Dù ai đi ngược về xuôi…

Thứ Sáu, 07/04/2017, 14:03
"Dù ai đi ngược về xuôi, nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba". Vâng, trong tiềm thức của người Việt, ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm được coi là ngày lễ trọng đại của dân tộc Việt Nam - ngày giỗ Tổ, hay còn có tên gọi là "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương".

Nằm trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, hiện có 326 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật lịch sử quan trọng liên quan đến thời đại vua Hùng. Phủ rộng di tích trên toàn tỉnh nhưng Đền Hùng với quần thể di tích đền Thượng - đền Trung - đền Hạ là trung tâm thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương lớn nhất và lâu đời nhất trong tiến trình phát triển lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Lưu truyền trong dân gian từ lâu, sau những ngày tết, sang xuân vào tiết Thanh minh tháng 3 âm lịch, ngày tảo mộ cho ông bà tổ tiên, trong gia đình dòng họ thì ngày giỗ Tổ, Quốc tổ của Việt Nam cũng được tổ chức vào ngày 10 tháng 3. Ngày 10 tháng 3 hằng năm đã trở thành ngày giỗ Tổ, ngày giỗ chung cho 18 đời Vua Hùng gồm những vị vua khai sáng và lập ra triều đại nhà nước Văn Lang mở đầu tiến trình phát triển của dân tộc Việt. Ngày này mọi người cùng hướng về đất Tổ, thành kính tri ân với cội nguồn máu mủ, dòng máu con Lạc cháu Hồng tiếp nối văn hóa từ ngàn đời. 

GS-TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam cho biết "Thờ cúng tổ tiên được chia ra làm nhiều cấp, thờ cúng ông bà tổ tiên ở nhà, gia đình, dòng họ (mang tính chất biệt lập), thờ cúng thành hoàng làng, đó là là những vị công thần có công với ngôi làng, thôn xóm ở địa phương đó và thường thì mỗi làng có một vị thành hoàng làng, (văn hóa cộng đồng làng xã) và ở cấp bậc cao nhất, bao trùm lên tất cả là ngày Quốc tổ Việt Nam hay còn có một tên gọi nữa là thờ cúng Vua Hùng, 18 đời vua sáng lập ra thời đại Văn Lang mở đầu ra một tiến trình phát triển mới của dân tộc Việt”.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không phải là một tôn giáo mà chính là biểu trưng của lòng thành kính tri ân, sự nhớ ơn công đức của các vị Vua Hùng đã có công dựng nước và giữ nước trong thời đại nhà nước Văn Lang. Và từ cội nguồn sâu xa và đầu tiên ấy làm nền móng vững chắc cho tiến trình phát triển một đất nước có bề dày văn hóa trải qua chiều dài của chặng đường lịch sử cho đến ngày hôm nay.

Ngày giỗ tổ Hùng Vương là sự phát triển cao có tính chất trìu tượng hóa ý thức về cội nguồn, bắt rễ sâu xa tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở làng xã, trong gia đình và gia tộc. Triết lí cội nguồn trên phạm vi quốc gia cũng đã góp một phần quan trọng trong việc củng cố về mặt lí luận cho sự liên kết các quan hệ máu mủ thân tộc. Nhà và nước, nước và nhà. Mối quan hệ giữa một bên là bộ máy hành chính quốc gia và một bên là vận hành của một chủ thể tế bào gia đình. "Nước mất thì nhà tan, nước giàu thì dân mạnh".

Chính vì có ý nghĩa mạnh mẽ gắn kết giữa dân và nước để cho sự phát triển đất nước ngày một toàn vẹn và hùng mạnh hơn nên tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt từ gia đình, dòng họ đến Tổ quốc đã không ngừng được bảo tồn gìn giữ, phát huy và qua từng bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, toan tính đồng hóa của giặc ngoại xâm.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc có tín ngưỡng, và có niềm tin vào tôn giáo, niềm tin vào thế giới tâm linh. Nghi thức thờ cúng ông bà, tổ tiên cũng nằm trong phạm vi một nghi thức tín ngưỡng thờ cúng lâu đời, một nét văn hóa đặc sắc của người Việt. Nếu như dân tộc Việt có thờ Mẫu. Mẫu thượng thiên, Mẫu thượng ngàn, Mẫu thoải phủ, Mẫu địa. Điển hình là Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của Việt Nam. Các vị bất tử của truyền thuyết còn có Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử. Thờ ông Hoàng bà Chúa... trong các giá hầu đồng. Và thờ Vua Hùng, hay còn gọi ngày giỗ Tổ, Quốc tổ.

