Dzungart và hành trình tìm chính mình

Thứ Hai, 04/12/2017, 13:22
Ở mọi thời điểm, có tiếng gọi của đam mê là anh xách máy ảnh lên và đi, là tới mọi vùng miền để tìm cảm hứng sống cho những bức ảnh của mình. Dũng bảo, dù có thế nào thì cũng phải để cho cơn ngứa nghề được thỏa mãn.

Dù là đi xa hay đi gần, dù là đi ban đêm hay trời sáng, dù là gặp phải đủ mọi trắc trở... nhưng đó là cuộc chinh phục cái đẹp, tìm đến những khoảnh khắc của màu sắc, ánh sáng... của những giây phút thăng hoa mà cả đời anh đã theo đuổi.

Nguyễn Quốc Dũng (nghệ danh Dzungart) sinh năm 1959 tại Hà Nội. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp năm 1984, vẽ tranh như điên loạn. Anh đã mở 5 triển lãm tranh cá nhân tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2003 đến năm 2012.

Rồi anh tạm dừng hội họa và chuyển sang nhiếp ảnh bởi sự lôi kéo đầy quyến rũ của nghệ thuật nhiếp ảnh. Liên tục anh đã mở các triển lãm cá nhân về ảnh nghệ thuật, ra mắt các bộ sưu tập ảnh nude tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh và nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình mỹ thuật, nhiếp ảnh và bạn bè khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Dzungart.

Một điều rất đặc biệt ở Dzungart, đó là vẽ tranh và chụp ảnh chủ yếu về phái nữ và gắn với chiếc áo dài trắng tinh khôi của thiếu nữ Việt Nam.

Nói về cảm xúc gắn bó với chiếc áo dài, anh đã chia sẻ: "Với tôi áo dài chắc chắn là đẹp, phụ nữ Việt Nam mặc áo dài chắc chắn là yêu. Áo dài ngày nay nhiều người nói nó là “quốc phục” của phụ nữ Việt Nam cũng không sai, bởi dù có đi đâu mà nhìn thấy tà áo dài thì biết ngay đó là người Việt Nam. Nó như một biểu tượng vậy. Công việc của đời người nhiều khi không định trước, tôi không nghĩ có ngày mình rẽ sang chụp ảnh, vẫn nghĩ nếu có chụp thì chỉ là vui chơi vì thích.

Nhưng không phải vậy, lúc đầu chụp để lấy tài liệu cho vẽ tranh, hết áo yếm đến áo dài, chụp mặc vào rồi lại cởi ra. Mỗi ngày một hứng thú, thấy đẹp thì bày triển lãm, bạn bè, người đến xem nhiều, người thích rồi mua nhiều làm mình cũng thích. Cứ thế định hình con đường mới lúc nào không hay.

Như nhiều anh em khác, vẽ hoặc chụp thì được, nhưng để nói về việc mình làm không dễ. Chỉ đơn giản thế này: với người phụ nữ Việt Nam, nếu không yêu, không thương thì chụp không thể đẹp, hoặc biết chụp đẹp thì thiếu cái tình. Nhất là lại chụp áo dài, một chủ đề không hề dễ. Nói về điều này, tôi đã có những bức ảnh như là của "trời cho" vậy. Chẳng hạn, năm 2014, tôi và nhóm các người mẫu đi miệt mài cả một ngày dài để tìm bối cảnh cho bộ ảnh "Mùa nắng phai".

Đi mãi chẳng có một cảnh nào ưng ý, tôi nghĩ, thôi trở về Hà Nội chờ lần khác. Nhưng trên đường đi, chúng tôi lại qua đầm Vân Long, lúc đó trời đã sâm sẩm chiều. Tôi đề nghị hai cô người mẫu xuống để tôi chụp thử vài kiểu xem có "khá khẩm" gì không. Thì bỗng dưng, ở phía sau dãy núi, có một đàn cò trắng hàng trăm con bay lượn trên cánh đồng.

Tác phẩm “Đi hội”.

Tôi bảo người mẫu cứ tự nhiên nhảy múa và tôi thì bấm máy lia lịa, chỉ sợ đàn cò bay đi xa mất. Thế là trong hàng trăm kiểu ảnh, tôi nhặt ra được mấy kiểu rất ưng ý. Cái đó, đúng là với nhiếp ảnh là thứ không bao giờ muốn mà được. Chỉ có thể là duyên trời mà thôi!".

