Du lịch xuyên châu Âu bằng xe đạp liệu có phải là giấc mơ?
Theo khảo sát và công bố hằng năm của tạp chí Forbes, những nước Bắc Âu như Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển, Phần Lan và Hà Lan đều nằm trong top những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - cũng chính là 5 quốc gia châu Âu có tỉ lệ người dùng xe đạp cao nhất. Đối với người dân các nước này, được đạp xe cũng là một niềm hạnh phúc!
Hệ thống đường sá hầu hết các nước châu Âu được xây dựng thông minh, an toàn với việc đầu tư làn đường riêng cho người đi xe đạp. Thủ đô Berlin của Đức quanh năm luôn tấp nập người đi xe đạp, đặc biệt là trong những ngày mùa xuân. Người dân ở đây cho biết, xe đạp đem đến cho họ sự linh hoạt hơn so với ôtô, nó cho phép người sử dụng ghé lại bất cứ nơi nào họ muốn.
Người Hà Lan "chầm chậm hưởng thụ cuộc sống qua những vòng quay xe đạp". |
Ở Copenhagen, Đan Mạch, khoảng 1/3 người lao động đi làm bằng xe đạp. Ước tính, tổng quãng đường di chuyển bằng xe đạp mỗi ngày ở Copenhagen lên tới 1 triệu km. Chính quyền nơi đây còn đầu tư lắp đặt hệ thống chống trơn cho người đi xe đạp, bố trí những thùng rác được thiết kế đặc biệt dành cho những người đang vội vã đạp xe.
Thủ đô Amsterdam của Hà Lan là một trong những thành phố có nhiều người đi xe đạp nhất thế giới. Ở đây, số lượng xe đạp còn nhiều hơn số dân của thành phố. Người đi xe đạp được trang bị nhiều bãi giữ xe miễn phí ở khắp các hang cùng ngõ hẻm.
Hệ thống đường sá an toàn, thuận tiện, sự ủng hộ của chính phủ và văn hóa xe đạp xóa nhòa khoảng cách xã hội là lý do tới hơn 40% người dân sống ở Amsterdam di chuyển bằng xe đạp. Người Hà Lan thâm thúy khi nói rằng, đất nước họ được xếp hạng hạnh phúc nhất thế giới vì người dân có vẻ chẳng bao giờ phải hối hả, ai ai cũng "chầm chậm hưởng thụ cuộc sống qua những vòng quay xe đạp".
Thế thì phương tiện công cộng ở các nước này có khuyết điểm nào? Tính cách người châu Âu rất tiết kiệm, trong khi sử dụng phương tiện giao thông công cộng tốn khá nhiều tiền, đặc biệt là đối với những người không có thẻ thành viên trả trước (theo tháng hoặc năm).
Một lần lên métro (tàu điện ngầm) ở Paris sẽ ngốn của bạn 1,7 euros, hay vé xe bus điện (tramway) ở Hà Lan đã là 2,5 euros cho 30 phút di chuyển. Chính vì thế, sở hữu một chiếc xe đạp sẽ giúp bạn đỡ tốn kém hơn rất nhiều. Trong khi đó, giá mua xe đạp lại khá rẻ, đặc biệt là những chiếc xe đạp đã qua sử dụng.
Để thu hút nhiều người tham gia đi xe đạp, hệ thống xe đạp vélib (xe đạp công cộng) có thể bắt gặp ở hầu hết các đô thị lớn ở Pháp: Paris, Lyon, Strasbourg, Besancon, Dijon... Nếu muốn sử dụng hệ thống xe đạp này, bạn phải làm một chiếc thẻ thành viên và trả phí (hằng năm, mức phí rẻ hơn nhiều so với vé xe bus hoặc tramway). Mỗi lần muốn sử dụng xe, bạn chỉ cần cà thẻ vào máy rồi lấy xe đi. Điều hay nhất là bạn không cần phải về lại đúng chỗ cũ mà chỉ cần tìm bãi xe vélib ở bất kỳ địa điểm nào khác trong thành phố để trả xe.
Thêm nữa là vì người châu Âu được giáo dục tư tưởng sống vì môi trường nên họ luôn đặt yếu tố xanh lên hàng đầu. Đi xe đạp không những giúp xanh sạch cho môi trường (giảm lượng khí thải từ xe hơi) mà còn góp phần làm dẻo dai cơ thể. Chính vì thế mà bạn có thể bắt gặp đủ mọi hạng người "nhong nhong" trên chiếc xe đạp ngoài phố mỗi ngày, từ anh nhân viên văn phòng mặc vest chỉn chu đến bà nội trợ, rồi trẻ em và cả các cụ già thong thả đạp xe đến hiệu cà phê quen ở góc phố hay đến thư viện mượn vài quyển sách.
Cuối năm 2016, ông Sadiq Khan, Thị trưởng London, đã đưa ra một kế hoạch mới nhằm đưa kế hoạch ủng hộ phong trào đi xe đạp vào thực tiễn. Ông cam kết sẽ dành khoản tiền đến 770 triệu bảng Anh trong 5 năm tới vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng dành cho xe đạp. Một dự án chủ chốt là cấp vốn xây dựng một chiếc cầu dành cho người đi bộ và đi xe đạp mới bắc qua sông Thames ở Đông London.
Dự án này có thể giúp cho hàng ngàn người có cơ hội đạp xe đi làm vì hiện nay không có một cây cầu như thế ở Đông London. Ở khu vực lân cận, London cũng sẽ tạo ra nhiều "vùng đất Hà Lan siêu nhỏ". Đây là các khu vực có giao thông ổn định được quy hoạch theo kiểu Hà Lan, đã được cải tạo để giảm bớt lưu lượng giao thông và nâng cấp nhiều tuyến đường dành cho người đi bộ và đi xe đạp.
Những tín đồ của xe đạp có mơ đến ngày đi du lịch xuyên châu Âu bằng xe đạp? Để biến điều không thể thành có thể, từ năm 1995, Liên đoàn Xe đạp châu Âu (ECF) đã khởi động dự án EuroVelo nhằm xây dựng một tuyến đường dành cho xe đạp dài 70.000km xuyên châu Âu. Điều kiện để thực hiện dự án là tuyến đường này phải đi qua ít nhất hai quốc gia châu Âu và kéo dài ít nhất 1.000 km đường giao thông cấp hai (các tuyến đường có nhiều cây xanh).
Với tổng cộng có 23 trung tâm điều phối quốc gia tham gia vào dự án này, cho đến nay, dự án EuroVelo đã hoàn thành được 45.000km, đi qua 42 nước châu Âu. Cung đường EV8- hay còn gọi là "Con đường Địa Trung Hải" dài 5.888km - được xem là tham vọng của châu Âu khi biến tuyến đường này trở thành tuyến đường du lịch văn hóa khi nó chạy từ Tây Ban Nha tới Italy, xuyên qua nhiều địa điểm du lịch nổi tiếng.
Hiện nay, các nước tham gia dự án EuroVelo đang chuẩn bị lắp đặt các biển chỉ dẫn, poster quảng cáo cho tuyến đường xe đạp đi qua nước mình. Thách thức hiện nay của họ là chạy đua với thời gian để hoàn thành toàn bộ tuyến đường này trong năm 2020.