Euro 2016 và an ninh nước Pháp

Chủ Nhật, 12/06/2016, 10:21
Ngày 10-6, giải vô địch bóng đá châu Âu (Euro 2016) đã chính thức khai mạc tại Pháp. Diễn ra trong bối cảnh nước Pháp và châu Âu liên tiếp bị tấn công khủng bố nên việc tổ chức và bảo đảm an ninh cho Euro 2016 là công việc vô cùng khó khăn.

Đến hẹn lại… đình công!

Trước khi trái bóng tròn bắt đầu lăn trên 10 sân cỏ của Pháp, hàng loạt vụ bắt bớ nghi can khủng bố đã diễn ra.

Ngày 6-6, Ukraine thông báo đã bắt được một nghi can đang chuẩn bị tấn công khủng bố vào Euro 2016. Theo cơ quan an ninh SBU của Ukraine, thanh niên này bị theo dõi từ tháng 12-2015 và bị bắt vào ngày 21-5-2016 tại biên giới Ukraine-Ba Lan. Quá trình bắt giữ được quay phim toàn bộ, dưới nhiều góc quay khác nhau bởi nhiều camera, và được công bố bởi lực lượng an ninh Ukraine. Mặc dù vẫn còn nhiều nghi vấn trong vụ án này nhưng thông tin trên đã khiến chính quyền Paris và người hâm mộ bóng đá lo ngại.

Chưa hết, ngày 7-6, Tổng cục An ninh nội địa Pháp (DGSI) thông báo phát hiện trong 3.500 nhân viên an ninh được thuê bảo vệ các khu vực người hâm mộ tập trung xem các trận đấu qua màn hình lớn (fanzone) tại EURO 2016 có 82 người nằm trong danh sách "đen". Ban tổ chức Euro 2016 phải tổng huy động 90.000 người (77.000 cảnh sát, số còn lại là binh lính, tình nguyện viên, nhân viên bảo vệ) để bảo đảm an ninh cho giải đấu này.

Và theo phân tích của phần mềm chuyên dụng Christina, DGSI đã phát hiện trong 3.500 nhân viên an ninh của các công ty bảo vệ tư nhân có 82 người trong diện tình nghi là khủng bố, hoặc thuộc các thành phần cực đoan. Hồ sơ của 82 người này được lưu đặc biệt tại phần mềm chuyên dụng Christina, để phục vụ cho công tác phòng chống khủng bố.

Bảo vệ an toàn cho Euro 2016 là ưu tiên số một của an ninh Pháp.

Điều ám ảnh ban tổ chức là Pháp cùng Bỉ vừa chịu những đợt tấn công khủng bố gây thương vong chưa từng có. Vụ khủng bố tại Paris ngày 13-11-2015 khiến 130 người chết và 32 người tử vong tại Bruxelles ngày 22-3-2016 đã gây bàng hoàng cho toàn thế giới khi những kẻ thủ sát dễ dàng lọt qua các vòng an ninh của chính quyền để tiến hành xả súng, đánh bom...

Chưa kể là khi mùa Euro 2016 bắt đầu, xã hội Pháp bỗng trở nên căng thẳng do các cuộc bãi công của người lao động. Một ngày trước khi khai mạc giải bóng đá Euro 2016, cuộc đình công của nghiệp đoàn chuyên chở công cộng và phong trào biểu tình phản kháng dự luật lao động ở Pháp vẫn chưa kết thúc. Ngày 8-6, rác đã "bao vây" thủ đô Paris khi công nhân của một trung tâm xử lý rác lớn nhất châu Âu tổ chức đình công nhằm phản đối cải cách lao động của Chính phủ. Hoạt động của Công ty xe lửa quốc gia SNCF vẫn còn bị xáo trộn vì một bộ phận nhân viên đình công từ một tuần nay.

Các nghiệp đoàn và nhiều người dân Pháp tuyên bố không thay đổi quan điểm cần hủy bỏ dự luật cải cách lao động mới. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp vẫn kiên quyết không nhượng bộ. Dự kiến, một cuộc tổng đình công trên toàn nước Pháp sẽ diễn ra vào ngày 14-6 tới, đúng ngày Thượng viện Pháp bắt đầu thảo luận về dự luật cải cách lao động.