Trong thờ cúng tổ tiên thì "Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng" vào năm 2012 đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Sau đó năm 2016 vừa qua "Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam - Tứ phủ của người Việt" cũng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một đạo lí nghìn đời của dân tộc, "Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây". Trong các hệ thống tín ngưỡng tôn giáo ở ta thì thờ cúng tổ tiên được coi là quan trọng bậc nhất. Đất có cội, sông có nguồn bắt rễ sâu xa từ gia đình đến làng xã, và rộng ra là đất nước, những cá thể hợp quần và làm nên chủ thể. Nếu không có gia đình thì không có xã hội.

Và từ đó con người có mong ước và niềm tin vào thế giới quan, nhân sinh quan, hướng tới cộng đồng. Thông qua nghi lễ thờ cúng con người muốn có một sự che trở, phù hộ của tổ tiên, những người được cho là "đi mây về gió"  "uy quyền  hiển hách", "hô phong hoán vũ" hiện hữu trong thế giới vô hình mang đầy màu sắc tâm linh huyền bí. Niềm tin vào thế giới tâm linh đã là động lực hay tạo nên một sức bẩy vô hình để giúp con người vượt qua khó khăn trong cuộc sống".

Theo PGS-TS Đặng Văn Bài: Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: "Triết lí minh triết Việt trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quan niệm "vạn vật hữu linh" và "con người có tổ tông, nòi giống" hay theo nguyên lý cặp đôi đối ngẫu: âm/dương; đực/cái; Rồng/Tiên...

Đó là sự ý thức về dòng giống Rồng - Tiên, cội nguồn cao quý của dân tộc và do đó, tục thờ cúng Hùng Vương thực sự là tín ngưỡng bản địa thuần Việt. Để duy trì và thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, cha ông ta đã sáng tạo đồng thời hai loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đó là hệ thống đền thờ Hùng Vương và lễ hội đền Hùng, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, mà phạm vi ảnh hưởng đã lan tỏa khắp mọi vùng, miền đất nước.

Hạt nhân tâm linh trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương còn được củng cố bằng các truyền thuyết, huyền thoại, thần phả và sắc phong. Nét độc đáo trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thể hiện rõ trong quá trình hình thành và phát triển từ thấp đến cao và liên tục được vun bồi bằng các lớp văn hóa từ nhiều đời nay. Từ quan niệm triết lý "vạn vật hữu linh", người Việt cổ đã chọn thần Núi/ Sơn thần làm đối tượng tôn thờ trên đỉnh núi thiêng Nghĩa Lĩnh và dần hình thành tín ngưỡng thờ thành hoàng làng Hùng Vương.

Thế kỉ thứ XIV- XV, nhà Lê mới bắt đầu cho soạn ngọc phả Hùng Vương và nâng cấp việc thờ cúng Hùng Vương thành cấp quốc gia. Đến thời Tây Sơn và thời Nguyễn, tín ngưỡng này lại được nâng tầm hơn nữa  bằng các sắc phong của triều đình, giao cho các làng quanh đền Hùng phải chăm lo việc thờ tự, cúng giỗ. Tính đặc sắc trong tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là ở khía cạnh từ sáng tạo, sáng kiến của cộng đồng cư dân làng xã dần được "nhà nước hóa" bởi các triều đại phong kiến Việt Nam trong quá khứ và được thăng hoa lên tầm cao mới trong thời đại Hồ Chí Minh.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ xuất phát từ ý thức cội nguồn dân tộc, nhu cầu cố kết cộng đồng tạo ra sức mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc để xây dựng và bảo vệ non sông, đất nước trước thiên tai, địch họa, ngoại xâm mà còn được hình thành và thăng hoa trên nề tảng lịch sử, cơ tầng văn hóa rực rỡ, với các di tích khảo cổ học Phùng Nguyên, đồng Đậu, gò Mun, Đông Sơn,... được phát hiện trong khu vực đền Hùng, Phú Thọ và nhiều vùng miền khác ở Bắc Bộ.