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Quốc Dũng sau 10 năm miệt mài với chiếc máy ảnh trên các chặng đường của quê hương Việt Nam yêu dấu, đã có rất nhiều tác phẩm chụp hình ảnh tà áo dài Việt Nam trong nhiều trạng huống khác nhau. Có cô nàng yếm thắm đẹp như bức họa đồng quê, có những cô gái trẻ đẹp nõn nà bên lụa bạch, yếm phai, những tà áo dài đùa giỡn với cơn mưa, đồng lúa, cả những tâm trạng và những nỗi niềm trắc ẩn trong cái nhìn xa xăm của thân phận người phụ nữ qua những thời kỳ khác nhau... Hầu hết những bức ảnh có được của anh, những bức thật đẹp, thật trữ tình, đôi khi đều nằm ngoài sự sắp đặt, đó là một cái duyên với người, với đời.

Sau 10 năm lăn lộn với nghề, Dzungart cho ra mắt tập sách ảnh "Mùa nắng phai" với hơn 130 ảnh áo dài được anh tuyển chọn từ trước đến nay. Cùng với bộ sách ảnh, anh đã trưng bày 38 bức khổ lớn, in trên chất liệu canvas (vải bố). Đây là những bức ảnh về áo dài cũ, được thực hiện trong khoảng 10 năm trở lại, chụp ở Hà Nội, Bắc Ninh, Ninh Bình, Huế, Hội An...

"Mùa nắng phai", một cái tên gợi không thôi, những cô gái mặc áo dài cũ, yếm váy đụp cũ trên một bối cảnh cũ, nhà Bắc Bộ 3 gian 2 chái, cầu ao đá, giếng chùa, cổng làng, ao bèo. Những cô gái lặng lẽ thả hoa đăng trên sông Hương, khua mái chèo trên sông Hoài... những vẻ đẹp cũ, không khí cũ yên bình, mùa nắng cũ, mùa của thời gian đã qua, không nhiều tương phản mà thiên về bảng màu đơn sắc. Thế thì với tất cả những gì đã nói ở trên, có lẽ bởi xuất phát điểm là "dân" hội họa nên ảnh của Nguyễn Quốc Dũng có chất hội họa bảng lảng trong từng tác phẩm.

Tác phẩm “Nốt trầm”.

Họa sĩ Lê Thiết Cương khi xem ảnh của anh đã nhận xét: Nguyễn Quốc Dũng vốn là người vẽ, đi học vẽ, hành nghề vẽ, có nhiều triển lãm tranh riêng, chung trong ngoài nước. Có thời gian dài làm hội họa rồi mới “bỗng dưng” chuyển sang nhiếp ảnh. Thế nên cũng là dễ hiểu khi đằng sau người chụp luôn có bóng hình người vẽ.

Mỗi loại hình nghệ thuật đều có ngôn ngữ biểu đạt riêng, đăc trưng và không thể thay thế. Ví như mảng khối của điêu khắc, bối cảnh của điện ảnh, giai điệu tiết tấu của âm nhạc... Hay nói cách khác, các loại hình nghệ thuật tồn tại độc lập bằng ngôn ngữ của mình mà không cần phải dựa vào, nương nhờ vào, “tầm gửi” vào cách nói của “kẻ khác”.

Không chỉ theo đuổi những bộ ảnh về áo dài, Dzungart hiện đã có hàng trăm bức ảnh “nude” nghệ thuật như là một sở thích tay trái của anh trên chặng đường tìm cái đẹp. Anh cho rằng, chụp ảnh nude là một mảng đề tài vô cùng khó mà anh đã dày công theo đuổi nhiều năm nay. Để có một bức ảnh đẹp, phải hội tụ nhiều yếu tố về cảm quan nghệ thuật, về điều kiện ánh sáng, và một tính thiện trong người cầm máy.

Có lẽ vì thế nên ảnh nude của Dzungart gợi cho người xem nhiều cảm xúc chân thực về vẻ đẹp nguyên sơ và sâu thẳm của chân thiện mỹ. Anh cũng không cần các người mẫu ảnh của anh là một hotgirl, hay là một người nổi tiếng, anh cũng không quan trọng người mẫu sẽ là "mình hạc xương mai" hay gầy gò ốm yếu. Anh tìm mẫu là những người bình thường ngoài đời. Và một vẻ đẹp "Phục Hưng" trong nghệ thuật đương đại cũng có thể là mục tiêu của Dzungart.

Dù là ảnh nghệ thuật nhưng anh cũng đã gặp rất nhiều câu chuyện "phiền hà" trong quá trình thực hiện. Anh kể lại câu chuyện vui của mình trong quá trình chụp ảnh nude: "Vợ tôi là một người không làm nghệ thuật, lại càng không muốn chồng mình dính líu đến việc chụp ảnh nude. Có lần tôi đang ngồi chỉnh sửa ảnh trên máy tính thì... nàng nhìn thấy.

Tác phẩm “Hạnh phúc trong mơ”.

