Dưới ánh sao Độc lập

Thứ Tư, 02/09/2020, 13:54
Đất nước đã bước qua 75 mùa thu với nhiều dấu ấn đáng tự hào. Khí thế quật cường của Cách mạng Tháng Tám và niềm vui phơi phới khi được làm công dân của một đất nước độc lập và tự do luôn là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong ký ức của những bậc lão thành cách mạng mà tôi đã gặp.

Mùa thu năm 1945, hưởng ứng lời hiệu triệu của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, họ đã trở thành những người phất cờ hồng, cùng cả dân tộc vùng lên giành chính quyền, lập nên nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Và, họ đã trở thành những người công an cách mệnh đầu tiên của nhà nước mới ra đời.

Đồng chí Phạm Gia Đốc cùng các chiến sĩ cảnh sát bảo vệ.

Những người “chở ban mai”

Trong căn nhà mát xanh cây trái bên bờ sông Đa Độ thuộc thị trấn Núi Đối, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng, đồng chí Đặng Nam, 98 tuổi - người chiến sĩ Kim Sơn - Tân Trào của Cách mạng Tháng Tám năm xưa, vẫn minh mẫn, chân tình và khoáng đạt. Oanh liệt một thời trai trẻ với bí danh Hồng Việt, cụ đã cùng những đồng chí, đồng đội làm nên “Tiếng trống Kim Sơn”, “Ngọn cờ Đầm Bầu”... tại miền quê Kiến Thụy anh hùng, gây tiếng vang, tạo khí thế quật khởi trên miền duyên hải Bắc Bộ thời kỳ ấy.

Giọng thơ sang sảng về những ngày phất cao cờ khởi nghĩa: “Từ trong ba nhánh tre ươm/ Thành căn cứ địa Kim Sơn - Tân Trào/ Âm vang tiếng trống, đường dao/ Đất bằng nổi sóng phất cao cờ hồng/ Cũng từ ngọn lửa bập bùng/ Lan ra tỏa sáng một vùng Kiến An...”.

Khi cách mạng về miền đất Dương Kinh xưa, đồng chí Đặng Nam mới gần hai mươi tuổi. Được cha mẹ cho ăn học, lại ham luyện tập võ thuật nên cụ giác ngộ cách mạng từ rất sớm và trở thành đội trưởng đội tự vệ làng Kim Sơn, xã Tân Trào. Ngay từ tháng 3-1945, Việt Minh ở các quận huyện khu vực Kiến An - Hải Phòng với sự hỗ trợ của tự vệ, đã kéo đến phá kho thóc của địa chủ chia cho dân nghèo.

Ngày 11-7-1945, tự vệ làng Kim Sơn do Đặng Nam chỉ huy bí mật tập kích đồn Đoan ở Tiểu Bàng, thu vũ khí và cắm cờ đỏ sao vàng trên nóc đồn địch. Sớm hôm sau, đông đảo nhân dân các xã trong huyện Kiến Thụy cùng tự vệ huyện Tiên Lãng đã kéo về Kim Sơn, lật đổ chính quyền tay sai Nhật, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn...

"Có thể nói rằng, Kim Sơn đã giành chính quyền và thành lập chính quyền trước cả nước gần 1 tháng. Sáng thành lập chính quyền cách mạng, chiều quân địch tổ chức lực lượng cả xã ủy và chánh, phó tổng toàn huyện họp ở trường Cổ Trai, bị chúng tôi ra trấn áp. Chính ông Đặng Kinh, lúc bấy giờ là phụ trách quân sự, ra tước thẻ ngà của tên Trần Tự. Hắn run như cầy sấy nói: "Thưa Cách mạng, từ nay chúng tôi không dám chống đối Cách mạng nữa" và tuyên bố giải tán cuộc họp. Chúng tôi cờ mở trống dong, hô khẩu hiệu "Việt Nam độc lập muôn năm", đả đảo đế quốc Nhật...” - đồng chí Đặng Nam nhớ lại.