Nghi can âm mưu tấn khủng bố Euro 2016 bị Ukraine bắt và trao cho Pháp ngày 6-6.

Những cuộc đình công này sẽ gây thêm khó khăn cho ban tổ chức Euro 2016 trong việc vận chuyển các đội tuyển và các cổ động viên bóng đá từ khắp nơi trên thế giới đổ đến.

Hồi năm 1998, khi Pháp tổ chức Cúp bóng đá thế giới, các phi công Air France đã từng đình công ngay trước khi khai mạc sự kiện thể thao này, khiến 3/4 số chuyến bay trong khoảng thời gian đó đã bị hủy. Lần này kịch bản năm 1998 có thể sẽ lặp lại? Giới nghiệp đoàn phi công của Air France hôm 8-6 cũng thông báo không làm việc vào hai ngày cuối tuần này.

Paris cũng vừa trải qua trận lũ lịch sử. Theo tin mới nhất, nước đang rút đi nhưng thiệt hại tài sản của tư nhân, xí nghiệp và hệ thống giao thông sẽ rất nghiêm trọng.

30 kịch bản chuẩn bị đối phó tình huống có tấn công khủng bố

Trong bối cảnh ấy, việc bảo đảm an toàn cho trên 7 triệu người đến nước Pháp tham gia và xem giải Euro 2016 là trách nhiệm vô cùng nặng nề với chính quyền Paris. Ban tổ chức đã lập ra ít nhất 30 kịch bản bị tấn công khủng bố nhằm chuẩn bị đối phó với các sự cố có thể xảy ra trong khuôn khổ Euro 2016.

Khi khán giả rời sân vận động Lyon sau trận đấu giữa Bắc Ireland và Ukraine, hai kẻ đánh bom liều chết kích hoạt khối thuốc nổ mang trên người giữa đám đông. Nhiều người chết và bị thương cùng đám đông hoảng sợ sau vụ nổ. Cảnh sát lập tức xuất hiện để sơ tán khán giả tới nơi an toàn và sơ cứu những người bị thương, Guardian đưa tin. Tình huống trên là một trong ít nhất 30 kịch bản "ngày tận thế" mà cảnh sát và lực lượng an ninh Pháp lập ra để rèn luyện khả năng phản ứng nhanh trong thảm họa.

Một fanzone.

Trong suốt 2 tháng qua, lực lượng an ninh Pháp lặp đi lặp lại các bài tập nhằm đối phó với những kẻ đánh bom liều chết hoặc các vụ tấn công bằng vũ khí sinh, hóa học vào người hâm mộ. Theo nhà chức trách, 90.000 nhân viên an ninh được triển khai cho Euro 2016, bao gồm 42.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh và 10.000 binh sĩ. Họ sẽ đảm trách nhiệm vụ tuần tra trên khắp nước Pháp để chống khủng bố. Nó được gọi là Chiến dịch Sentinelle.

Tại các sân vận động, các biện pháp an ninh đang được tăng cường nhằm khắc phục những vấn đề tương tự sự cố trong trận chung kết cúp quốc gia Pháp giữa Paris-Saint Germain và Olympique de Marseille hồi tháng trước. Theo Chính phủ Pháp, khán giả muốn vào xem các trận bóng trong khuôn khổ Euro 2016 sẽ phải trải qua vòng khám người và kiểm tra giấy tờ tùy thân.

Cảnh sát vũ trang sẽ tuần tra tại trung tâm các thành phố, khu vực quảng trường hay sân bay trên khắp nước Pháp trong dịp diễn ra Euro 2016. Các fanzone cũng được tăng cường bảo vệ. Tại fanzone ở Paris, người ta lắp đặt màn hình khổng lồ dưới chân tháp Eiffel, cho phép 90.000 người hâm mộ cùng theo dõi các trận đấu.

Nhà chức trách Pháp cảnh báo họ không chịu trách nhiệm bảo vệ những người hâm mộ xem bóng đá tại các điểm tự phát ngoài khu fanzone. Tuy nhiên, nhiều chính khách Pháp cho rằng các khu dành cho người hâm mộ là mục tiêu dễ dàng cho những kẻ khủng bố, làm mỏng lực lượng cảnh sát và cần được dẹp bỏ.

Xe ngập nước tại thị trấn Villeneuve-Trillage, ngoại ô Paris ngày 3-6.

Theo các kết quả thăm dò, phần lớn người dân Pháp không muốn dẹp bỏ fanzone. Để đảm bảo an toàn, cảnh sát sẽ lắp đặt máy dò kim loại và máy quay giám sát ở các khu vực fanzone. Người hâm mộ không được mang ba lô, mũ bảo hiểm hoặc các biểu ngữ gây khó chịu vào khu vực dành riêng cho việc theo dõi các trận cầu, ông Michel Cadot, cảnh sát trưởng Paris, nhấn mạnh.

Tổng cộng có gần 250 triệu euro được chi trả cho công tác an ninh cho 10 sân vận động tổ chức Euro 2016. Để vào được sân theo dõi trận đấu, người hâm mộ cũng phải trải qua ít nhất 3 lần kiểm tra an ninh trước khi có thể yên vị trên khán đài.

Ngày 8-6, Bộ Nội vụ Pháp đã công bố một phần mềm mà người dùng có thể tải miễn phí từ Apple Store và Android, để nhận được những cảnh báo quan trọng trong trường hợp xảy ra các sự cố thiên tai, cháy nổ, đặc biệt là khủng bố. Phần mềm này có tên SAIP (viết tắt của Hệ thống báo động và thông tin đến người dân). Muốn sử dụng, người dùng phải đăng ký vị trí của mình hoặc chấp nhận được theo dõi bởi hệ thống định vị.

Ngoài vấn đề khủng bố, cảnh sát Pháp còn phải đương đầu với các cổ động viên quá khích hoặc đụng độ giữa những người hâm mộ. Nhằm hạn chế vấn đề này, khoảng 3.000 cổ động viên quá khích đã bị cấm nhập cảnh vào Pháp. Cảnh sát quốc tế sẽ góp mặt ở Pháp để ngăn chặn các phần tử quá khích. Một số trận đấu được đưa vào diện giám sát đặc biệt, chẳng hạn trận giữa các đội tuyển Anh và Nga; Đức và Ba Lan hay Thổ Nhĩ Kỳ và Croatia.

Đình công tại trung tâm xử lý rác ở Ivry-sur-Seine.

Chuẩn bị kỹ như thế nhưng chính nội bộ cảnh sát, quan chức cao cấp và chuyên gia nước này thừa nhận không thể bảo vệ an toàn giải đấu này trước bọn khủng bố.

Sau các vụ khủng bố tại Paris và Bruxelles, nhiều người khẳng định rằng một sự kiện tầm cỡ như Euro 2016, thu hút hàng triệu người cùng với các phóng viên báo chí trên toàn thế giới, diễn ra từ ngày 10-6 đến 10-7-2016, gần như không thể bảo vệ nổi. Những kẻ nào khủng bố được sẽ tạo tiếng vang chưa từng thấy.

Một thành viên đơn vị chống khủng bố Pháp nói với hãng thông tấn AFP: "Đối với Euro 2016, thực sự chúng tôi rất khủng hoảng. Tôi vừa tham dự một hội nghị với ban tổ chức. Họ muốn biết nếu bị tấn công, liệu các trận thi đấu có thể nối lại vào hôm sau hoặc hôm sau nữa hay không. Tôi rất bực, hỏi lại: 'Phải có bao nhiêu người chết thì mới dừng lại?'

Tệ hại nhất là các khu vực dành cho người hâm mộ. Làm thế nào bảo vệ nổi? Hơn nữa, chúng tôi biết rằng nhiều địa phương thực sự do dự, có ý định hủy bỏ các trận đấu. Họ thậm chí không tìm được các nhân viên bảo vệ tư nhân trên thị trường. Và dù sao đi nữa, trách nhiệm ngăn trở điều tồi tệ xảy ra không phải thuộc về họ".

Các vụ tấn công vào các nhà hàng và quán cà phê Paris thời gian qua đã chứng tỏ rằng việc nổ súng vào các "mục tiêu dễ ăn" gồm những thường dân vô tình tụ tập lại, có thể gây tác động rất mạnh. Nếu giữ nguyên các khu vực khép kín dành cho người hâm mộ - dự kiến sẽ có khoảng 7 triệu người mê bóng đá tụ họp lại để xem trước màn ảnh lớn - thì chỉ cần tấn công vào một quán bar đông khách ở cách đó chừng một trăm mét để khủng bố Euro 2016. Tuy gián tiếp, nhưng kết quả gây hoảng loạn là tương tự.

Một nguồn tin cảnh sát khẳng định với AFP: "Tìm cách trả đũa bọn khủng bố vốn có thể tấn công vào mọi lúc với các khẩu súng, là điều bất khả thi. Nhưng không thể hủy bỏ một sự kiện như thế, cho dù mối đe dọa khủng bố là cao độ, có thể bị tấn công. Không cho công chúng xem các trận thi đấu, hay bỏ các khu vực dành cho fan bóng đá không phải là giải pháp, vì sẽ mang lại một hình ảnh thảm hại cho giải đấu. Chúng tôi chuẩn bị đối phó trong trường hợp bị tấn công, và đáng buồn thay, điều này có khả năng xảy ra".

Yves Trotignon, từng là nhà phân tích chống khủng bố của DGSE (cơ quan phản gián Pháp), nói: "Không ai có thể tự cho phép hủy bỏ giải Euro vì sự kiện quan trọng này mang tính biểu tượng và cả về kinh tế nữa. Cần phải bình tĩnh vượt qua. Nhưng mọi người đều ngần ngại, và họ có lý".

Ông nói thêm: "Cơn ác mộng tệ hại nhất là phải đối đầu với các êkíp khủng bố hùng hậu như ở Bruxelles. Bọn chúng có dư thời gian để chuẩn bị: ngày giờ và địa điểm đã biết rõ, tha hồ đi thám sát. Cũng như tấn công một ngân hàng: bọn cướp có thể dành nhiều tháng trời để nghiên cứu trước.

Ác mộng thứ hai, là hành động đơn lẻ của một kẻ nào đó. Hắn ta hoàn toàn độc lập, không có dấu hiệu gì để có thể phát hiện trước: không có cuộc điện thoại hay thông điệp nào được phát đi. Không thể tránh nổi!".

Ngoài vai trò về mặt chính trị và kinh tế, giải Euro 2016 cũng sẽ ảnh hưởng đến việc chọn lựa thành phố chủ nhà cho Thế vận hội tiếp theo. Paris là ứng cử viên cùng với nhiều thành phố khác, trong đó có Los Angeles.

Pascal Boniface, một người yêu bóng đá và là Giám đốc Viện Quan hệ Chiến lược Quốc tế (IRIS), xác nhận: "Đối với Pháp cũng như mọi nước khác, vấn đề an ninh hết sức quan trọng. Nhưng cần phải nói sự thật: không thể không có nguy cơ nào. Chẳng có gì dễ dàng hơn là tổ chức một vụ khủng bố. Bạn bảo vệ 1.000 mục tiêu, và chính là mục tiêu thứ 1.001 sẽ bị nhắm đến (…) Việc lái xe hơi chạy qua và xả súng vào một đám đông người đi bộ, là nằm trong khả năng của nhiều người".

Các quan chức an ninh tại Pháp đang tính đến những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. AFP dẫn nguồn một quan chức an ninh Pháp cho biết nếu có bất kỳ trường hợp thương vong nào xảy ra, rất có thể Euro 2016 sẽ phải hủy bỏ, và các đội bóng nước ngoài sẽ lập tức rời khỏi Pháp.

Mộc Thạch (tổng hợp)
.
.