Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Làm sao để “ngoại” không lấn át “nội”?

Thứ Sáu, 30/08/2019, 14:24
Luật điện ảnh 2006 có hiệu lực thi hành năm 2007, và chỉ hai năm sau là năm 2009 đã có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện ảnh. Điều đó cho thấy những bất cập trong quản lý ngay từ những ngày đầu thực hiện Luật Điện ảnh.

Xã hội hoá điện ảnh là bước chuyển mình ngoạn mục của điện ảnh Việt với tốc độ tăng trưởng chóng mặt của các rạp, cụm chiếu phim. Nhưng, thực chất, cụm, rạp nội địa và thị trường phim Việt chiếm bao nhiêu phần trăm khi bị các ông lớn, doanh nghiệp điện ảnh nước ngoài chèn ép, chiếm phần lớn thị phần Việt Nam.

Đã từng có thời kỳ “vắng tanh như rạp chiếu bóng”

Nếu ngành điện ảnh thế giới có từ năm 1895, thì từ những năm 1898 bộ môn nghệ thuật thứ 7 mới du nhập vào Việt Nam khi thực dân Pháp đặt chân đến nước ta, xây rạp chiếu bóng ở một số nơi và nhập những bộ phim ngoại. Trước Cách mạng Tháng 8  năm 1945, người Việt cũng bắt đầu học theo lối làm phim Tây Âu nhưng không trụ được lâu, do kinh phí bỏ ra quá lớn nhưng lúc thu hồi vốn lại quá èo uột, lỗ nặng, các hãng phim Việt tự động bị dẹp do không còn đủ nguồn vốn để duy trì.

Năm 1953, khi đang ở chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kí sắc lệnh thành lập ngành điện ảnh, đồng thời thành lập các doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng. Từ suốt năm 1953 đến 1989 là thời kì nhà nước bao cấp toàn bộ kinh phí để làm phim. Trong giai đoạn này chỉ có các hãng phim nhà nước, những bộ phim thường được quay rất kĩ, khoảng 2 năm mới xong một bộ phim truyện nhựa để chiếu rạp thời lượng từ 120 phút đến 180 phút. Trong khoảng thời gian này đề tài chiến tranh được khai thác nhiều.

Đoàn làm phim quay trên đỉnh Phanxipang.

Thời kì điện ảnh cách mạng Việt Nam từ năm 1960-1980 nhiều bộ phim đã sống trong lòng của công chúng và trở thành những thước phim vàng của điện ảnh Việt Nam như: “Chim vành khuyên”, “Chị Tư Hậu”, “Ngày lễ Thánh”, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, “Em bé Hà Nội”,... Đầu những năm của thập niên 80, điện ảnh Việt Nam phát triển mạnh mẽ với những bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật cao và mở ra nhiều đề tài đa dạng hơn như phim được chuyển thể từ tác phẩm văn học như từ tiểu thuyết “Tắt đèn” sang phim “Chị Dậu”, phim “Làng Vũ Đại ngày ấy” được chuyển thể từ ba tác phẩm “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”...

Sang năm 1989 là một bước ngoặt mới của điện ảnh Việt Nam. Trong giai đoạn đổi mới thì điện ảnh rơi vào vòng xoáy kim tiền. Không còn phim nhà nước bao cấp 100%, các hãng phim tư nhân hoạt động núp dưới danh nghĩa hãng phim của bộ, ngành, cơ quan, xí nghiệp. Từ cuối thập niên 80 cho đến đầu thập niên 90 của thế kỉ trước một dòng phim mới ra đời: Phim “mỳ ăn liền”. 

