Dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn: Không để vàng, thau lẫn lộn

Thứ Hai, 20/07/2020, 15:30
Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã soạn thảo và trình xin ý kiến Dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn với một số điểm mới, nhất là về các cuộc thi sắc đẹp.


Vương miện không thể là "chiếc vòng kim cô"

Tại phiên họp thứ 46 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào sáng 14/6, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, sau 7 năm triển khai thực hiện, Nghị định số 79/2012/NĐ-CP và Nghị định số 15/2016/NĐ-CP đã phát sinh những vướng mắc, hạn chế trong quá trình thực thi cần sửa đổi.

Việc sửa đổi này nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật về nghệ thuật biểu diễn trong thời kỳ mới, bảo đảm sự nghiệp “phát triển văn học, nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần đa dạng và lành mạnh của nhân dân” được quy định tại Hiến pháp năm 2013. Thống nhất với hệ thống pháp luật nhằm tạo hành lang pháp lý cho hoạt động thương mại, hoạt động đầu tư kinh doanh đồng thời mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường nghệ thuật biểu diễn và tiến tới hội nhập nền thương mại toàn cầu.

Dự thảo mới không giới hạn quy mô, số lượng các cuộc thi sắc đẹp trong nước.

Theo đó, cơ quan quản lý sẽ không giới hạn số lượng, quy mô cuộc thi trong nước. Trước đây, mỗi năm chỉ có 2 cuộc thi sắc đẹp quy mô quốc gia được cấp phép, cùng 3 cuộc thi cấp vùng, ngành, 1 cuộc thi cấp tỉnh. Dự thảo mới cũng bỏ quy định cách gọi danh hiệu (trước đây cuộc thi cấp quốc gia mới được gọi là hoa hậu, nhỏ hơn là hoa khôi).

Ngoài ra, theo dự thảo nghị định mới, các người đẹp đi thi quốc tế không nhất thiết phải lọt top 3 cuộc thi trong nước. Họ chỉ cần có giấy mời và đáp ứng yêu cầu của ban tổ chức cuộc thi quốc tế đó.

Cùng với đó, cơ quan quản lý sẽ giao toàn bộ quyền điều hành, chỉ đạo cuộc thi nhan sắc cho địa phương. Cấp Trung ương chỉ đề ra nguyên tắc và giám sát.

Với dự thảo này, nhiều người cho rằng đây như một cuộc cách mạng “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp khi trước đây đã có quá nhiều hạn chế.

Chẳng hạn, tổ chức “chui” với lý do không thể xin cấp phép, quá trình cấp phép mất nhiều thời gian và thủ tục rườm rà, điều kiện khắt khe cũng như không nằm trong danh sách được cấp phép. Hay, nhiều người mẫu, người đẹp đi thi “chui” ở các cuộc thi quốc tế nhưng lại đạt giải thưởng cao, được ghi nhận.

Dự thảo nghị định sẽ bỏ điều kiện thí sinh dự thi người đẹp là nữ, có vẻ đẹp tự nhiên chưa qua phẫu thuật thẩm mỹ và phải đạt danh hiệu chính để dự thi người đẹp, người mẫu quốc tế, các nội dung này sẽ do đơn vị tổ chức quy định và chịu trách nhiệm kiểm soát, xử lý.

Đây được xem là một sự thay đổi lớn khi nhiều cuộc thi nhan sắc của các quốc gia trên thế giới đã chấp nhận thí sinh qua chỉnh sửa nhan sắc hoặc chuyển đổi giới tính. Cơ chế nới lỏng này cũng tạo điều kiện cho các đơn vị tổ chức cuộc thi nhan sắc trong nước không bỏ lỡ tài năng, người đẹp phù hợp để tham gia các cuộc thi quốc tế.

Liệu có "bùng nổ" danh xưng?

Đánh giá về việc “cởi trói” cho các cuộc thi lần này của Cục Nghệ thuật biểu diễn, luật sư Trần Anh Dũng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng quy định này hướng tới việc lược bỏ bớt các thủ tục hành chính, giúp thông thoáng trong hoạt động biểu diễn nghệ thuật nói chung và các cuộc thi sắc đẹp nói riêng. Quy định này tạo điều kiện cho các tổ chức tư nhân trong hoạt động tổ chức thi nhan sắc. Đặc biệt, điều này còn khiến danh hiệu hoa hậu trở về đúng vị trí và vai trò của mình.