Đồng chí Đặng Nam kể về cao trào cách mạng "Tiếng trống Kim Sơn" với nhà thơ Phạm Vân Anh

Nhưng 1 tháng sau đó, để giữ được chính quyền là một quá trình vô cùng gian khó. Sự ra đời của Ủy ban Dân tộc giải phóng Kim Sơn đã khiến quân Nhật và tay sai hết sức hoang mang, lo sợ. Ngày 4-8-1945, Nhật huy động 2 xe cam-nhông (camion) chở 40 lính và sĩ quan Nhật với đầy đủ vũ khí về đàn áp phong trào cách mạng ở Kim Sơn. Lúc đó, với vai trò là chỉ huy của các đội tự vệ ở Tú Đôi, Đoàn Xá, Lão Phong..., đồng chí Đặng Nam đã dũng cảm phối hợp với các đội tự vệ ở huyện Tiên Lãng cùng nhau đánh địch.

Nhà sử học Ngô Đăng Lợi, lúc ấy mới chỉ là một thiếu niên của xã Đoàn Xá, huyện Kiến Thụy chia sẻ: “Khi địch vào, có một phụ nữ tên là Rèn rất can đảm ra thúc trống báo động. Theo lệ làng, khi có báo động là dân làng, già trẻ, trai gái đều ra hết. Có cụ già là cụ Mải rất hăng hái, vác giáo ra đứng chặn. Khi bọn lính rút sang Cổ Trai thì lực lượng của ta ở Cổ Trai phục kích, đánh. Địch phải rút”.

Hào khí của “Tiếng trống Kim Sơn” lan tỏa, lần lượt các quận, huyện của Kiến An - Hải Phòng như: Kiến Thụy, Tiên Lãng, Thủy Nguyên, Vĩnh Bảo, An Dương... đều khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc Tổng khởi nghĩa mùa thu 1945. Nhân dân nội thành Hải Phòng, nhân dân các huyện của Kiến An kéo đến Nhà hát Lớn thành phố từ rất sớm. Bộ đội chiến khu Trần Hưng Đạo và tự vệ các địa phương, hàng ngũ chỉnh tề xếp hàng trước cửa nhà hát. Bài “Tiến quân ca” vang lên hùng tráng. Đồng chí Vũ Quốc Uy thay mặt Ủy ban Khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ chính quyền tay sai của phát-xít Nhật, thành lập Ủy ban Hành chính Cách mạng lâm thời Hải Phòng.

Ngay sau đó, cũng như các địa phương ở Bắc bộ, Ty Liêm phóng ở Hải Phòng và Kiến An được thành lập, gọi tắt là Ty Liêm phóng Hải Kiến. Đội trưởng đội tự vệ Kim Sơn Đặng Nam được điều về Ty Liêm phóng Kiến An, đảm trách việc bảo vệ cho chính quyền cách mạng còn non trẻ đang bị thù trong giặc ngoài câu kết phá hoại. Năm 1946, khi thành lập công an quận, đồng chí Đặng Nam được cử là Phó trưởng Công an Kiến Thụy. Toàn quốc kháng chiến, các xứ ủy, thành ủy rút vào hoạt động bí mật, huyện Kiến Thụy bị thực dân Pháp chiếm đóng, chúng khẩn trương lập tề, bắt lính để ngăn chặn cán bộ, bộ đội thâm nhập.

Dù tình hình rất khó khăn, song dưới sự lãnh đạo của huyện ủy và của Ty Liêm phóng Hải Kiến, ông cùng đồng đội vừa phát triển lực lượng công an cấp xã, kiện toàn bộ máy công an huyện, vừa hoạt động trừ gian phá tề, hạn chế thiệt hại do địch gây ra, nhất là vụ Công an Kiến Thụy diệt gọn đồn Vệ Lộ ở Vọng Hải khiến địch kinh sợ.

Đồng chí Đặng Năm kể rằng, khi Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân vào chiều 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, người dân Hải Phòng lúc đó cũng tập trung tại Nhà hát Lớn thành phố để nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập qua sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam. Cùng đồng đội tham gia cuộc mít-tinh ấy, những người cán bộ đầu tiên của Ty Liêm phóng Hải Kiến như hòa mình trong khí thế hào hùng của một dân tộc khi vừa giành lại được độc lập.

Ngay từ sáng sớm, đường phố đã ngập cờ hoa, những dòng khẩu hiệu với nội dung “Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muôn năm”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”, “Độc lập hay là chết”... được dán đầy ở các con đường lớn. Ai ai cũng hân hoan, hô vang lời thề sắt son quyết đấu tranh giành lại độc lập cho Tổ quốc.