Nếu như trước đây, thời kì bao cấp 2 năm mới xong một bộ phim, kĩ lưỡng từ khâu chọn kịch bản, duyệt đề tài, với dòng phim “mỳ ăn liền” cho ra đời rất nhanh, xem rất vội, và ai cũng có thể thưởng thức được. Điểm nhấn của dòng phim “mì ăn liền” này là một dàn diễn viên hút khách. Bản thân tên của diễn viên có thể tạo nên những cơn sốt phòng vé như: Lý Hùng, Diễm Hương, Y Phụng. Lê Công Tuấn Anh, Lê Tuấn Anh, Việt Trinh,...

Nhưng ăn “mỳ” mãi rồi thì cũng chán và ngán, dòng phim này chỉ cháy sáng được vài ba năm đến giữa thập niên 90 thì gần như bị tắt hẳn. Vì chất lượng nghệ thuật thấp, những rạp chiếu bóng vắng ngắt và khán giả lẳng lặng quay lưng. 

Nhà phê bình điện ảnh Ngô Phương Lan dí dỏm bảo: “Trước đây có câu: Vắng tanh như chùa Bà Đanh, nhưng ở thời kì này thì lại là “đông” như chùa Bà Đanh, vắng tanh như rạp chiếu bóng”. 

Hàng loạt các cụm rạp không còn hoạt động, ngay như tại Hà Nội, nơi được coi là trung tâm văn hoá nghệ thuật của thủ đô thì hàng loạt rạp chuyển đổi mục đích sử dụng. Rạp Kim Đồng, Mê Linh, Đông Đô, Cửa Nam... trở thành vũ trường, quán bar, địa điểm trông xe, cho thuê tiệc cưới, hay trở thành các phòng giao dịch. Chưa bao giờ, các rạp chiếu phim trở thành hoang phế, ảm đạm đáng buồn như trong giai đoạn điện ảnh thoái trào này.

 Luật Điện Ảnh với bước chuyển mình ngoạn mục

So với các ngành nghệ thuật khác như mỹ thuật, sân khấu, điêu khắc... thì điện ảnh dường như khoác cho mình lớp áo văn minh hơn đó là năm 2006 đã rục rịch soạn thảo Luật Điện ảnh và đến năm 2007 Luật Điện ảnh chính thức ra đời. Nhưng, chỉ có điều luật vừa mới ra đời được hai năm thì đến năm 2009 lại có Luật Điện ảnh sửa đổi, cho thấy còn nhiều điều bất cập trong việc soạn thảo luật.

Bà Ngô Bích Hạnh - Giám đốc Công ty TNHH BHD muốn bổ sung Luật Điện ảnh.

Trong lúc này, nền điện ảnh phim truyện nhựa đang được thay thế bằng thời đại làm phim kỹ thuật số, với những máy móc và thiết bị hiện đại. Nhiều nhà phê bình điện ảnh đều gật đầu công nhận khoảng 10 năm trở lại đây, từ năm 2009, điện ảnh Việt Nam có bước chuyển mình mạnh mẽ, ngoạn mục. 

Nếu như năm 2007 chỉ có khoảng 9 bộ phim Việt làm chiếu rạp thì đến năm 2015 con số phim Việt đã lên đến 42 phim, phá kỉ lục. Vì sau khi Luật Điện ảnh ra đời, năm 2009 đặt chỉ tiêu đến năm 2020 làm 36 phim truyện nhựa, vậy mà mới đến năm 2015 con số đã lên tới 42 phim.

Năm 2012, nhà nước “rón rén” bước từ cơ chế làm phim truyện nhựa sang làm phim kỹ thuật số với những công nghệ hiện đại, máy móc tối tân. 

Tuy nhiên, cũng vào năm này Liên hoan phim quốc tế tổ chức ở Hà Nội, đã cho thấy sự bất cập ở các rạp chiếu phim là các cơ sở chiếu phim nhà nước chưa đáp ứng được điều kiện để chiếu phim kĩ thuật số mà chỉ có hai cơ sở rạp chiếu phim tư nhân Hàn Quốc đang chiếm lĩnh thị phần của Việt Nam là: CGV và Lotte cinema (công ty chuyên phát hành phim) đáp ứng đạt chuẩn rạp chiếu phim quốc tế. Nhưng, chỉ vài năm sau, con số phòng chiếu phim đạt chuẩn quốc tế trên địa bàn cả nước tăng mạnh.