“Thực tế, chúng ta đang “biểu tượng hóa” về khái niệm hoa hậu, họ cũng có vai trò như một diễn viên, ca sĩ... Các cuộc thi nhan sắc về bản chất cũng tương tự như các gameshow, truyền hình thực tế, mỗi một sân chơi sẽ mang đến một thông điệp nhân văn khác nhau. Hơn nữa, tiêu chí về sắc đẹp ở mỗi quốc gia, châu lục lại hướng đến những giá trị khác nhau, có tiêu chí đánh giá khác nhau.

Hoa hậu H’Hen Niê trở thành người đẹp đầu tiên của Việt Nam lọt top 5 Hoa hậu Hoàn vũ thế giới 2018.

Có thể ở Việt Nam cứ da trắng, tóc đen dài là đẹp nhưng các cuộc thi thế giới lại không có tiêu chí đó. Nếu Việt Nam muốn có thành tích cao, buộc chúng ta phải có những sự lựa chọn phù hợp”, ông Trần Anh Dũng bày tỏ.

Thời gian qua, việc bùng nổ các cuộc thi sắc đẹp dẫn đến tình trạng loạn danh xưng. Thậm chí, rất nhiều cuộc thi nhan sắc nhảm nhí được tổ chức tràn lan như: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng ngành thép, Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng, Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam...

Mới đây, Cục Cảnh sát hình sự (C02) khi ập vào khách sạn 5 sao tại TP Hồ Chí Minh đã bắt quả tang 3 cô gái bán dâm với giá 18.000 - 30.000 USD. Một trong 3 cô được giới thiệu là Hoa hậu người Việt tại nước ngoài. Những vấn đề này khiến nhiều người đặt câu hỏi, liệu quy định về các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong Dự thảo Nghị định mới cởi mở hơn có dẫn đến tình trạng loạn hoa hậu?

Chia sẻ về vấn đề này, luật sư Trần Anh Dũng cho rằng, việc bỏ một số quy định không đến mức làm loạn danh hiệu. Theo ông Dũng, không riêng lĩnh vực nhan sắc, âm nhạc, người mẫu cũng có rất nhiều cuộc thi được tổ chức.

Thậm chí, số lượng quán quân, á quân bước ra từ các cuộc thi này nhiều đến mức không nhớ nổi. Điều đó buộc họ phải nỗ lực, phấn đấu để được khán giả ghi nhận và “sống” lâu với nghề bằng chính sản phẩm, tài năng của mình. Nếu không, họ cũng chỉ là những ngôi sao “huy hoàng rồi vụt tắt”, danh hiệu đó cũng không mang lại giá trị cho bản thân cũng như xã hội.

“Ở sân chơi hoa hậu cũng vậy. Bạn có thể đăng quang hoa hậu, nhưng việc bạn làm như thế nào để công chúng ghi nhận, để lan tỏa sự nhân văn mới là điều quan trọng. Sự cởi mở này càng làm nâng tính cạnh tranh và chọn lọc đối với các cuộc thi uy tín, chất lượng. Cuộc thi “rởm”, hoa hậu “rởm” chắc chắn sẽ bị đào thải”, ông Trần Anh Dũng phân tích.

Nhiều khái niệm cần làm rõ

Trước vấn đề “cởi trói” cho các cuộc thi sắc đẹp, với quan điểm là một người đào tạo người đẹp và đưa các thí sinh tham dự các cuộc thi lớn trên đấu trường sắc đẹp quốc tế, chuyên gia Phúc Nguyễn cho rằng, nếu dự thảo này được thông qua, sẽ hạn chế tình trạng tổ chức “chui”, thi “chui”.

Top 3 Miss World Vietnam 2019.

Tuy nhiên, mặt trái của nó là dẫn đến tình trạng các đơn vị tư nhân có tiền là tổ chức được cuộc thi nhan sắc, kể cả những tổ chức không có chuyên môn. Sẽ có hiện tượng biến cuộc thi sắc đẹp thành nơi kinh doanh sắc đẹp, xem cuộc thi như nơi tuyển chọn người tình của giới đại gia, mua bán danh hiệu và lợi dụng danh hiệu để trục lợi cá nhân hay vi phạm pháp luật... Từ đó, các cuộc thi lớn nhỏ, uy tín - “ao làng” sẽ bị đánh đồng, nhập nhằng về khoảng cách.

“Điều này còn làm danh xưng hoa hậu trở nên rẻ rúng, khi nhà nhà thi hoa hậu, người người thành hoa hậu. Cuộc thi sắc đẹp quốc tế là định nghĩa rất chung chung, có những cuộc thi chỉ có vài nước tham gia rồi mười mấy, hai mươi người “đọ sắc” với nhau cũng được gọi là mang tầm quốc tế. Thậm chí có không ít người bỏ tiền ra để mua một danh hiệu ở một cuộc thi “ao làng” nào đó. Như thế sẽ rất thiệt thòi và làm ảnh hưởng đến những cuộc thi lớn thu hút hơn 60-70 quốc gia tham dự như Miss World, Miss Universe hay Miss Earth”, ông Phúc Nguyễn bày tỏ.