Ôi thôi, dù biết chồng mình thường xuyên đi chụp ảnh các thiếu nữ và áo dài song chụp ảnh nude, dù là chụp trong studio nàng cũng không thể chấp nhận được và nổi cơn thịnh nộ. Nhưng rồi dần dần, nàng hiểu rằng, làm nghệ thuật có nghĩa là phải hy sinh, phải trả giá và nghệ sĩ không có chuyện nhập nhèm giữa đời thường và nghệ thuật.

Bản thân tôi cũng coi trọng gia đình và đó là thứ tôi không bao giờ đánh đổi. Tôi cũng có hai cô con gái và tôi cảm thấy mình phải sống có chuẩn mực để các con có điểm tựa ở phía gia đình để phấn đấu và trưởng thành. Dần dần, vợ tôi yên tâm để tôi tự do làm việc.

Nhưng cũng có những câu chuyện từ khách hàng thực sự lại tra tấn mình. Chuyện là có một cô gái đã gọi điện thoại nhờ tôi chụp một bộ ảnh nude để giữ lại tuổi thanh xuân. Cô đã có người yêu là một anh chàng người nước ngoài nhưng ở xa. Sau khi trao đổi về các điều khoản, tôi đồng ý và chụp cho cô rất nhiều tấm ảnh khá đẹp, mang tính nghệ thuật. Khi tôi tổ chức một cuộc trưng bày nhỏ trong nội bộ bạn bè thân thiết, tôi đã mang một bức hình của cô gái (không thấy mặt, chỉ có mái tóc dài) rất ưng ý, để trưng bày.

Không hiểu bằng cách nào mà anh người yêu tận nửa vòng trái đất biết được. Anh chàng đã email, điện thoại, inbox đủ kiểu cho tôi với lời lẽ rất thiếu tôn trọng. Dù việc trưng bày ảnh đã được cô gái đồng ý nhưng sau đó để tránh những việc không hay xảy ra nên tôi đã bỏ bức ảnh của cô xuống dù rất tiếc"..

Chụp ảnh để có được cái duyên cuốn mình vào là rất khó. Khi đã tìm được cái duyên thì sự gợi cảm và sẻ chia sẽ đến gần hơn với khán giả.

Dzungart bắt nhịp đời sống đương đại khá nhanh trong những bước đi chậm chứ không hối hả của nghệ thuật đầy lối rẽ hiện tại của lớp trẻ. Chính vì thế, dù ở tuổi ngũ thập tri thiên mệnh, nhưng gần gũi với lớp trẻ, gần gũi đủ để làm mới mình nhưng trở về là chính mình trong từng tác phẩm.

Anh hợp với tuổi trẻ bởi vì sự đi, sự trải nghiệm và sự hăng say trong nghề. Anh khao khát tìm được một bức ảnh đẹp, vừa mang tính thời sự, vừa mang tính nghệ thuật. Nó là sự giao tiếp với độc giả bằng một cách trực quan và chân thành nhất. Nói đến ảnh áo dài Việt Nam, trong giới nhiếp ảnh đã nhận chân ra một Dzungart phiêu lãng mà ngọt ngào, tình tứ mà vẫn không mất đi sự cẩn trọng và những nguyên tắc về hình khối. Anh tạo được một trường phái ảnh riêng biệt mang tên Dzungart không trộn lẫn.

Có một họa sĩ khi nhận xét về anh đã chia sẻ: "Nhiếp ảnh ra đời sau hội họa nhưng không có nghĩa là nó mượn ngôn ngữ của hội họa, cho dù có chung vài hình thức biểu đạt tương đồng. Khi hài hòa được cả nhiếp ảnh và hội họa trong mỗi khung hình thì cả hai cùng được tôn vinh, cùng được sang. Nếu non tay thì sẽ lợi bất cập hại, sẽ phản tác dụng, sẽ vô tình giết chết cả hai. Không ít người chụp hiện nay quá đà nên ảnh của họ như tranh và ngược lại bên hội họa cũng có một dòng tranh y như ảnh. Điều thực sự có được là Dzungart đã hài hòa được những điều đó để có một dấu ấn không trộn lẫn...".

Riêng với Dzungart, khi đưa một tác phẩm ra với công chúng, anh luôn tâm niệm rằng, đó là những khoảnh khắc của cái đẹp. Đó không còn là cái đẹp cụ thể nữa mà là cái đẹp của cảnh sắc và con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam bước đến với thế giới. Điều đó càng thể hiện rõ rệt khi Dzungart mang những bức tranh, bức ảnh của mình triển lãm ở nước ngoài, anh nhận ra rằng, nghệ thuật là con đường ngắn nhất để chúng ta hội nhập với thế giới.

Anh luôn cảm ơn số phận đã chọn cho mình một con đường để đam mê, để tìm được chính mình và luôn phải tiến về phía trước dù không phải lúc nào mọi thứ cũng phẳng phiu và lung linh như những khoảnh khắc bấm máy...

Thiên Kim – Minh Trí
.
.