Năm 2012, khi công ty tư nhân lớn của Hàn Quốc là CGV vào mua lại cụm rạp chiếu phim Megastar của Việt Nam với số tiền khủng lên đến 80 triệu USD thì bị cho là “điên rồ”. Vậy nhưng, chỉ một thời gian ngắn sau, CGV đã cho thấy hướng đi của họ là đúng khi đầu tư vào thị trường điện ảnh Việt Nam.

Điện ảnh thế giới đang ngày càng phát triển và Việt Nam là một trong những thị trường nóng. Con số thống kê chính thức cho thấy nhu cầu khán giả trong thời đại ngày nay ngày càng phát triển. Năm 2009, cả nước có tất cả 87 phòng chiếu phim. Năm 2015, có 460 phòng, năm 2016, con số tăng lên 588 phòng chiếu phim. 

Năm 2017 đạt 757 phòng. Năm 2018 tiếp tục nhích lên con số 922 phòng chiếu phim. Vậy là chỉ trong khoảng 10 năm số phòng chiếu phim trên cả nước đã tăng gấp 10 lần, tăng gấp 1,7 lần so với chỉ tiêu của Luật Điện ảnh đề ra từ năm 2009. Từ nhu cầu thưởng thức của khán giả mà số phòng chiếu phim tăng mạnh, đạt tiêu chuẩn quốc tế về âm thanh, hình ảnh. 

Từ khi có cơ chế mở cửa, và chiến lược xây dựng điện ảnh từ nguồn xã hội hoá, phim và phòng chiếu phim đều tăng mạnh. Tuy nhiên theo TS Ngô Phương Lan (nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh) thì có một thực trạng đáng buồn là có đến hơn 900 phòng chiếu phim, mà hãng phim nhà nước chưa được 10% tổng số rạp chiếu phim trên cả nước. Hãng phim tư nhân chiếm đến trên 90% rạp chiếu phim trên cả nước, trong đó có “hai ông lớn” của Hàn Quốc là CGV 43% và Lotte cinema trên 20% . Trong đó hai rạp chiếu phim tư nhân lớn của Việt Nam là Thiên Ngân và BHD chỉ có khoảng 20% thị phần.

Xã hội hóa Điện ảnh “Vui thì cũng vui, nhưng buồn cũng khá là buồn”

TS Ngô Phương Lan nói: “Việt Nam là nước có thị trường điện ảnh rất nóng nên việc làm chiến lược, chính sách dự thảo Luật là rất khó, không dự báo được chính xác, vì vậy nên việc quản lý khá phức tạp”. 

Bà chia sẻ, vui nhưng mà cũng buồn, ta chủ trương xã hội hoá các hoạt động nghệ thuật trong đó ngành điện ảnh xã hội hoá là hoạt động hiệu quả nhất. Xã hội hoá vui thì cũng rất vui, nhưng vui thì cũng vui vừa thôi chứ không vui quá, vì tỷ lệ rạp chiếu phim của nhà nước dưới 10% và một nơi được coi là điểm sáng của chiếu phim là Trung tâm chiếu phim Quốc gia cách đây 3, 4 năm chiếm 5% tổng doanh thu chiếu phim một năm. Nhưng đến năm 2018, doanh thu của Trung tâm chiếu phim Quốc gia xuống chỉ còn 2% tổng doanh thu chiếu phim một năm.

Trung tâm chiếu phim Quốc gia, một điểm sáng của Điện ảnh Việt Nam trong năm 2018 chỉ chiếm 2% tổng doanh thu chiếu phim 1 năm.