Cũng theo chuyên gia Phúc Nguyễn, nếu hạn chế được số lượng cuộc thi, các thí sinh cũng có thêm thời gian để trau dồi kỹ năng, trình độ học vấn... Nếu đã coi hoa hậu là có vai trò bình đẳng như người mẫu, diễn viên... buộc họ phải có chuyên môn, được đào tạo một cách chuyên nghiệp. Hơn nữa, một hoa hậu cần phải hội tụ đủ vẻ đẹp về nhan sắc, trình độ. Đặc biệt họ phải trải qua một cuộc thi được cấp phép, được tổ chức bởi một đơn vị có chuyên môn.

Ông Phúc Nguyễn cũng cho rằng cần phân định rõ khái niệm “đại diện Việt Nam” dành cho các người đẹp đăng quang cuộc thi chính thống trong nước, được cấp phép để dự thi quốc tế với khái niệm “thí sinh đến từ Việt Nam”, dành cho những người đẹp không có danh hiệu nhưng được ban tổ chức quốc tế chấp thuận dự thi.

“Càng nhiều cuộc thi nhan sắc, danh hiệu hoa hậu càng bị bào mòn. Đây là lúc chúng ta cần quy hoạch lại, không nên để tình trạng một người đẹp đăng quang ở một cuộc thi “ao làng”, sau đó làm những điều trái đạo đức, trái pháp luật. Câu chuyện một hoa hậu người Việt tại nước ngoài được cho là nằm trong đường dây bán dâm nghìn USD vừa qua là một rủi ro cho thực trạng này. Từ đó, khiến nhiều người đẹp người có tài năng bắt đầu e dè khi đến với các cuộc thi nhan sắc, bao gồm cả cuộc thi có uy tín. Như vậy, rõ ràng danh hiệu hoa hậu đã mất đi vai trò mang đến vẻ đẹp chân - thiện - mĩ vốn có”, ông Phúc Nguyễn nói.

Đồng quan điểm, NSND Lê Ngọc Cường - nguyên Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng, hiện nay danh xưng hoa hậu đang bị “thương mại hóa”, “truyền thông hóa”. Theo NSND Lê Ngọc Cường, hiện nay có rất nhiều người đẹp được gắn với danh xưng hoa hậu nhưng không ai biết họ mang đến giá trị nhân văn gì cho xã hội?

“Việc cởi trói cho các cuộc thi nhan sắc là xu thế tất yếu của thời đại toàn cầu hóa, mở cửa kinh tế. Nhưng, bản sắc và giá trị văn hóa dân tộc càng được gìn giữ và tôn vinh. Việc tháo bỏ các điều kiện tổ chức, thi hoa hậu tại thời điểm này vẫn còn nhiều bất cập. Do đó, trước khi bỏ cấp phép, chúng ta cần có một bộ quy chuẩn dành riêng cho các cuộc thi, đại diện đi thi một cách đầy đủ. Bộ quy chuẩn này sẽ nêu rõ những việc không được làm, ai không được tham dự, đơn vị như thế nào sẽ được tổ chức các cuộc thi nhan sắc...?”, NSND Lê Ngọc Cường chia sẻ.

Như vậy, nếu Dự thảo Nghị định mới về nghệ thuật biểu diễn được thông qua, sẽ không còn cảnh những người đẹp bị ghép "tội” lậu trong những cuộc tranh tài tầm cỡ thế giới, những đơn vị tổ chức “chui”, thế độc quyền trong cuộc thi hoa hậu tại Việt Nam bị xóa bỏ. Những quy định mới này vẫn còn đó những tranh cãi, buộc các cơ quan quản lý phải rất thận trọng trước khi đưa ra quyết định chính thức.

Song, còn một điều mà quy chế lần này vẫn đang bỏ ngỏ, đó là những điều khoản dành cho các “lò” đào tạo hoa hậu, hoa khôi, người đẹp đang phát triển tại Việt Nam. Bởi có “cầu” ắt có “cung”, nếu các cuộc thi nhan sắc được tổ chức tràn lan, các lò đào tạo chắc chắn sẽ được mọc lên như nấm. Nhưng, dù nhiều công ty đã lấn sân trong lĩnh vực đào tạo hoa hậu chuyên nghiệp nhưng để tạo nên một hoa hậu đúng nghĩa thì quá hiếm hoi.

Thảo Dung
.
.