"Người anh hùng văn hóa" Hùng Vương bước ra từ huyền thoại và truyền thuyết dân gian để nhập thân vào đời sống đương đại nhưng không phải từ cõi hư vô. Thực tế lịch sử cũng chứng tỏ truyền thuyết đã chắp cánh cho tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thăng hoa và hằn sâu trong tâm thức các thế hệ người Việt Nam hàng ngàn đời nay. Điều đó khẳng định, đền Hùng, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và lễ hội đền Hùng có vị trí đặc biệt trong tâm thức chúng ta hôm nay, đồng thời còn được xếp vị trí hàng đầu trong hệ thống thần điện tối linh của Việt Nam.

Nhìn lại hệ thống "Tứ bất tử" mà mọi người thừa nhận là bốn vị thần tối linh, thì thấy có ba vị thần, đó là Tản Viên Sơn Thánh, Thánh Gióng và Thánh Chử Đồng Tử có liên quan trực tiếp đến các Vua Hùng (đó là con rể, tướng lĩnh và đều mang đặc điểm chung là có công giúp dân giúp nước) với những truyền thuyết phản ảnh các biểu tượng văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Do đó Hùng Vương với tư cách là vị Quốc tổ khai sáng, chắc chắn được xếp trên "Tứ bất tử" trong thần điện Việt".

Theo GS-TS Lê Hồng Lý Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: "Thờ cúng tổ tiên, ngày Quốc tổ được coi là một ngày lễ lớn trọng đại của người Việt. Chính trong ngày giỗ Tổ này, con cháu hành hương về với đất Tổ, như một sinh hoạt văn hóa cộng đồng giúp mọi người chan hòa với nhau, thương thân thương ái, cùng tự hào là con rồng cháu tiên. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương thực sự trở thành biểu tượng quốc gia quy tụ tất cả cộng đồng, các dân tộc Việt Nam  và cả kiều bào ta ở nước ngoài. Tín ngưỡng còn  giúp đoàn kết cộng đồng, gắn bó dân tộc". 

GS-TS Trương Quốc Bình, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết: "Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà trong đó đỉnh cao là ngày giỗ Tổ nhắc về cội nguồn lịch sử của dân tộc quá trình hình thành và phát triển của dân tộc Việt đã trải qua bao biến cố thăng trầm trong từng bước đi của dân tộc. Chính trong những dịp hướng về nguồn cội này thì những giá trị đạo đức truyền thống đã được phát huy tác dụng. Lòng hiếu thảo, lòng nhân ái, tính cộng đồng, tính cần cù sáng tạo, “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào”. “Trung với nước, hiếu với dân” là bài học thực tiễn và không những vậy làm tiền đề để phát triển đất nước. Câu nói: "Lấy dân làm gốc, lấy nước làm trọng" hàng ngàn đời nay sông có cạn, núi có mòn nhưng chân lí ấy vẫn không bao giờ thay đổi.

"Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", hơn lúc nào hết dân tộc Việt Nam cần phải tiếp tục  bảo tồn và phát huy những giá trị có tính toàn cầu nổi bật của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trong đời sống đương đại để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp  đổi mới và phát triển đất nước, giữ vững chủ quyền và độc lập của quốc gia, dân tộc".

 Năm nào cũng vậy, dòng người đổ về ngày Quốc tổ - giỗ Tổ Hùng Vương ngày một đông. Vẫn nghe trong gió lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh ấm trong: "Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước". Vào thời điểm hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã đạt tới đỉnh điểm của sự thăng hoa để trở thành ngày hội non sông, ngày hội lớn của toàn dân.

Theo thống kê của Viện Văn hóa, Nghệ thuật Việt Nam, cả nước ta có tới 1.417 di tích thờ Hùng Vương và các nhân vật thời Hùng Vương. Điều đó chứng tỏ nhu cầu thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Vua Hùng là nhu cầu văn hóa tâm linh tín ngưỡng có thực của người Việt, người dân Việt trong nước và cộng đồng người Việt quốc tế.

Trần Mỹ Hiền
.
.