PGS.TS Nguyễn Hồng Vinh đề cập: “Xã hội hoá điện ảnh thành công rất nhiều, nhưng cái bất cập là “hai ông lớn” CGV và Lotte cinema là doanh nghiệp nước ngoài chiếm lĩnh trên 60% thị phần điện ảnh tại Việt Nam nên mới dẫn đến độc quyền, chiếm lĩnh thị trường. Hai doanh nghiệp lớn nhất của Việt Nam trong lĩnh vực phát hành là Thiên Ngân và BHD chỉ chiếm gần 20%. Ví dụ như ở Hàn Quốc có 3 công ty nội địa là CGV, Lotte cinema, Megarot chiếm trên 90% thị phần điện ảnh Hàn Quốc. Hay ở các nước khác như Malaysia, công ty phát hành phim nội địa chiếm đến hơn 70% thị trường. Hay Indonesia, công ty chiếu phim nội địa cũng chiếm hơn 70%”.

Theo TS  Ngô Phương Lan, ở Việt Nam, công ty nội địa của cả nhà nước và tư nhân cộng lại chỉ chiếm 20%. Điều này rất buồn và cũng khó do hệ quả của chính sách và cam kết quốc tế.  Đầu tiên khi vào WTO chúng ta bắt buộc phải cam kết ngay việc không giới hạn cho phim nhập. Phim nhập luôn chiếm trên 200 phim trong một năm, khi phim trong nước chỉ có khoảng tối đa là 40 phim. 

Trước đây, trong nước cũng chỉ có khoảng 10 phim, một con số rất thấp so với phim nhập. Hai công ty lớn của Hàn Quốc khi bước vào thị trường Việt Nam, chúng ta đã kí văn bản cho họ khai thác vô điều kiện. Và niên hạn đầu tư của họ vào thị trường Viêt Nam là 25 năm. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng số lượng rạp chiếu phim của họ như vậy. Ví dụ như CGV có hơn 43% số lượng rạp thị phần điện ảnh thì chắc chắn áp đặt, ép giá, chèn ép, thống lĩnh thị trường là chuyện đương nhiên.”

Đại diện Công ty Cổ phần Thiên Ngân cho rằng số phim Việt sản xuất hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu phổ biến cho số lượng người xem. Do đó các nhà phát hành buộc phải lựa chọn phim nhập khẩu để duy trì hoạt động của phòng chiếu phim. Số lượng phim Việt ra rạp trung bình trong 3 năm trở lại đây là 40 phim/năm. Nhưng thực trạng đáng buồn là chỉ một số rất ít chiếm tỉ lệ 1/3 là thành công hoà vốn, còn đa phần là lỗ vốn, thậm chí lỗ nặng.

Đại diện công ty BHD bày tỏ mong muốn trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) bổ sung các quy định cụ thể về tỷ lệ phân chia doanh thu bán vé và bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, giữa phim điện ảnh trong nước và nước ngoài.

TS Ngô Phương Lan cho biết: “Có thể đề xuất một chính sách nào đấy hoặc rào cản, luôn luôn bị va chạm với cam kết quốc tế, luật pháp ràng buộc không thể nào vượt qua được. Nhiều năm nay hàng chục công ty, các nhà sản xuất và phát hành phim Việt Nam đứng đơn khiếu kiện. Lấy thí dụ ở thị trường Trung Quốc từ năm 2014, thì luật điện ảnh Trung Quốc chỉ cho phim nhập là 20 phim một năm, đến năm 2015 thì vươn đến 34 phim một năm. 

Nhưng còn chúng ta thì chiếu phim ngoại, khi duyệt phim không sai thì chúng ta vẫn phải cấp giấy phép cho phổ biến, nên số lượng lên đến hơn 200 phim ngoại một năm. Đó là một việc bất cập của xã hội hoá. Trong khi đấy, nhiều người cho rằng cần phải tính đến chất lượng phim Việt khi ra rạp, vì nhiều phim yếu, kém câu khách vô lối.”

Mỹ Trân
.
.