Vinh quang đứng dưới lễ đài

Tại Hà Nội, sau khi phá thành công cuộc mít-tinh của chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim tối 17-8-1945, nhằm phân tích, đánh giá tình hình, Thành ủy Hà Nội đã họp và thống nhất quyết định khởi nghĩa. Vào lúc 10h sáng ngày 19-8-1945, tự vệ nội, ngoại thành giương cao cờ đỏ sao vàng đi đầu đoàn quân khởi nghĩa, hát vang bài “Tiến quân ca”. Tiếp đó, cuộc mít tinh lớn diễn ra lúc 11h tại Quảng trường Nhà hát Lớn với sự tham gia của khoảng 20 vạn người nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình thị uy vang dội và nhanh chóng chia lực lượng đánh chiếm Phủ khâm sai, Tòa thị chính, Sở cảnh sát và Trại bảo an binh...

Các tổ chức Thanh niên, Phụ nữ, Công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu, là nòng cốt dẫn đầu các đoàn biểu tình và tham gia giành chính quyền. Trong đoàn biểu tình ngày ấy có đồng chí Phạm Gia Đốc (nay đã 97 tuổi), nguyên Hiệu trưởng Trường Dạy nghề thành phố Hà Nội, nguyên đội viên Đội Công nhân cứu quốc thành Hoàng Diệu.

75 năm sau, cũng vào những ngày tháng Tám, bước chân người cán bộ lão thành chầm chậm đi trên đường Hàng Bài, nơi ông từng tham gia đánh chiếm Trại bảo an binh và kể lại cho chúng tôi nghe về ngày 19-8 năm ấy. “Tôi tham gia cách mạng khi mới 19 tuổi, đang là công nhân nhà máy điện Yên Phụ. Ngày 17-8, sau khi phá cuộc mít-tinh của chính phủ Trần Trọng Kim, chúng tôi về nhà máy họp để chuẩn bị cho khởi nghĩa. Ngày 18 cả Hà Nội im ắng nhưng chúng tôi thì đã sẵn sàng với cuốc, thuổng, búa, dao để ngày 19-8 đi giành chính quyền.

Đồng chí Đặng Nam cùng người thân thăm lại khu di tích truyền thống Kim Sơn, Kiên Thụy, Hải Phòng.

Sau khi ta đánh chiếm được các vị trí chủ chốt và Thành ủy Hà Nội tuyên bố giành chính quyền, tôi và một số cán bộ khác được ông Chu Đình Xương - Giám đốc Sở Công an Bắc Bộ mời đến gặp để bàn “việc cơ mật” là đảm nhận trọng trách bảo vệ lễ đài độc lập khi Chính phủ Lâm thời ra mắt quốc dân. Tôi chính thức gia nhập lực lượng công an từ khi đó”.

Thời điểm ấy, mọi việc đều được tiến hành một cách gấp gáp và khẩn trương, lực lượng bảo vệ lễ đài của Việt Minh lại quá ít mà các thành phần chống cách mạng vẫn hoạt động rất mạnh ở Hà Nội, Khi ấy, bản thân đồng chí Phạm Gia Đốc và những người khác vừa vui mừng, vừa băn khoăn lo lắng vì đây là một nhiệm vụ hết sức quan trọng. Mỗi người được phát một khẩu súng ngắn cùng 5 viên đạn. Mọi người ai cũng thấp thỏm mất ăn mất ngủ, cứ gặp nhau là bàn luận sôi nổi xem nên tiến hành mọi chuyện như thế nào vì chưa biết chương trình buổi lễ hôm đó ra sao, lễ đài thế nào và làm thế nào để bảo vệ an toàn.

Rồi cái ngày trọng đại ấy cũng đến, lễ đài Độc lập được bố trí bảo vệ 3 vòng do 3 lực lượng tham gia. Vòng trong cùng là các đơn vị giải phóng quân từ chiến khu về Hà Nội, đồng chí Phạm Gia Đốc cùng các đồng đội thuộc Sở Công an Bắc bộ đứng ở vòng hai, dưới chân lễ đài, trực tiếp bảo vệ các thành viên Chính phủ Lâm thời. Đội tự vệ chiến đấu cứu quốc thành Hoàng Diệu bảo vệ vòng ngoài cùng.

