu rủi ro xảy đến. Cụ thể hơn, liên đoàn bóng đá Anh (FA) đã yêu cầu tất cả các câu lạc bộ trong hệ thống thi đấu của FA phải kiểm tra sức khỏe thường xuyên với các cầu thủ cũng như trang bị kiến thức cho nhân viên y tế về chuyện xử lý chứng đột quỵ sao cho hiệu quả nhất. 

Đặc biệt, các câu lạc bộ tại xứ sương mù còn phải có sẵn thiết bị khử rung tim với kích thước nhỏ trong đồ nghề sơ cứu để xử lý những trường hợp cầu thủ bị trụy tim khi thi đấu với cường độ cao. 

Còn với Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA), họ cũng đã khuyến khích các đội tuyển quốc gia sử dụng thiết bị khử rung tim với kích cỡ nhỏ gọn có thể để được trong ba lô nhằm sẵn sàng ứng cứu những trường hợp cầu thủ bị đột quỵ khi đang thi đấu trên sân cỏ. Chí ít thì những điều này sẽ xua tan đi sự lo lắng từ cánh cầu thủ về nỗi ám ảnh từ bóng ma đột quỵ.

Bảo Quyên
.
.