Đường đua xe hơi gian nan nhất hành tinh
Cuộc đua ô tô thể thao thường niên mang biệt danh “Indianapolis 500”, thường được gọi tắt là “Indy 500” với độ dài đúng 500 dặm (805km) qua 200 vòng đua, được tổ chức hàng năm tại đường đua chuyên dụng hình bầu dục Indianapolis Motor Speedway (IMS), tọa lạc ở thị trấn Wayne, ngoại vi thành phố Indianapolis (tiểu bang Indiana, Mỹ), hiển nhiên là đường đua xe hơi cố định gian nan nhất thế giới, luôn đòi hỏi những tay lái cự phách đầy quả cảm…
Toàn cảnh đường đua IMS nhìn từ trên cao. |
500 dặm đường dài dằng dặc này không phải là điều khó khăn đối với các nhà sản xuất chuyên nghiệp, những người đã thiết kế các loại xe đua thể thao tân kỳ với sự trợ giúp của máy điện toán đời mới nhất, rồi tiến hành thử nghiệm trong các hệ ống khí động học đặc chủng trước khi xuất xưởng. Đường đua gian nan Indianapolis 500 là một biểu tượng ứng tấu tài nghệ, diễn ra giữa các chuyên gia chế tạo xe hơi hàng đầu thế giới.
Đây chính là đường đua xe hơi nổi tiếng nhất ở Mỹ, tuy rằng không phải là cuộc đua với vận tốc nhanh nhất, cũng như đòi hỏi sự điêu luyện nhà nghề cao nhất. Chu kỳ ngoặt trái triền miên tiếp nối của đường đua bắt buộc các VĐV vừa phải nhấn ga liên tục, lại vừa phải biết giảm tốc độ đúng khoảnh khắc lúc vào cua để các động cơ có công suất khổng lồ được dịp “xả hơi” - một điều cốt yếu tạo nên chiến thắng về mặt kỹ thuật.
Kể từ năm 1911, khi lần đầu tiên Indy 500 được tổ chức tại Indianapolis cho đến nay (chỉ bị gián đoạn trong 2 cuộc Thế chiến), các thống kê tai nạn không ngừng tăng: 14 VĐV chết ngay trên đường đua, còn 21 người khác trong khi tập hoặc lúc thử xe. Các vụ tai nạn cũng cướp đi sinh mạng của 30 nhân viên kỹ thuật và khán giả (người thiệt mạng gần đây nhất do bị lốp xe văng ra bắn vào đầu).
Một vụ tai nạn kinh hoàng khi vận động viên phóng với vận tốc 350km/giờ. |
Chỉ riêng quá trình tập và nâng cao tay nghề sửa soạn cho cuộc đua đã có 25 trường hợp tai nạn, 23 tay đua va phải con lươn bê tông ngăn cách đường đua với khán giả. Theo truyền thống, các VĐV từng bị tai nạn tại Indianapolis thường có mặt trên những chiếc xe lăn trong lô danh dự trên khán đài chính của IMS.
Nguyên nhân sinh ra các tai nạn ở Indy 500 gồm 2 lý do: trước hết để không bị mất tốc độ khi vào cua, các tay đua thường “lướt” sát bức tường - con lươn bê tông bảo vệ chỉ có… vài cm; thứ đến nhằm cố giành giật vị trí tiên phong trong lúc xuất phát, nhiều tay đua thiếu kinh nghiệm đã bị lật xe ngay ở khúc cua đầu.
Người ta đã áp dụng nhiều biện pháp mới nhằm hạn chế con số người chết và thương vong, như giới hạn thể tích động cơ, cho VĐV mặc những bộ trang phục đặc chủng khó xây xát và không bắt lửa, lắp hệ thống tự động ngắt nhiên liệu khi có sự cố…
Nhưng quan trọng nhất phải kể đến là sự thay đổi cấu trúc của xe đua: khi va quệt mạnh xe sẽ tự “phân rã” tại chỗ, còn VĐV vẫn nguyên vẹn trong một khoang đặc biệt chắc chắn nhất - “hạt nhân” của khung xe. Nhờ biện pháp mới này, tay đua gạo cội người New Zealand Scott Dixon từng kết thúc 3 vòng đua biểu diễn dưới tiêu đề “Thi đấu với những con lươn”, một “cuộc chơi” ngoạn mục bên rìa khuôn khổ Đường đua 500 dặm mà không hề hấn gì, trong khi chiếc xe hiệu Honda của anh giống như “bị xe tăng cán qua”.
Phần thưởng dành cho nhà vô địch đường đua gian nan là chiếc Cúp bạc Borg-Warner: cao 163cm, nặng 69kg, trị giá 1,3 triệu USD. |
Với nhiều khán giả thì kỳ nghỉ cuối tuần với Indy 500 là một thú tiêu khiển “khó bỏ” được, bởi vậy năm nào lượng du khách đổ về Indianapolis trong 3 ngày có cuộc đua cũng xấp xỉ nửa triệu người, một con số kỷ lục đối với bất cứ đường đua ô tô thể thao nào khác trên hành tinh. Bởi sức chứa trong IMS có hạn, lẽ dĩ nhiên là nạn bán vé chợ đen tha hồ lộng hành, bởi cầu luôn vượt cung.
Ngoài ra là giá cả dịch vụ nói chung cũng tăng lên một cách chóng mặt, nhất là giá phòng tại các khách sạn nếu như không đặt chỗ cả 3 tháng trước đó và không phải lúc nào cũng sẵn phòng trống. Còn tại các khu vườn phải bỏ ra một số tiền không nhỏ (200 USD) mới mong có một chỗ cắm chiếc lều dã ngoại của mình, duy nhất chỉ có khuôn viên trong ngôi nhà thờ địa phương là không mở cửa kinh doanh cho khách qua đêm.
Cả Indianapolis hừng hực không khí lễ hội. Sau 3 ngày vết tích còn lại của Đường đua 500 dặm là những “núi” vỏ lon bia vương vãi khắp nơi, gây cản trở giao thông cũng như mỹ quan đô thị. Nhưng với dân Mỹ vốn luôn ưa “khác người”, thì cuộc hội ngộ hàng năm quanh Indy 500 vẫn là một cái gì đó để họ tự hào với thế giới này.