Cho chúng tôi xem bức ảnh bảo vệ đài Độc lập năm ấy, ông chỉ vào người thanh niên mặc áo sơ mi trắng, quần tây, súng giắt bên hông và ngực đeo huy hiệu đứng trước lễ đài, bảo: “Chúng tôi đến quảng trường từ rất sớm, trời hôm ấy nắng đẹp lắm. Ông Chu Đình Xương là người được giao nhiệm vụ trực tiếp bảo vệ Bác Hồ nhưng ông đến rất sớm, đôn đốc chúng tôi vào vị trí và kiểm tra một lần nữa công việc bảo vệ, căn dặn mọi người là “Phải bảo vệ tuyệt đối an toàn cho lễ đài Độc lập, không để thành phần chống cách mạng bắn súng, ném lựu đạn lên lễ đài”.

Đồng chí Phạm Gia Đốc (người mặc áo trắng, thứ 2 từ phải sang) bảo vệ dưới đài Độc Lập.

Chúng tôi đứng dưới nắng tháng Chín mà không hề thấy oi bức, mệt mỏi gì vì phấn khởi quá. Từng đoàn người từ khắp nơi diễu hành qua các phố đổ về quảng trường với cờ hoa, ai cũng mặc bộ trang phục tươm tất nhất dẫu gương mặt còn khắc khổ. Tất cả giơ cao biểu ngữ bằng tiếng Việt, Pháp, Anh, Hoa, Nga như: “Nước Việt Nam của người Việt Nam”, “Độc lập hay là chết”... Các anh em trong đội ai cũng tự hào, đứng thẳng lưng, ưỡn ngực cao vì biết nhân dân cũng đang nhìn về phía mình”.

Đến 14h, công tác chuẩn bị đã hoàn tất, không khí quảng trường bừng lên tiếng hoan hô khi một chiếc xe Citroen màu đen được hộ tống bởi 2 mô tô và các chiến sĩ cảnh sát đi xe đạp từ từ đi qua quảng trường rồi vòng ra sau lễ đài. Nghi lễ kéo cờ và cử quốc ca bắt đầu thật linh thiêng và thành kính. Đồng chí Võ Nguyên Giáp lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Nội vụ trịnh trọng giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. “Hỡi đồng bào cả nước...” dù không được nhìn thấy Chủ tịch nhưng khi tiếng nói ấm áp vang lên khiến những chiến sĩ đứng dưới bảo vệ đài Độc lập như có luồng điện truyền qua. Lần đầu tiên, họ được nghe những từ mà không bao giờ dám nghĩ đến như độc lập, tự do, bình đẳng, hạnh phúc...

“Lúc bấy giờ, nước mắt tôi chực trào ra. Tôi cố gắng đứng nghiêm, mắt nhìn thẳng về phía trước suốt buổi lễ. Nhưng, lúc ấy tôi nghe thấy tuyên bố danh sách Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, tôi cứ băn khăn mãi vì sao đó không phải là cụ Nguyễn Ái Quốc? Bởi cái tên Nguyễn Ái Quốc từ lâu đã thân thuộc với thế hệ thanh niên và người dân Hà Nội yêu nước lúc bấy giờ. Khi kết thúc buổi lễ, tôi mới biết Cụ Hồ chính là Nguyễn Ái Quốc”, đồng chí Phạm Gia Đốc nhớ lại.

Sau ngày lễ đó, đồng chí Phạm Gia Đốc tiếp tục công tác tại Công an Hà Nội cho đến năm 1960 mới chuyển ngành về công tác tại UBND thành phố Hà Nội. Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã bám trụ tại Hà Nội để hoạt động trong lòng địch, diệt ác trừ gian và bảo vệ Hà Nội vẹn toàn khi quân Pháp rút đi sau Hiệp định Geneve. Năm 2018, Công an thành phố Hà Nội được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí Phạm Gia Đốc đã thay mặt những chiến sĩ công an quả cảm của Thủ đô ngày ấy lên nhận bằng vinh danh anh hùng.

Phạm Vân Anh
.
.