EVFTA: Cơ hội từ một ”cú hích”
Sau khi được Quốc hội Việt Nam và Nghị viện châu Âu phê chuẩn, hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực, mở ra những cơ hội chưa từng có cho kinh tế Việt Nam.
Phạm vi rộng, cam kết cao
EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi rộng và mức độ cam kết cao. Về cam kết ưu đãi thuế quan, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu hiện tại của VIệt Nam sang EU. Sau 7 năm, EU sẽ xóa bỏ 99.2% số dòng thuế, tương đương 99.7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Đổi lại, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi hiệp định có hiệu lực đối với 48,5% số dòng thuế; sau 10 năm, theo đúng lộ trình, Việt Nam sẽ xóa bỏ 98,3% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch xuất khẩu của EU sang Việt Nam.
Bên cạnh cam kết về thuế, hiệp định cũng bao gồm các cam kết quan trọng liên quan đến các rào cản phi thuế quan. Theo đó, VIệt Nam phải tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành quy định về rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Hiệp định cũng có các điều khoản cụ thể giải quyết vấn đề các rào cản phi thuế quan đối với ngành ô tô; việc sử dụng chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm của EU và Việt Nam; các nguyên tắc cụ thể về các biện pháp vệ sinh dịch tễ...
EVFTA cũng bao gồm các nguyên tắc về mua sắm chính phủ; các cam kết về sở hữu trí tuệ; các nguyên tắc đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp dân doanh.
Đặc biệt, trong bối cảnh phát triển bền vững trở thành mục tiêu chung của toàn thế giới, trong EVFTA, các vấn đề thương mại có liên quan tới phát triển bền vững được trình bày toàn diện. Các cam kết này sẽ đảm bảo thương mại và đầu tư đi đôi với phát triển bền vững thay vì thúc đẩy thương mại, thu hút đầu tư bằng mọi giá.
EVFTA cũng bao gồm một hiệp định bảo hộ đầu tư để đảm bảo chính phủ hai bên có thể đưa ra các quy định bảo vệ quyền lợi chính đáng của công dân hai nước hoạt động đầu tư.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách an ninh của EU Monica Mogherini và Thủ tướng Liên bang Áo Sebastian Kurz tại Hội nghị cấp cao Á-Âu ASEM 2018. Nguồn: Liên minh châu Âu. |
Lợi ích và thách thức song hành
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ hai của EU trong khu vực ASEASN sau Singapore. Các mặt hàng Việt Nam xuất sang EU bao gồm thiết bị viễn thông, quần áo, thực phẩm. Các mặt hàng EU xuất sang Việt Nam bao gồm thiết bị máy móc và giao thông vận tải, hóa chất và nông sản. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp EU đầu tư vào Việt Nam với mong muốn thành lập một trung tâm sản xuất phục vụ thị trường khu vực Mê Kông.
Lợi ích lớn nhất của EVFTA chính là tạo cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu hơn với thị trường, cũng như mở ra triển vọng hợp tác, đầu tư từ các doanh nghiệp EU vào Việt Nam. Tuy EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhìn chung, năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam còn hạn chế. Việc xóa bỏ tới 99% các dòng thuế trong vòng 10 năm sẽ tạo cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU lợi thế quan trọng về giá.
Các ngành được dự báo hưởng lợi nhiều là những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam mà thuế nhập khẩu của EU hiện ở mức cao như dệt may, giày dép và nông sản. Không chỉ trong lĩnh vực xuất khẩu mà trong lĩnh vực nhập khẩu, doanh nghiệp Việt Nam cũng được hưởng lợi. Trước hết, các doanh nghiệp có thể tiếp cận với nguồn hàng hóa nhập khẩu, máy móc và trang thiết bị chất lượng cao, bởi EU có một hệ thống các quy định và tiêu chuẩn nghiêm ngặt đối với chất lượng hàng hóa.
Quan trọng hơn, điều này tạo ra một sức ép cạnh tranh đáng kể buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tập trung hơn vào việc nâng cao chất lượng của sản phẩm, cũng như tuân thủ các quy định của EU và quốc tế về vệ sinh, xuất xứ, bảo hộ trí tuệ.
Tuy nhiên, đi liền với cơ hội luôn là thách thức. Thách thức lớn nhất chính là một loạt quy định về rào cản kỹ thuật như vệ sinh, quy tắc xuất xứ, tỉ lệ nội địa hóa có thể gây khó dễ cho doanh nghiệp Việt Nam. Ngành da giày là một ví dụ. Tuy được đánh giá là ngành hàng được hưởng lợi nhiều nhờ EVFTA, trên thực tế, ngành da giày của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan.
Sản phẩm da giày xuất khẩu cũng thường không mang thương hiệu Việt Nam vì là hàng gia công cho nước ngoài. Điều này đặt ra thách thức cho doanh nghiệp da giày để vừa đảm bảo tuân thủ các quy định của FTA vừa xây dựng thương hiệu cho da giày Việt Nam.
Không chỉ gây áp lực cho doanh nghiệp, EVFTA cũng đặt ra thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong việc rà soát và điều chỉnh các quy định hiện tại, thiết lập các cơ chế thực thi và giám sát để đảm bảo việc triển khai EVFTA một cách đồng bộ, hiệu quả.
Thay đổi, hoặc không bao giờ
Một quan điểm mà các nhà kinh tế và chính trị gia luôn có thể nhất trí, đó là, trong sự phát triển của một quốc gia và nền kinh tế, nội lực luôn là yếu tố quyết định, còn ngoại lực chỉ đóng vai trò thúc đẩy. Các FTA thế hệ mới như EVFTA và CPTPP là những “cú hích” tạo đà phát triển; tuy nhiên, các FTA này chỉ phát huy hiệu quả khi có sự đồng lòng quyết tâm cao của chính phủ và các doanh nghiệp để chủ động tự điều chỉnh, bắt kịp xu thế hội nhập, phát triển của khu vực và thế giới.
Theo Bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), năm 2017-2018, Việt Nam đã tăng thêm 5 hạng để đứng vị trí 55/137 toàn cầu về mức độ cạnh tranh. Tuy nhiên, thế mạnh của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào quy mô thị trường và hệ thống giáo dục, y tế; trong khi đó cơ sở hạ tầng và đổi mới sáng tạo... vẫn là điểm yếu.
Các kì vọng về tác động của EVFTA có trở thành hiện thực, không chỉ nhờ vào “thiên thời, địa lợi” mà phụ thuộc phần lớn vào sự chuẩn bị và quyết tâm của Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam.