FED thay đổi chính sách: Tinh tế hay mạo hiểm?
Giới chuyên gia đánh giá sự thay đổi này, vốn đi đi ngược xu hướng ưu tiên lạm phát thấp trong suốt 40 năm qua của FED, và được các quan chức FED ca tụng là một “sự thay đổi tinh tế”, sẽ có những tác động sâu sắc đối với phố Wall, người lao động và người tiêu dùng.
Ai hưởng lợi?
40 năm trước, chính Jerome H. Powell - Chủ tịch đương nhiệm của FED - từng nói rằng vấn đề lớn nhất đối với nền kinh tế là lạm phát tăng cao. Chủ tịch FED khi đó là Paul Volcker đã giảm lạm phát bằng cách tăng lãi suất lên hai con số. FED sau đó cũng đã sẵn sàng tăng lãi suất ngay cả khi lạm phát đã được chế ngự. Tuy nhiên, sau này, FED đã buộc phải thận trọng xem xét lại và các thành viên Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) nhận ra rằng họ cần phải suy nghĩ lại toàn bộ hoạt động.
Mục tiêu của sự thay đổi chính sách đã được các quan chức FED nhất trí thông qua sau nhiều tháng nghiên cứu này không nhằm giải quyết các vấn đề kinh tế tức thời do suy thoái do đại dịch gây ra. Tuy nhiên, việc nhận thức được rằng chuẩn lãi suất của FED có thể sẽ duy trì ở mức gần bằng 0 như hiện tại trong một thời gian dài - theo giới phân tích thì có thể là trong vài năm - có thể giúp các công ty tự tin hơn để đầu tư và tuyển dụng.
Chủ tịch Jerome H. Powell cam kết FED sẽ tiếp tục sử dụng “đầy đủ các công cụ” của mình để kích thích nền kinh tế. |
Người sử dụng lao động và các hộ gia đình cũng có thể hưởng lợi từ việc đi vay tiền mua nhà, mua ôtô và các khoản vay khác với lãi suất thấp. Và về lâu dài, nếu giai đoạn lãi suất thấp kéo dài có thể hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kéo theo tỷ lệ thất nghiệp giảm hơn nữa thì những người lao động có hoàn cảnh khó khăn thường là những người cuối cùng được hưởng lợi từ quá trình mở rộng kinh tế dài hạn.
Chủ tịch FED Jerome H. Powell cho biết cách tiếp cận mới phản ánh thực tế rằng sự tăng trưởng kinh tế tiềm năng đã chậm lại và mối đe dọa lạm phát cao đã giảm bớt trong những năm qua, ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp thấp. Trong hơn một thập niên, tỷ lệ lạm phát hằng năm đã liên tục vượt mục tiêu 2% của FED. Khi cân nhắc về sự đánh đổi giữa lạm phát và thất nghiệp, FED quyết định ưu tiện nỗ lực tối đa hóa việc làm, bao gồm điều mà ông Powell gọi là “sự đánh giá cao của chúng tôi đối với những lợi ích của thị trường lao động mạnh mẽ, đặc biệt là đối với nhiều người trong các cộng đồng có thu nhập thấp và trung bình”. Theo ông Powell, FED sẵn sàng sử dụng hàng loạt công cụ để hỗ trợ nền kinh tế.
Đánh giá về tác động của quyết định thay đổi chính sách này đối với các thị trường, ông Daniel Moss, chuyên gia phân tích phụ trách chuyên mục kinh tế châu Á của tờ Bloomberg, cho rằng các nền kinh tế châu Á được hưởng lợi nhiều hơn cả từ sự thay đổi này: “FED đã bật đèn xanh cho các nền kinh tế châu Á tăng tốc trong thập niên tới", ông nói. Theo ông Moss, điều này sẽ mang lại cho châu Á “cơ hội để chữa lành một vài trong số nhiều vết sẹo sâu nhất mà đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) đã gây ra. Rủi ro của việc tăng trưởng nóng sẽ giảm trong nhiều năm".
Đây cũng là một tin vui cho thị trường vàng khi mà FED đã làm đồng USD và lợi suất trái phiếu giảm, giúp giá vàng tăng tốc. Trao đổi với CNN, Ed Keon, Giám đốc Quỹ QMA (Mỹ) cho biết kể từ khi FED quyết định duy trì mức lãi suất gần bằng 0, đồng USD đã giảm 3% so với các đồng tiền khác. Với lãi suất như vậy, đầu tư vào vàng tốt hơn nhiều so với gửi tiền vào ngân hàng.
Thị trường chứng khoán cũng đã đạt mức cao kỷ lục sau khi tuyên bố về sự thay đổi chính sách của FED được đưa ra. Chỉ số S&P 500 đã tăng vào ngày 27-8, đóng cửa đạt mức kỷ lục trong 5 ngày liên tiếp và sau đó một lần nữa vào ngày 28-8, chỉ số cũng đóng cửa ở mức kỷ lục 3.508,01.
Những rủi ro
Mặc dù ông Powell đã nói nhiều về những lợi ích tiềm năng mà cách tiếp cận mới của FED đối với chính sách tiền tệ có thể mang lại, song cũng có những mặt trái đầy rủi ro. Các nhà phân tích lo ngại rằng một giai đoạn lãi suất thấp kéo dài quá có thể kích động sự đầu cơ và dẫn tới một sự gia tăng giá tài sản ở mức nguy hiểm.
Chính sách mới sẽ cũng thúc đẩy sự gia tăng nợ nần và giúp nhiều công ty xác sống có thể duy trì và từ đó, nguồn vốn có thể được sử dụng hiệu quả hơn bị mắc kẹt trong chúng, góp phần vào mức tăng trưởng kinh tế không ổn định, khiến lạm phát thấp và tỷ lệ lãi suất thấp kéo dài.
Chính sách mới của FED vì vậy đang đặt ra nhiều nghi vấn hơn là đem lại những câu trả lời xung quanh việc thực thi và đặc biệt là cách thức nó đạt được các mục tiêu lạm phát mà suốt thập niên qua vẫn là điều khó nắm bắt. Trong một lưu ý đưa ra ngày 28-8, Aneta Markowska, nhà kinh tế trưởng thuộc tập đoàn tài chính Jefferies đã đặt câu hỏi “liệu FED sẽ chịu đựng được mức lạm phát bao nhiêu”?
Điều gì sẽ xảy ra nếu tỷ lệ lạm phát tăng hơn nhiều so với mức 2% và duy trì ở đó trong một thời gian dài? Liệu FED có thực sự dứt khoát tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát không? Theo giới chuyên gia, sự thiếu rõ ràng về những chi tiết xung quanh sự thay đổi chính sách này có thể tạo ra thêm nhiều hoài nghi với thị trường trong dài hạn. Mặc dù sự thay đổi này mang ý nghĩa của một sự giảm lãi suất kéo dài nhưng những dự báo về sự biến động của thị trường có thể tăng lên mà không có chỉ dẫn nào về về cách mà chính sách mới của FED sẽ được thực thi.
Bình luận về điều này, Robert Eisenbeis, nhà kinh tế tiền tệ trưởng tại hãng tư vấn Cumberland Advisors, lưu ý: “Về sự thay đổi trong cách mà Ủy ban nhìn nhận về mục tiêu lạm phát của mình, vẫn còn nhiều chi tiết chưa được đề cập và quá trình xem xét kỹ lưỡng kéo dài cho thấy cách tiếp cận mới này có thể thực sự làm phức tạp hóa các tiến trình, cả truyền đạt lẫn thực thi”.